Giữa năm nay, giới làm Cà phê Đặc sản (Specialty Coffee) xôn xao khi Will Frith về nước. Sau nhiều năm làm việc như một chuyên gia quản lý chất lượng cho nhiều công ty rang xay cà phê ở Mỹ và sau này là Singapore, Will Frith trở về Việt Nam năm 2013 với một sứ mệnh riêng.
Đó cũng là thời kì chập chững của nhiều người Việt có chung niềm đam mê. Frith đồng hành cùng họ, những người đến nay đã trở thành những đàn anh có tiếng trong ngành. Đến nay, công chúng biết đến anh chủ yếu dưới như một kiểu người hùng (ngây thơ) tìm cách cứu thế giới, hay một chàng Việt Kiều rảnh rỗi tìm về đất mẹ và cứu vớt một thứ văn hoá thưởng thức bản xứ mà số đông vốn chẳng quan tâm đào sâu.
Tôi thì chẳng bao giờ muốn làm đúng kiểu người ta đã làm, cho dù làm vậy thì dễ hơn và có lắm người đọc. Tôi thích câu chuyện của một người trước khi thành một anh hùng, hay chuyên gia, hay danh xưng gì-cũng-được. Vì thế sau khi nghiên cứu qua tất cả những dấu vết kĩ thuật số lưu lại về anh, tôi đã nghĩ: “Chắc hẳn có nhiều điều hơn thế về anh chàng này”.
Trong lúc đó tôi lại đang bận tâm đến hiện trạng “tuổi trẻ lạc lối”, một dấu chấm hỏi rất lớn mà lứa chúng tôi đối mặt. Tôi nhìn vào những người như Frith và thấy lạ nhỉ, báo chí lúc nào cũng làm như bùm phát người ta thành anh hùng ngay được. Nhưng tôi muốn mang lại cả những câu chuyện trước đó, những khó khăn anh đã phải đối mặt, những điều bất như ý và cách anh nhìn nhận nó. Hẹn anh trước buổi phỏng vấn chính thức tại Là Việt, tôi bất ngờ vì anh trông rất trẻ, lãng tử và đẹp trai hơn trong hình. Chúng tôi làm quen rất nhanh, cái chính là anh cũng thích mấy câu hỏi và rồi tôi nói sơ lược về định hướng phỏng vấn. Đẩy kính lên sống mũi, anh nhoài người hẳn về phía trước và nói “Bây giờ tôi thấy thú vị hơn nhiều rồi.” Anh chắc hẳn đã phát ốm vì những lối tiếp cận cũ mòn qua nhiều cuộc phỏng vấn thuần về cà phê rồi.
Hẹn anh trước buổi phỏng vấn chính thức tại Là Việt, tôi bất ngờ vì anh trông rất trẻ, lãng tử và đẹp trai hơn trong hình. Chúng tôi làm quen rất nhanh, cái chính là anh cũng thích mấy câu hỏi và rồi tôi nói sơ lược về định hướng phỏng vấn. Đẩy kính lên sống mũi, anh nhoài người hẳn về phía trước và nói “Bây giờ tôi thấy thú vị hơn nhiều rồi.” Anh chắc hẳn đã phát ốm vì những lối tiếp cận cũ mòn qua nhiều cuộc phỏng vấn thuần về cà phê rồi.
Vì vậy tôi quyết định đóng góp cuộc phỏng vấn với Frith dưới góc độ của một người trẻ, với những chuyến phiêu lưu không định hướng. Câu chuyện tham khảo cho các bạn trẻ nói chung, đào sâu hơn về những ảnh hưởng tuổi thơ, những con người bên cạnh anh, và cách tiếp cận vấn đề của anh khi còn trẻ. Tất nhiên chúng tôi cũng nói về Chất lượng cà phê và Phát triển Bền vững. Và cuối cùng, tôi vẫn đặt tên chủ đề với chữ “Café” dưới hàm nghĩa những kết nối người-với-người bên ly cà phê, chứ không phải một thứ đồ uống ám ảnh. Các bạn có thể nghe Radio hoặc đọc đều được, vì tôi cung cấp cả script song ngữ Anh – Việt phía bên dưới. Giọng Will thì rất trầm ấm, kiểu tôi vẫn thích.
Lắng nghe [Link nghe] Phỏng vấn Will Frith trong CLB Cà phê tại gia của chú Sơn (Sơn Pacamara)
Chào cả nhà!
Hôm nay trong số thứ #3 trên radioshow của chúng ta, bạn sẽ phải chịu đựng lối nói Anh ngữ tồi tệ của tôi. Chúng ta sẽ trò chuyện cùng Will Frith, một chuyên gia cà phê đã đào tạo rất nhiều barista và nhà rang xay cà phê tại Việt Nam. Từ năm 2003, với sứ mệnh đi tìm Arabica chất lượng cao trên vùng núi Đà Lạt, anh đã gặp gỡ và hiện tại tư vấn cho chủ các quán cà phê đặc sản (specialty coffee), bao gồm Là Việt tại Đà Lạt, [A] Cafe, The Workshop & Bosgaurus tại TPHCM. Ngày nay, Thanh Nien News cũng coi anh là “người hùng của cà phê Việt Nam”.
Hi Frith!
Hello!
Tôi được biết anh là người Mỹ gốc Việt phía bên mẹ.
Yes! Đúng vậy.
Bà ấy là người thế nào? Bà đóng vai trò gì trong tuổi thơ anh?
Bà ấy tạo ra tôi. Bà luôn là sự ảnh hưởng tích cực với tôi chỉ bằng cách bà hiện diện trên thế giới này. Bà là người cởi mở và luôn ủng hộ tôi cho dù những thú vui của tôi có phù phiếm thế nào, hay những nối quan tâm của tôi. Và bà luôn ủng hộ tôi theo đuổi những mối quan tâm đó. Tất nhiên bà cũng cho tôi biết rằng bà thích tôi trở thành kĩ sư hay bác sĩ, nhưng bà cũng hiểu rằng mình không thể thúc ép tôi làm bất cứ cái gì, bởi bà cũng bị thúc ép bởi bố mẹ mình và bà hiểu đó không mang lại hiệu quả. Và bà lao động. Bà và bố tôi hay làm nhiều công việc trong nhiều ngày để hỗ trợ chúng tôi. Để mang đến cho tôi và em trai một cuộc sống thoải mai mà không phải lo lắng quá nhiều về những điều cơ bản. Vì vậy họ thường hi sinh bản thân để mang lại điều tốt đẹp cho chúng tôi. Những hỗ trợ nói chung. Bà có ảnh hưởng tốt lên tôi. Bà có nhiều bạn bè và khéo giữ gìn liên lạc với mọi người. Tôi thì không thừa hưởng được kĩ năng đó từ bà. Nhưng bà là một người rất quảng giao và việc này dạy tôi tầm quan trọng của việc giữ gìn các mối quan hệ thật tốt và bền chặt, và không phải lo lắng về việc quan hệ như vậy sẽ mang lại cái gì. Nhưng cứ tin tưởng rằng những điều tốt đẹp sẽ đến từ đó.
Ồ. Và tôi đã thấy rằng khi nhiều người trẻ khi chứng kiến những hi sinh của cha mẹ, họ dường như không thể tìm được lối đi cho riêng mình vì nghĩ rằng họ muốn hỗ trợ cha mẹ nghỉ hưu càng sớm càng tốt, hoặc mang lại cho cha mẹ những điều họ chưa có trong giai đoạn chiến tranh hoặc trong giai đoạn họ phải chật vật kiếm sống. Anh thì sao? Anh có trăn trở điều tương tự?
Không. Vấn đề là từ nội tại. Thường thì tôi không có áp lực nào. Mẹ tôi không bao giờ đề cập đến nó. Bà không phải lúc nào cũng nhắc nhở rằng ngày nào đó tôi sẽ phải lo cho bà. Bà chỉ cho đi - thực sự là bà cho tôi tất cả mà không trong đợi được trả lại. Bà chỉ đảm bảo rằng tôi có tất cả, không chỉ điều tôi cần mà còn điều tôi muốn. Và bà cũng tham gia rất tích cực vào những mối quan tâm của tôi. Vì vậy khi tôi thích bóng chày, bà đến xem tôi chơi và cũng chơi bắt bóng cùng tôi. Bố cũng thế, nhưng tôi không nghe nhiều cậu con trai kể về mẹ họ chơi thể thao, bạn biết đấy. Có lúc nào đó tôi hứng thú với video games và bà cùng tôi chơi mấy trò Atari cùng nhau. Và chúng tôi thậm chí còn đánh cược 1 ít tiền vào mấy trò này cho vui. Và khi tôi quan tâm đến các cô gái, bà sẽ cho tôi đến các trung tâm thương mại với ít tiền để tôi mua vài thứ cho họ. Bà đã luôn cho phép tôi làm tất cả mọi thứ tôi muốn.
Bà có phải là người gây ảnh hưởng lớn nhất lên anh?
Không, cả hai người họ. Bố tôi có đạo đức nghề nghiệp rất vững. Bố có một chút khắc kỷ vì vậy bạn sẽ không bao giờ biết cảm xúc của ông ấy. Nhưng không phải kiểu không có cảm xúc. Ông ấy chỉ không để lộ ra. Và họ đều làm việc rất chăm chỉ. Bạn biết không, họ dạy tôi giá trị khi ta làm việc tốt, sự khác biệt giữa “làm việc” và “việc làm”. Bạn có thể có nhiều ‘việc làm' nhưng phải luôn ‘làm việc' tốt. Và đó là bài học tôi được học đi học lại khi lớn lên.
Có phải bố là người đã mang đến cho anh trải nghiệm đầu tiên với cà phê?
Đúng. Vì mẹ tôi không uống, bà là người uống trà.
Trải nghiệm thế nào?
Bố tôi cũng thử nếm cà phê. Tôi sẽ không đánh giá ông ấy nhưng tôi đánh giá cà phê. Nó khá tệ. Bố thích một hãng khá nổi ở Mỹ là Folgers, thứ đơn giản là không tốt nhưng mùi cà phê luôn bao quanh nhà tôi và tôi gắn nó với bố mình.
Okay. Kể tôi nghe về những năm tuổi thiếu niên của anh đi. Anh có ám ảnh với thứ gì không?
Tôi bị ám ảnh nhiều thứ. Đầu tiên là thể thao khi tôi còn rất nhỏ. Và khi tôi đến tuổi thiếu niên tôi trở nên hứng thú với video games nhiều hơn, và vô số những thứ của văn hoá Pop, như nhiều loại đồ chơi và phụ kiện. Họ [bố mẹ tôi] đều đảm bảo tôi có nhiều nguồn để theo đuổi thú vui cho dù vô bổ chăng nữa. Thời niên thiếu, tôi đã khám phá Punk rock. À phải bắt đầu với nhạc Rap trước, và thế là tôi nghe Gangster Rap vài năm và thích nghe mấy tù chửi thề trong nhạc. Cảm thấy nó thật gai góc. Cho dù tôi không phải đứa trẻ hư. Nhưng tôi thích nó, có điều gì đó trong đó trò chuyện được với tôi và tôi thích sự hư hỏng của những anh chàng đó. Tôi xem họ như những hình tượng. Nhưng rồi bạn biết đấy, tôi thấy rõ đó là điều không không muốn trở thành và vì vậy nó như là 1 kiểu tìm hiểu văn hoá thay vì thú vui thực. Và rồi ai đó đã dẫn tôi đến Punk Rock khiến tôi say mê nó. Đến cùng âm nhạc là nghệ thuật. Punk rock không chỉ như Rock & Roll, lối sống và nghệ thuật đóng vai trò khá lớn trong đó. Vì thế tôi cũng hứng thú với nghệ thuật thị giác (visual art). Tôi đã luôn vẽ tranh khi mới lớn. Punk đã cho tôi chút dẫn dắt, một lối biểu lộ bản thân. Qua Punk, tôi đã hứng thú với Chính trị và Văn hoá, và rồi tất nhiên gu nhạc của tôi phát triển thêm một chút. Và tiếp theo tôi lại thích Reggae và rồi đến Modern Rock và cứ thế...
Thế lúc đó anh có cho mình là người khác biệt so với người khác không?
Có. Lớn lên ở Texas, tôi được bao quanh bởi không người da đen thì da trắng nhưng không có nhiều người châu Á. Mẹ tôi, khi bà đến Liên Bang, bà đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống trước đó. Bà đau đớn về đất nước mình và việc bỏ lại quê hương cùng gia đình. Và rồi bà bắt đầu lại, sẵn sàng từ bỏ hết. Vì thế tôi được nuôi lớn kiểu Mỹ nhưng lại trông không giống ai quanh mình. Bà thường có những chuyến đi cuối tuần đến Houston để gặp cộng đồng châu Á và mang ít thức ăn về nhà. Và chúng tôi có trải nghiệm song song: sống kiểu Mỹ với một người hứng thú về những thứ châu Á. Tôi chắc chắn là không có cùng trải nghiệm như nhiều bạn bè khác.
Tôi nhớ khi đọc trang FAQ (Câu hỏi thường gặp) trên website của anh, tôi nhấn mạnh rằng anh không phải kiểu ‘Hyphenated American' (chú thích: từ chỉ có tính kì thị với những người không có gốc Mỹ). Nhưng, “có tính Mỹ như bất kì người bạn nào cũng sinh ta tại Mỹ.” Nghe có vẻ như người ta thường hiểu nhầm hay có thể là kì thị nguồn gốc của anh à?
Cũng không nhiều kì thị lắm. Như nhiều thiểu số khác tại Mỹ, người châu Á cũng được dễ chịu. Đôi khi chúng tôi cũng bị trêu đùa nhưng không nhạy cảm lắm. Và thực sự vô hại...không ai đùa cợt tôi. Nhưng cũng luôn có kiểu vậy. luôn có một sự mơ hồ về việc không thực sự khớp với điều gì. Nhưng tôi gặp kiểu các nhà hoạt động châu Á áp đặt quan điểm lên mình và mong đợi tôi tham gia câu lạc bộ châu Á hoặc dạng thế. Và điều đó với tôi đơn giản là tác dụng ngược. Sao ta không đơn thuần chơi với nhau thôi?
Thế anh nói gì với họ?
Tôi làm bạn với họ. Gật gù rồi cười rồi nói “nghe hay đó.” Tôi sẽ lịch sự nhưng không bao giờ xuất hiện trong các buổi tụ tập của họ. Và bạn biết không, chưa có ai từng thúc ép cả. Đơn thuần là họ nghĩ tôi sẽ hứng thú theo cách nào đó thôi. Và có thể là, nghĩ lại thì có thể nếu tôi có tham gia tích cực hơn chút, tôi có thể đã có hiểu biết phong phú về bản thân và lý lịch của mình. Nhưng tôi cũng sẽ không đánh đổi những điều tôi đã làm cho bất cứ cái gì, bởi tôi thấy là dù sao mình cũng có giàu kinh nghiệm, chỉ bằng việc nhìn nhận thế giới như tôi đã nhìn.
Và anh bao nhiêu tuổi khi anh quay lại, à không - không phải quay lại, lúc anh đến Việt Nam năm 2004?
Năm 2004. để tôi tính xem. Tôi sinh năm 77 và tức là gần 30 tuổi. Tôi 27 tuổi lúc đó.
27 tuổi. Vậy vào thời điểm đó anh sành sỏi về cà phê chưa?
Không hẳn. Ý niệm về cà phê được gắn với chỗ ăn tối. Bởi đó là chỗ tôi thích học hơn. Tôi không thích thư viện, quá khô khan. Và thế là tôi xuất hiện đâu đó chỗ mấy góc ăn tối, và được đổ đầy cà phê không giới hạn với tư cách một sinh viên. Tôi chẳng có nhiều tiền, vì thế cà phê được đổ đầy miễn phí thật tốt. Tôi mua mấy món ăn sáng kinh khủng và uống 1 đống cà phê và cứ thế học rồi tụ tập vài đứa bạn.
Vậy thời điểm đó anh đã có dự tính rõ ràng chưa?
Chưa. Tôi sẽ không nói là tôi bị lạc lối, mà là ‘’vô phương hướng”. Tôi lang thang không định hướng và ngay sau cao đẳng tôi học ngành Văn Học. Chả có nhiều điều để làm trừ khi thành giáo viên. Tôi không có đủ kỉ luật để thành nhà văn mặc dù tôi được tất cả giáo viên khen ngợi kĩ năng viết, nhưng tôi không muốn theo đuổi nó. Là giáo viên thì là một khả năng xa vời và không phải thứ tôi muốn làm lúc đó. Vì thế tôi chẳng biết làm gì. Điều tôi biết là mình muốn khám phá và học hỏi về thế giới và con người. Và tôi có nhiều ý niệm về văn hoá Châu Á. Khi tôi còn niên thiếu, tôi quên mất tôi có ý niệm đó đâu ra rồi, chắc hẳn là từ mấy bài hát Punk về Phật giáo. Và tôi cũng nhớ là mẹ đã luôn đi đền chùa vào dịp lễ khi thăm cộng đồng châu Á, và thỉnh thoảng tôi cũng đi với bà. Và nó luôn là mấy nơi kì lạ và lý thú nhưng không đủ cuốn hút với tôi. Và giờ thì tôi đã hiểu rằng đó là phiên bản Phật giáo theo kiểu thờ phụng tín ngưỡng nhiều hơn là tính triết lý của nó mà tôi hiểu ngày nay.
Và qua những bài hát Punk tôi học thêm về điều đó và tôi kiểu như bị ám ảnh, và bắt đầu đọc mấy thứ và dần hứng thú với Nhật Bản, rồi qua đó học về Thiện Phật giáo (Zen Buddhism). Chỉ là học một mớ rồi quên hết những điều quan trọng khá nhanh sau đó, bởi sẽ có điều gì đó thu hút sự chú ý và thế là tôi lại theo đuổi nó. Và thế là tôi đến châu Á lần đầu, xuống Côn Minh (Trung Quốc), thủ phủ tỉnh Vân Nam. Chúng tôi không rõ ràng gì. “Chúng tôi" tức là Kelly vợ tôi và tôi, đơn thuần muốn rời xa Texas và đi ra ngoài thế giới. Bạn của chúng tôi mới chuyển đến Côn Minh nửa năm trước đó và nói “ Sao các cậu không đến đây sống với chúng tớ rồi tự nghĩ xem sẽ muốn đi đâu tiếp theo?”. Và chúng tôi làm thế một thời gian. Tôi sống ở đó nửa năm và không thực sự có trải nghiệm văn hoá. Chỉ là khám phá những thứ nhỏ mỗi ngày, cũng hay. Và rồi tầm 5 tháng sau, tôi đang nói chuyện điện thoại với mẹ thì biết rằng bà đang ở Việt Nam cùng gia đình. Bà nói “Con trai, con đang ở châu Á mà. Sao các con không xuống đây?”, và tôi nói: “Okay, ý hay, con sẽ đi.” Và thế là chúng tôi bắt xe xuống Hà Nội.
Ấn tượng đầu tiên anh có là gì?
Cũng không hẳn có ấn tượng gì. Tôi có xu hướng so sánh khá nhiều, so sánh trải nghiệm đã có với điều tôi đang được trải nghiệm. Và ở đây rất giống Trung Quốc ngoại trừ việc mọi người nói tiếng hơi khác.Tôi biết mình thích Hà Nội hơn Trung Quốc nhiều. Côn Minh là nơi rất đặc biệt ở Trung Quốc. Tôi không biết bạn từng đến chưa?
Chưa.
Đó là nơi nhân sĩ và trí thức lẩn trốn trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hoá vì nó là một trong những điểm xa nhất khỏi Bắc Kinh và khi người ta bị bức hại phía Đông Bắc, họ chạy xuống dưới đó và tìm nơi ẩn náu. Nó được bao quanh bởi núi đồi và một cái hồ vì thế về mặt hậu cần thì hơi khó để bắt người ta tuân theo Cách Mạng Văn Hoá, và thế là từ đó nảy sinh một nền văn hoá nghệ thuật dồi dào và những triển lãm nghệ thuật khắp mọi nơi. Thế là tôi học được rất nhanh sau khi tham quan chớp nhoáng nhiều thành phố quanh tỉnh Vân Nam, rằng Côn Minh khá là độc đáo. Vì vậy khi tôi đáp xuống Hà Nội tôi đã khá choáng, ít nhất là trong trung tâm thành phố, bởi mọi thứ đều có vẻ tây Âu, theo kiểu các toà nhà trông rất khác và con người thì ít khắc kỷ hơn nhiều. Và thậm chí không gọi là “khắc kỷ" được vì tôi nghĩ đó là điều tích cực....mà là đỡ máy móc hơn. Ở Trung Quốc, ít nhất về phần con người mà họ thể hiện ra đối với tôi, thì họ khá máy móc và thường không có gì khác ngoài các cuộc nói chuyện thực tế, nhưng ở Hà Nội con người lại...buồn cười quá vì trong đầu tôi đang so sánh với Sài Gòn...nhưng ở Hà Nội con người dường như cởi mở để nói chuyện hơn và họ đón chào tôi vào thế giới của mình.
Thực sao? Thường thì đó không phải điều tôi hay được nghe về Hà Nội.
Chính xác đấy. Vì thế mới thấy buồn cười và mỉa mai, bởi giờ thì tôi có nhiều kinh nghiệm hơn với miền Nam. Tôi nhìn vào Hà Nội như là kiểu bế tắc và uyên bác, văn hoá cao sang hơn nhưng nếu so với Trung Quốc thì vẫn cởi mở và tự do hơn 1 chút. Và tất nhiên thức ăn khá quen thuộc, ngôn ngữ cũng quen thuộc. Vì thế ngay lập tức như thể là nghe mẹ tôi nói chuyện với con nhỏ. Những điều quen thuộc đầy cảm xúc hiện ra. Ngay sau đó trái tim đã dẫn đường cho tôi tại Việt Nam trước khi bộ não có thể bắt kịp, và tôi yêu quý nơi chốn chỉ từ một chuyến đi 3 ngày nơi đó. Và sau đó trên chuyến tàu, có rất nhiều điều không thoải mái - những điều thường gặp - bởi là 1 người Tây Âu lớn lên trong 1 mái ấm sung túc. Nhưng rồi cũng ổn, tôi chỉ cảm thấy mình phải canh chừng bản thân và đồ đạc quá nhiều.
Và sau nữa tôi đến miền Nam, đáp xuống TPHCM, gặp mẹ tôi, và tôi kiểu như đi lang thang chút chút. Thật là nóng và khó chịu và chật cứng và ồn ã. Nhưng có điều gì đó trong sự hỗn loạn thực sự thu hút tôi và có gì đó mới mẻ để trải nghiệm mỗi ngày, cho nên chúng tôi ở đó 1 thời gian. Và vì vài lý do thì sau vài tháng, chúng tôi quyết định rằng chuyện này sẽ không đi đến đâu. Chúng tôi cũng đã làm bạn với vài người phương Tây và bản địa. Nhưng chúng tôi về Liên Bang, mượn tiền của mẹ tôi và trở lại Texas trong 2 tháng trước khi chúng tôi bắt đầu nhớ Việt Nam. Và thật là lạ khi mà tôi nhớ 1 nơi mà chỉ vừa mới đến như thể đó là nhà, và vợ tôi Kelly cũng trải qua những cảm xúc tương tự.
Mặc dù cô ấy không phải một người Việt sao?
Mặc dù cô ấy không phải người Việt chút nào cả. Vì thế chúng tôi chợt nhận ra đã mắc sai lầm khi quay về. Chúng tôi liền nhận vài công việc và làm cật lực trong vài tháng, để dành tiền nhiều nhất có thể và bay về TPHCM. Bạn bè lại chào đón chúng tôi, giúp chúng tôi tìm việc và chúng tôi sống nơi đó trong 2 năm rưỡi tiếp theo...
Anh làm gì để trang trải trong thời điểm đó?
Dạy tiếng Anh.
Không lạ nhỉ!
Chuyện chẳng lạ gì! Bạn biết đấy, đó là kĩ năng duy nhất tôi có vào lúc đó mà có người cần đến cho nên cũng hợp lý thôi. Tôi cũng không ngại.
Thế là chưa có gì liên quan đến cà phê cả?
Chưa. và tôi thậm chí còn chẳng thể nói mình là một tay sành cà phê. Tôi thực sự chưa có gì nhiều.
Vậy ôn lại mọi thứ trước đó. Tôi được biết anh quay về Việt Nam lần 2 năm 2013, điều gì xảy ra giữa hai lần...? Cú thúc đẩy đầu tiên là...?
Okay, tôi phải lùi lại một chút. Trước khi chuyển đi khỏi Texas tôi làm việc tại một tiệm cà phê. Nó không bán cà phê đặc sản, mà bán nhiều hơn mấy loại trộn từ Ý chẳng có gì đặc sắc mà họ nhập từ một nhà nhập khẩu cũng bán cả xúc xích và pasta. Kiểu như chỉ là một sản phẩm Ý khác thôi. Vì thế cà phê không phải là phần quan trọng mà chính tiệm cà phê đó thực sự khơi gợi tôi, đó là nơi tụ tập như kiểu một trung tâm giao lưu cho những người như tôi - nghệ sĩ và trí thức - những người quan tâm đến việc gắn kết với cộng đồng. Vì thế khi làm việc ở quầy bar tôi quen khá nhiều bạn bè tốt mà đến giờ vẫn duy trì. Có điều gì trong đó đã thực sự gắn chặt với tôi cho dù chỉ là kiểu phông nền đi chăng nữa.
Và vì vậy khi tôi quay lại Liên bang...vào năm nào nhỉ? 07! Thời điểm đó Kelly quyết định rằng đến lúc phải hoàn thành việc học cao đẳng, vì vậy cô ấy bắt đầu nghiên cứu về nơi tiếp theo mà chúng tôi có thể đến. Có 2 người tách biệt ở Sài Gòn, đều là người Mỹ, ca ngợi hết lời trường cao đẳng The Evergreen State ở Olympia, Washington. Và thế là có 2 sự công nhận cho trường đó và nó cũng có vẻ phù hợp với mối quan tâm của cô ấy. Cô ấy đơn giản là vật vã với cao đẳng - kiểu cấu trúc và điểm số và mấy thứ kiểu đó. Mà Evergreen là một trường cao đẳng nghệ thuật tự do (Liberal arts) vì vậy cô ấy sẽ có nhiều tự do theo đuổi niềm yêu thích riêng hơn. Và thế là chúng tôi phải đến đó, mặc dù cũng không có lựa chọn cho cô ấy tại thời điểm đó.
Thế là chúng tôi đến Olympia và tôi phải kiếm việc làm, trong khi tất cả những gì tôi biết là các tiệm cà phê. Tôi đi đến tất cả các tiệm và nộp đơn. Sau đó tôi nhận được cuộc gọi của một nhà rang xay tên Batdorf & Bronson, nơi đã có lịch sử 20 năm vào lúc đó và họ làm cà phê đặc sản. Tôi vẫn chưa biết đó là cái gì. Họ gọi tôi và nói “Chúng tôi có 2 quản lý quan tâm đến đơn của anh: 1 là là Quản lý Cửa hàng và người kia là Quản lý Sản xuất Rang”. Tôi nói “tôi muốn làm điều gì đó chưa từng làm, nên tôi sẽ qua đơn vị Sản xuất". Và tôi đóng gói cà phê và trở thành Trợ lý Rang trong khoảng 1 năm trước khi...à, trong suốt năm đó tôi đã thu nhặt được một nền giáo dục tuyệt vời về những điều cơ bản về cà phê. Họ là một công ty hướng đến giáo dục. một vài người trong ngành gọi Batdorf & Bronson là “vườn ươm cà phê đặc sản” bởi rất nhiều người từ đó ra đã làm được nhiều điều tuyệt vời. Như một nhà mua cà phê xanh chủ lực cho Green Mountain Coffee Roasters - một công ly khổng lồ - cô ấy cũng đến từ Batdorf & Bronson, như nhiều người khác nữa.
Vì thế sự giáo dục tôi nhận được từ đó đã đánh thức niềm ham thích cà phê. Và tôi cứ nhìn chằm chằm vào máy rang suốt ngày, đơn giản là thích thú với những hạt cà phê nổ ra và hương thơm và những trải nghiệm giác quan. Tôi cũng quấy rầy người Rang với hàng đống hàng đống câu hỏi suốt cả ngày và cuối cùng người ta phải nói “được rồi được rồi, anh phải tham gia vào bên huấn nghiệp thôi.” Và người huấn luyện lúc đó, người mà tôi vẫn còn rất thân thiết, tên là Oliver Stormshak. Anh ấy là người huấn nghiệp ở đó và thực sự là bậc thầy cà phê, anh ấy hiểu rõ nó. Chúng tôi rất thích nhau nên anh ấy nói “Okay tôi sẽ dạy cho cậu thứ này”. Và từ đó chậm rãi nhưng vững chắc, anh ấy cho tôi những công cụ tôi cần để theo đuổi niềm ham thích cà phê của riêng mình. Anh ấy cuối cùng đã tiếp tục mua một công ty tên là Olympia Coffee Roasters, vì vậy tôi đại loại là vươn lên nắm giữ vị trí của anh ấy tại Batforf & Bronson và đã thực sự làm chủ được công việc vào thời điểm đó.
Và từ lúc đó tôi cảm thấy như mình đã đạt được tất cả những thứ mình có thể sẽ đạt được ở đó, cho dù không phải thế chút nào. Chỉ là cảm giác tôi có lúc đó thôi, nhưng thế là tôi đã sẵn sàng làm điều gì đó khác biệt sau khoảng 3 năm. Và Oliver tình cờ đang tuyển dụng người Sản xuất Rang vào lúc đó và thế là tôi đồng ý, chạy qua bên anh ấy với sự giảm nhẹ về lương và các lợi ích khác. Nhưng tôi thấy đủ. Bởi vì tôi chỉ muốn theo đuổi một niềm hứng khởi khác. Batdorf đối xử với nhân viên rất tốt nên nếu mà tôi cần một công việc cả đời, thì việc ở lại đó chắc chắn là lựa chọn tốt nhất. Nhưng thứ mới lạ lại hấp dẫn tôi và tôi đoán là lúc đó tôi có mối quan tâm khá ngắn ngủi. Có thể không phải do quan tâm ngắn ngủi. Mà là được khơi gợi. Và tất nhiên tôi muốn được ở cạnh thầy mình thêm lần nữa cho nên tôi bắt đầu học về rang và cà phê xanh từ ông ấy lúc đó.
Nhưng giữa làm việc cho mấy công ty cà phê và chuyển về Việt Nam với một sứ mệnh lớn lao hay mục đích để nâng cao chất lượng Arabica ở Việt Nam là một bước chuyển khá lớn. Điều gì khiến anh quyết định làm thế?
Đúng vậy. Tại Olympia Coffee, Oliver là một nhà thu mua mang tính cách mạng, anh ấy thí nghiệm rất nhiều, và quá trình Thu mua và mối quan hệ Sản xuất - Rang xay của anh ấy đã truyền cảm hứng cho tôi. Anh dạy tôi nhiều điều có tính thực tế cơ bản, không chỉ là sự mộng mơ trong hương cà phê tuyệt vời hay kiểu thế. Nhiều hơn là về những mối Quan hệ anh ấy tạo dựng với những nhà sản xuất và sự cam kết với mọi thứ, cho dù tốt xấu thế nào. Và sứ mệnh không phải là bảo với các nhà sản xuất phải làm gì mà là trao quyền để họ trở thành chủ doanh nghiệp nhỏ. Và đó là điều gắn chặt trong tôi. Bởi trước đó, tôi chưa từng nghe đến một kiểu tiếp cận như thế khi thu mua cà phê xanh. Luôn chỉ là kiểu cố tìm ra cà phê tốt nhất trong thời gian nhanh nhất có thể, với giá thấp nhất có thể. Kiểu thu mua thế cũng không có gì lãng mạn cả. Vì vậy phần Quan hệ mà anh ấy tập trung vào đã hấp dẫn tôi. Bạn biết đấy, Olympia là một công ty nhỏ và rồi tôi đã đạt đến thời điểm mà trở thành nhân viên đắt đỏ nhất của họ. Họ cũng thực sự muốn cho tôi nhiều hơn nhưng lại chưa ở thời điểm có thể đáp ứng được điều đó. Họ cũng lên kế hoạch phát triển nhưng tất cả mới chỉ ở khởi điểm. Và thế là Oliver tiếp tục trao cho tôi những công cụ, tiếp tục dạy dỗ tôi mọi điều tôi muốn biết và cuối cùng thì đi đến lúc mà tôi thấy rằng mình đã đạt đến ngưỡng cao nhất.
Cùng thời gian đó, Kelly chuyển từ việc học cao đẳng sang học thạc sĩ rồi làm việc cho cơ quan chính phủ và thế là phát ốm với nó. Chúng tôi mua nhà, cải tạo lại nó và cứ làm thế một thời gian. Và chúng tôi đi đến 1 thời điểm nhận ra rằng thị trường nhà đất trở nên tồi tệ đến mức sở hữu nhà đất của chúng tôi đã mất giá rất nhiều. Và chúng tôi thì chưa dứt hẳn khỏi Olympia nhưng đã bắt đầu nhìn ra bên ngoài. Vì thế 1 năm trước khi sang Việt Nam là lúc tôi bắt đầu tự hỏi về cà phê Việt. Vì nó có danh tiếng khủng khiếp và nay vẫn thế. Và tôi chú ý đến con số: 97% là cà phê Robusta. Là nhà sản xuất hay trồng trọt lớn thứ 2 thế giới thì con số 3% còn lại không tệ. Chắc hẳn tôi có thể làm điều gì đó. Và tôi quyết định phải học địa lý. Tôi tìm được vài độ cao ấn tượng và Đà Lạt là nơi lý tưởng để có cà phê Arabica ngon, dựa theo sách vở và những điều tôi học được từ Oliver. Và thế là tôi tiếp tục nghiên cứu về điều này và càng học, tôi càng thấy rằng nó sẽ còn phức tạp hơn nữa. Và rút cục tôi nghĩ “Okay mình đơn giản là phải thực sự đi đến đó tìm hiểu thực tế và xem mình có thể làm gì.”
Lúc đó anh có thấy sợ hãi? Có cảm thấy mạo hiểm?
Tất nhiên. Đó là điều đáng sợ nhất tôi từng làm.
Và anh đã giải quyết nỗi sợ như thế nào?
Tôi cứ cắm đầu lao vào thôi. Tất nhiên cũng phải nói rằng chắc chắn không phải do sức mạnh của tôi. Kelly đóng vai trò cực kì lớn trong việc hỗ trợ những gì tôi làm và cô ấy khuyến khích tôi theo đuổi điều đó. Và chúng tôi sẵn sàng bán nhà, ra khỏi nơi đó và thuê 1 một nơi nhỏ hơn. Và trước khi bán nhà, chúng tôi đã quyết định sẽ đến Việt Nam rồi và thế là chúng tôi tiếp tục tiết kiệm. Chúng tôi cứ thế chăm chỉ làm việc. Tiết kiệm đủ khoản tiền mà chúng tôi nghĩ rằng là số lớn vào thời điểm đó, rồi chuyển đi.
Chúng tôi giữ vài mối quan hệ tại TPHCM và liên lạc với những người đó đầu tiên và đại loại là đáp xuống, đi chơi và cố gắng tìm hiểu xem làm thế nào để sống được mà không mất kết nối với mọi người. Và lúc đó tôi có một người bạn thực sự tốt tên Sơn kể từ ngày sống ở Việt Nam, người đã toàn tâm giúp đỡ tôi. Anh ấy sử dụng mạng lưới quen biết của mình để cho chúng tôi có thể sống được ở Đà Lạt và bạn bè anh giúp chúng tôi tìm một ngôi nhà để thuê 1 phòng bên trong. Và kết tục là chúng tôi được ở trong 1 căn villa lộng lẫy vốn chưa được sử dụng làm gì cả. Chỉ có 1 gia đình sống trong đó, những người giữ nhà. Và chúng tôi thuyết phục họ để chúng tôi thuê 1 phòng và chúng tôi mang theo con mèo, bởi trước đó nó đã là 1 phần của gia đình.
Chúng tôi nuôi nó từ năm 2002. Và chúng tôi sống trong căn villa, con mèo sống trong vùng đất vui chơi thần tiên. Và tôi bắt đầu làm bạn với những người trong giới cà phê tại Đà Lạt, và người đầu tiên tôi gặp là Michael Wood. Anh và tôi hợp nhau, chúng tôi kiểu như có cùng sở thích và gu nhạc, rồi đơn thuần là chơi bời cả đêm và thảo luận nhiều thứ. Và có thể là, bạn biết mà, mấy anh chàng chúng tôi uống và hút hơi nhiều. Nhưng chúng tôi chia sẻ niềm ham mê với cà phê tốt và thế là anh cho tôi biết 1 chút về những điều anh đang làm vào lúc đó.
Rồi Kelly kết nối với Thanh Niên News - bản tiếng Anh. Và cô ấy có nhiệm vụ đến Hội nghị Triển Vọng ngành Cà phê ở Buôn Mê Thuột , diễn ra cùng thời điểm với festival. Thế là chúng tôi đến nơi đó và nhìn thế giới cà phê mở rộng ra trước mắt. Lúc kết thúc Hội nghị Triển vọng, tôi học được khá nhiều thứ hay ho. Đó là về tình trạng của ngành công nghiệp và cách nghĩ của mọi người vào lúc đó. Tôi in vài danh thiếp đơn giản với địa chỉ, tên mình, “Cà phê đặc sản", với email và số điện thoại, xong cứ phát lòng vòng cho 1 vài người tôi thấy. Họ chắc hẳn đã nghĩ “Cà phê đặc biệt á? Ai chả có. Sao cũng được.” (Chú thích: Will viết Cà phê đặc sản, nhưng người Việt có thể đã hiểu sai là “cà phê đặc biệt"). Về phía tôi thế khá là ngây thơ.
Nhưng tôi mừng vì mình đã để sự ngây thơ đó dẫn đường. Bởi nếu mà tôi biết quá nhiều, tôi sẽ không theo đuổi nó được. Và rồi tôi học được rằng tôi cần phải giữ cái tính hơi ngây thơ, một kiểu tiếp cận trẻ trung khi suy nghĩ về việc hành động. Bởi càng biết nhiều, tôi càng ít muốn làm, đúng chứ? Và thế là tôi cứ để mình được dẫn lối đến festival và tôi đi lòng vòng tìm kiếm mấy thứ, gặp một đống người tốt và có được vài mối quan hệ tốt. Một là một nhà sản xuất máy rang xay & nhà rang xay người Hàn cùng Quản lý bán hàng của họ. Cô ấy tên Miji Kim. Cô để tôi chơi với máy rang 1 kí lô tại festival và tôi còn mang theo ít cà phê xanh tại Olympia. Oliver đã cho tôi cả đống mẫu cà phê xanh để kiểu như giúp tôi cầm cự với ít cà phê tốt trong khi tôi đi tìm cà phê tốt, và tôi rang một số trong đó. Ở đó trước giờ người ta chưa từng có cà phê Ethiopia lên men tự nhiên. Và tôi chỉ vừa mới cúi xuống máy rang rồi sau đó ngước lên thì có cả một đám đông người ta dòm xem tôi đang làm gì cái gì. Đương nhiên khiến tôi hơi lo lắng và trông như kiểu một thằng lừa đảo vậy. Thế là tôi cắm đầu xuống máy rang và tập trung rang lần nữa. Nhưng rồi khi tôi chia ra mấy cốc, chia sẻ cà phê thì người ta kiểu như….không, tôi không thể nói là “choáng ngợp" được nhưng người ta trở nên rất kì cục, tôi nghĩ thế, bởi mùi vị cà phê. Và đó là một cú thúc tốt để động viên tôi. Vì thế sau khi kết thúc với cái máy rang mà tôi dành thời gian gần cả ngày, tôi đi lòng vòng nhìn các gian hàng tìm kiếm cà phê xanh trông đẹp mắt chút. Và mọi thứ trông đều hư lỗi, kiểu rất kinh và Arabica người ta có thì còn không được nhận diện, chỉ gọi là “Arabica" thôi và tôi còn không biết nó từ đâu. Người ta thề là từ Việt Nam. Và đó là hầu hết thông tin tôi có được từ bất cứ ai.
Mấy mẫu trông ổn nhất, vào lúc đó, là The Dark Man - một công ty chuyên cà phê. Chẳng quan trọng. Tôi đoán là chúng trông như là cà phê được sơ chế tốt, nhưng không tốt như mấy thứ tôi từng quen thuộc. Thế là chúng tôi đi lòng vòng, bĩu môi kiểu “chúng ta sẽ không tìm được cà phê tốt”. Thế rồi tôi tình cờ gặp gian hàng của Golden Bell S Coffee - một công ty Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam, cố gắng cải thiện cà phê và - điều này hơi kì lạ - trang trại cà phê của họ được sở hữu bởi Phật giáo và có một lãnh tụ tôn giáo, nhưng đồng lãnh tụ ở Đài Loan, và họ bán cà phê như thế giá $80/pound (1 pound ~ 0.45kg). Bởi vì nó liên quan đến một kiểu tôn giáo, tôi nghĩ thế.
Và họ có khách đặt hàng thường kỳ. Nhưng phần sơ chế trông xuất sắc và cà phê nếm không tệ. Và tôi nói chuyện với một người kiểu như là trưởng nhóm người Đài Loan trong nhóm, anh ta không phải chuyên gia cà phê đặc sản nhưng anh ta chắc hẳn biết về Sơ chế chất lượng. Anh giới thiệu tôi đến Quang của Là Việt hiện nay, lúc đó anh ấy là Quản lý nhà máy và Duy, Hồ là họ anh ấy.
Uh huh. Của quán The Married Beans đúng không?
Đúng là The Married Beans. Họ đang làm việc với nhau ở đó và chúng tôi bắt đầu chêm cứng cà phê và tôi cho họ thấy cách đổ latter art trên máy espresso. Và tất nhiên họ kiểu như “Wow, tuyệt quá! Chúng tôi cũng có 1 nhà máy gần Đà Lạt”. Sau khi tôi nói tôi cũng sống ở Đà Lạt, mọi người đều mỉm cười rất nhiều. Và tôi chia sẻ một ít cà phê Kenya với họ và cứ như thế. Đến sau festival thì...vui ở chỗ chúng tôi đi về Đà Lạt từ Dak Lak là trong xe Trung Nguyên. Có chữ “Trung Nguyên" phun xịt khắp xe.
Họ cho chúng tôi đi miễn phí và tôi không từ chối rồi, chúng tôi nói “Chúng tôi cần đi đến địa chỉ này, chứ không về nhà. Vì vậy các anh có thể đưa chúng tôi đến đó và thả chúng tôi xuống", thế đấy. và rồi chúng tôi xuất hiện ở nhà máy của họ trong chiếc xe Trung Nguyên. Mọi người dừng hết việc lại và chỉ nhìn chúng tôi lạ lẫm. Tôi nghĩ họ hơi sợ điều có thể sẽ xảy ra và kết cục sau đó. Nhưng rồi cặp đôi Mỹ chúng tôi cười và Quang chào đón chúng tôi, đưa chúng tôi đi tham quan toàn bộ nhà máy. Kể từ đó, chúng tôi như những người anh em và đã có nhiều chuyến phiêu lưu cà phê cùng nhau.
Trong những chuyến phiêu lưu cà phê, anh đã gặp và giúp đỡ nhiều người. Anh có một dạng hệ thống các giá trị cốt lõi nào để đảm bảo là những người anh làm việc cùng cũng đồng chí hướng không? Anh chọn đối tác làm việc như thế nào?
Nó như là một cảm giác hơn.
Ý anh là trực giác?
Đúng đúng. Đơn thuần là tin tưởng bản thân đưa ra những quyết định tốt và dĩ nhiên, sử dụng trực giác của Kelly nữa. Cô ấy rất giỏi đánh giá con người. Bởi vì cô ấy là phụ nữ. Ở châu Á, đàn ông thường lờ cô ấy đi khi đang nói chuyện. Ý tôi là, dĩ nhiên, cô ấy là phụ nữ da trắng nên người ta luôn nhìn chằm chằm vào cô ấy khi cô ấy đi trên đường nhưng khi tôi nói chuyện với 1 người đàn ông, cô ấy thường chỉ đứng đó lắng nghe.
Đúng, phụ nữ châu Á hay đứng sau hậu trường.
Đúng đúng, và đó không phải là kiểu tính cách của Kelly chút nào. Cô ấy cũng biết tôi đang trên đường hoàn thành sứ mệnh, nên không muốn biến thành trung tâm. Vì vậy cô ấy kiểu như đứng đó và quan sát, và rồi chúng tôi sẽ thảo luận sau và cô ấy cho tôi biết những gì cô ấy để ý. Những gì cô ấy quan sát được về Quang là, bạn biết không, anh ấy trao đổi ánh mắt với tôi VÀ cô ấy. Anh ấy tôn trọng cô trong không gian đó và đối xử với cô như 1 phần của tôi. Như là một đối tác bình đẳng khi đối thoại. Và đó là điều đầu tiên cô ấy nói - cô ấy quan sát thấy anh ấy có vẻ chính trực, một người tốt thực, và quan tâm đến con người. Và tôi cho đó là 1 dấu hiệu thực sự tốt. Tôi nghĩ đó là một dạng tâm trí rộng mở.
Tôi không thể nhớ tên anh chàng Đài Loan. Nhưng anh ta rất bướng bỉnh và chắc chắn và làm chủ mọi kiến thức. Cứ cái gì tôi chuẩn bị chia sẻ, anh ta hoặc đã biết hoặc sẽ tranh cãi. Và tôi biết ngay rằng mình không nói chuyện với người này được. Anh ấy đơn thuần 1 kiểu chuyên gia tư vấn. Và nói chuyện với Quang thì có nhiều thứ trao đổi qua lại. Anh ấy có một lượng kiến thức khổng lồ mà tôi không có, trong khi tôi có 1 lượng kinh nghiệm và kiến thức khổng lồ mà anh không có. Và mọi chuyện thế đấy...tôi đoán do căn bản là chúng tôi đều háo hức chia sẻ với người kia. Như thể không ai giữ lại điều gì và khi tôi cảm nhận như thế, tôi đã biết chắc.
Tôi xin lỗi nếu đây là 1 câu hỏi thô lỗ. Nhưng đôi lúc tôi cũng nghĩ rằng người như anh, cho dù với mục đích tốt chăng nữa, nhưng lại không biết nói tiếng Việt chút nào và cũng không lớn lên nơi đây. Anh có bao giờ coi mình là 1 kiểu người đứng ngoài văn hoá Việt không? Làm thế nào anh cảm nhận được gu thưởng thức địa phương để hiểu được con người?
Đúng, khi lớn lên tôi luôn cảm thấy như người ngoài cuộc và vì vậy việc này không phải là không thoải mái gì cả. Và tôi cũng nhạy cảm đủ để biết rằng tôi sẽ không bao giờ trở thành 1 người địa phương. Cho nên đó không phải mục tiêu của tôi. Tôi đã không nghĩ đến việc đồng hoá bản thân hay đồng hoá văn hoá với mình, vì thế tôi chỉ biết là tôi chẳng ở đây để gây ảnh hưởng lên ai. Tôi ở đây để học. Và nếu co ai đó muốn học từ tôi, tôi rất hạnh phúc nếu được chia sẻ điều tôi biết.
Tôi sẽ phải chuyển hướng qua vấn đề bền vững. Anh có vẻ quan tâm đến thực hành nông nghiệp bền vững, nhưng anh thực sự có làm như đã nói và có những ứng dụng bền vững vào công việc của mình như thế nào?
Đúng, tôi nghĩ đó là một câu hỏi quan trọng. Tôi thì tiếp cận vấn đề theo phương diện con người hơn và tôi nghĩ một vài người được gọi là chuyên gia thì tiếp cận nó theo phương diện kĩ thuật. Họ sẽ xem điều gì sai rồi nhận diện những thứ sai và họ muốn sửa đổi nó, Còn tôi tiếp cận nó từ khía cạnh quan hệ con người. Trước cả khi tôi đi xuống nông trại 1 ai đó, tôi sẽ muốn ngồi xuống cùng anh ta và tìm hiểu xem anh ta là kiểu người gì, hứng thú với điều gì và đang muốn cải thiện như thế nào. Và tôi nghĩ đó là chìa khoá quan trọng để đạt được sự tin tưởng.
Và nó trở thành vấn đề lòng tin, về việc xây dựng lòng tin một cách thật tự nhiên, thật “hữu cơ". Và có nhiều cuộc đối thoại tôi tham gia chẳng đi đến đâu. Tôi nhanh chóng hiểu ra họ chỉ muốn có càng nhiều tiền càng tốt với càng ít công sức càng tốt. Cũng tốt thôi. Đó là cuộc sống. Đó là điều đôi lúc bạn phải làm, đặc biệt khi bạn làm nông trang, bạn biết đó, người ta chỉ muốn điều tốt cho gia đình mình mà. Cho nên tôi không thể thúc đẩy từ hướng đó, nhưng tôi nhận ra mình không phù hợp với việc đặt nỗ lực vào ai khác thay vì đơn giản là cứ giữ mối quan hệ với người ta. Và cũng có một vài người nông dân cho tôi một hàng cây để làm bất cứ điều gì tôi muốn, hay là để chỉ đạo. nhưng tôi cũng nhận ra rằng họ không hứng thú với cùng 1 thứ như tôi, cho dù họ sẵn sàng nghe lời. Tiếp cận vấn đề theo cách đó giúp tôi tiết kiệm được khối thời gian và đỡ phải thất vọng bao nhiêu.
Và không phải là tôi coi thường Michael Wood chút nào. Nhưng tôi cảm thấy cách tiếp cận của anh ấy hơi máy móc. Và tất nhiên anh cũng là một con người đầy yêu thương ấm áp. Tôi chỉ nghĩ, bạn biết đó, anh ấy không nhận ra điều ngay trước mắt khi anh ấy theo đuổi sứ mệnh đằng xa. Và điều cũng tạo nên thành công của anh ấy là anh ấy rất ám ảnh và tập trung, nhưng đồng thời cũng khiến người ta khó chịu và nghĩ là anh ấy không cùng đẳng cấp với họ. Và với việc quan sát điều đó trong một người bạn của mình, và tôi cũng tự hỏi bản thân rằng mình muốn người ngoài nhìn nhận như thế nào, và cảm thấy gì về điều này. Anh ấy tranh đấu nhiều và tôi học được từ tranh đấu của anh ấy rằng tốt nhất không nên mắc cùng sai lầm đó. Cho nên tôi cảm thấy mình tiết kiệm được nhiều thời gian và những điều đau lòng theo cách này.
Vậy anh có từng ở trong những tổ chức mà thực sự quan tâm đến môi trường và nói chuyện cùng họ không? tôi tự hỏi có một tổ chức hay đoàn thể nào có thể hỗ trợ vấn đề bền vững trong ngành công nghiệp cà phê không?
Tôi cho rằng chúng ta chính là đơn vị duy nhất có thể làm điều đó. Tất cả làm việc đồng lòng. Và tôi đang cố không nói như thể là một thằng hippie đầu óc trên trời, nhưng đúng là thế. Ví dụ những nơi như Fair Trade (Tổ chức Thương mại Công bằng), ý định thì tốt nhưng phần thực thi có nhiều vấn đề. Đó là sự trợ lực nhưng không phải là giải pháp. người ta phải thực sự tự chủ. Có một bộ quy định ban hành từ trên không hiệu quả, có thể nó khiến người ta có thể là nói điều đúng đắn, gật đầu vào đúng thời điểm và thậm chí là trông như thể đang làm đúng. Nhưng khi tổ chức không nhìn vào, ai biết họ làm gì hay họ thực sự cảm nhận như thế nào hoặc họ thực ra đang cố làm gì. Những tổ chức đó thì tốt nếu muốn tiếp cận thị trường bởi người ta tìm kiếm mấy cái nhãn đó. Vài người làm vậy. Cho nên tôi không coi thường họ nhưng tôi cảm nhận rằng họ rất hạn chế. Và chắc chắn vì vài lý do tốt nào đó, anh sẽ muốn hạn chế việc của mình lại như vậy để còn thực sự hoàn thành vài việc. Hoạt động không biên giới - không hiệu quả đâu.
Nhưng đó không phải mối quan tâm của tôi. Quan tâm của tôi là con người - những người tôi làm việc cùng. Và tôi nhìn lại công việc đầu tiên tại Texas tại quầy cà phê, là đó đó. Không phải là về cà phê chút nào. Ngược về lúc đó tôi uống nhiều cà phê nhưng không thực sự quan tâm đến nó. Nhưng chính con người đã luôn kéo tôi về với cà phê và cũng là con người đã chỉ chỉ dạy cho tôi tại Batdorf & Bronson. Và Batdorf là kiểu một đơn vị thúc đẩy. Đó là một công ty xanh. Tôi học về tái chế và phân ủ từ họ. Họ lắp đặt pin mặt trời tại khu rang. Họ hỗ trợ Sáng kiến Wind Farm. Và đó là ảnh hưởng lớn đối với tôi và là cách tôi hoạt động. Oliver tại Olympia thì bắt đầu liên hệ những trang trại có dáng vẻ lành mạnh với cà phê tốt. Và thế là với tôi, trang trại lành mạnh tương đương cà phê lành mạnh, tương đương con người lành mạnh. Và đó là điều tôi cần làm. Tôi tiếp cận quan hệ theo cách này.
Tôi đồng ý là chính con người luôn tạo ra sự khác biệt. Nhưng nhìn lại, bài học lớn nhất những người làm cà phê dạy anh là gì?
Kiên nhẫn. Kiên nhẫn với bản thân, biết rằng mình đang trên đường học. Biết rằng chúng ta chỉ là...bạn biết đó, “giả vờ cho đến khi bạn làm được", đúng không? Tôi nghĩ là đó là bài học lớn nhất khi trở thành người trưởng thành, rằng là không có người trưởng thành thực sự. Tất cả chỉ đang chơi trò người lớn. Chúng ta chỉ là một đống trẻ con trong những bộ đồ người lớn, cố gắng thuyết phục mọi người rằng ta biết mình đang làm gì. Và bạn biết đó, một mặt thì khá là thất vọng. Như kiểu “Ôi trời chẳng ai trong chúng ta thực sự biết rõ!”. Nhưng rồi cũng rất khích lệ, bởi có nghĩa là tôi có cơ hội để là một trong người tôi ngưỡng mộ. Và điều đó thực sự nhấn mạnh tính khả quan, tiềm năng rằng tôi sẽ tạo được sức ảnh hưởng, một sức ảnh hưởng tích cực lên những người quanh mình. Quay lại những năm cao đẳng, tôi có hứng thú với triết học và tôi cứ nhảy lòng vòng quanh các triết lý khác nhau, từ Chủ nghĩa Mác đến Chủ nghĩa Hiện sinh và Chủ nghĩa Hư vô và loanh quanh như vậy. Và nhận ra thực sự thì, triết lý đúng đắn duy nhất đơn giản là sống đúng với bản thân và tốt với bản thân. và ảnh hưởng thực sự duy nhất mà bạn có là chỉ những người trong vòng tròn trực tiếp quanh mình. Cho nên bạn tốt nhất nên đối xử với con người thật tốt và với sự tôn trọng. Và trung thực mà nói đó là điều tôi cảm thấy đã giúp mình nhiều nhất.
Đúng. Điều đó rất có ý nghĩa. Và tôi phải kết thúc buổi phỏng vấn với 1 câu hỏi mà một barista gửi cho tôi đề nghị tôi hỏi anh. Tôi nghĩ cô ấy muốn biết vài lời khuyên từ anh, khi cô ấy chỉ mới bắt đầu sự nghiệp barista. Và cô ấy nói cô ấy mới chỉ học về cà xanh và quá trình rang. Cô muốn vài lời khuyên, tổng quan hoặc liên quan đến cà phê.
Được rồi, sẽ là cả hai cùng lúc. Điều tôi học được là bạn không thể làm tất cả cùng lúc được. Chả có cái gì gọi là “đa nhiệm” (multitasking) cả. Chúng ta có thể vờ như mình đang đa nhiệm. Như câu nói hay của Texas đã nói: “it's not multitasking it's multi half-assing” (Chú thích: câu này chơi chữ cho vần, đại ý nói: Không phải là đa nhiệm mà chỉ là đa phần hỏng phân nửa). Bạn chẳng thể tập trung thực sự. Bạn có thể vừa nhắn tin vừa lái xe không? Có, nhưng chả làm gì tốt được cả. Nếu bạn nhìn vào một thực đơn nhà hàng dài đến 20 trang, không món nào trên đó sẽ xuất sắc cả. Nhưng nếu nó chỉ có 3 món, nó sẽ đều ổn cả đúng chứ. Cho nên bạn cần phải đặt thứ tốt nhất của mình lên trước, chứ không phải tất cả mọi thứ lên trước. Và bạn hãy mang tinh thần đó vào cà phê. Nếu vào một tiệm cà phê và thấy cả triệu thứ được bán, chắc chắn không có nhiều thứ tốt ở đó. Nhưng nếu người ta chỉ có 3 loại cà phê và tự hào về chúng, nó chắc chắn sẽ xuất sắc. Nên lời khuyên của tôi sẽ là làm một thứ tại một thời điểm. Bạn không thể làm hết, bạn chỉ phải kiên nhẫn và tập trung và thực hành và sẵn sàng học về một thứ cụ thể.
Khi nhảy việc liên tục, bạn không thực sự có nhiều kinh nghiệm. Bạn có thể biến thành chuyên gia kiểu giấy tờ nhưng không phải người chuyên nghiệp thực sự. Bạn thực sự phải đào sâu và học hỏi, học cách cầm xẻng. Bạn có thể chỉ đạo công trình xây dựng trong tương lai nhưng bạn phải bắt đầu với cái xẻng. Và dành vài năm làm việc chăm chỉ và nỗ lực học cách làm thế nào để đặt chân lên trên đó, cách sử dụng đòn bẩy và không làm gẫy lưng khi cố gắng đào 1 cái hố.
Okay, vậy thần chú cho mọi người, có thể là anh và tôi và tất cả là “single-pointed focus, single-pointed focus” (Chú thích: Tập trung vào điểm duy nhất), và rồi tiến đến mục tiêu tiếp theo.
Đúng. Bạn luôn có thể lùi ra rồi thu nhỏ lại và rồi phóng to rồi lại thu nhỏ. Nhưng khi bạn phóng to ra, bạn không thể thực sự chạm tay vào làm. Không có thứ gì bạn làm được nếu như cố gắng làm mọi thứ cùng lúc. Bạn phải làm 1 thứ trong 1 thời điểm. Và cuối cùng khi nhìn lại bạn sẽ nhận ra ‘“wow mình đã làm được nhiều thứ ghê. mình làm như thế nào ấy nhỉ?”. Bởi bạn đã tập trung. Và tôi nghĩ đó là bài học quan trọng nhất. Tôi ước mình đã biết sớm hơn, nếu thế tôi đã có thể tiến bước trên con đường sự nghiệp hiệu quả hơn chút, nếu như tôi có thể tập trung suốt thời gian cho mấy điều. Nhưng tôi đã học được 1 cách khó khăn. Ồ bạn biết không? Đó cũng là lời khuyên tốt: đừng sợ phải trả giá việc học.
Cảm ơn anh rất nhiều về chia sẻ hôm nay. Tôi biết anh có lịch trình rất chặt chẽ và nhiều người muốn gặp anh để nói chuyện chỉ vài phút. Vì vậy cảm ơn rất nhiều. Tôi hi vọng sẽ mang câu chuyện của anh đến càng nhiều người càng tốt bởi tôi chắc chắn họ sẽ học nhiều từ anh. Và bởi chúng ta ngồi tại nhà chú Sơn nên rất cảm ơn chú vì đã mang đến một không gian thật ấm áp [nói với chú Sơn]. Anh có thể nhận xét vài lời về cà phê của chú Sơn không?
Ồ được chứ. Trước cả khi tôi thực sự chú ý đến cà phê của chú hay về chất lượng, tôi đã thực sự thích chú ấy. Tôi gặp chú và nhận thấy chú có kiểu đam mê cháy bỏng được luôn học hỏi và cải thiện bản thân. Chú có kinh nghiệm sống nhiều hơn tôi một chút cho nên tôi cảm thấy có thể mình sẽ học được chút gì đó từ chú. Bởi tôi ngưỡng mộ điều đó. Nếu ai lớn tuổi hơn tôi và vẫn có năng lượng như vậy và muốn tiếp tục học những thứ mới, đó là điều tôi muốn. Và tôi muốn học từ những người đó, vì vậy tôi thấy chú ấy là một kiểu cảm hứng cho tôi nữa. Đó là điều đã lái tôi đến nông trại cà phê của chú, không phải chất lượng cà phê. Nhưng rồi tôi nếm thử cà phê và nó thật choáng váng, và xuất sắc. Và rồi chú kiểu như dẫn tôi đến với cuộc phiêu lưu khám phá những thứ chú có trên trang trại và từ đó chúng tôi đã cùng nhau học về nó. I wish you both the best and have a good life and thank you very much. Tôi/cháu chúc điều tốt đẹp nhất và một đời sống tốt đến cả hai. Và rất cảm ơn anh.
Cảm ơn, rất vui đã gặp bạn.
Nếu thích câu chuyện của Will, bạn hãy chia sẻ cho ai đó nữa nhé!
Comentários