Trục Não – Ruột và những tác động lên đời sống hàng ngày của bạn
top of page

Trục Não – Ruột và những tác động lên đời sống hàng ngày của bạn

Updated: Jun 29, 2022

Cha đẻ của nền y học hiện đại, Hippocrates, từng nói:

“Mọi bệnh tật đều bắt đầu từ ruột ”.

Ngày nay, chúng ta đang nhận thức ngày càng nhiều về mức độ ảnh hưởng của đường ruột đối với sức khỏe. Từ hệ thống miễn dịch đến làn da, hệ thống tiêu hóa của chúng ta ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách. Mối liên hệ giữa ruột và cơ thể vẫn đang là đề tài tiếp tục được khám phá.

Một trong những mối liên hệ đáng ngạc nhiên hơn nữa là mối quan hệ giữa não và ruột, được gọi là trục não-ruột.


Trục não – ruột là gì?

Các trung tâm nhận thức và cảm xúc của não được kết nối với hệ thống ruột thông qua trục não - ruột, còn được gọi là “bộ não thứ hai”. Hệ thần kinh và hệ tiêu hoá giao tiếp qua một số con đường khác nhau. Điểm thú vị là những liên kết giao tiếp này có tính hai chiều, có nghĩa là: tín hiệu được truyền cả từ não tới dạ dày, và từ dạ dày tới não. Hệ tiêu hoá chịu sự chi phối của hệ thần kinh ruột – một bộ phận của hệ thần kinh hoạt động độc lập với não.

Hệ thần kinh trung ương có thể liên lạc và gây ảnh hưởng tới một số bộ phận và chức năng hệ thần kinh ruột bao gồm: niêm mạc ruột, cơ ruột và tiết chất nhầy. Mặt khác, khi các cơ quan của hệ tiêu hóa bị viêm, bị kích thích hoặc bị đau, chúng có thể gửi tín hiệu đến não và tác động tới nhận thức, cảm xúc và tâm trạng của chúng ta.


Trục não – ruột trong cuộc sống hàng ngày

Trục não – ruột có khả năng tác động tới hệ thống miễn dịch thông qua một số chế độ (1). Bộ não có thể ảnh hưởng đến cộng đồng vi sinh vật trong ruột bằng cách thay đổi tốc độ di chuyển thức ăn qua hệ tiêu hóa, tăng tính thấm của thành ruột và giải phóng chất dẫn truyền thần kinh trực tiếp vào ruột. Lưu lượng thức ăn qua ruột giảm và không đều có thể khuyến khích sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non. Sự tăng tính thấm (được kích hoạt do căng thẳng), có thể dẫn đến vi khuẩn gây bệnh và viêm nhiễm đi qua ruột xâm nhập vào máu. Các chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như epinephrine và norepinephrine, có thể kích thích độc lực của vi khuẩn gây bệnh cư trú trong ruột.

Mối quan hệ lành mạnh giữa ruột và não cũng có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực như khả tăng năng phục hồi trước lo âu, trầm cảm, tâm trạng tốt hơn và điều chỉnh cảm xúc trong suốt cả ngày, ngủ ngon hơn, giảm đau và viêm ruột. Trục não – ruột khỏe mạnh thậm chí có thể cải thiện khả năng suy nghĩ (3), với các nghiên cứu cho thấy sức khỏe đường ruột được cải thiện có thể nâng cao khả năng nhận thức, tăng cường sự chú ý và trí nhớ.



Lược sử hành trình khám phá trục não – ruột

Nghiên cứu sớm nhất về mối liên hệ tiềm năng giữa não và ruột được tiến hành vào những năm 1800 (4). William Beaumont là một bác sĩ phẫu thuật của Quân đội Hoa Kỳ, người được chỉ định điều trị cho một nhà buôn lông thú Canada tên là Alexis St. Martin, người này đã vô tình bị bắn ở cự ly gần.

Cuộc phẫu thuật để lại một lỗ trên dạ dày của St. Martin, cho phép Tiến sĩ Beaumont thử nghiệm bằng cách đưa thức ăn vào dạ dày của ông và ghi lại cách dịch vị phân hủy thức ăn. Beaumont nhận ra rằng khi St. Martin cảm thấy khó chịu, cáu kỉnh hoặc tức giận, tốc độ tiêu hóa sẽ thay đổi. Đây là một trong những ghi nhận đầu tiên của ngành Y tế về việc dạ dày chịu ảnh hưởng bởi các trung tâm cảm xúc của não


Trong một nghiên cứu (5), các nhà khoa học đã đánh giá tác động lâu dài của đợt bùng phát viêm dạ dày ruột cấp tính ở Ontario năm 2000, liên quan đến nguồn nước thành phố bị ô nhiễm. Những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đã trải qua những thay đổi trong các triệu chứng não - ruột của họ, với sự khó chịu gia tăng kèm khuynh hướng đau khổ về tâm lý.

Trong 15 năm qua, nghiên cứu đã khám phá ra một kho tàng các phát hiện, cung cấp ngày càng nhiều bằng chứng về mối liên hệ giữa ruột và não. Thậm chí gần đây, một nhân tố mới đã xuất hiện ảnh hưởng đến trục não – ruột: hệ vi sinh vật đường ruột. 3 hệ thống này được liên kết với nhau như một phần của trục vi sinh vật-ruột-não (6), còn được gọi là quần xã tâm - sinh (7), trong một mạng lưới các mối quan hệ phức tạp.

Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực mới rất thú vị này!


Hệ vi sinh vật ảnh hưởng đến trục não – ruột như thế nào?


Một số yếu tố (8) có thể tác động tới hệ vi sinh vật và qua đó, tác động tới trục não – ruột, như: chế độ ăn, gen di truyền, quá trình sinh nở, mức độ căng thẳng, giấc ngủ và thuốc men. Các vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa của chúng ta đã tiến hóa để liên lạc với các cơ quan trong cơ thể và có tác động mạnh mẽ đến trục não – ruột. Vi khuẩn đường ruột có thể sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như serotonin (9), thay đổi tính thẩm thấu của ruột, điều chỉnh khả năng miễn dịch và tạo ra các chất chuyển hóa của vi khuẩn ảnh hưởng đến kết nối não – ruột.

Hệ vi sinh vật đường ruột thậm chí còn được chứng minh là có ảnh hưởng đến sự phát triển sớm của hệ thần kinh trung ương và ruột ở trẻ sơ sinh. (10)

Trải nghiệm đầu đời căng thẳng hoặc tiêu cực, chẳng hạn như nhiễm trùng, đau, viêm và chia cắt mẹ - con, có thể thay đổi thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột và thay đổi sự điều hòa của trục não - ruột sau này trong cuộc sống.

Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng việc sử dụng kháng sinh kéo dài, tạo ra sự mất cân bằng trong thành phần hệ vi sinh vật đường ruột, có thể làm tăng các triệu chứng lo lắng và trầm cảm. (11)

Thậm chí, đã có những mối liên hệ được chứng minh giữa chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và hệ vi sinh vật đường ruột, và các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số chủng vi khuẩn giải phóng các hợp chất ảnh hưởng đến chức năng não và sự phát triển xã hội (12). Trẻ em mắc ASD có sự kết hợp vi khuẩn khác với những trẻ không mắc ASD. Và động vật thí nghiệm có các triệu chứng giống ASD cũng thiếu một số chủng vi khuẩn nhất định. Trong một nghiên cứu (13) được thực hiện vào năm 2014, các nhà nghiên cứu tại UCLA đã chỉ ra rằng việc những người tham gia khỏe mạnh tiêu thụ sữa chua có chứa một tập hợp những lợi khuẩn nhất định có thể ảnh hưởng đến các trung tâm xử lý cảm xúc và cảm giác của não bộ. Nghiên cứu này đã chứng minh rằng thực phẩm giàu lợi khuẩn có thể có tác động đến não qua qua trục não – ruột. Trong một nghiên cứu khác gần đây, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra rằng các hợp chất thường được tìm thấy trong trái cây, rau và các loại hạt, được gọi là polyphenol (14), có thể điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột và điều hoà các triệu chứng lo âu, trầm cảm. Thành phần vi sinh vật đường ruột có thể thay đổi theo những loại thức ăn mà chúng ta tiêu thụ. Thực phẩm giàu chất xơ và prebiotics có thể giúp chọn lọc một số chủng vi khuẩn có lợi so với thực phẩm giàu tinh bột và đường, là nguồn cung cấp năng lượng cho cả vi khuẩn tốt và xấu. Protein, chất béo và muối cũng đóng một vai trò trong việc ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột. Một nghiên cứu (15) thậm chí đã chỉ ra rằng những người ăn chế độ ăn toàn động vật có hệ vi sinh vật khác biệt đáng kể so với những người ăn chế độ ăn toàn thực vật. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng rằng chế độ ăn toàn động vật gây biến đổi hệ vi sinh đường ruột có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh viêm ruột. Lựa chọn thực phẩm là một trong những hành động chúng ta thực hiện hàng ngày, lại là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới hệ vi sinh vật đường ruột. Cách thức chúng ta ăn và chế độ ăn uống có thể là “đồng minh” của chúng ta trong việc điều chỉnh hệ vi sinh vật sống trong ruột, từ đó tác động tới sức khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần. Xem thêm:

Playlist Ăn Lành (học dinh dưỡng qua video cùng Coach Nam Phương)

Stress Eat - Bạn có đang ăn để giải toả căng thẳng (vấn đề ăn uống của người bận rộn)



715 views
bottom of page