Sự tách biệt
top of page

Sự tách biệt

Dịch từ cuốn sách "Thế giới tươi đẹp hơn mà trái tim chúng ta biết rằng có thể" - The more beautiful world that our hearts know is possible của tác giả Charles Eisenstein)


Đôi lúc tôi thấy hoài niệm cái thần thoại văn hoá thời tuổi trẻ của mình, một thế giới mà ở đó nước soda chẳng có gì sai trái, giải bóng bầu dục Super Bowl còn quan trọng, ở đó nước Mỹ vẫn đang mang dân chủ đến cho thế giới, ở đó bác sĩ có thể cứu được bạn, ở đó khoa học đang khiến cho cuộc sống tốt hơn và tốt hơn nữa, và người ta chỉ vừa đưa được một người lên mặt trăng.


Cuộc sống còn có ý nghĩa. Thời đó nếu bạn học chăm chỉ bạn có thể đạt điểm tốt, vào một trường cao đẳng tốt, học lên cao học hoặc theo một con đường chuyên nghiệp nào đó, và rồi bạn sẽ hạnh phúc. Trừ một số ngoại lệ không may, bạn sẽ trở nên thành công nếu bạn tuân theo luật lệ của xã hội: nếu bạn làm theo đúng lời khuyên y tế mới nhất, luôn cập nhật bản thân bằng cách đọc tờ Thời báo New York, được giáo dục đàng hàng, tuân thủ luật pháp, đầu tư thận trọng và tránh xa Những Điều Xấu như ma tuý. Chắc chắn cũng có những vấn đề, nhưng các nhà khoa học và các chuyên gia đang làm việc chăm chỉ để sửa chữa chúng. Sẽ sớm có một tiến bộ y tế mới, một đạo luật mới, một kỹ thuật giáo dục mới mà sẽ thúc đẩy sự cải thiện đời sống. Những nhận thức thời thơ ấu của tôi là một phần của một câu chuyện mà tôi gọi là Câu chuyện về Con người, trong đó nhân loại được định sẵn để tạo ra một thế giới hoàn hảo thông qua khoa học, lý trí và công nghệ: để chinh phục tự nhiên, vượt lên trên nguồn gốc động vật của mình và xây dựng một xã hội hợp lý.


cuộc sống hiện đại. Nguồn ảnh: Pexel

Từ xuất phát điểm thuận lợi của tôi, tiền đề cơ bản của câu chuyện này dường như không thể nghi ngờ. Trình độ học vấn của tôi, phương tiện truyền thông và hơn hết là trạng thái bình thường của những lộ trình sống xung quanh tôi đều nói rằng: “Mọi thứ đều ổn.” Ngày nay, ta càng ngày càng thấy rõ rằng đây là một kiểu thế giới bong bóng được xây dựng ngay trên đỉnh những đau khổ to lớn của con người và sự suy thoái của môi trường. Nhưng vào thời điểm đó, một người có thể sống trong bong bóng đó mà không cần phải tự lừa dối mình nhiều. Câu chuyện xoay quanh chúng ta đã từng rất mạnh mẽ. Nó đã từng dễ dàng gạt các điểm dữ liệu bất thường qua bên lề.


Tuy nhiên, tôi (cũng như nhiều người khác) đã cảm thấy có điều gì đó sai trái với thế giới này, một sự sai trái đã rò rỉ qua những vết nứt của tuổi thơ đầy đặc quyền và cách biệt của tôi. Tôi không bao giờ hoàn toàn chấp nhận được những gì tôi được ban cho như điều bình thường. Cuộc sống, như tôi đã biết, đáng ra phải vui hơn thế này, thực hơn, ý nghĩa hơn và thế giới đáng ra phải tươi đẹp hơn. Đáng lẽ ra chúng ta không nên ghét Thứ Hai và sống chỉ để chờ đến những ngày cuối tuần và ngày lễ. Chúng ra không nhất thiết phải giơ tay để được phép đi vệ sinh. Chúng ta đáng ra không nên bị giữ ở trong nhà vào một ngày đẹp trời, ngày này qua ngày khác. Và khi tầm nhìn của tôi mở rộng, tôi biết rằng hàng triệu người đáng ra không bị chết đói, vũ khí hạt nhân đáng ra không treo lơ lửng trên đầu chúng ta, những khu rừng nhiệt đới đáng ra không bị thu hẹp lại, hay chuyện cá đang chết, hay những con chim ưng biển và đại bàng đang biến mất. Tôi không thể chấp nhận cách mà câu chuyện thống trị trong nền văn hóa của tôi đã xử lý những điều này: chúng được xử lý những vấn đề rời rạc cần được giải quyết, như những sự thật đáng tiếc trong cuộc sống chỉ còn để hối tiếc, hoặc như những chủ đề cấm kỵ không được nhắc đến hoặc đơn giản là bị lờ đi.


Trên nhiều cấp độ, chúng ta đều hiểu biết tốt hơn thế. Hiểu biết này ít khi được nói ra một cách sáng rõ, cho nên thay vì thế ta lại thể hiện nó gián tiếp thông qua sự nổi loạn bí mật lẫn công khai. Nghiện ngập, tự huỷ hoại, trì hoãn, lười biếng, cuồng nộ, mệt mỏi mãn tính và trầm cảm đều là những cách chúng ta khước từ sự tham gia đầy đủ của mình vào cái lập trình cuộc sống mà ta được ban cho. Khi ý thức không thể tìm ra một lý do để nói không, thì tiềm thức sẽ nói không theo cách của riêng nó. Càng ngày càng nhiều người trong chúng ta không thể chịu nổi việc phải sống trong trạng thái “bình thường cũ" được thêm chút nào nữa.



Câu chuyện của trạng thái bình thường này cũng đang đổ sụp trên cấp độ hệ thống. Chúng ta sống ngày hôm nay trong thời điểm chuyển giao giữa những thế giới. Những tổ chức đã khai sinh ra chúng ta qua nhiều thế kỷ đã mất đi sức sống của chúng; chỉ còn cách gia tăng thêm sự tự ảo tưởng thì chúng ta mới có thể giả vờ như chúng còn bền vững. Những hệ thống tiền tệ, chính trị, năng lượng, y tế, giáo dục, và nhiều hơn nữa...của ta không còn có thể mang đến những lợi ích mà chúng từng làm được (hoặc có vẻ như vậy). Những lời hứa hẹn lý tưởng đến mức hoàn hảo, mới một thế kỷ trước còn rất truyền cảm hứng, đang dần lùi xa qua mỗi năm. Hàng triệu người chúng ta biết điều này, và càng ngày ta càng khó có thể bỏ công mà giả vờ khác đi. Là thế nhưng ta có vẻ bất lực trong việc thay đổi, bất lực ngay cả trong việc ngừng tham gia vào chuyến lao xuống bờ vực của nền văn minh công nghiệp.


Trong tác phẩm trước đó của mình, tôi đã đưa ra một bản tái cấu trúc quá trình này, nhìn vào sự tiến hóa của nền văn hóa con người như một câu chuyện về sự phát triển, nối tiếp bởi khủng hoảng, tiếp nữa là đổ vỡ, tiếp nữa là một sự phục hưng: với sự xuất hiện của một loại hình văn minh mới, một Kỷ nguyên của Đoàn tụ theo sau Kỷ nguyên của Tách biệt. Có lẽ sự thay đổi sâu sắc chỉ xảy ra thông qua sự sụp đổ. Chắc chắn điều đó đúng với nhiều người ở mức độ cá nhân. Về mặt tri thức, bạn có thể biết rằng lối sống của bạn không bền vững và bạn phải thay đổi cách sống của mình. "Rồi, rồi. Tôi biết tôi nên ngừng hút thuốc. Bắt đầu tập thể dục. Ngừng mua hàng với thẻ tín dụng ghi nợ ”. Nhưng ta có thường thấy con người thay đổi mà không cần một tiếng gọi thức tỉnh, hoặc thường thấy hơn, hàng loạt các lời gọi thức tỉnh? Rốt cuộc, thói quen của chúng ta thường ăn sâu bám rễ vào cách ta sống trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Do đó có câu nói, "Bạn không thể thay đổi một thứ mà không thay đổi mọi thứ."


Điều này cũng đúng trên quy mô tập thể. Khi mà ta thức tỉnh về tính kết nối liên thông (interconnectedness) của tất cả các hệ thống của ta, ta cũng thấy rằng ta không thể thay đổi, ví dụ như, những công nghệ năng lượng mà không thay đổi hệ thống kinh tế hỗ trợ chúng. Ta cũng học được rằng tất cả những tổ chức bên ngoài của ta phản ánh những nhận thức cơ bản về thế giới, những lý tưởng vô hình và những hệ thống niềm tin của ta. Theo cách hiểu này, ta có thể nói rằng cuộc khủng hoảng sinh thái - như tất cả những cuộc khủng hoảng của ta - cũng là cuộc khủng hoảng về tâm linh. Ý tôi là nó phải đi đến điểm tận cùng, bao trùm tất cả những khía cạnh trong cuộc sống con người.



Và chính xác thì điều gì là điểm tận cùng? Tôi có ý gì khi nói đến “sự chuyển dịch giữa những thế giới"? Ở điểm tận cùng của nền văn minh của ta có một câu chuyện, một thần thoại. Tôi gọi nó là Câu chuyện về Thế giới hay Câu chuyện về Con người - một ma trận của những câu chuyện, thỏa thuận, và các hệ thống ký hiệu mà đã chứa đựng những câu trả lời mà nền văn hoá chúng ta đưa ra cho những câu hỏi cơ bản nhất của cuộc sống như:

  • Tôi là ai?

  • Tại sao mọi thứ xảy ra như vậy?

  • Mục đích của cuộc sống là gì?

  • Bản chất con người là gì?

  • Điều gì là thiêng liêng?

  • Chúng ta là gì với tư cách một dân tộc?

  • Chúng ta đã đến từ đâu và chúng ta sẽ đi đến đâu?


Nền văn hoá của ta trả lời những câu hỏi này ít nhiều như sau. Tôi sẽ đưa ra một bản trình bày thuần tuý cho những câu trả lời này, Câu chuyện của Thế giới này, cho dù trên thực tế, nó chưa bao giờ có sức thống trị hoàn toàn ngay cả khi nó đạt đến đỉnh cao trong thế kỷ trước. Bạn có thể nhận ra một số câu trả lời này đã lỗi thời về mặt khoa học, nhưng khoa học lỗi thời của thế kỷ 19 và 20 vẫn đang chế tác nên cái nhìn của ta về điều gì là thực, là có thể và thực tế. Nền vật lý mới, sinh học mới, tâm lý học mới vừa chỉ bắt đầu thâm nhập vào những niềm tin vận hành bên trong ta.


Và đây là các câu trả lời cũ:

Bạn là ai?

Bạn là một cá thể riêng biệt giữa những cả thế riêng biệt khác trong một vũ trụ cũng tách biệt với bạn. Bạn là một vi thể ý thức thuộc học thuyết Descartes (1) đang nhìn ra ngoài thông qua đôi mắt của một người máy có xác thịt, được lập trình bởi gen của nó để tối đa hóa lợi ích sinh sản. Bạn là một bong bóng chứa từ tâm lý, một tâm trí (cho dù dựa trên não bộ hay không) tách biệt với những tâm trí khác và tách biệt khỏi vật chất. Hoặc bạn là một linh hồn được bọc trong xác thịt, tách biệt với thế giới và tách biệt với các linh hồn khác. Hoặc bạn là một khối, một tập hợp các hạt vận hành theo các lực vật lý phi nhân cách.


Tại sao mọi thứ xảy ra?

Một lần nữa, các lực vật lý phi nhân cách tác động lên một chất nền vật chất chung của các hạt cơ bản. Tất cả các hiện tượng là kết quả của các tương tác được xác định bằng toán học này. Trí thông minh, trật tự, mục đích và thiết kế là những ảo tưởng; bên dưới tất cả chỉ là một mớ bòng bong không mục đích của các lực và khối lượng. Mọi hiện tượng, mọi chuyển động, mọi sự sống, đều là kết quả của tổng các lực tác dụng lên các vật thể.


Không có mục đích, chỉ có nguyên nhân. Vũ trụ về cơ bản là mù mịt và chết chóc. Suy nghĩ chỉ là một xung điện hóa; tình yêu chỉ là một dòng thác nội tiết tố quấn quanh bộ não của chúng ta. Mục đích duy nhất của cuộc sống (ngoài những gì chúng ta tự chế tác ra) chỉ đơn giản là để sống, để tồn tại và tái sinh sản, để tối đa hóa lợi ích theo lý trí. Vì chúng ta về cơ bản là tách biệt với nhau, nên tư lợi của tôi có được rất có thể sẽ phải trả giá bằng tư lợi của bạn. Mọi thứ không phải ta trong trường hợp tốt nhất là thờ ơ với hạnh phúc của chúng ta, trong trường hợp tệ nhất là thù địch.


Bản chất con người là gì?

Để bảo vệ bản thân trước vũ trụ thù địch của các cá nhân cạnh tranh và các thế lực vô nhân đạo, chúng ta phải kiểm soát càng nhiều càng tốt. Chúng ta tìm kiếm bất cứ điều gì đẩy mục tiêu đó xa hơn; ví dụ như tiền bạc, địa vị, sự bảo mật, thông tin và quyền lực — tất cả những thứ mà chúng ta gọi là “trần thế”. Chính tại nền tảng bản chất của chúng ta, động cơ và ham muốn của chúng ta, là thứ chỉ có thể được gọi là xấu xa. Đó chính là một người tối đa hóa tư lợi một cách tàn nhẫn.


Vậy thì, cái gì là thiêng liêng?

Do việc theo đuổi tư lợi một cách mù quáng, tàn nhẫn là phản xã hội, điều quan trọng là phải vượt lên trên lập trình sinh học của chúng ta và theo đuổi “những điều cao cả hơn”. Một người thánh thiện không khuất phục trước những ham muốn của xác thịt. Anh ta hoặc cô ta đi trên con đường từ bỏ bản thân, của kỷ luật, vươn lên lĩnh vực của tinh thần, nguyên tắc và đạo đức. Đối với người theo đạo, tính thiêng liêng nằm ở thế giới khác; linh hồn tách biệt với thể xác, và Đức Chúa Trời sống trên cao so với mặt đất. Bất chấp sự chống đối bề ngoài của họ, khoa học và tôn giáo đã đồng ý với nhau rằng: điều thiêng liêng không thuộc về thế giới này.

Chúng ta là gì với tư cách một dân tộc? Chúng ta là một loại động vật đặc biệt, là đỉnh cao của sự tiến hóa, sở hữu bộ não cho phép chuyển giao thông tin di truyền cũng như văn hóa. Chúng ta là duy nhất khi có một linh hồn (theo quan điểm tôn giáo) hoặc một lý trí (theo quan điểm khoa học). Trong vũ trụ cơ học của chúng ta, chúng ta là loài duy nhất có ý thức và sức mạnh để nhào nặn thế giới theo thiết kế của mình. Giới hạn duy nhất đối với khả năng này của chúng ta là tổng hiệu quả của lực mà chúng ta có thể khai thác và độ chính xác mà chúng ta có thể áp dụng nó. Chúng ta càng có khả năng làm như vậy, thì chúng ta càng tốt hơn trong vũ trụ thờ ơ hay thù địch này, càng thoải mái và an toàn.


Chúng ta đến từ đâu và chúng ta sẽ đi đâu?

Chúng ta khởi đầu là những con vật trần trụi, ngu dốt, bám trụ vừa đủ để sinh tồn, sống một cuộc đời tồi tệ, tàn bạo và ngắn ngủi. May mắn thay, nhờ bộ não lớn của chúng ta, khoa học đã thay thế mê tín và công nghệ đã thay thế nghi lễ. Chúng ta thăng cấp trở thành những chúa tể và chủ sở hữu thiên nhiên, thuần hóa động thực vật, khai thác sức mạnh tự nhiên, chiến thắng bệnh tật, tiết lộ những bí mật sâu kín nhất của vũ trụ. Định mệnh của chúng ta là hoàn thành cuộc chinh phục đó: giải phóng bản thân khỏi lao động, khỏi bệnh tật, khỏi chính cái chết, để đi lên các vì sao và hoàn toàn bỏ lại thiên nhiên.


Câu trả lời cho những câu hỏi này phụ thuộc vào văn hóa, nhưng chúng làm chúng ta chìm đắm hoàn toàn đến mức chúng ta coi chúng như chính thực tế. Những câu trả lời này ngày nay đang thay đổi, cùng với mọi thứ lấy chúng làm nền tảng — về cơ bản có nghĩa là toàn bộ nền văn minh của chúng ta. Đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta có cảm giác chóng mặt rằng cả thế giới đang tan rã. Nhìn thấy sự trống rỗng của những gì từng có vẻ rất thực tế, thực tế và bền bỉ, chúng ta như thể ở một vực thẳm. Cái gì đến tiếp theo? Tôi là ai? Điều gì quan trọng? Mục đích sống của tôi là gì? Làm thế nào tôi có thể trở thành một tác nhân chữa lành hiệu quả? Những câu trả lời cũ đang mờ dần khi Câu chuyện về Con người mà đã từng đưa ra chúng vỡ vụn xung quanh chúng ta.



Giống như cuộc khủng hoảng, quá trình chuyển đổi mà chúng ta đối mặt phải đi đến gốc rễ. Phía bên trong, nó không khác gì một sự chuyển hoá trong trải nghiệm được sống. Phía ngoài, nó không khác gì một quá trình chuyển đổi vai trò của loài người trên hành tinh Trái Đất.


Tôi không đưa ra cuốn sách này với tư cách một người đã tự mình hoàn thành quá trình chuyển đổi này. Còn xa lắm. Tôi không có thẩm quyền viết cuốn sách này hơn bất kỳ người đàn ông hay phụ nữ nào khác. Tôi không phải là hình mẫu đại diện hay thánh nhân nào, tôi không phải là những bậc thầy thăng thiên hay những người ngoài hành tinh, tôi không có siêu năng lực bất thường hay thiên tài trí tuệ, tôi chưa trải qua bất kỳ khó khăn hay thử thách đáng kể nào, tôi không có thực hành tâm linh đặc biệt sâu sắc hay đào tạo trở thành pháp sư (2). Tôi là một người đàn ông bình thường. Do đó, bạn sẽ phải kiểm nghiệm những lời của tôi dựa trên chính giá trị của riêng chúng.


Và nếu lời nói của tôi thực hiện được ý định của chúng, tức là xúc tác cho một bước tiếp theo, dù lớn hay nhỏ, đến với thế giới tươi đẹp hơn mà trái tim chúng ta biết là có thể, thì sự bình thường của tôi sẽ trở nên rất có ý nghĩa. Nó cho thấy tất cả chúng ta, như những con người bình thường, đang gần đến mức nào với sự chuyển hoá sâu sắc của ý thức và bản thể. Nếu tôi, một người bình thường, có thể nhìn ra điều này, chúng ta hẳn là đang ở rất gần điều đó.


GHI CHÚ:

  1. Chỉ nhà toán học René Descartes

  2. Từ gốc: shaman - chỉ một người được coi là có quyền tiếp cận và có ảnh hưởng trong thế giới của những linh hồn thiện và ác, thường có trong một số dân tộc ở Bắc Á và Bắc Mỹ. Thông thường, những người như vậy đi vào trạng thái thôi miên trong một nghi lễ, và thực hành bói toán và chữa bệnh.

214 views
bottom of page