4 loại hạt tạo phước lành bền vững nhất
top of page

4 loại hạt tạo phước lành bền vững nhất

Nếu một ngày thấy cuộc sống nhàm chán, hãy biết rằng cuộc sống chẳng bao giờ có lỗi chi.

Lỗi là ở cách mình đã sống, đã thấy, đã cảm - không được làm mới đã lâu rồi.

Một căn nhà đẹp, một khu vườn đẹp đến đâu mà không ngày ngày được quét dọn, vun vén…thì sớm muộn cũng trở nên hoang tàn.

Cũng như vậy với khu vườn của cơ thể, tâm trí và cả linh hồn…lần cuối ta chăm bón, vun bồi là khi nào? Lần cuối ta gieo hạt, ươm cây là khi nào?



Nhiều người nói rằng mình đã có cuộc sống mà họ mơ ước. Rằng mình may mắn như thế nên mới có thể rảnh rang mà sống chậm. Thế mà cũng có nhiều lúc mình thấy không hài lòng các bạn ạ. Nhất là khi bộ phim trình chiều trong nội tâm con người thường hay theo tuyến kịch bản của những điều chưa-đủ, chưa-chắc, chưa-xứng…Nếu không nhận ra mà chỉnh sửa, “sống chậm" mà đầu liên tục nhảy số thì có huề vốn không?


Mọi thứ chúng ta đang có hay không có đều xứng đáng với nhận thức và nỗ lực trước đó của ta. Trong kinh Đại Phước Đức (Mangalasutta), Bụt giảng về 38 loại hạt tốt đẹp mỗi người có thể gieo trồng cho khu vườn cuộc đời được ra hoa trái bền vững. Giống như một người làm vườn thuận tự nhiên & thông thái thường có quy hoạch cây gì tiên phong đi trước nhất để có thể sớm cho bóng mát & làm đất tốt, chúng ta cũng cần biết những loại hạt nào nên được gieo trước nhất để tạo điều kiện tối ưu nhất cho những cây còn lại theo sau.


Trong kinh, có bốn loại nhân lành được gọi là “cỗ máy thành tựu bốn chi" ( sampatticakka). Trong đó, “cakka" được gọi là một hiện tượng tự nhiên có khả năng làm tiếp nối nguyên nhân - kết quả, như một cỗ máy đều đặn vận hành để phát khởi thuận lợi cho các nhân lành khác. Theo lời giảng của các thầy tổ, khi vận hành đồng bộ được cả bốn loại nói trên thì tất cả những an vui & hạnh phúc của con người có thể được thành tựu vững mạnh lâu dài như ý muốn. Đó là:


1. Cư trú nơi thích hợp:

Chúng ta chú trọng sự phát triển ở khía cạnh nào, muốn công việc và cuộc sống được phát triển theo hướng ra sao? Từ đó mà chọn nơi cư trú thích hợp. Chú trọng phát triển kinh doanh thì ở nơi có nhiều điều kiện giao thương tốt, chú trọng khoẻ mạnh thì ở nơi có thời tiết ôn hoà, chú trọng học tập thì ở nơi có môi trường học tập & những vị thầy tốt…Nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng rất nhiều người đang sống ở nơi gây nhiều nghịch duyên cho sự phát triển của mình. Rồi quanh năm suốt tháng than thở và đổ lỗi cho nơi chốn đó: quá ô nhiễm, quá nhiều mối quan hệ độc hại, quá nhiều cám dỗ…và lấy đó làm cái cớ cho sự phát triển lệch lạc của mình.

Hoặc cũng có người đang vì người khác mà cư trú nơi không thích hợp, ví dụ như chăm sóc cha mẹ đau bệnh hoặc cho con gần trường tốt. Lâu dài, ta thấy mình như một cái cây bị trồng lâu năm trong chậu, không có đủ đất để vươn rễ nên đành bó rễ lại và chấp nhận sự phát triển còi cọc của cành lá. Hãy luôn có một tầm nhìn dài hạn hơn giai đoạn hiện tại, và dần thiết lập các điều kiện để dần an trú được tại một nơi cư trú phù hợp hơn.


Bên cạnh đó, hãy tự phản tư bằng câu thần chú “Có chắc không?”: Có chắc cho con học ở trường quốc tế xịn nơi thành phố thì tốt hơn là cho nó được gần gũi thiên nhiên? Có chắc để ba mẹ sống gần bệnh viện (để tiện khám chữa) thì tốt hơn là cho họ được về quê vui thú ruộng vườn? v.v…


2. Thân cận hiền nhân:

Với mình, điều kiện này còn quan trọng hơn điều kiện trước. So với ngày xưa ở đâu thì giao tế chủ yếu với người nơi đó, ngày nay chúng ta có nhiều điều kiện để chủ động hơn thông qua Internet và các phương tiện đi khắp địa cầu. Hiền nhân có thể là các vị thầy, tiền bối, đồng nghiệp, bạn tốt, cộng đồng tử tế, tăng thân (đoàn thể những người cùng đi trên con đường thực tập) v.v…Từ họ mà ta định hình nên nhận thức, tư duy, được trao những cơ hội phát triển, được soi sáng và nâng đỡ, được…tát cho tỉnh ra khi lỡ mê muội, và được truyền cảm hứng từ chính thân giáo của họ.

Mình có tiêu chí rất cao cho những người đồng hành cùng mình, vì khi đã chọn nhau rồi thì chúng ta cùng là vị thầy đáng kính của nhau. Là tấm gương để soi lại mình. Là một khoảng trời tri kỷ. Và ta không bao giờ được quên rằng có phước lắm mới gặp nhau!



3. Trước đã làm phước thiện công đức:

Theo sau điều kiện vừa nói trên, chúng ta có khuynh hướng gieo trồng nhiều hạt phước lành khi gần những người cũng chăm chỉ gieo trồng trên ruộng phước của họ. Xã hội đầy rẫy những tiêu cực y như tình trạng ô nhiễm khắp toàn cầu. Thế nhưng thay vì than vãn với tình trạng chung ta đơn giản là có thể quay về vun trồng cho chính khu vườn của mình, làm phần mình trước?


Thi thoảng mà thấy bản thân trở nên nhàm chán, chây ỳ, tiêu cực… mình cũng thường chủ động tìm đến với một người bạn nào đó có phẩm chất mà mình muốn được khơi dậy trở lại, rồi lại cùng họ làm những việc thiện lành khác. Trong buổi triển lãm ảnh Tĩnh Lặng năm trước, bài phát biểu của mình được đặt tên là “Mỗi thứ mình làm ra đều nhờ có cộng đồng" là vì vậy.

Có những chuyến tu học, đi từ thiện, đi trồng cây…mình làm không phải vì mình có tâm cao thượng sẵn. Mà mình làm vì mình biết rằng cứ làm đi rồi tâm cao thượng mới được đánh thức trở lại. Quan hệ nhân quả có thể đảo ngược so với những gì ta từng nghĩ.


4. Thiết lập thân tâm chân chánh tốt lành:

Kết hợp với những nhân lành nói trên, dần dần tâm ý của mình được nắn chỉnh đúng hướng, quan sát liên tục và sửa chữa thân tâm cho ngày một tốt đẹp hơn. Như thể sau một thời gian làm vườn và ta học hỏi và quan sát thấy ngày một rõ hơn điều kiện sinh trưởng của mỗi loại cây, rồi ngày càng biết cách đặt từng loại vào đúng điều kiện ánh sáng, độ ẩm, đất đai thích hợp.

Đây là một quá trình dài hơi, đôi khi kết quả có thể khá chậm chạp. Tuy nhiên, dù ta có thể trông thấy bằng mắt thường hay không thì cây ngày nào cũng có rễ đan xuống đất chặt hơn một chút, cành lá cũng vươn lên thêm một chút…Đến lúc quên bẵng không thèm để ý nữa mà chỉ tập trung chăm bón khu vườn của mình mỗi ngày, thì đến thời điểm vô tình ra vườn, giật mình nhận thấy hoa trái tốt tươi tự lúc nào!

Trong cỗ xe thành tựu bốn chi pháp này, số 4 là quan trọng nhất. Có những người đã gieo cả ba loại hạt trước, nhưng vì thiếu loại hạt số bốn mà cũng đi sai đường. Và ngược lại, có những người không thuận lợi trong việc gieo ba loại hạt trước, nhưng vì gieo loại số bốn này với tất cả lòng quyết tâm, kiên trì…thì cuối cùng cũng bù đắp được rất nhiều.

Đọc đến đây, bạn thấy lòng khởi lên mong muốn gieo loại hạt nào mạnh mẽ, đều đặn hơn?

Nguyện mong các bạn có duyên đọc được bài này có thêm cảm hứng gieo hạt & chăm sóc vườn tâm của mình đều đặn mỗi ngày.


Viết theo lời dạy của Bụt và các thiền sư: Sayadaw U jotika, Sayadaw Nandamalabhivamsa, Thích Nhất Hạnh, cũng như cảm hứng từ Đất Mẹ vĩ đại.

42 views
bottom of page