ẤN ĐỘ DU KÍ - KÌ 1: YOGA & KỈ LUẬT CỦA TÂM TRÍ
top of page

ẤN ĐỘ DU KÍ - KÌ 1: YOGA & KỈ LUẬT CỦA TÂM TRÍ

Updated: Oct 27, 2021



Tín hiệu đầu tiên vũ trụ gửi xuống cho mình về việc này là khi didi Miira hỏi mình 1 câu đơn giản nhất trần đời: “Em có muốn làm giáo viên Yoga không?”. Sau đó cô đi mất tiêu, để lại 6 cuốn băng ghi âm cho mình. Hàng ngày mình có nhiệm vụ bật băng lên 3-4 lần, tập mẫu 3-4 lần cho các học viên tập theo. Lúc đó mình thấy chán òm luôn nhưng thường thì khi yêu quý một người hết mức ta có thể vượt qua mọi cơn chán mà cứ thế làm thôi…(câu chuyện về didi Miira: https://youtu.be/ruEpxLDluII)


Khi didi không còn ở Đà Lạt nữa, mình càng ngày càng cảm thấy không thể thoả mãn với việc tập Yoga ở Việt Nam nữa. Mình cũng chưa nghĩ đến việc làm giáo viên, nhưng vì muốn đào sâu hơn vào Yoga như một hệ thống rèn luyện toàn diện nên quyết định sang Rishikesh - “thủ đô Yoga của thế giới". Viết đến đây đọc lại nghe như quảng cáo du lịch Ấn Độ trá hình quá. Mấy nhà báo đừng liên hệ kêu em viết bài du lịch với chả trải nghiệm gì nghen. Em lười lắm không viết kiểu báo được đâu nghen.


Kể tiếp. Nơi mình học mang tên “Parmarth Niketan”. Đó là cái ashram (tạm dịch: tu viện) bự nhất ở Rishikesh, sơ sơ có hơn 1000 phòng và mấy chục cái chương trình xã hội chạy quanh năm thôi à! Chọn trường này là vì nó danh tiếng, có nhiều thứ đặc sắc mà học phí lại rẻ so với các trường được xếp hạng cao khác. Học xong thấy quả là một quyết định sáng suốt!


Vì sao sáng suốt? Mình sẽ kể lại dần dần nha...


Điều ấn tượng lớn nhất với mình là những giờ bình chú các văn tự kinh điển “Bhagavad Gita" và “Yoga sutras" của Mataji. (“Mata" là “Mẹ", “ji" là hậu tố mang tính kính trọng. “Mataji" là kính ngữ dùng chung cho phụ nữ, nếu không biết hoặc không tiện gọi tên.) Cô giống như phiên bản lớn tuổi và trưởng thành hơn của didi Miira, là guru được kính trọng bậc nhất ở đây. Các bạn cứ hình dung đối với một Guru đã được công nhận rộng rãi, thì sự kính trọng cũng tương đương như đối với một thiền sư đã chứng đắc. Đối với văn hoá Ấn thì sẽ có các hình thức như chắp tay chào, hay chạm tay vào chân, hoặc thậm chí là quỳ rạp (tìm cách) hun chân.


Mình thì quan tâm đến những giờ giảng của cô vì đây chính là những nội dung hiếm người có thể bình giảng được một cách sâu sắc. Mà Gita lại là “từ điển tâm linh" của Ghandhi. Mình đọc song song kinh Gita và tự truyện của Ghandhi thì thấy trong rất nhiều kinh, sách gây ảnh hưởng sâu đậm lên con người ông thì Gita được trích dẫn liên tục như những chỉ dẫn tư tưởng & hành động hết sức rõ ràng. Mà vì Ghandhi từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận của mình nên dù giờ học chanting trước đó mình có ngủ gật rớt nước miếng thì đến giờ giảng Gita là mắt lúc nào cũng mở thao láo, đớp lấy đớp để lời dạy của Mataji. Mà Mataji giảng hay thiệt chứ! Nghe cô giảng như được nghe thầy mình giảng pháp, trong lòng thấy thấm nhuần và biết ơn. Cứ mỗi lần cô kết thúc bài giảng là cả lũ thở dài tiếc nuối.


Những giờ giảng này được đặt nhiều trọng tâm hơn rất nhiều so với học các tư thế asana. Bạn nào quan tâm đến hệ thống Yoga cổ điển sẽ hiểu vì sao: Yoga được định nghĩa là con đường đi đến sự giải thoát, và nếu như bạn tập vì các mục đích như giảm cân thì tức là bạn không hiểu gì về Yoga. (Mặc dù “Yoga” ở các trung tâm fitness hiện nay sẽ dừng lại ở những mục đích này).


Vì ở nhà mình chủ yếu tập asana rất đều đặn nên khi mình qua đây mình là 1 trong những đứa tập asana tốt nhất. Mà như thế cũng không có gì tự hào lắm. Thậm chí 2 bạn trẻ (trâu) Ấn Độ thích phô diễn các tư thế cực kì khó thì thường xuyên bị Guru rầy la chê trách vì thiếu kỉ luật và không khiêm tốn (“Shame on you!"). Trước khi qua đây thì mình nghe một chị bạn được đào tạo ở Việt Nam kể về bài thi tốt nghiệp là phải gập bụng bao nhiêu cái, hít đất bao nhiêu cái...làm mình hết hồn. Qua đến đây thì tuần nào cũng có test, và để tốt nghiệp thì có 2 bài thi: Bài thi viết luận thể hiện sự hiểu biết về các bài giảng kinh, bài thi thực hành là dạy học sao cho rõ ràng, chu đáo, phù hợp với tình hình sức khoẻ thực sự của học viên.


“Yogi" cũng không phải là một danh xưng tuỳ tiện cho bất cứ người nào tập Yoga hay thậm chí là giáo viên Yoga, nếu như người đó không có lối sống và sự thực hành sâu sắc theo kỉ luật của Yoga. Tụi mình sẽ được gọi là “Yoga seekers" (tạm dịch: những người trên hành trình tìm kiếm sự hợp nhất với linh hồn thiêng liêng bên trong mình). Càng nghiên cứu mình càng cảm thấy đây đúng là khung kỉ luật Thân - Tâm mà mình có thể áp dụng lâu dài. Khéo léo áp dụng thì cũng không có gì xung khắc với những phương pháp thực hành như Vipassana, ngược lại còn bổ trợ rất tốt khiến cho việc hành thiền được dễ dàng hơn. Thực tế, có những lời giảng của thầy dạy thiền mình hiểu được sâu sắc hơn thông qua kinh Gita.


Mà gọi là “Kỉ luật" nhiều khi hơi nghiêm trọng thì phải? Mình và bạn học của mình nhắng lắm, cũng chơi hết sức mình chứ không phải không biết tận hưởng cuộc sống đâu nha! Nhưng đừng quên “Discipline" (kỉ luật) cũng cùng gốc Latin với “Disciple" (đệ tử), nên mình vô cùng yêu thích định nghĩa:

Kỉ luật chính là trở thành đệ tử lớn nhất của chính bản thân mình!

Chứ gì nữa! Cuối cùng thì chẳng có ai quản thúc bạn được và chỉ có bạn tự duy trì những thói quen cần thiết vì lợi ích của chính bạn mà thôi. Câu hỏi đặt ra trong bài luận tốt nghiệp của tụi mình là:Kế hoạch rèn luyện của bản thân khi trở về với đời sống thường nhật để đạt được khả năng kiểm soát tâm trí hoàn toàn, không mệt nhọc? (Từ câu định nghĩa trong Yoga Sutra:”Yogaś citta-vritti-nirodhaḥ”). Mình thấy đây cũng là kế hoạch rèn luyện mà bản thân mình phải thực sự trả lời, chứ không chỉ để làm cho xong bài luận tốt nghiệp. Vì bối cảnh ở đây là sống ở đời nha, không phải trong thiền viện nơi có người giữ kỉ luật giúp hay có bạn bè chăm chỉ động viên nha.


Ảnh: mình và bạn học chiều nào cũng được yêu cầu ra dự Ganga Aarti (lễ tôn vinh sông Hằng) do nhà trường tổ chức.


----


Yoga và Vipassana thì là hai kiểu tu khác nhau rồi. Nhưng mình thấy người mới thực hành dễ gặp "bi kịch" na ná nhau lắm. Mình quan sát thấy rằng nhiều bạn khi đi các khoá thiền thì thấy hỉ lạc lắm. Nhưng khi không còn trong môi trường thuận lợi, nhiều điều kiện hỗ trợ nữa thì lung lay rơi rớt như lá vàng mùa thu. Lại thấy bản thân tham sân si như thường. Nguyên nhân vì có sự phân cách quá sâu sắc giữa môi tmôi trường thực tế và môi trường tu học - nơi mà chúng ta cứ mặc định là “ở đó mới thực sự là tu". Mà người thực hành lại không biết mang sự thực hành vào cuộc sống hàng ngày. Nếu có thì là gắng gượng ngồi thiền được 1 vài giờ, ban đầu thì ổn lúc sau thì càng ngày càng chán. Xung đột nội tâm dâng trào. Một mặt thì chưa thể nào buông bỏ được đủ mọi loại dính mắc, trách nhiệm nhưng một mặt thì lại không đủ động lực để sống cuộc đời cũ trước khi “biết đạo”. Kết cục là có lối sống “nửa đạo nửa đời", rồi lại hoang mang, giằng xé, bất mãn…Bạn nào lỡ rơi vào bi kịch đọc thư giải đáp nhiệt tình hết chỗ nói của thầy ở đây: http://sutamphap.com/thu-thay-tro/song-thuan-phap-1.


Còn bạn nào biết cách khéo léo đưa Pháp hành vào trong cuộc sống thì sẽ thấy là mình còn tham gia vào cuộc sống nhiệt tình hơn trước, có ích hơn trước. Đến một lúc tìm được điểm cân bằng rồi thì chỉ việc “go with the flow" - không cần băn khoăn quá nhiều vào tương lai quá khứ, mà chỉ việc chảy trôi theo dòng nước thôi hê hê. Lâu lâu cũng gập ghềnh đá chứ hẻm có đơn giản. Nhưng mà hều hết là thấy dòng chảy vũ trụ nâng đỡ bản thân mình êm ái, nhẹ nhàng, phước trổ ra hưởng không hết. Hehehe.


Giống như hôm qua được vào thăm nơi ở của cô Ngọc chú Tín - cặp đôi hết sức đặc sắc mà mình để dành chưa có kể. Cô chú là cặp đôi “Tiếu ngạo giang hồ" phiên bản U70 ngoài đời thực, sống toàn chỗ bồng lai tiên cảnh. Mà cô chú tự khai sơn lập địa từ bao nhiêu năm trước, chứ làm gì có chuyện bụp cái mà hưởng không.


Hội thoại diễn ra như sau:


Chú: “Mình làm mà như chơi không! Sướng lắm!”


Cô: “Anh mà chơi cái gì! Em chưa thấy ai làm nhiều như anh!”


Chú: “Thì quan trọng là mình làm mà hổng thấy giống làm! Người ta làm mà vì nghĩa vụ, vì này kia...thì người ta mệt. Mình làm vì mình muốn làm thôi, làm cho mình!Thì như chơi! Há há há!”


Nói xong chú sì sụp mì tôm, uống cà phê hoà tan chứa 1 đống hoá chất. Các thanh niên khoẻ mạnh ngồi chung quanh, trong đó có con bé health coach, không dám ý kiến chi. Chỉ biết long lanh ngưỡng mộ.


KÌ 2: MÌNH NHƯ HẠT BỤI: http://bit.ly/2EL8YNP

185 views
bottom of page