ẤN ĐỘ DU KÍ - KÌ 2: MÌNH NHƯ HẠT BỤI
top of page

ẤN ĐỘ DU KÍ - KÌ 2: MÌNH NHƯ HẠT BỤI

Updated: Oct 27, 2021


Một trong những nghi lễ tốt nghiệp của tụi mình. Đằng sau là tượng thần Shiva bên bờ sông Hằng thiêng liêng.

Kể tiếp chuyện đào tạo Yoga ở Ấn Độ hén. Rishikesh như đã nói là “Thủ đô Yoga" của thế giới nên khỏi nói về độ nhộn nhịp, tưởng như tổng thể là cái rạp xiếc khổng lồ. Cứ 5m là thấy một poster quảng cáo về các ashram, trường, trung tâm, khách sạn...đâu đâu cũng cung cấp dịch vụ Yoga hoặc các loại hình trị liệu lẫn các pháp môn huyền bí. Ví dụ như 1 poster mình thấy trông rất ma quái, ghi: “Trải nghiệm cảm giác chết màu nhiệm!”. Thôi khỏi đi má. Nhưng rồi có cuối tuần mình cũng đu theo mấy đứa trẻ trâu Ấn Độ, thuê cái xe máy chạy vòng vèo tận 40km chiều đi rồi 40km chiều về đến 1 hang động nổi tiếng huyền bí. Giờ chẳng nhớ gì nhiều về điểm đến, nhưng lại nhớ rất rõ những hòn sỏi lấp lánh bên dưới dòng sông uốn theo triền đồi lúc đi, và hoàng hôn diễm lệ lúc về.


Nói vậy thôi chứ đó là 1-2 ngày hiếm hoi được nhoi ra phố giải ngố. Còn lại thì hầu hết tụi mình sống trong ashram và cong mông hoàn thành chương trình. Lộ trình 1 ngày tiêu biểu như sau:


SÁNG

4:30-5:00: Thức dậy + vệ sinh cá nhân: Khuyến khích tắm nước lạnh, ngồi xổm trong tư thế vệ sinh truyền thống và uống nước thanh lọc cơ thể nếu kịp. Không kịp thì cong mông chạy đến phòng cầu nguyện.

5:00-5:30: Ashram Prayers (Cầu nguyện): khuyến khích không giả vờ cúi xuống cầu nguyện nhưng thực ra là ngủ gật.

5:30-6:15: Thời gian trống: đứa nào chịu được lạnh thì ra bờ sông Hằng ngồi chiêm nghiệm.

6:15-7:15: Prayer meditation (thiền cầu nguyện) + Pranayama (luyện khí): Khuyến khích tự chuẩn bị giấy hỉ mũi và hỉ sao cho ý tứ để không văng virus cúm ra khắp phòng.

7:15-8:15: Loosening practices (Bài tập Thả lỏng) + Surya Namaskara (Chào mặt trời) + Asana (Các động tác thể lực)

8:30-9:00: Ăn sáng: Khuyến khích ăn trong tĩnh lặng, thường xuyên trở thành Ăn sáng trong thầm thì, xong quay qua mấy đứa còn lại “sorry" hihi.

9:30-10:30: Tự thực hành: Khuyến khích ngồi trong phòng tập Yoga nhưng thường thì dân tình đòi ra bãi cỏ.

10:30-11:15: Vedic chanting (Tụng kinh Vệ Đà)

11:15-12:15: Yoga philosophy - Bhagavad Gita (Triết lý Yoga với trích dẫn từ kinh Gita)

12:30-2:00: Ăn trưa trong tĩnh lặng + Nghỉ ngơi


CHIỀU:

2:30-3:15:Yoga nidra (Thư giãn sâu)

3:15-4:00: Teaching practice (Luyện tập dạy học) /Anatomy (Giải phẫu học) & Physiology (Sinh lý học)

4:00-5:00: Asana (Các động tác thể lực)


TỐI:

5:30-7:00: Ganga Puja/ Aarti + Hawan (Lễ dâng cúng sông Hằng và/hoặc tôn vinh các vị khách đặc biệt của tu viện, kèm theo nghi thức tế lửa): Ở những nơi được coi là “thành phố thiêng" thì những đơn vị uy tín như trường mình sẽ phụ trách hoạt động này hàng ngày. Khách đến tham gia rất rất đông.

7:00-7:30: Satsanga (Giảng đạo bởi Guru): Diễn giả là cô Sadhvi Bhagawati Saraswati, thường được gọi 1 cách kính trọng là Sadhviji. Cô là người Mỹ, đang hoàn thành PhD ở Stanford thì quẹo sang Parmath Niketan rồi qua 1 số chương, hồi thì được điểm đạo rồi sống luôn ở đây.

7:30-8:00: Ăn tối trong tĩnh lặng

8:00-9:00: Ghi chép tiến trình: Khuyến khích làm nhưng cũng thường xuyên bị bỏ qua để nhường chỗ cho đủ thể loại khác như làm bài tập (với đứa siêng) hay đi chơi (với đứa lười). Hoặc có 2 tuần thì cả lớp được yêu cầu ra bờ sông Hằng ngồi thiền dưới bầu trời sáng trong và trong tiếng hát nhiệm màu của Guru.


-----

Bạn học thì chỉ hơn chục người mà cũng đến từ đủ mọi loại quốc tịch: Pháp, Thuỵ Sĩ, Anh, Ấn, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malawi, Nga...Trong đó, ngạc nhiên chưa, mình là trẻ nhất nhé. 1 nửa là các cô các bác đã hai màu tóc, sức kém hơn tụi trẻ mà tinh thần vẫn rất trẻ trung yêu đời. Nhớ có lần mình còn được một cô hỏi rất nghiêm túc:


"Nói tao nghe, sao mày trẻ vậy mà đã đi tu học là sao?"

LOL


Nhưng chắc càng về sau cô càng phải thay đổi quan điểm vì trẻ và khoẻ là một lợi thế. Học trong 1 cái ashram bự chành bành có nghĩa là mỗi ngày chạy qua chạy lại giữa các địa điểm thôi chắc cũng được ít nhất 5-6km chi đó. Sau 1 tuần học thì cả hội cao tuổi ốm lăn lóc, than khóc lịch trình sao dày quá. Đến 2 tuần cuối thì ngày nào cũng phải thực hành dạy-tập nhiều lần trong ngày nên bác nào U40 trở lên trông cũng rất khốn khổ.


Nhìn chung mình là học viên mẫu mực, bảo gì làm nấy. Vì vốn không xuất sắc gì nên ráng mà chăm chỉ kỉ luật chớ sao. Thậm chí thấy giờ ăn tối muộn quá, hẻm có khoa học, nên mình cũng tự mua ngũ cốc, trái cây về ăn tối tự túc cho sớm sủa rồi tranh thủ học, làm bài tập luôn.


Các bạn học khác đồng thời dạy cho mình nhiều điều không kém gì các Gurus . Ở trong một môi trường quốc tế thì sẽ được trải nghiệm muôn màu muôn vẻ. Mình ấn tượng nhất với bác người Pháp tên là Jules: bác là một học giả về văn hoá Ấn Độ, biết tiếng Sanskrit và trên người thì xăm đầy các bài kinh kệ lẫn hình tượng Phật trong đạo Jain. Nhưng đừng nghĩ bác bị "lậm" nhé: bác hài hước và rất "đời", khiêm tốn và kiên nhẫn tuyệt đối. Bác rất vui vẻ cho mình "gõ trống" lên cái đầu trọc mỗi lần mình quá khích theo tiếng nhạc của buổi lễ cúng sông Hằng. Mình cũng chơi thân với một chị bạn người Trung Quốc tên Yao: chị này xinh đẹp dịu dàng nên các "rishikumar" (mấy bạn nam đang được tu học trong ashram) chết mê suốt ngày bám đuôi. Lúc nào mình cũng kè kè cùng chị này, mà mãi không thấy tụi nó đến lobby là sao ta. Một chị khác người Anh tên Elise, cũng vì mê văn hoá Ấn Độ mà quẹo qua đây 2 năm rồi chưa muốn về, chỉ thích ở lại làm tình nguyện viên dài hạn thôi. Chị rất tích cực động viên bạn học và trợ giúp các giảng viên, vì với chị các Guru ở đây giống như người nhà rồi. Hay như 2 bác tên là Palvina và Kim thường xuyên đi mua quà tặng mọi người, hay mua chăn phát cho các thầy tu khổ hạnh ngồi ngoài lề đường, đến lễ Diwali thì tài trợ váy áo cho cả hội mặc.


Dân học Yoga ở đây nói chung là lành mạnh, tích cực, thân thiện nhất quả đất. Cứ gặp nhau là chúng mình cúi đầu chắp tay chào "Namaste!" như bao người Ấn khác, với vẻ trang trọng rạng ngời. Có nơi nào khác mà tiếng chào đầu miệng đã có nghĩa là "Tôi cúi chào linh hồn linh thiêng bên trong bạn"?. Chúng mình ôm hôn nhau thường xuyên và mọi cử chỉ động viên được thể hiện không ngượng ngùng. Trong khi ở Việt Nam thì đôi khi chỉ là ôm chào tạm biệt thôi mình cũng đã khiến người khác bối rối rồi. Khi bắt đầu phải thực tập dạy, ai nấy đều chịu một kiểu "sức ép sân khấu" nên rất căng thẳng. Nhưng tụi mình giúp nhau hết sức, không giúp giảng lại bài cho hiểu thì cũng cùng tập dượt. Cứ xong một buổi dạy của ai đấy là cả hội bu vào động viên, khen tặng. Thậm chí Elise còn làm tặng mình một cái clip nho nhỏ tổng hợp hình ảnh của mình từ đầu khoá nữa chớ.

Mà cũng đừng hiểu lầm là mọi thứ màu hồng hết nha. Cũng có xung đột đấy nhưng giờ chưa thích kể hehe.


Càng ngày, mình càng thấm nhuần một câu kinh tụng: "Hãy khiêm tốn hơn cả một hạt bụi!". Giữa cái biển người với đủ mọi sắc màu, hình thái, mọi thứ như được phóng to ra, rồi zoom xuống, thấy mình đúng là một hạt bụi không hơn.

Tự nhiên nói đến đây thấy mình kể khô cứng quá. Mình không biết truyền tải làm sao cho được cái tinh thần vừa rất kỉ luật vừa rất tự do của nơi đây. Ở nơi đây mình thực sự được là cái phần tích cực nhất trong mình, là "Tăng đoàn" thực sự, là "bộ lạc" mình luôn ao ước có được! Nhân viên của ashram cũng tạo cảm giác gia đình cho tụi mình, chăm sóc chu đáo lắm. Thành ra mình thấy cái câu khẩu hiệu chăng lên trước cổng ashram hoá ra cũng không quá:"Welcome to your Himalayan home!" (Chào mừng về ngôi nhà Himalaya của bạn!")


Tụi mình lần lượt rời đi sau khoá học. Ngày mình đi, anh thợ chụp ảnh của trường thấy lấp ló bóng ba lô của mình là lập tức bay ra chụp 1 loạt kiểu ảnh chia ly sụt sùi của mình, từ gần đến xa, mang tính phóng sự hết chỗ nói. Riêng Yao tiễn mình đi thêm mấy km đến nhà xe. Chị ngồi đợi thêm nửa tiếng sau khi mình lên xe. Xe lăn bánh, chị nhảy nhảy lên chạm vào thành cửa kính. Mình thì muốn khóc, mấy người trên xe thì cười khúc khích.

-------

Video mới - Công thức bánh hoa oải hương: https://youtu.be/6UJMF62JzjY

75 views
bottom of page