Thình lình ngạc nhiên #1 - Hoà nhịp mùa hạ
top of page

Thình lình ngạc nhiên #1 - Hoà nhịp mùa hạ

Updated: Jul 15, 2021

"Gói quà mùa hạ" đính kèm Podcast Thình lình ngạc nhiên #1:

  • Checklist 15 thực hành hoà nhịp với Đất Trời Mùa Hạ và Danh Sách Rau Củ Quả Mùa Hạ: https://bit.ly/Hoa_nhip_mua_ha

  • Link nhận miễn phí 1 cuốn sách nói rất thú vị là “Wabi sabi, thương những điều ko hoàn hảo". Đây là cuốn sách đồng hành với mình suốt mấy tuần gần đây, giúp mình khơi dậy những cảm hứng lớn với thiên nhiên, mùa màng và cuộc sống. Fonos - Nhà tài trợ cuốn sách này - là ứng dụng sách nói có bản quyền tiếng Việt tại Việt Nam: https://fonos.vn/namphuong

(Đây là chia sẻ phi lợi nhuận với mong muốn đem lại thêm giá trị cho bạn đọc).


Tham gia group Chầm Chậm Mà Sống để có thêm bạn đồng hành khi thực hành 15 ngày Hoà Nhịp với Đất Trời Mùa Hạ, và nhận thêm những món quà ý nghĩa từ Phương: https://bit.ly/CCMS_Community


----------


Chào các bạn,


Chào mừng các bạn đến với Thình lình ngạc nhiên - chuỗi trò chuyện với cảm hứng bốn mùa - Dành cho những người muốn kết nối với nhiên nhiên, cải thiện sức khỏe thông qua việc tái khám phá nhịp điệu tự nhiên bên trong chính mình.


Các bạn ơi, tuần vừa qua thời tiết ở chỗ các bạn thế nào? Có điều gì trong cuộc sống diễn ra khiến bạn thấy bất ngờ, thích thú không?

Mùa hạ đến mang theo nắng nóng và oi bức, nhưng cũng mang lại rất nhiều khía cạnh tích cực đúng không nào. Đối với bạn, mùa hạ gắn liền với điều gì? với món ăn hay thức uống gì? Chúng ta cùng nhau dành ra 1 vài phút, ngược về quá khứ tuổi thơ để nhớ về những món ăn gắn liền với mùa hạ: có thể là cây kem mút mát lạnh mua được sau khi dành ra được 500đ, hay là ly nước chanh, tô trái cây dầm mà mẹ đã chuẩn bị sẵn cho sau khi đi học về. Hoặc cũng có thể là tô canh mồng tơi, canh rau đay thanh mát trong bữa cơm gia đình.

Trong số Podcast cùng tên của Blog này, mình đã kể câu chuyện về món gỏi mít mẹ làm, về những trái mít mà cô Liên hàng xóm đã sản sẻ, những món quà mọi người tặng lại cho nhau, từ cây trái trong vườn tới cách chế biến các món ăn bình dị nhưng đậm đà. Tất cả làm nên một hành trình thật đẹp về tinh thần trao tặng lan dần và nhân lên với rất nhiều niềm vui quanh khu bếp và bàn ăn của cả khu xóm. Ở đó lưu lại một trong những ký ức mùa hè lấp lánh của Phương.

Các bạn có thể lắng nghe Phương tâm sự trên các nền tảng Spotify, Apple Podcast và Youtube nhé, mình sẽ để link ở cuối bài viết.

 

Bạn ạ, Chúng ta vừa bước vào tiết hạ chí, là thời điểm bắt đầu mùa hè ở Bắc bán cầu và bắt đầu mùa đông ở Nam bán cầu. Vì toàn bộ Bắc bán cầu nghiêng về phía mặt trời nên lượng nắng đưa xuống lúc này là rất lớn. Ở thời điểm này mỗi năm, chúng ta sẽ thấy nắng nóng, oi bức lên đến đỉnh điểm ở nhiều nơi.

Khi đất trời chuyển mùa thì con người cũng tự khắc chuyển mình. Các bạn ở TPHCM và Hà Nội chắc sẽ thấy người khô rang & dễ mất nước đúng không? Có một số yếu tố khác như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, sự phát triển của các loài vi sinh vật đều được đẩy mạnh khi nắng nóng... cùng lúc gây xáo trộn lớn đến sức khoẻ con người trong thời điểm này. Các bạn có sức khoẻ chưa ổn định sẽ dễ bị cảm nắng, sốt xuất huyết, sốt virus, và dĩ nhiên là cả các nguy cơ liên quan đến việc lây nhiễm Covid.

Hôm nay, Phương sẽ đưa đến cho bạn một vài gợi ý quan trọng để tăng cường khả năng đề kháng và hoà vào nhịp sống phù hợp với mùa hạ này nhé. Chưa hết, đến cuối bài viết này, Phương sẽ còn tặng cho các bạn một món quà bất ngờ mà chắc chắn các bạn sẽ thích.


Đầu tiên, là chúng mình cần hiểu một nguyên tắc quan trọng của lối sống thuận tự nhiên, thuận theo mùa:

Sự chuyển mùa & những biến thiên của thời tiết theo mỗi mùa đều là những tấm biển chỉ dẫn cho chúng ta điều chỉnh về cách sống, nhịp điệu sống để hoà hợp với thiên nhiên vũ trụ.

Mọi thứ đều theo chu kỳ: lên/xuống, tăng/giảm, sinh ra/mất đi, nảy nở/phân rã, nóng/lạnh...và đó là quy luật của vạn vật, của tự nhiên. Tương tự như vậy với năng lượng của con người sẽ luôn có lúc lên lúc xuống, lúc cần thức lúc cần ngủ, cơ bắp lúc dãn ra lúc co vào, hơi thở thì vào rồi lại ra, nhu cầu cảm xúc thì lúc cần sôi nổi lúc cần tĩnh lặng…Sức khoẻ & cả hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta đối xử với những biến động ấy như thế nào? Chúng ta chấp nhận và thuận theo nhịp điệu tự nhiên, hay là cố gắng để thay đổi nó theo cường độ mà mình nghĩ là mình phải có?

Vào mùa hạ khi nhận được nhiều năng lượng Dương của mặt trời, các loài cây thì sinh trưởng mạnh mẽ , đơm hoa kết trái sum suê. Chúng ta ở xứ nhiệt đới nên được hưởng nhiều loại trái cây ngọt ngào, nhiều nước và căng mọng! Chúng ta cũng được chứng kiến nhiều con vật bắt đầu đi tán tỉnh nhau vì đây là mùa ghép đôi và sinh sản.


Thế nhưng tại sao các loài cây và con vật bùng nổ năng lượng thì rất nhiều người lại trở nên dễ ốm bệnh nhỉ? Chúng ta cũng là một loài động vật mà. Có điều gì sai ở đây?

Câu trả lời là vì con người sử dụng quá nhiều phương tiện “hiện đại" để tách mình khỏi sức ảnh hưởng của thiên nhiên, thời tiết. Đây thường là các lựa chọn có vẻ dễ dàng, tiện lợi và trở thành lựa chọn mặc định của xã hội bận rộn mà chúng ta đang sống.

- Lựa chọn đầu tiên: máy lạnh - điều hoà nhiệt độ giúp chúng ta có được cảm giác mát lạnh ngay cả khi trời nắng nóng nhất. Tuy nhiên, về dài hạn thì nhiều người trong chúng ta sẽ trở nên yếu ớt hơn, dễ bị lao đao vì những thay đổi nhỏ nhất của thời tiết; dễ bị sốc nhiệt hay ốm bệnh khi di chuyển đến vùng có thời tiết khác biệt. đôi khi điều này xảy ra ngay khí chúng ta từ trong chỗ có điều hoà ra khỏi một toà nhà thôi! Đó là do cơ thể không được rèn luyện và mất dần khả năng thích ứng vốn có. Sức đề kháng sẽ suy giảm nghiêm trọng.

- Lựa chọn thứ hai: tiêu thụ các thức ăn-uống có đá và đông lạnh để giải khát. Đây là một sự lựa chọn có vẻ khó tránh khỏi ở mùa này, khi mà chúng ta cảm thấy rất dễ khát nước và một cách tự nhiên, cơ thể cũng có những cơn thèm đồ thanh nhiệt.

Tuy nhiên, hệ quả lâu dài khi ăn đồ ăn lạnh là ngọn lửa tiêu hoá bị giảm sút. Phân tích dưới góc độ sinh hoá, thì phản ứng trong quá trình tiêu hoá không khác gì phản ứng đốt cháy cả nên rất kỵ những phản ứng hạ nhiệt. môi trường nội môi trong cơ thể cũng rất nhạy cảm với sự gia giảm nhiệt.Vì vậy, bất cứ sự tăng/giảm đột ngột nào cũng gây hệ quả xấu cho các cơ quan nội tạng khác bên trong cơ thể. Cho nên dần dần sức bền của cơ thể giảm sút, càng gây mệt mỏi kéo dài, thậm chí có những lúc chân tay vô lực….

Bạn có ngạc nhiên không khi biết những điều này?

Phương rất là đồng cảm với bất cứ bạn nào đang không thể sống nổi nếu không có máy lạnh và các ly nước đá trong mùa này. Vì chính bản thân mình trong 1 thời gian rất dài cũng cảm thấy tương tự.


Dần về sau, mình phải nâng khả năng kháng cự lại các lựa chọn có vẻ rất quyến rũ, dễ dàng, tạo sự thỏa mãn tức thì để không bị đánh đổi lại với tác động với sức khoẻ lâu dài. Như khi xuống TP. Hồ Chí Minh, mình ở nhà một người em mà không có điều hoà nhiệt độ, chỉ dùng quạt máy. 2 chị em cùng nhau cố gắng rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể trong cái nóng bức.

Và khi mình phải ngồi trong quán cafe có máy lạnh, mình cảm nhận rằng không khí bên trong như khô đặc. Nhìn quanh và quan sát mọi người, mình nhận ra lý do mà con người chúng ta chịu được cái độ khô đặc đó chẳng qua là vì đã hoàn toàn quên mất cơ thể mình mình. Tất cả sự chú ý đều đã được hướng vào các màn hình máy tính hay điện thoại. Lúc đó, nếu cơ thể có những tín hiệu phản đối thì chúng ta cũng khó lòng nhận ra.


Mình cũng dần dần từ bỏ các thức uống có đá, hoặc nếu có thì sẽ vớt ra gần hết các viên đá người ta bỏ sẵn, chỉ giữ lại 1 phần rất nhỏ để tạo cảm giác man mát bên ngoài thôi.

Chúng ta đừng quên rằng, cảm giác mát mẻ thực sự mà cơ thể cần đó là cảm giác thanh mát từ bên trong. Một cảm giác mà những viên đá lạnh hay máy điều hoà không bao giờ giúp thoả mãn được

Bây giờ thì, Phương sẽ đề xuất ra vài gợi ý ăn uống và lối sống để giúp chúng ta có thể hoà mình vào nhịp điệu tự nhiên của mùa hạ:


1. Về vận động

Hãy toát mồ hôi toả năng lượng Dương vào mùa xuân và mùa hạ, trong khi đó hãy biết cách giữ năng lượng trong mùa đông và mùa thu. Làm như vậy là sống hoà hợp với trật tự vũ trụ.

(Trích Nội kinh - hoàng đế Khang Hy biên soạn)


Vậy là, chúng ta trước hết cần duy trì các loại hình vận động toát mồ hôi để giải toả sức nóng từ bên trong, giúp cơ thể hạ nhiệt.

  • Thể dục thể thao, các môn tập luyện cơ bắp (như tập chào mặt trời!:”)

  • Lao động tay chân, làm việc nhà

  • Năng động hơn trong lối sống (ví dụ: leo cầu thang, đi dạo bộ giữa các dãy hành lang trong giờ nghỉ thay vì ngồi ỳ trong văn phòng máy lạnh…)

2. Về lối sống

Đây là mùa mà bạn có thể cảm thấy được vẫy gọi để tham gia các hoạt động ngoài trời. Bạn hãy tranh thủ ban nhoài ra ngoài trời và tận hưởng thiên nhiên: leo núi, cắm trại ngoài trời, đi bơi, đạp xe, hoặc picnic trong công viên...bạn sẽ nhận được nguồn năng lượng dồi dào đến từ mặt trời.

Ngay cả nếu như bạn đang ở vùng bị cách ly và ko thể ra được các công viên công cộng thì đừng buồn nhé. Hãy cố gắng dậy sớm để hưởng thụ những tia nắng đầu tiên trong ngày, ra ngoài ban công chăm vài cái cây con...Chúng ta luôn có thể tự tạo cho mình một khoảnh trời riêng mà!

Như vừa rồi, một bạn học viên của Phương ở Sài Gòn là bạn Lâm đã hào hứng chia sẻ lại với bộ lạc chúng mình niềm vui giản dị từ việc quan sát sự biến động của những tia nắng chiếu vào không gian sống.



Trưa nắng đỉnh điểm thì không nên đi ra ngoài và để ý chăm sóc cho 2 cơ quan nội tạng hoạt động nhiều nhất chính là tim và ruột non. Theo hệ thống y học cổ truyền Trung Quốc: Cơ thể con người có đồng hồ sinh học điều tiết hầu hết các phản hứng sinh hoá, và từng cơ quan bộ phận lại có đồng hồ riêng với quy định giờ hoạt động tối ưu của chúng.

Tim hoạt động nhiều nhất vào khoảng 11h-13h, còn ruột non hoạt động nhiều nhất từ 13h-15h. Đường đồ thị năng lượng của cơ thể sẽ bắt đầu được kéo xuống, và điều đó hoàn toàn tự nhiên trong chu kỳ một ngày. Đây là thời gian của tiêu hoá, của sự nghỉ ngơi giữa ngày.


Giờ thì chúng ta có 2 lựa chọn:

  • Hoặc là chúng ta cho mình được đóng dần lại các công việc của buổi sáng, sắp xếp lại đầu việc cho buổi chiều, rồi ăn trưa, nạp năng lượng và làm việc hiệu quả hơn vào buổi chiều. Năng lượng có xuống thì sẽ lại có lên.

  • Hoặc là chúng ta theo quán tính : thấy năng lượng sụt giảm là ăn tạm một bữa ăn nhanh, uống thêm cà phê/nước tăng lực, để tìm cách khiến cho đường đồ thị năng lượng kia không sụt giảm. Thế nhưng, vì ta không cho phép mức năng lượng đi xuống 1 quãng ngắn, nên vào cuối ngày khi chúng ta đã dùng đến cạn kiệt năng lượng dự trữ, và caffeine tan đi, chúng ta sẽ phải hứng chịu một cú sụt giảm năng lượng gấp đôi gấp ba. Về đến nhà, ta sẽ không còn đủ năng lượng để làm bất cứ điều gì, chỉ muốn ăn tối rồi lăn ra giường.

Nó giống như quá trình trả nợ: ta càng hoãn lại những điều tự nhiên, thì sau đó ta sẽ phải trả lại gấp nhiều lần, kèm cả gốc lẫn lãi. Nếu tính theo chu kỳ tuần, thì có thể ta sẽ mất cả những ngày cuối tuần để ngủ bù hoặc cảm thấy chẳng thực sự muốn làm gì cả.


3. Về ăn uống

Hai nguyên tắc quan trọng nhất trong việc ăn uống thuận tự nhiên là ăn mùa nào thức nấy và có nuôi trồng càng gần nơi mình sống càng tốt.


Ăn đúng mùa chính là ăn các loại thực phẩm có dạng năng lượng phù hợp nhất với thời điểm đó trong năm. Cả đất trời hợp lại để thiết kế cho các sinh vật những tạo vật ngon lành. Chúng ta thật sự rất may mắn khi ở xứ nhiệt đới với nhiều loại cây trái tươi ngon với giá rất mềm.

Còn tại sao nên ăn thực phẩm ngay tại địa phương? Vì nó có tính phù hợp nhất với cơ địa của con người sống tại nơi đó.

Cơ thể chúng ta được cấu thành nên bởi các yếu tố đất-nước-lửa-khí không khác gì vạn vât chung quanh. Đặc biệt 2 nguyên tố có tỷ trọng lớn nhất là Đất và nước. Yếu tố đất ở đây tạo nên toàn bộ cấu trúc khung xương, bắp thịt. Còn yếu tố Nước tạo nên các chất nhầy, dịch lỏng bên trong cơ thể con người. Vì vậy, Đất & Nước ở mỗi vùng với các đặc tính khác nhau tạo nên đặc điểm khác nhau của cỏ cây - động vật vùng đó. Con người chúng ta KHÔNG phải ngoại lệ.

Vì vây, khi bạn chọn ăn các nông sản địa phương, bạn đang được tiếp thu những gì được tạo hoá thiết kế phù hợp nhất với cơ địa của bạn. Chưa kể, khi ăn theo mùa và theo tính địa phương, bạn tránh được nguy cơ nạp vào cơ thể những tồn dư của của hoá chất bảo quản.


Nếu các bạn không muốn đau đầu tính toán cho các bữa cơm gia đình thì Phương có gợi ý: đi chợ nông sản địa phương hay đi siêu thị và ưu tiên chọn ra những loại rau củ quả địa phương đang rộ nhất, căng mọng và chứa nhiều sức sống nhất; kết hợp mua theo 7 sắc cầu vồng và bày biện trong gian bếp. Rồi từ nguyên liệu sẵn có đó, bạn sẽ thấy có rất nhiều cảm hứng sáng tạo ra những món mới lạ.


Hãy chậm lại vài nhịp để hít hương thơm của 1 trái ổi chín, cảm nhận sự căng mọng của trái cà chua trên tay, hay sự pha màu ấn tượng của khoai lang tím, thanh long ruột đỏ, bắp ngũ sắc…Hoặc trầm trồ thán phục những múi măng cụt trắng tinh xếp rất khít khao bên trong lớp vỏ tím-nâu đậm đà.

Tất cả những điều này đều mở ra cho bất cứ ai dừng lại dù chỉ 1 nhịp để thưởng thức và tận hưởng với toàn bộ giác quan của mình.

 

Lắng nghe Thình lình ngạc nhiên #1 qua giọng đọc của Phương trên Youtube:


Podcast mới mỗi thứ ba hàng tuần tại:


301 views
bottom of page