7 Sự Thật Đáng Kinh Ngạc Về Cảm Xúc
top of page

7 Sự Thật Đáng Kinh Ngạc Về Cảm Xúc

Updated: Oct 27, 2021

Cảm xúc là một phần của sinh học con người. Chúng là những chất hóa học giúp điều chỉnh tâm trí và cơ thể, hỗ trợ chúng ta đối phó với sự phức tạp của việc đưa ra quyết định, tương tác với mọi người và vạch ra con đường của mình trong cuộc sống. Cảm xúc giúp chúng ta chú ý, tập trung và thúc đẩy chúng ta hành động. Dù đôi lúc chúng khiến ta bối rối, nhưng những cảm xúc là một phần trong bạn. Vậy thì, hãy học cách để sử dụng chúng, bắt đầu với 7 sự thật dưới đây:


Cảm xúc là những dòng tín hiệu điện hoá luân chuyển trong cơ thể theo một vòng tuần hoàn bất tận.

Chúng được giải phóng trong não để đáp ứng với nhận thức của chúng ta về thế giới. Chúng ta luôn luôn cảm nhận được nó. Điều này khiến tôi tự hỏi làm sao mà mình đã từng học cách chia phân số, biết tất cả về việc vua Henry VIII chặt đầu người vợ của mình, nhưng lại chẳng mảy may hay biết về cảm xúc - một điều quá quan trọng đối với sức khoẻ và hạnh phúc của mình mỗi ngày.

Cảm xúc chảy trong ta mọi lúc, điều tiết mọi thứ, bao gồm cả suy nghĩ. Vậy phải chăng chúng ta cũng nên học về chúng một cách hẳn hoi, ít ra là ngang hàng với những chủ đề học thuật như Thế Chiến II, hay cách đo góc của một tam giác nhọn?


Có 8 cảm xúc cơ bản - cùng vô số biến thể và sắc thái của những cảm xúc đó.

8 cảm xúc cơ bản là Vui mừng, Buồn bã, Sợ hãi, Ghê tởm, Ngạc nhiên, Mong đợi, Giận dữ và Tin tưởng. Có một số mô hình khác nhau về lĩnh vực này, nhưng 8 cảm xúc cơ bản trên được đưa ra bởi nhà khoa học Robert Plutchik, người đã minh hoạ chúng bằng Bánh xe cảm xúc vô cùng thuyết phục. Nó biểu thị một cách trực quan sự năng động của cảm xúc, ví dụ như điều gì xảy ra với một cảm xúc khi nó không được kiểm soát và những gì bạn nhận được khi kết hợp hai cảm xúc, chẳng hạn Mong đợi và Vui mừng. Đó là một điều khá thú vị, đặc biệt là khi bạn biết cách diễn giải bánh xe. Để hiểu rõ hơn, hãy xem Bánh xe cảm xúc của Plutchik. Nếu bạn muốn nâng cao khả năng hiểu biết về cảm xúc của mình, vốn là một thành phần thiết yếu của việc thực hành EQ, thì đây là một điểm tuyệt vời để bắt đầu.

Bánh xe cảm xúc - Plutchik

Cảm xúc là trung tính.

Có nghĩa là, bản thân chúng không tốt hay xấu. Theo cách thông thường, những cảm xúc như niềm vui hoàn toàn thắng thế so với nỗi buồn. Có ai tự nhiên lại muốn buồn cơ chứ? Nhưng có 2 vấn đề với lối suy nghĩ này.

  • Đầu tiên: niềm vui và nỗi buồn có nhiều điểm chung hơn chúng ta tưởng. Niềm vui có nghĩa là tôi nhận được thứ mà tôi quan tâm. Buồn bã có nghĩa là tôi mất đi thứ mà tôi quan tâm. Vì vậy, chúng thực sự là hai mặt của cùng một nhu cầu, và chúng ta không thể có mặt này mà không có mặt kia.

  • Thứ hai: mọi cảm xúc chỉ đơn giản là một tín hiệu, phát đi một thông điệp. Ngay cả những cảm xúc khó khăn như sợ hãi, tức giận hoặc buồn bã cũng đang phục vụ một chức năng quan trọng.

Vậy, các chức năng của cảm xúc là gì?


Cảm xúc có chức năng dẫn đường cho chúng ta tồn tại và phát triển

Cảm xúc tập trung sự chú ý của chúng ta và thúc đẩy chúng ta hướng tới một quá trình hành động cụ thể. Mỗi cảm xúc đều có chủ đích nhất định. Hãy lấy Giận dữ làm ví dụ. Cơn giận báo hiệu vật cản chặn đứng con đường của chúng ta. Nó hướng sự tập trung của chúng ta vào mối đe doạ và thúc đẩy phản ứng chiến đấu hoặc đẩy lùi chướng ngại vật. Cơn giận tất nhiên có thể mang nguồn năng lượng “huỷ diệt”, nhưng cũng có thể giúp chúng ta tìm ra giải pháp cho những vấn đề bức xúc.

Vậy còn những cảm xúc khác, như là Vui mừng thì sao? Niềm vui tập trung sự chú ý của chúng ta vào một cơ hội, và khuyến khích ta làm việc đó nhiều hơn. Chúng ta cảm nhận được niềm vui khi trải nghiệm những điều ý nghĩa và kết nối. Niềm vui ở đó để nói với chúng ta rằng đó là những điều tốt đẹp mà ta nên tìm kiếm trong đời.


Cảm xúc dễ lây lan.

Cảm xúc lây lan giữa mọi người như một loại virus, ngay cả khi chúng ta không chú ý đến chúng. Khi ở cùng một tập thể hay một người nào đó, chúng ta có khả năng "nắm bắt" cả cảm xúc tích cực và tiêu cực. Cơ sở tiến hóa của điều này rất đơn giản: con người chỉ tồn tại và phát triển theo nhóm. Chúng ta là những sinh vật có tập tính xã hội. Và vì thế, chúng ta có xu hướng tiếp thu những trạng thái cảm xúc của nhau. Hãy suy nghĩ về nó theo cách này: Nếu bạn nhìn thấy nỗi sợ hãi trên khuôn mặt của ai đó, bạn có nhiều khả năng sống sót nếu phản ứng nhanh và kích hoạt sự sợ hãi của bạn ngay lập tức! Nó có thể là sự khác biệt giữa việc bị ăn thịt bởi con hổ mà bạn của bạn vừa nhìn thấy - hoặc bỏ chạy.

Và không chỉ nỗi sợ hãi thôi đâu. Chúng ta liên tục gửi đi và thu nhận lại các thông điệp cảm xúc thông qua một số cơ chế, bao gồm cả sự chuyển đổi giọng nói, nét mặt, tư thế và các kiểu hành vi cụ thể. Đây là một hình thức giao tiếp cực kỳ quan trọng mà tất cả chúng ta đều tham gia, ngay cả khi không nhận ra điều đó.


Một nghiên cứu của Facebook và Đại học Cornell cho thấy sự lây lan cảm xúc thậm chí còn xảy ra trên mạng xã hội. Có một mối liên hệ sâu sắc giữa tất cả chúng ta.


Cảm xúc khác với cảm giác - và tâm trạng.

Nhưng tất cả chúng đều có liên quan với nhau, tất nhiên. Sự khác biệt là gì? Cơ bản là: Thời gian.

Cảm xúc đến trước, sau đó cảm giác đến sau khi các chất hóa học cảm xúc hoạt động trong cơ thể chúng ta. Sau đó, tâm trạng phát triển từ sự kết hợp của các cảm giác.


Để có cái nhìn sâu hơn về sự khác biệt, hãy xem bài viết này, Sự khác biệt giữa cảm xúc, cảm xúc và tâm trạng?


Cảm xúc được hấp thụ trong cơ thể chỉ trong khoảng...6 giây.

Mỗi đợt cảm xúc dâng trào, từ khi các chất hoá học được tạo ra ở vùng dưới đồi cho đến khi nó bị phá vỡ và hấp thụ hoàn toàn, kéo dài khoảng 6 giây. Nếu chúng ta đang cảm thấy điều gì đó lâu hơn 6 giây, chúng ta - ở một mức độ nào đó - đang chọn tái tạo và tiếp nạp thêm năng lượng cho những cảm giác đó. Đôi khi điều đó tốt - nếu con hổ vẫn đuổi theo bạn, thì những hóa chất gây sợ hãi đó sẽ cứu mạng bạn. Đôi khi không. Nhưng nhận biết cảm xúc mà chúng ta đang cảm thấy, đánh giá mục đích của nó liên quan đến hoàn cảnh của chúng ta và quyết định xem có nên tái tạo nó hay không là tất cả những gì trí tuệ cảm xúc hướng tới. Khi đó, chúng ta có nhiều quyền năng hơn để sử dụng cảm xúc như một công cụ trong cuộc sống của mình.


“Điều gì sẽ xảy ra nếu cảm xúc có thể là một nguồn lực cho chúng ta, thay vì kẻ thù, hoặc một một kẻ ngoài cuộc, hay thậm chí nhấn chìm chúng ta? Điều gì sẽ xảy ra nếu cảm xúc có thể là một nguồn lực kết nối ta với chính mình, và với nhau?”

Josh Freedman

CEO, Six Seconds





752 views
bottom of page