Gia Tài Của Mẹ Cha
top of page

Gia Tài Của Mẹ Cha

Updated: Sep 2, 2021

Ngày bố mình mất, có ai đó đã đặt câu hỏi về việc phân chia gia tài...


Bố mình có nhiều người con còn mẹ mình chỉ có mình mình, một đứa con mà có vẻ như sau khi bố mất thì lại thành ra không được họ nội “công nhận chính thức". Nhưng ai cũng biết bố mình thương tất cả các con, và thương mình chẳng kém một đứa con nào. Khuôn mặt mình, cá tính mình như thể từ một khuôn đúc của bố. Có những nghi ngờ về việc di chúc bị giấu đi. Bởi vì lý do gì đó, không tìm thấy được di chúc nào của bố. Dù theo lẽ thường tình thì bố có kịp thời gian để chuẩn bị điều này. Có những xót xa cho mình về việc mình không được thừa hưởng gì từ gia sản của bố trong khi những người con khác người có nhà, người có xe.


Lúc đó mình 22 tuổi chỉ vừa mới ra trường, mình chỉ đau buồn về việc mất bố. Và những thứ mình vội chạy đến xin cho mình được nhận là chiếc ba lô, cặp kính mắt, cái kính lúp...những vật dụng thân thương nhất của bố. Cảm động vì được nhận những thứ đại diện cho tri thức của bố, sự khát khao kiến thức của bố. Sau này có người bạn của bố mang thêm đến cho mình kỷ niệm chương cho những cống hiến của bố. Thế là mình thoả mãn. Tiền ư? Lúc đó mình đã làm được nhiều tiền, và tự tin với năng lực của mình đủ để không quan tâm đến những thứ hết sức đau đầu kia. Thi thoảng mình có nghĩ đến mẹ mình và sợ mẹ mình lo lắng chuyện phần thừa kế của mình. Nhưng mình còn sợ hơn cái việc kiện tụng, tranh cãi... sẽ cắt sâu thêm những vết thương lòng của người thân mình.


Không đáng! mình thấy mình chẳng sướng hơn nếu có thêm một căn nhà, hay cái xe hơi.

Pháp luật thì chỉ có thể bảo vệ những tài sản có thể đo đếm, quy ra tiền. Những tài sản khác như di thể tính cách, năng khiếu, văn hoá gia đình, kiến thức, phước đức ...thì quan trọng hơn mà lại không đo đếm được.

Vì tương lai của con

Sau này, mình được nghe nhiều câu chuyện giữa cha mẹ và con cái mà hầu hết là một tấn khổ đau. Chưa nói đến cái khổ sau khi cha mẹ mất, mình nhìn thấy cái khổ ngay lúc này khi mà: Cha mẹ thường chỉ nghĩ chủ yếu đến việc để lại tiền, tài sản có thể đo đếm được cho con. Bao nhiêu năm làm việc cật lực để lo cho con sau này được sung sướng, được đi du học, có của ăn của để lúc lập gia đình, có vốn liếng làm ăn…


Mình biết một doanh nhân mở ra rất nhiều chi nhánh làm ăn, lúc nói chuyện với mình chị than: “Chị cũng muốn sống như em mà chị không thể, chị làm tất cả những điều này vì con bé nhà chị. Sau này đối tác làm ăn và những người chị giúp sẽ là những người giúp đỡ nó, ưu ái nó em ạ...”. Trong lúc đó, con bé con của chị luôn phải gởi hết từ bên này sang bên nọ, đưa đón thì phải nhờ nhân viên. Chồng chị cũng chẳng còn ở đó vì những tranh cãi giữa hai vợ chồng về việc làm ăn. Mình chẳng bao giờ thấy chị ở cạnh con chị mà không kết hợp các mục đích khác như đi công tác, tính toán sổ sách...

Có những người đỡ hơn một chút, cũng luôn tìm cách tự mình chăm lo cho con mà không phải nhờ đến bảo mẫu người lẫn “bảo mẫu điện tử". Nhưng thường dừng ở mức độ chở con đi học, cho con ăn, xếp ra một khung giờ chơi với con... nhưng vì công việc quá bận bịu hay có nhiều trách nhiệm khác mà lúc ở cạnh con thì hay “tranh thủ" làm cái gì đó nữa như cầm điện thoại, đọc sách... Cứ như thể ở cạnh con là một việc gây lãng phí thời gian vậy. Mà ngay cả khi không tranh thủ làm gì khác, đầu óc cha mẹ thường vẫn rối ren với trăm ngàn mối lo, những kế hoạch của ngày hôm đó...

Đến cả con mèo của mình, lúc mình tranh thủ vừa vuốt nó vừa đọc sách, là nó đã ngước mắt lên nhìn hoang mang rồi chui ra khỏi lòng. Con mèo nó cũng không chịu được sự phân tán chú ý của mình cơ mà!

Và chính vì cái lý do “vì tương lai của con" mà người cha người mẹ đang đánh mất đi hiện tại với con mình. Đánh mất luôn sức khoẻ và hạnh phúc của chính mình.

Vì đền đáp cho cha mẹ

Mình chưa phải là một bà mẹ nên có thể mình chẳng đủ thẩm quyền để cho lời khuyên cho các bà mẹ, ông bố khác. Nhưng mình biết rõ mình đã luôn là một đứa con khao khát có tình thương đủ đầy và sự hiện diện của cả bố lẫn mẹ. Mình tiếp xúc với nhiều thế hệ bạn trẻ qua các kỳ tổ chức Diễn đàn Tuổi Trẻ Tây Nguyên và tham gia vào các mạng lưới trẻ, các lớp học cho người trẻ...mình thấy một bi kịch chung rất rõ ràng:

Đau khổ lớn nhất của người trẻ thường đến từ bi kịch gia đình, với căn nguyên gốc là bản thân người cha người mẹ không biết cách sống hạnh phúc cho chính mình, không biết yêu thương chính mình.

Ở một đất nước gắn liền với chiến tranh, quan hệ giữa con cái và cha mẹ cũng gắn liền với một từ rất đau đớn là “hy sinh". Như thể là cha mẹ luôn phải chết đi để con cái được sống. Mà cũng đúng thôi, nếu như bao nhiêu năm chỉ biết sống trong thì tương lai, người cha người mẹ đó cũng sống mà như đã chết dần đi rồi.

Càng ngày đứa con càng xa cách cha mẹ, vì cha mẹ có ở đó với chúng đâu. Khi còn nhỏ thì chúng đòi đúng cái chúng cần, còn khi đến tuổi dậy thì và lớn lên nữa, những tổn thương trong lòng đứa trẻ có thể biểu hiện ra thành muôn ngàn lớp vỏ bọc khác nhau: sự chống đối, sự thu mình, sự nổi loạn, sự xa cách... (Chỉ khi một người trưởng thành hẳn về mặt quản lý cảm xúc, mới chấp nhận được một chuyện là: những gì ta mong muốn thì ta cần phải trao đổi với ngôn từ rõ ràng, chứ không thể trông đợi người kia có nghĩa vụ phải tự hiểu ý mình).

Có những đứa con ngoan thì luôn làm thấy mình mang “nợ” lớn với bố mẹ. Chúng vì thế cũng chỉ sống trong thì tương lai.

Lúc sắp ra trường thì nôn nóng đến lúc kiếm được tiền để báo hiếu với bố mẹ, mua quà cho bố mẹ, gánh vác kinh tế cho bố mẹ... Vì vậy có vô số người con không thể đơn thuần theo đuổi ngành nghề mà mình yêu thích vì triển vọng kinh tế không cao.

Lúc muốn định cư thì cũng không được chọn môi trường mình muốn sinh sống vì lúc này cha mẹ sau bao nhiêu năm lo toan đã mang nhiều bệnh mạn tính, sức khoẻ rệu rã, lo nghĩ quẩn quanh. Sống ở đâu? có khi quyết định dựa trên việc ở cạnh nơi có thể nhanh chóng...đưa cha mẹ đi cấp cứu, chữa chạy.

Lúc yêu thì vì đứa trẻ nội tâm bị tổn thương vẫn đang khao khát sự chú ý và tình thương của bố mẹ nhiều năm về trước vẫn còn đó trong mình, mà có xu hướng đi tìm yêu những người có nét giống bố/mẹ mình. Mà người giống bố/mẹ mình chưa chắc đã là người mang lại cho mình hạnh phúc.


Lúc cưới thì phải nghĩ đến chuyện phải cưới được người nào mà bố mẹ ưng ý, ít nhất thì không khiến bố mẹ đau lòng... Vì vậy có vô số người con dù ý thức hay vô thức đã lấy vợ, lấy chồng không phải cho mình mà là lấy một chàng rể, một nàng dâu về cho cha mẹ. Thậm chí đi ngược xu hướng giới tính vì không dám làm bố mẹ sốc.

Lúc sinh con thì đôi lúc sinh con chỉ vì cha mẹ giục giã như một phận sự với gia đình, phải có đủ nếp tẻ, phải có thằng cháu chống gậy...Hay đơn thuần là “cho ông bà có cháu chơi cho vui cửa vui nhà".

Nếu làm khác thì được cho là “vô tâm”, “bất hiếu”, “ích kỷ”...


Lúc này, đứa con rồi đến đứa cháu đã thừa hưởng gia tài khổ đau của cha mẹ dưới dạng các khuôn mẫu ý thức, thói quen, hành vi trong vô thức, lại cộng hưởng thêm với gia tài khổ đau của cả xã hội hành động như ngủ mê... Rút cục, như trong bài “Gia tài của mẹ" (Trịnh Công Sơn):

“Gia tài của mẹ, để lại cho con

Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn...”

Vì tìm cách báo hiếu và đền đáp những hy sinh của cha mẹ, người con tiếp tục đánh mất quyền căn bản nhất của mình là quyền được tự do là chính mình.

Dừng lại và chữa lành

Gần đây mình gặp một người chị đã nhận thức rõ những chuyện đã nói ở trên. Chị chảy nước mắt nói: "Nếu con mình mà không tu, thì đời nó rồi sẽ lại đi đúng vào cái rãnh mà mình đã đi em ạ."

Mình đồng ý với chị và hiểu rằng “tu” ở đây không phải là mẹ cùng con dắt nhau lên chùa khấn vái, cầu xin hay đi nhà thờ sám hối liên tục. “Tu" ở đây trước hết là mỗi người cần ý thức lại trước hết toàn bộ gia tài mà cha mẹ để lại cho mình và mình đã để lại cho con: không chỉ là gia tài hữu hình mà cả gia tài vô hình, cả gen di truyền, cả ngọn nguồn sức mạnh lẫn những khổ đau.

Người con cần ý thức được rằng tuy tổn thương của mình là tổn thương đã để lại qua nhiều thế hệ, nhưng nếu mình dừng lại và chữa lành được những khổ đau đó cho mình cũng là chữa lành được những khổ đau cho nhiều thế hệ.

“Dừng lại” ở đây là dừng lại với mình, ngay giây phút hiện tại này. Trước hết học lại cách quan sát hơi thở, cảm giác trên thân, cảm xúc trong tâm, suy nghĩ trong óc...Quan sát như ngắm một bầu trời với rất nhiều đám mây trôi đến rồi đi, mà không cần hỏi mây từ đâu đến mây trôi về đâu...

“Chữa lành" là trước hết chữa lành cho mình và học cách yêu thương mình. Có thể bắt đầu với việc học lại cách thở, cách ăn, cách đi thong dong, cách nở nụ cười...Sau đó có thể ôm ấp lấy những tổn thương trong mình như ôm ấp một em bé nhỏ. Chỉ cần cho em sự chú ý và lắng nghe em thôi, đâu cần phải chiều em theo cách nào. (mình đã từng ngồi với em bé trong mình, ôm lấy nó và thì thầm: Cứ khóc đi em, chị ở đây bên em rồi...Lúc cạn nước mắt, mình thấy mình như được gột rửa đi bao nhiêu nỗi niềm).

Cũng có thể bắt đầu với nhiều cách khác nữa như nương tựa trước hết vào thiên nhiên, vào nơi chốn mà mình có thể sẻ chia nỗi niềm mà không bị đánh giá. Nương tựa vào người có thể yêu mình như mình đang là, không phải người mà mình cần gồng lên để tìm sự chú ý...

“Học lại" chứ không phải là học điều gì mới, vì mọi thứ nó có sẵn trong mình từ lúc sinh ra. Cho nên: Không phải làm gì mà trước hết đừng làm gì? Đừng làm những thứ mà mình chẳng hiểu vì sao mình phải làm, những thứ tự thân mình không thích mà làm chỉ vì cha mẹ đòi hỏi, vì xã hội mong đợi, vì bạn bè cũng làm...Đến lúc lắng nghe mình đủ sâu, ôm ấp và chăm sóc được những cảm xúc khó khăn trong mình rồi, xác định rõ nền tảng giá trị cũng như nền tảng thực tập của mình rồi, thì mới chọn lọc ra những thứ quan trọng nhất để làm.


Bắt đầu từ mình

Trước đây mẹ mình lúc nào cũng chỉ muốn sửa mình. mình lúc nào cũng chỉ muốn sửa mẹ. Giờ đây hiểu được rằng:

Trước hết mỗi người cần sửa mình, giúp mình tỉnh thức. Yêu được mình thì mới yêu được bất cứ ai khác. Hạnh phúc có trong mình thì mình mới san sẻ được cho cha mẹ, con cái. Xin đừng làm ngược lại!

Sau khi thực tập Thiền tỉnh thức (mindfulness meditation) được một thời gian, mình hoà giải được với mình và những khổ đau mình đã đè nén. Chẳng bao lâu sau, mình làm hoà được với mẹ. Vì khi chữa lành cho mình, mình có thể bình tĩnh ngồi bên mẹ và lắng nghe mẹ. Mình có thể nhận lỗi với mẹ và lắng nghe cả những khổ đau của mẹ nữa. Mình có thể ý thức được những thói quen cố hữu trong lời nói mang tính sát thương của mình mà dừng lại, mà sửa lời mình và canh chừng cả những bạo động nhen nhóm trong suy nghĩ.

Hơn 1/4 thế kỷ, cả hai mẹ con mới nhìn được người kia, trong nhiều chiều kích khác bên ngoài cái hình ảnh đã có từ trước về nhau. Và thay vì cố làm gì cho nhau chúng mình học cách đơn thuần ở bên nhau. Thở cùng nhau, ăn cùng nhau, đi dạo cùng nhau...

Vừa rồi mình đưa mẹ sang Làng Mai Thái Lan, biết là mẹ sẽ thích vì không phải cái đứa lởm khởm mới lớn như mình hướng dẫn nữa mà được các sư cô sư thầy đã tu tập chuyên sâu hướng dẫn thực tập nghệ thuật sống trong Tỉnh thức. Mẹ mình đã có nhiều lợi lạc và chia sẻ những điều làm mình cảm động sâu sắc:

Mẹ nói rằng mẹ đã có những bữa ăn ngon nhất từ trước đến nay. Vì mẹ ăn trong tỉnh thức. (Trước đây, mình mua bao nhiêu đồ ăn lành mạnh cho mẹ, mà lại chẳng ngồi ăn với mẹ trong sự hiện diện. Thậm chí còn cằn nhằn mẹ sao không ăn như hướng dẫn của mình).

Mẹ nói rằng mẹ cuối cùng cũng tìm được cách tu sửa mình mà thực sự thấy bình an, lợi lạc. (Trước đây mẹ có đi chùa và chăm chỉ làm việc công đức, tụng kinh...nhưng chưa cảm thấy an).

Mẹ nói rằng mẹ cảm thấy “như được hồi sinh", rằng 30 năm rồi mẹ mới có thể làm thơ trở lại. (Mấy hôm ở đó mẹ mình làm được 4-5 bài thơ và còn đọc chia sẻ với mọi người trong buổi Thiền Trà).

Và mẹ nói rằng: “Thấy biết ơn con. Thấy con mình cũng là một người thầy của mình.” (Làm mình giật mình ngỡ ngàng lắm).

Có nhiều người ở Làng Mai được chia sẻ nỗi khổ, niềm đau của họ. Hai mẹ con mình may mắn là khi đến Làng thì còn được chia sẻ hạnh phúc. Hạnh phúc vì trước khi được trực tiếp học từ Làng, chúng mình đã thực tập theo những chỉ dẫn của Sư Ông về cách thở, cách ăn và nấu, chữa lành đứa trẻ nội tâm, về cách Làm mới mối quan hệ. Hạnh phúc vì khi đến, đã có những kết quả thực tập thành công rồi!

Nghe câu chuyện của hai mẹ con, sư thầy Tuệ Chiếu và sư cô Từ Tuệ đã tặng các câu thư pháp:

Hạnh phúc của cha mẹ là gia tài để lại cho chúng con

True love heals - Tình yêu thực sự có thể chữa lành.


Qua quan sát, qua thực hành thực tế mình đã có niềm tin vững chãi rằng: Việc mình tự thân biết cách nếm trải hạnh phúc ngay lúc này sẽ giúp cho cha mẹ, con cái mình hạnh phúc. Và việc mình hạnh phúc hay không, trước hết là do mình quyết định.

Gandhi nói: “Hãy là sự thay đổi bạn nguyện ước cho thế giới này" (“Be the change you wish for the world").

Mình nguyện ước hạnh phúc và yêu thương cho thế giới. Vì vậy, mình bắt đầu bằng cách cho mình hạnh phúc và yêu thương. Cầu chúc cho tất cả chúng ta có được gia tài hạnh phúc.

361 views
bottom of page