Hầu như ai cũng công nhận vai trò tối quan trọng của tinh thần lên sức khoẻ của ta, thậm chí vượt qua vai trò của thức ăn và vận động. Trong tất cả những “thức ăn tâm",quan hệ giữa ta và người thân yêu nhất là yếu tố gây ảnh hưởng lớn lên bất cứ ai nên cần được chăm sóc, tưới tẩm đầu tiên.
Chưa kể đến những tổn thương sâu sắc từ thời thơ ấu, có những lấn cấn ta thường gạt bỏ qua một bên vì cho rằng không đáng gì, chỉ như một hạt bụi. Ta chẹp miệng bỏ qua, “không chấp" hay nghĩ rằng mình quá trưởng thành hay từ bi để cần một lời xin lỗi. Hay quá thừa thãi hay câu nệ để nói lời cảm ơn cho những thứ nhỏ bé, vụn vặt. Thế rồi những hạt bụi qua thời gian đóng lại thành một lớp bụi dày, che mờ và “vấy bẩn" những mối quan hệ tưởng như gần gũi nhất.
Trong một mối quan hệ gần gũi như cha mẹ với con cái, vợ với chồng, bạn thân với bạn thân, cái bẫy thường nằm ở chỗ ta mong chờ sự hiểu và thương đã ở đó thì sẽ luôn ở đó mãi. Ví dụ như: "Tôi không cần xin lỗi chồng mình, vì lấy nhau bao nhiêu năm rồi tự phải hiểu nhau chứ!”
Nhưng cũng như một cái cây muốn sống khoẻ cần được tưới tẩm, chăm sóc, nâng niu, thì tình cảm của bạn cũng vậy. "Thải độc cho các mối quan hệ" là quét đi lớp bụi mờ bám trên những bông hoa tình cảm đó. Tống khứ những lớp bụi, lớp chất bẩn tích tụ dưới dạng sự giận dữ, hờn trách, ghen tuông...để bắt đầu một khởi đầu mới tươi tắn cho những mối quan hệ quan trọng.
Tôi đã được chia sẻ một pháp thực tập của Làng Mai và đã thực hiện cùng những người bạn thân nhất ở Đà Lạt trong suốt một ngày. Nước mắt đã rơi vào những phút đầu tiên và những cảm xúc dạt dào tích cực đã được khởi sinh ở những phút cuối cùng. Một số khúc mắc lần đầu tiên được nói ra và dù ban đầu thật ngượng ngùng, chúng tôi đã cùng nhau tháo gỡ chúng nhẹ nhàng, cẩn trọng. Chúng tôi đã cùng hứa với nhau sẽ thực hiện điều này định kì hàng tuần (với các cặp đôi) hay 1 lần mỗi tháng (cho cả nhóm). Đây cũng là phương pháp tôi thực tập với mẹ mình và tháo gỡ được những nút thắt nội tâm sâu sắc nhất giữa hai mẹ con. Đến nay vẫn đều đặn duy trì vì hiệu quả chữa lành tuyệt vời cho mối quan hệ của chúng tôi.
Mình có kể lại câu chuyện về hành trình "Hoà giải với chính mình" tại TEDxUSSH.
Không chần chừ nữa, xin chia sẻ cùng bạn:
“Làm mới” (Beginning anew) là nhìn thật sâu sắc và trung thực vào bản thân mình, những hành động trong quá khứ, những lời nói và suy nghĩ; và tạo ra một khởi đầu tươi tắn bên trong bản thân mình và trong những mối quan hệ của mình với những người khác. Ở trung tâm thực hành, chúng tôi thực tập “Làm mới" mỗi hai tuần một lần và đối với mỗi cá nhân thì theo tần suất thích hợp.
Chúng tôi thực tập “Làm mới" để làm thanh sạch tâm trí và giữ cho sự thực tập của mình được tươi tắn. Khi một khó khăn nảy sinh trong những mối quan hệ của chúng tôi với những người đồng tu và một trong số chúng tôi cảm thấy oán giận hay tổn thương, chúng tôi biết đã đến thời điểm thực hiện “Làm mới". Sau đây là mô tả của quá trình chia làm 4 phần của “Làm mới" được sử dụng chính thức. Mỗi lượt có một người nói và không bị cắt ngang trong suốt lượt của mình. Những người thực tập khác phải thực hành lắng nghe sâu sắc và theo dõi hơi thở của họ.
-Bước 1: Tưới hoa - Đây là một cơ hội để chia sẻ sự công nhận của ta với người kia. Ta có thể đề cập đến những tình huống cụ thể khi người kia đã nói hoặc làm gì đó mà chúng ta ngưỡng mộ. Đây là một dịp để soi sáng thế mạnh và cống hiến của người kia đối với tăng đoàn (hoặc cộng đồng, gia đình) và để khích lệ phát triển những tố chất tích cực của anh ấy/cô ấy.
-Bước 2: Chia sẻ sự hối tiếc - Ta có thể đề cập đến bất kì sự bất cẩn nào của mình trong hành động, lời nói hay suy nghĩ mà ta chưa có cơ hội xin lỗi.
-Bước 3: Bày tỏ một tổn thương - Ta có thể chia sẻ việc mình bị tổn thương bởi tương tác nào đó với một người thực tập khác, do hành động, lời nói hay suy nghĩ của anh ấy/cô ấy. (Để bày tỏ một tổn thương, đầu tiên ta nên tưới nước cho bông hoa của người đó bằng cách chia sẻ 2 tố chất tích cực mà mình thực sự đã quan sát được trong anh ấy hay cô ấy. Việc bày tỏ một tổn thương thường được thực hiện 1:1 với một người thực tập khác thay vì trong một nhóm. Bạn có thể yêu cầu một bên thứ ba mà cả 2 cùng tin tưởng và tôn trọng hiện diện ở đó, nếu muốn.)
Lưu ý: Để không làm người khác tổn thương khi ta bày tỏ sự tổn thương của chính mình, hãy tránh cách nói quy chụp, với từ ngữ mang tính tuyệt đối, chung chung. Ví dụ như: "Anh lúc nào cũng về muộn", "Cô luôn luôn àm tôi xấu mặt". Thay vì thế, ta sử dụng "giao tiếp phi bạo lực":
Ảnh được chia sẻ bởi Xanhshop
Cụ thể, thay vì hờn trách "Sao anh lúc nào cũng về muộn!" thì ta có thể nói:
"(1)Hôm qua anh về muộn. Trời lại mưa to gió lớn, cúp điện, con đang đau ốm. (2) Em ở nhà rất sợ mà không biết phải làm sao. (3) Em cần có người ở bên để yên tâm hơn. (4) Lần sau anh hãy về sớm hơn, hoặc gọi điện báo nếu về muộn nhé!"
Bên cạnh đó, người nghe cũng cần mở rộng con tim & khối óc để tiếp nhận phản hồi từ người bày tỏ. Điều này nói thì dễ nhưng để thực sự làm được, ta cần thực hành rất nhiều. Hiện tại, hãy bắt đầu bằng việc không ngắt lời, không phản biện hay sửa lời...cho dù thấy rằng lời nói đó là vô lý, không "đúng". Bởi nếu không hiểu được cái "đúng" của người kia có thể khác cái "đúng" của mình thì ta mãi mãi sẽ có vấn đề trong quan hệ với người khác.
-Bước 4: Chia sẻ một khó khăn lâu dài & yêu cầu hỗ trợ - Đôi lúc mỗi người chúng ta có những khó khăn và nỗi đau nảy sinh từ quá khứ đã trồi lên hiện tại. Khi ta chia sẻ một vấn đề mà ta đang phải giải quyết, ta có thể đang để cho những người xung quanh ta hiểu ta hơn và đưa ra những yểm trợ mà ta thực sự cần.
Việc thực tập “Làm mới" giúp ta phát triển lời nói tử tế và lắng nghe từ bi. “Làm mới” là một thực tập nhận diện và trân trọng những nhân tố tích cực bên trong tăng đoàn của mình. Ví dụ, ta có thể nhận thấy bạn cùng phòng của mình hào hiệp trong việc cô ấy chia sẻ hiểu biết sâu sắc của mình, và một người bạn khác thì quan tâm đến cây cối. Nhận diện những phẩm chất tích cực của người khác cũng cho ta cái nhìn vào trong những tố chất tốt của mình nữa.
Cùng với những tố chất tốt đẹp đó, mỗi chúng ta có những phần còn yếu, ví dụ như nói ra cơn giận hay mắc kẹt trong những nhận thức sai lầm của mình. Khi ta thực tập “tưới hoa", chúng ta hỗ trợ sự phát triển của những phẩm chất tốt trong mỗi người và cùng lúc đó ta giúp làm giảm những khó khăn của người kia. Như trong một khu vườn, khi ta “tưới hoa" bằng lòng yêu thường và sự từ bi, chúng ta cũng đang lấy bớt đi những năng lượng từ những cỏ dại của giận dữ, ghen tị hay nhận thức sai.
Không khó để nhận ra bông hoa bên trong mỗi con người, bao gồm bên trong BẠN. Bạn hãy giúp tưới tẩm cho bông hoa đó lớn mãi nhé
Chúng ta có thể thực tập “Làm mới" hàng ngày bằng cách bày tỏ sự trân trọng của mình dành cho những người cùng thực tập và xin lỗi ngay lập tức khi ta làm hoặc nói gì đó gây tổn thương họ. Chúng ta cũng có thể lịch sự để cho người khác biết khi mình bị tổn thương. Sức khoẻ và hạnh phúc của toàn bộ cộng đồng phụ thuộc vào sự hoà hợp, bình an và niềm vui tồn tại giữa mỗi thành viên trong Tăng đoàn.
Hai mẹ con thực tập Làm Mới trước sự chứng kiến của toàn thể đại chúng khoá tu chùa Kim Sơn (năm 2020).Kết thúc bằng một cái ôm thật chặt và những thống nhất cụ thể để duy trì mối quan hệ yêu thương bền chặt.
(Health Coach Nam Phương bổ sung, điều chỉnh từ hướng dẫn của của Langmai.org )
Hãy chia sẻ phương pháp này với người mà bạn muốn thực hành cùng, rồi dành ra một buổi để thử cùng nhau nhé! Còn nếu bạn muốn gieo duyên sâu hơn cho cha mẹ bằng cách đến một môi trường lý tưởng để nhận hướng dẫn sức khoẻ + kết nối thiên nhiên + thực hành Làm Mới cùng nhau, hãy đăng ký để đưa cha mẹ đến retreat Chạm Vào Đất Mẹ cùng chúng mình.
Team mình và cha mẹ chúng mình cũng sẽ ở đó để chia sẻ cùng cha mẹ bạn đó :">
Comentários