Bên cạnh các doanh nghiệp sử dụng thực phẩm tự nhiên, đa số các nhãn hàng hiện tại đều đang sử dụng khá nhiều thành phần hoá học có thể gây nhiều nguy cơ sức khoẻ. Nhiều người tiêu dùng Việt vẫn chưa có thói quen hay biết cách đọc bao bì sản phẩm, nên mình xin đưa ra hướng dẫn từ kinh nghiệm cá nhân để mọi người tham khảo.
Click để nhảy đến phần bạn quan tâm, hoặc kéo xuống đọc theo thứ tự của từng mục.
MIỄN TRỪ:
Sự đề cập thẳng thắn đến các nhãn hàng, thương hiệu trong album này đơn thuần là nỗ lực đưa đến sự minh bạch cho người tiêu dùng. Đại diện doanh nghiệp có thể đưa thông tin đối thoại trên trang chính thức của mình hoặc đưa đến Coach. Coach KHÔNG kêu gọi hay cổ vũ sự tẩy chay của người tiêu dùng với nhãn hàng. Coach sẽ có đính chính nếu nhãn hàng đưa thông tin khẳng định cụ thể với Coach.
Mọi thông tin đăng trên trang này chỉ để tham khảo và không thay thế cho việc thăm khám với bác sĩ hay các chuyên gia.
Coach KHÔNG bán bất kỳ sản phẩm gì được đề cập hay sản phẩm cạnh tranh của nhãn hàng, sản phẩm thay thế.
Coach KHÔNG nhận bất cứ khoản phí nào của mọi nhãn hàng, thương hiệu, tổ chức để quảng cáo, PR hay các chiến thuật marketing khác.
Coach KHÔNG kinh doanh sản phẩm nào trên trang.
KHUYẾN CÁO:
Nếu có bất cứ nghi ngờ gì về sự không khách quan của thông tin đưa ra, vui lòng xem nguồn trích dẫn. Mỗi người hãy dùng óc phán đoán của mình, tự kiểm chứng với các nguồn tin khác nếu muốn, để đưa ra quyết định tiêu dùng và tự chịu trách nhiệm cho mình.
Ngoài ra, chỉ những phản hồi có tinh thần phản biện trong ôn hoà, mang tính đóng góp sẽ được trả lời. Những quy chụp hay bình luận mang tính xúc phạm, buộc tội vô căn cứ sẽ bị xoá và chặn khỏi trang
Nguyên tắc 1: "Lờ đi mọi lời quảng cáo trên bao bì trước, chỉ xem THÀNH PHẦN có gì?"
Nếu như bạn tin vào quảng cáo và những hình ảnh bóng bẩy ở mặt trước bao bì, bạn sẽ là nạn nhân ngã xuống tiếp theo. Bởi vì chiến thuật chung nhất của các nhãn hàng là lập lờ về mặt từ ngữ như "tự nhiên", "nguyên chất"...cho dù nó chẳng tự nhiên và nguyên chất tí nào.
Những từ ngữ này bản thân nó không có tội, mà nó chỉ là công cụ của các nhà quảng cáo "mũ trắng" lẫn "mũ đen". Thường thì nếu thành phần nó hoàn toàn tự nhiên, nhà tiếp thị sẽ khoe cụ thể ngay như: "Màu tự nhiên từ gấc " HAY "dâu tây", thay vì chung chung như: "hương vị tự nhiên" (Natural flavorings), "màu tự nhiên" (Natural colorings).
Ví dụ hộp sữa Fami trong lành tuyên bố "nguyên chất" nhưng xem thành phần bạn có 1 đống hoá chất không???? Không hiểu "nguyên chất" ở đây là gì? tức là toàn đậu nành thật chứ không phải đậu nành giả??
Theo Environmental Working Group, Người tiêu dùng có thể ngạc nhiên khi biết rằng cái gọi là "hương vị tự nhiên" thực sự có thể chứa các hóa chất tổng hợp như dung môi propylene glycol hoặc BHA bảo quản. Chiết xuất hương vị và các thành phần có nguồn gốc từ cây trồng biến đổi gen cũng có thể được dán nhãn "tự nhiên". (1)
[CẬP NHẬT MỚI NHẤT TỪ VINASOY]
Đại diện công ty Vinasoy đã liên hệ với Coach và có xác nhận như sau:
Không thể tiết lộ "hương liệu giống tự nhiên dùng cho thực phẩm" cụ thể là chất gì dựa trên quy định bảo mật của công ty.
Theo nhà cung cấp Givaudan (https://en.wikipedia.org/wiki/Givaudan) của Vinasoy, họ không dùng chất bảo quản BHA. Tuy nhiên, đúng là có chứa dung môi propylene glycol - chất này nằm trong tiêu chuẩn Generally Recognized As Safe của FDA (https://www.fda.gov/food/ingredientspackaginglabeling/gras/)
Đậu nành không nhiễm biến đổi gene (non-GMOs)
Chữ "Nguyên chất" ở đây theo diễn giải của hãng là xuất phát từ "Original" - hạt đậu nành được thu hái và xử lý tại nhà máy của Vinasoy theo quy trình chất lượng của hãng.
[CẬP NHẬT CỦA COACH]
Cảm ơn Vinasoy đã chủ động liên hệ và cung cấp thông tin thêm cho người tiêu dùng. Mọi người có thể tìm hiểu thêm thông tin tại website của công ty (http://vinasoycorp.vn/) lẫn các website phân tích độc lập khác và đưa ra quyết định cho mình.
Chữ "Nguyên chất" ở đây có thể theo cách hiểu thông thường của người tiêu dùng có thể giống hoặc khác so với cách diễn giải của công ty.
Cách hiểu của cá nhân Coach thì "nguyên chất" thì mọi yếu tố tạo vị, tạo màu, tạo mùi...đều đến từ đậu nành hoặc các nguyên liệu thực sự đến từ tự nhiên, không phải hương liệu tổng hợp nhân tạo (không tính chất bảo quản, chất ổn định, chất điều chỉnh độ pH). Nhưng vì câu hỏi về "hương liệu giống tự nhiên dùng cho thực phẩm" cụ thể là gì chưa được giải đáp nên Coach để ví dụ ở đây và dành cho mỗi người tiêu dùng tự cân nhắc và quyết định.
LỰA CHỌN CỦA COACH: mua đậu nành loại non-GMO về tự nấu hoặc lựa chọn các nhãn hiệu có thành phần đậu nành non-GMO có tỉ lệ đậu nành tự nhiên cao và ít các chất tổng hợp nhân tạo.
Nguồn:
Nguyên tắc 2: "Thành phần càng ngắn và càng dễ hiểu thì càng tốt"
Có người từng trách mình sao trả lời cụt lủn khi hỏi về chất abc, xyz...nào đó có tốt không, có dùng được không. Mình nói "Không hiểu được thì đừng dùng" - nhưng đúng là như vậy :") 1001 loại chất mình không thể nào liệt kê hết được.
Ví dụ tốt: óc chó, hạnh nhân, nho khô, yến mạch, muối (1%)
Ví dụ xấu: nước, đường, óc chó, chất ổn định (E418,E471,E410), chất điều chỉnh độ PH (500ii), hương liệu giống tự nhiên dùng cho thực phẩm
Bạn có hiểu không? Chỉ mấy bạn học hoá thực phẩm hiểu và thường họ không dám dùng mấy chất có đánh số đâu ạ.
“Dễ hiểu” ở đây thường là các thành phần tự nhiên thực sự, có thể hình dung được theo hiểu biết thông thường. ví dụ: trái xoài, hạt điều, trà xanh... thay vì hoá chất. Hãy dùng óc phán đoán của bạn.
TRÁNH hiểu máy móc là cứ ngắn là tốt, cứ dài là sai. Ngắn mà toàn tên hoá chất thì vẫn sai, và dài mà toàn tên thực phẩm tự nhiên thì là ổn. Ví dụ như bột kokko thành phần dài và rất lành: "Gạo tẻ lứt, nếp lứt, đỗ đỏ, đỗ đen, đỗ đen, đỗ xanh, đậu nành (tróc vỏ), hạt sen, ý dĩ, kê,vừng."
Bạn có thể tra cứu từng thành phần qua công cụ: https://www.ewg.org/foodscores
Ghi chú: Nhãn hàng bánh Bà Tích đã thay "dầu thực vật" bằng "dầu dừa" tốt hơn cho sức khoẻ. Bao bì trên hình minh hoạ là bao bì cũ.
LỰA CHỌN CỦA COACH: dùng sản phẩm với liệt kê thành phần hoàn toàn tự nhiên.
Nguyên tắc 3: Nắm được tên của các loại đường ẩn giấu.
Đường không phải lúc nào cũng được ghi rõ ràng là "Đường" (Sugar) mà đôi khi nó nằm trong tên hoá học loằng ngoằng. Tên càng loằng ngoằng càng kinh khủng, ví dụ: high fructose corn syrup" (HFCS) là loại đường trong các chai nước ngọt và nhiều loại nước uống khác. Nó gây ung thư, bệnh tim mạch, huyết áp, béo phì...và là nỗi kinh hãi của mọi nhàdinh dưỡng. Bạn có thể lưu lại các tên sau để né ra:
* Tiếng Việt: đường tinh luyện, đường trắng, đường mía, đường nâu, đường củ cải, đường chà là, đường nho, đường glucose, đường sucrose,maltodextrin, dextran, dextrose, sorbitol, aspartame,Acesulfame-K, si-rô ngô, đường fructose, Xi-rô ngô fructose cao, đường bắp, nước trái cây, nước trái cây cô đặc, mạch nha, caramel, xi-rô carob và xi-rô lúa miến, Splenda,Xi-rô ngô,Xi-rô glucose/ fructose, Si-rô khoai mì, Xi-rô Dahlia, fructose trái cây, fructose tinh thể, cyclamate
* Tiếng Anh: refined sugar, white sugar, cane sugar, brown sugar, beet sugar, date sugar, grape sugar, glucose, sucrose, maltose, maltodextrin, dextran, dextrose, sorbitol, aspartame,Acesulfame-K, corn syrup, fructose, high fructose corn syrup (HFCS), corn sugar, fruit juice, fruit juice concentrate, barley malt, caramel, carob syrup and sorghum syrup, Splenda,maize syrup, glucose syrup, glucose/fructose syrup, tapioca syrup, dahlia syrup, fruit fructose, crystalline fructose, cyclamate
Lưu ý: Đây là danh sách lập ra để bạn hiểu rõ tên nói chung của các loại đường chứ không phải mang tính phân loại lành-hơi độc-độc hại. Bản chất của nhiều hoá chất trong này không phải là "đường" mà là các chất tạo ngọt nhân tạo. Bạn có thể tự tra cứu từng loại chất nếu thắc mắc chi tiết, ví dụ qua trang uy tín:https://nutritionfacts.org/
LỰA CHỌN CỦA COACH:
Một số loại đường lành mạnh hơn: đường thốt nốt, mật mía, mật ong nguyên chất, đường phèn, đường cỏ ngọt stevia. Hoặc tạo ngọt bằng chính rau củ, trái cây tươi như chuối.
Tác động của aspartame lên não: https://nutritionfacts.org/video/Aspartame-and-the-Brain/
Aspartame gây bệnh xơ cơ: https://nutritionfacts.org/video/aspartame-induced-fibromyalgia/
Tác động lên hệ vi sinh trong cơ thể: https://nutritionfacts.org/video/effect-of-sucralose-splenda-on-the-microbiome/
Đọc thêm về đường nhân tạo như saccharin, acesulfame, aspartame, neotame, and sucralose:
Một ví dụ kinh điển của việc người tiêu dùng dễ bị lừa như thế nào. Chúng ta đang hùa nhau mua những loại nước đường đắt tiền mà không biết!
Thành phần dinh dưỡng Sữa Óc Chó Hàn Quốc trong 195ml
Nước sữa đậu: 90% trong đó nước 83%, bột đậu nành 7%
Đường trắng.
Saccharide
Siro Ngô fructose cao
Bột quả óc chó: 0,4%
Bột đậu đen: 0,2%
Bột hạnh nhân 0,2%
Năng lượng : 130Kcal
Carbonhydrat: 17g
Đường : 10g
Protein: 7g
Chất béo tổng: 4g
LỰA CHỌN CỦA COACH: mua óc chó về tự nấu, hoặc ăn cả hạt mix cùng các loại hạt khác sẽ đỡ ngán hơn.
-----
Xem thêm về nguy hại của HFCS:
MỘT VÍ DỤ LỪA DỐI NGƯỜI TIÊU DÙNG KHÁC
Bao bì ghi “Không đường” nhưng khi lật sang thành phần thì có chứa đường isomalt.
ISOMALT là gì?
Là sự kết hợp của 2 sugar alcohols: gluco-mannitol (GPM) và gluco-sorbitol (GPS). Nó được sản xuất nhân tạo từ đường sucrose, hay chính xác là từ sản phẩm của nó isomaltulose bằng cách thêm vào một số enzymes và hydrogen.
Đây là loại đường lành mạnh hơn 1 chút so với các loại đường như đường kính trắng vì có rất ít tác động lên đường huyết, gây sâu răng.
Tuy nhiên, nếu ăn quá 20-30g/ ngày thì có thể gây ra các triệu chứng đầy hơi, tiêu chảy. Nếu tiêu thụ thường xuyên gây mẫn cảm đường ruột. (1) Cũng có nguồn chỉ ra liều lượng là quá 50g/ngày sẽ tiêu chảy (2).
Trong nhiều trường hợp nó được trộn với các chất tạo ngọt đậm đặc khác (mà tên hoá học khiến chúng ta không hiểu) và tạo ra 1 hỗn hợp ngọt không kém gì đường thông thường.
LỰA CHỌN CỦA COACH: ăn vặt lành mạnh theo gợi ý sau:https://coachnamphuong.com/posts/cong-cu/danh-sach-an-vat-lanh-manh/
Nguồn:
Nguyên tắc 4: "Độc chất không chỉ ẩn giấu trong nội dung thành phần mà còn trong chất liệu bao bì, hộp đựng"
Chúng ta nên tránh xa nhất có thể thực phẩm đóng hộp. Vì thường bên trong các hộp đựng này có chứa BPA - 1 hoá chất siêu độc hại thường dẫn đến các chứng bất thường sinh sản, tác hại thần kinh, tăng nguy cơ ung thư vú và tuyến tiền liệt, tiểu đường, bệnh tim và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Theo thử nghiệm của Consumer Reports, chỉ cần một vài phần thực phẩm đóng hộp có thể vượt quá giới hạn an toàn cho phơi nhiễm BPA hàng ngày cho trẻ em. (1)
Mà thành phần thì bạn còn đọc được chứ bao bì thì đâu có thường ghi chú làm từ gì?
Mà bên trong thực phẩm công nghiệp lại có độ acid cao, ví dụ như sốt cà - sẽ khiến cho BPA ngấm vào bên trong thực phẩm. (2) Vì vậy hoặc là tránh chúng ra hoàn toàn, hoặc là hãy lựa chọn các nhãn hiệu có lọ đựng thuỷ tinh, đặc biệt với các sản phẩm có độ acid cao nha. ̣
LỰA CHỌN CỦA COACH: vẫn là tự nấu tự ăn hoặc nếu bận rộn thì cũng nên lựa chọn các hàng ăn có chế biến với nguyên liệu tự nhiên thay vì mua đồ hộp.
Nếu không nghĩ đến sức khoẻ thì hãy tránh Thực phẩm đóng gói nilon vì môi trường quanh ta.
Ảnh chụp hôm qua trên đường mình đi trekking khu Suối Vàng (Đà Lạt). Không hiểu sao cô dâu chú rể cứ lũ lượt kéo nhau đến đống rác chụp hình nhỉ??!! Sau đó về photoshop cắt rác đi???
LỰA CHỌN CỦA COACH: không dùng các bao bì công nghiệp không tái sử dụng được, và tất nhiên là không xả rác rồi:)
Nguyên tắc 5: "Tránh xa các thành phần có nguy cơ GMOs cao”
Sinh vật biến đổi gen (GMOs) là 1 trong những thứ tệ hại nhất mà con người có thể nghĩ ra được để có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm không giới hạn của mình. Đứng đằng sau công nghệ này là những tập đoàn hùng mạnh bậc nhất thế giới với những cái bắt tay kinh tế- chính trị sâu rộng. Phim tài liệu PHẢI XEM nếu không muốn mình mù mờ và bị lừadối:https://youtu.be/VaU3w5Eq024
Rùng mình ở chỗ, hầu hết thực phẩm công nghiệp hiện tại đều chứa 1 hoặc nhiều thành phần GMOs. 2 nguyên liệu phổ biến nhất là BẮP và ĐẬU NÀNH. Nhưng ta cần phân biệt:
-Bắp và đậu nành tươi, không-GMO thì không tội tình gì. Chỉ cần đảm bảo bạn dùng đúng nguồn hàng: hiện tại 1 số cơ sở đã cung cấp đậu nành non-GMO
-Khi tiêu thụ thực phẩm công nghiệp: trừ khi được tuyên bố không biến đổi gen (non-GMO) thì 99.9% nguyên liệu bắp và đậu nành là GMOs và núp dưới vô số cái tên khác nhau. Mà hầu hết bánh kẹo, thực phẩm công nghiệp lại không thiếu được 2 thành phần này do nó là nguyên liệu rẻ tiền nhất để tạo ngọt + kết dính + độ sệt + độ béo ngậy. Túm lại là ĐỂ GÂY NGHIỆN.
Nguồn sau liệt kê 100 cái tên lận:https://www.mamavation.com/featured/hidden-gmo-ingredients.html
Tên phổ biến nhất:
-Các tên có dính chữ "sugar" (đường), “corn”, “maize” (bắp) và “soy” (đậu nành), "canola" . Kém phổ biến hơn chút là , "cottonseed" (hạt bông), "Hawaiian papaya" (đu đủ Hawaii), "zucchini" (bí ngòi), "yellow squash"
-có chữ "starch" ( food starch,modified starch, hydrogenated starch...)
-các loại chất tạo ngọt: high fructose corn syrup (HFCS), dextrin, maltodextrin, dextrose, malt, malt syrup, malt extract, aspartame...
-các loại dầu thực vật: vegetable oil, canola oil, corn oil, soybean oil...
LỰA CHỌN CỦA COACH:
Mình không nghĩ chúng ta có thể học thuộc tất cả, nhưng bạn biết nguyên tắc chung nhất mình đã đề cập rồi đấy: hạn chế tiêu thụ thực phẩm công nghiệp tối đa, nhất là các thành phần đọc không hiểu gì:)
LỰA CHỌN HỮU CƠ NHẬP KHẨU VS TIÊU DÙNG ĐỊA PHƯƠNG?
Hồi mới đầu tìm hiểu về thực phẩm sạch, 1 trong những điều mình tin tưởng nhất là các chứng nhận hữu cơ mang "đẳng cấp quốc tế". Những đơn vị chứng nhận "tiêu chuẩn" thường là mấy cái trong hình. Tiêu thụ các sản phẩm này có lợi-hại riêng của nó.
LỢI:
An toàn hơn cho sức khỏe
Đỡ sợ! Không lo GMOs (biến đổi gen) vì hàng GMOs là hàng siêu phun xịt nên không thể nào được cấp chứng nhận hữu cơ. Tất nhiên cũng không có thuốc trừ sâu tổng hợp và phân bón hóa học.
HẠI:
Chúng ta có tâm lý "phụ thuộc" vào chứng nhận quá nhiều để mua sắm mà bỏ qua các kiến thức khác như cách đọc thành phần đã nói.
Thường là tiêu dùng không bền vững. Vì sao?
Thứ nhất, đối với nhiều doanh nghiệp địa phương, nhỏ lẻ thì việc trang trải để có được chứng nhận này là quá sức. Thông thường, chi phí cho quy trình chứng nhận thực phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA sẽ bao gồm:
Phí nộp đơn xin chứng nhận.
Phí thường niên
Phí đánh giá sản lượng và bán hàng hàng năm
Phí thanh tra.
Cứ thế tính theo (nhiều) nghìn đô. Mình biết có vài cơ sở khi có "sức ép" duy trì chứng nhận đã phải làm mọi cách để gia tăng năng suất hay dán nhãn hữu cơ lên hàng không-hữu-cơ vì không kham nổi sản lượng. Tất nhiên không phải cơ sở nào cũng vậy. HÀNG VIỆT + CHỨNG NHẬN HỮU CƠ NGOẠI thì thường đến từ các cơ sở mà người chủ có đầu tư hệ thống, công sức rất nhiều và đáng được trân trọng.
Thứ 2, nhiều người chúng ta chọn chứng nhận hữu cơ vì không muốn cổ vũ cho các hóa chất phun xịt, gây độc hại cho môi sinh. Tuy nhiên nếu CHỨNG NHẬN HỮU CƠ NGOẠI + NHẬP NGOẠI thì sản phẩm này đã tốn rất nhiều nhiên liệu dầu mỏ để có thể được vận chuyển và phân phối đến bạn. Chưa kể bao bì đóng gói, chi phí duy trì bảo quản sản phẩm trong cả chặng đường nửa vòng trái đất...
Nếu tính theo tác động sinh thái thì thà ta ăn 1 con gà thả vườn còn hơn là ăn 1 hộp granola nhập khẩu.
Vì vậy, mình đã chuyển qua lùng sục các cơ sở ĐỊA PHƯƠNG, QUY MÔ NHỎ theo kiểu vườn nhà. Mua hàng càng gần, càng bớt các khâu trung gian sẽ càng ít tác động sinh thái, tiết kiệm tiền, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng tươi ngon nhất.
Có nhiều cách để bạn cũng có thể tiếp cận:
Nếu không có thời gian lùng từng món hàng thì cứ mua ở những đơn vị giữ rất vững triết lý nuôi trồng thuận tự nhiên, thường xuyên cải thiện cả quy cách đóng gói bao bì để giảm thiểu tác động môi trường.
Các cửa hàng bán hàng thực dưỡng: Không thể đảm bảo tất cả các món hàng đều 100% an toàn + bền vững nhưng thường các cửa hàng này cũng dùng hàng từ các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trong nước (bên cạnh cả đồ nhập khẩu), đóng gói thân thiện hơn như túi giấy, hũ thủy tinh, túi zip xài lại được.
Hơi tốn công nhưng rất đáng làm: tìm hiểu, trò chuyện với các nông trại, cơ sở sản xuất gần nơi mình sinh sống để hiểu triết lý và giá trị mà họ đại diện là gì. Và cư xử cảm thông với họ.
Tự sản xuất và trao đổi: không phải tất cả nhưng hầu hết chúng ta đều có khả năng tự làm một món gì đó mà bạn bè người thân sẽ mừng húm nếu có thể mua được. Nếu như công việc hiện tại đằng nào cũng chẳng mang lại tài chính ổn định lẫn đời sống tinh thần tốt đẹp cho bạn, mạnh dạn từ bỏ mà ở nhà bán đồ nhà làm. Bạn sẽ không thiếu khách hàng và bạn bè là những "sinh vật sản xuất", thay vì cứ làm "sinh vật tiêu thụ". Và bạn sẽ có niềm vui, động lực lớn khi làm điều gì đó cho chính bạn bè, người thân.
Tham khảo Tiêu dùng Xanh - Sạch - Tổng hợp địa chỉ mua sắm do đội ngũ Nam Phương tổng hợp.
Comments