Trạng thái Tâm sẽ định hình trạng thái sống của chúng ta. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu một thực hành của người Nhật Bản: Tắm Rừng - một phương pháp đơn giản để thư giãn tâm trí, phục hồi cơ thể và tái khám phá Bản thể của mình. Những khám phá sâu sắc và lôi cuốn của xã hội Nhật Bản sẽ hé lộ cho chúng ta thấy lý do tại sao việc Tắm Rừng trở nên đặc biệt phù hợp trong thời kỳ nhiều biến động hiện nay; và cách chúng ta có thể tận hưởng những lợi ích từ hoạt động này.
Tắm Rừng là gì?
Tắm Rừng là thực hành hòa mình vào thiên nhiên trong tỉnh thức, tận dụng các giác quan để thu nhận nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất, tinh thần, tình cảm và xã hội. Trong tiếng Nhật, thực hành này có tên gọi: Shinrin-yoku. ‘Shinrin’ có nghĩa là rừng và ‘Yoku’ là viết tắt của từ tắm. Ý tưởng này ra đời ở Nhật Bản vào những năm 1980 và được chứng minh là một công cụ rất hiệu quả để vượt qua những tác động xấu của cuộc sống bận rộn và môi trường làm việc căng thẳng.
Tắm Rừng trong thiên nhiên giúp phần não căng thẳng của bạn được thư giãn. Các hóc môn tích cực được giải phóng trong cơ thể. Bạn sẽ thấy nỗi buồn, cơn tức giận và lo lắng vơi đi. Tắm Rừng giúp bạn tránh được căng thẳng và kiệt sức, đồng thời hỗ trợ chống lại chứng trầm cảm và lo âu. Hoạt động này còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, giúp giảm thiểu số ngày ốm đau cũng như phục hồi nhanh hơn sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Thiên nhiên có ảnh hưởng tích cực đến cả Thân và Tâm của chúng ta. Một số tác động có thể kể đến là: cải thiện sức khỏe tim, phổi, làm tăng khả năng tập trung và tăng cường trí nhớ.
Một số loài cây trong rừng như cây lá kim tiết ra dầu và các hợp chất để bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn và mầm bệnh. Những phân tử này được gọi là Phytoncides. Chúng cũng tốt cho khả năng miễn dịch của chúng ta. Hít thở trong rừng làm tăng mật độ tế bào miễn dịch tự nhiên (NK) trong máu. Tế bào NK trong cơ thể có vai trò chống lại nhiễm trùng, ung thư và các khối u. Vì vậy, dành thời gian bên cạnh những loại cây này cũng là một hình thức “tắm cây” đặc biệt.
Một lợi ích vô hình của việc Tắm Rừng là tăng cường trí tuệ cảm xúc và sự tự tin, dẫn đến cải thiện các mối quan hệ và đời sống xã hội. Điều bấy lâu chúng ta đã biết qua trực giác ngày nay đang được giới khoa học kiểm nghiệm và xác thực thông qua nghiên cứu.
Tắm Rừng ở Nhật Bản
Nhật Bản, quốc đảo nằm ở vùng viễn đông có một nền văn hóa đặc sắc đã trường tồn với thử thách của thời gian. Đây cũng là quốc gia đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ công nghệ và được xếp vào danh sách các quốc gia phát triển nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự tiến bộ và phát triển này cũng đi kèm những thách thức lớn lao.
Nhật Bản được biết tới như một trong những môi trường làm việc khắt khe nhất trên thế giới. Trên thực tế, họ thậm chí còn có một từ riêng để chỉ “cái chết do làm việc quá sức” (Karoshi). Áp lực hiệu suất từ công việc quá cao khiến thời gian dành cho cuộc sống cá nhân còn lại thật ít ỏi. Một hệ quả thú vị của nền văn hóa này là tỷ lệ kết hôn ở Nhật Bản đã giảm mạnh trong 30 năm qua.
Các đô thị của Nhật Bản có một nền văn hóa siêu kỹ thuật số và một nỗi ám ảnh đặc biệt với công nghệ. Trong thời đại bùng nổ internet, nhiều người Nhật dành nhiều thời gian trực tuyến hơn và có ít tương tác xã hội hơn. Kéo theo đó là tỷ lệ người mắc bệnh liên quan tới căng thẳng, lo âu tăng vọt. Cô đơn và trầm cảm cũng góp mặt trong danh sách.
Bên cạnh đó, đất nước này nằm trên một đường đứt gãy địa chấn, dễ bị động đất và sóng thần tàn phá, khiến người Nhật phải đối diện với những nỗi đau lớn hơn mức bình thường. Tại Nhật Bản, các rối loạn tâm thần được ước tính chiếm tới 24,6% tổng gánh nặng bệnh tật (theo WHO, 2008)
May mắn là, hơn 70% diện tích Nhật Bản vẫn được bao phủ bởi rừng. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã đưa ra ý tưởng về shinrin yoku vào đầu những năm 80. Shinrin yoku có nghĩa là tắm trong rừng, hoặc tận hưởng bầu không khí trong rừng để thư giãn. Do văn hóa làm việc không ngừng nghỉ của Nhật Bản, mức độ căng thẳng của người lao động Nhật Bản đã lan rộng. Khi đó và bộ phận lâm nghiệp đã nhìn thấy một tiềm năng tuyệt vời có thể có ảnh hưởng tích cực tới vấn nạn căng thẳng đồng thời gia tăng nhu cầu bảo vệ rừng. Và thế là Shinrin yoku - hay Tắm rừng - ra đời. Người dân Nhật Bản - những người đang chịu áp lực của đời sống đô thị cạnh tranh, bị mê hoặc bởi không khí chữa lành trong những khu rừng và tích cực tham gia vào nhiều hoạt động thư giãn khác nhau. (Huuski, 2019)
Tinh thần Thiền (Zen) trong hoạt động Tắm Rừng ở Nhật Bản
Phật giáo Thiền tông có vai trò trung tâm trong đời sống tâm linh tại Nhật Bản. Thiền tông khuyến khích hành giả học cách thu gom tâm trí đang phân tán trở về và tập trung sự chú ý của họ để có thể dễ dàng nhìn thấy mọi thứ rõ ràng hơn, dưới một góc nhìn mới. Khi tạo ra một khoảng trống giữa các trải nghiệm của chúng ta và cách ta phản ứng với trải nghiệm đó, ta có thể phản ứng với sự khôn ngoan và cẩn trọng hơn.
Theo truyền thống tu tập, các nhà sư Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Quốc và sau đó là ở Nhật Bản, đã từng vượt qua những quãng đường dài để thiền định trong thiên nhiên. Còn trong những thập kỷ gần đây, ý tưởng khởi tạo những không gian tĩnh lặng trong tâm trí được biết đến như một phương pháp phục hồi trong tâm lý học. Lý thuyết Phục hồi (Kaplan, 1985) và mối liên kết chặt chẽ của nó với Lý thuyết Phục hồi Căng thẳng (Ulrich, 1991) nói rằng sự phục hồi của chúng ta sau căng thẳng bắt đầu ngay trong vòng vài phút sau khi bước vào một không gian xanh. Khi cơ thể bắt đầu bình tĩnh lại - huyết áp ổn định, hóc môn căng thẳng trong máu giảm, cơ bắp thả lỏng - chúng ta cũng bắt đầu nhận được các lợi ích về sức khỏe tinh thần. Suy nghĩ rõ ràng hơn, sức sống căng tràn và tâm trạng bắt đầu phấn chấn. Những cư dân thành thị giờ đây có thể thở phào nhẹ nhõm, vì chỉ cần 20 phút đắm mình trong thiên nhiên là đã đủ để giúp ta quản lý sức khỏe tinh thần của mình.
Khi bạn cố gắng, Thiền thật khó khăn
Khi bạn buông sự “cố", Thiền trở nên dễ dàng
Chỉ ngồi và tập trung vào hơi thở có thể khá khó khăn nếu bạn không có cách tiếp cận phù hợp. Kiểm soát suy nghĩ hoặc duy trì nhận thức về một đối tượng cụ thể là một nhiệm vụ thử thách cho người mới bắt đầu. Rất nhiều người từ bỏ Thiền do thất vọng sau những nỗ lực đầu tiên. Đó là lý do tại sao vai trò của một người hướng dẫn tốt trở nên rất quan trọng trong hành trình học về chánh niệm và thiền.
Tuy nhiên, khi đắm mình trong một chuyến Tắm Rừng, bạn sẽ dễ dàng đạt được trạng thái bình yên trong Tâm hơn. Bằng cách đưa sự chú ý đến các giác quan và di chuyển trong rừng một cách có tỉnh thức, chúng ta không chỉ có thể nhận được tất cả những lợi ích mà thiền mang lại cho tâm trí, mà còn tăng cường khả năng miễn dịch và kiện toàn sức khỏe thể chất. Đó là bởi chúng ta đang đi dưới sự dẫn dắt của người thầy vĩ đại nhất - Thiên nhiên.
Lợi ích của thiền Tắm Rừng
Học cách tắt những suy nghĩ không mong muốn.
Bớt tức giận, lo âu và buồn bã.
Tăng cảm nhận về giá trị bản thân và sự tự tin.
Vượt qua nỗi sợ hãi, nghi ngờ bản thân và dao động tâm trí.
Tránh căng thẳng và kiệt sức.
Giấc ngủ và nghỉ ngơi tốt hơn
Tăng cường khả năng kiểm soát cảm giác thèm ăn, từ bỏ các cơn nghiện.
Tìm thấy bình yên và hạnh phúc trong giây phút hiện tại.
Phát triển sự thấu cảm. Cải thiện các mối quan hệ.
Tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi và quyết định quan trọng.
Quanh đây chẳng có rừng thì phải làm sao?
Bạn có thể thực hành Tắm Rừng trong bất kỳ không gian thiên nhiên an toàn nào. Các nguyên tắc chính là đi bộ trong im lặng và chậm rãi. Sử dụng các giác quan của bạn để tìm kiếm những điều trong tự nhiên mang lại cho bạn sự bình yên và hạnh phúc. Thông qua các hoạt động kết nối thiên nhiên và các bài tập về cảm giác, bạn có thể thay đổi tâm trạng và mức năng lượng của mình, mang tới hàng loạt những lợi ích. Thời gian khuyến nghị thực hành Tắm Rừng là ít nhất 2 giờ một tuần.
CÁC GIAI ĐOẠN CỦA TÂM TRÍ KHI TẮM RỪNG
Chú ý: Người mới thực hành và trẻ nhỏ bắt đầu với các hoạt động đơn giản là tập trung vào các vật thể trong tự nhiên để thu hút sự chú ý và làm chúng ta chậm lại. Bằng cách định hướng và kiểm soát sự chú ý của mình, chúng ta đang rèn luyện khả năng kiểm soát dòng suy nghĩ và cảm xúc.
Nhận thức: Một khi có thể đạt đến trạng thái tâm trí bình tĩnh hơn, chúng ta có thể mở rộng nhận thức của mình. Trong rừng sâu, người ta có thể cảm nhận được chu kỳ biến đổi mà mọi sự sống đều trải qua. Những điều mà chúng ta đã từng là. Những thứ mà chúng ta sẽ trở thành. Giống như một hạt giống trong lòng đất. Như một đứa trẻ trong bụng mẹ. Nâng cao nhận thức là phát triển sự kết nối của ta với tất cả cuộc sống.
Những câu trả lời: Tâm trí của chúng ta đã được nhận được sự nghỉ ngơi xứng đáng để có thể tự tái tạo nguồn năng lượng và đưa ra những giải pháp sáng tạo đáng ngạc nhiên. Nó bắt đầu hỏi những câu hỏi phù hợp hơn là chỉ đơn giản là tìm kiếm câu trả lời. Khu rừng cho ta ánh sáng để khơi dậy những hiểu biết và khám phá mới, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc sống. Đây là bước khởi đầu của một cuộc hành trình khám phá bản thân.
Không phải ai cũng có thể tìm tới một khu rừng ngay phía sau nhà mình. Trên thực tế, hầu hết những người sống và làm việc ở các thành phố sẽ phải đi lại một khoảng khá xa để đến gần rừng. Nhưng thiên nhiên là tất cả xung quanh chúng ta. Bạn có thể cân nhắc thử tắm cây và các bài tập giác quan ở bất kỳ công viên đô thị nào gần bạn.
Đối với những người không thể ra ngoài công viên đô thị, hoặc bị hạn chế do khuyết tật, các hoạt động trị liệu thiên nhiên dựa trên giác quan có thể được thực hiện ngay cả trong khuôn viên ngôi nhà của họ. Chỉ cần mang các yếu tố của thiên nhiên vào trong nhà. Bạn có thể sử dụng sự sáng tạo của mình để xây dựng sự kết nối thiên nhiên ngay cả trong một khu vực kín.
Tắm Rừng có tác dụng tốt nhất như một hình thức phòng ngừa và là một cách để duy trì một tinh thần và thể chất khỏe mạnh. Nó không phải là giải pháp thay thế cho lời khuyên y tế chuyên nghiệp hoặc tư vấn cho những người có tình trạng bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự đồng hành của một nhà trị liệu được đào tạo, liệu pháp Tắm Rừng có thể là một phần quan trọng trong quá trình điều trị cũng như phục hồi. Nhiều người đã tiếp tục trở lại sau một lần “tiếp xúc” với rừng (Iwasaki, 2019).
Việc tắm trong rừng đã cho thấy kết quả khả quan ở đa dạng nhóm tuổi - từ trẻ em đến người già. Nó cực kỳ hữu ích cho các bậc cha mẹ cũng như các những người làm việc trong môi trường công sở. Khi được sử dụng như một chương trình phúc lợi của công ty, việc tắm trong rừng có thể giúp tái tạo năng lượng cho nhân viên, đào tạo nhân sự mới và quản trị sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, như GS.TS Iwao Uehara chỉ ra, nó có thể không hiệu quả đối với những người cảm thấy không thoải mái khi ở ngoài trời.
Lợi ích của Tắm Rừng
Sức khỏe tinh thần của chúng ta là một món quà vô cùng quý giá. Đối với hầu hết mọi người, giá trị thực của tâm trí chỉ trở nên rõ ràng khi mọi thứ sụp đổ. Khi một người bị ảnh hưởng bởi bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào, con đường để hồi phục có thể mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn phù hợp không phải là điều dễ dàng và hơn hết là vẫn còn rất nhiều sự kỳ thị của xã hội đối với các rối loạn tinh thần.
Tắm Rừng là một phương pháp đã được thử nghiệm qua thời gian. Phần lớn quá trình tiến hóa của loài người đã diễn ra trong tự nhiên. Kết nối với thiên nhiên là một hành vi mang tính bản năng và in dấu trong mã gen di truyền của chúng ta. Chỉ trong khoảng 200 năm qua, chúng ta đã giảm bớt sự tương tác của mình với các hoạt động ngoài trời. Trở về thiên nhiên có thể đưa chúng ta đến trạng thái nâng cao nhận thức giác quan và một cảm giác bình an tỉnh thức. Nó giống như cảm giác trở về nhà. Hòa bình và hạnh phúc sẽ tự khởi sinh.
Câu chuyện của Nhật Bản dạy chúng ta rằng của cải vật chất và tiến bộ kinh tế là không đủ để tạo ra một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Để có được cuộc sống như vậy, người ta cần ưu tiên chính sức khỏe & hạnh phúc, hơn là theo đuổi vật chất và nỗ lực để đạt được một cuộc sống cân bằng. Và toàn bộ quá trình này sẽ mang lại cho cuộc sống một dáng hình tươi đẹp, bắt đầu bằng việc lắng nghe tâm trí của mình. Sau cùng, trạng thái Tâm sẽ định hình trạng thái sống của chúng ta.
Comments