top of page

Dạo bộ hướng tâm đến thiên nhiên

Updated: Nov 4, 2021

Chào bạn thương,


Chào mừng các bạn đến với series Podcast Lắng nghe những mầm xanh. Đây sẽ là một hành trình tái khám phá thiên nhiên cả trong và ngoài mình. Là hành trình quay về lắng nghe những hạt mầm đang cựa quậy nơi lòng đất tâm thức, chầm chậm trải qua những mong manh và tăm tối để chờ ngày mở vỏ, đội đất vươn lên, hướng về phía mặt trời. Và cũng là hành trình hiểu & thương toàn bộ mạng lưới sự sống mà mình là một phần không thể tách biệt trong đó.


Bạn có thể lắng nghe bản audio của nội dung này trên các kênh Podcast của Phương vào mỗi thứ Ba hàng tuần:

 

Trong bài viết này, Phương sẽ chia sẻ cùng các bạn về Nghệ thuật đi dạo trong thiên nhiên với một số tips và bài thực hành cơ bản để chúng ta có thể bắt đầu thực hành ở bất cứ đâu, lấy cảm hứng từ chuyến vào rừng thăm bạn của mình. Nếu như bạn từng nghe Podcast Chầm Chậm Mà Sống nhiều số trước, bạn sẽ thấy Phương đã nói đến thực tập đi dạo của mình rất nhiều lần rồi, và đây chính là thực tập mà Phương luôn luôn làm mỗi ngày trong mấy năm qua vì quá nhiều niềm vui, sự bình an mà nó mang lại.


Ở cuối bài viết, Phương sẽ để lại cho các bạn một món quà với rất nhiều tâm huyết được dồn vào đó, với hy vọng giúp các bạn giảm tải stress một cách hiệu quả và lâu dài. Mong rằng bạn sẽ ở lại tới cuối bài viết và nhận món quà từ Phương nhé. Giờ thì chúng mình cùng bắt đầu.


Chuyến vào rừng thăm bạn của Phương


Mình có một chị bạn - và cũng là học viên khoá Thân Khoẻ Tâm An của mình vừa có một thời gian trải nghiệm sống trong rừng.

Chị ấy sống trong một căn nhà giản dị, giữa một rừng thông xanh ngát. Nói nghe thì lãng mạn vậy đó, nhưng mà chắc chắn không phải ai trong chúng ta cũng đủ can đảm để sống như vậy đâu. Để đi vào và đi ra từ đường lộ cũng mất cả buổi, nên không thể dễ dàng có đủ tiện nghi như ngoài phố. Và như hôm mình vào thì mưa rất to khiến đường lầy lội. Mình phải để xe máy ở ngoài và cuốc bộ vào: dù chỉ vài km đường đồi thôi nhưng vác ba lô đi cũng mất ít nhất 30 - 40 phút, mà nếu không có chị ấy dẫn đi thì kiểu gì cũng lạc.


Dù ở trong đó một thời gian ngắn, mình đã kịp tận dụng thời gian để thực tập chạm đất, tắm nắng. Mình rất thương cho những thân cây thông bị con người đốt cháy đen nham nhở nên mình đã ôm lấy một bạn thông một lúc. Có lúc thì mình dừng chân, nhắm mắt và lặng yên nghe chim hót.


Sau nhiều lần lang thang và dừng chân nhiều lần để nghe rừng, thì mình về để nấu một bữa cho bạn mình. Các bạn đã từng nấu ăn trong rừng chưa? Cảm giác khi nấu ăn trong một nơi thanh vắng tịch mịch như vậy cũng rất lạ so với thông thường. Mình thấy lòng bình an và trong suốt 30 phút nấu nướng, mình chỉ tập trung cắt cắt thái thái và gần như chẳng nghĩ gì khác. Tụi mình đã ăn rất ngon miệng món mỳ Ý sốt cà và nấm. Đó là một bữa đặc biệt vì thông thường chị chỉ ăn gạo lứt muối mè và rau củ luộc là chính. Buổi tối đến thì tụi mình đốt một ngọn nến nhỏ, pha một bình trà và ngồi nói chuyện cả buổi với nhau. Có một chị khác là hàng xóm gần đó - cũng sống trong một căn nhà gỗ rất đơn sơ cùng một đàn rất nhiều gà vịt và cún, đến chơi nói chuyện cùng. Thế là mấy chị em tâm tình nhiều tiếng đồng hồ.


Lâu rồi mình mới nói nhiều như vậy. Sau đó không biết có phải do mình đã nói quá nhiều không mà mình thấy cơ thể rũ ra và lăn ra ngủ ngay sau khi chị hàng xóm đi về. Và tối hôm đó, mình đã có một giấc ngủ sâu hơn thường lệ.

Sáng dậy thì lại đi thăm rừng, khi mình xuất hiện thì thấy bạn mình đã đi dạo trên đôi chân trần. Chị vốn vừa trải qua một trận ốm, và chị nói rằng lúc đó dù ốm mệt vậy nhưng khi nào mà ra ngoài được thì chị đều áp dụng bài học phơi nắngchạm đất. Và chị dần dần cảm thấy rằng nhờ ốm như vậy mà chị cũng cảm thấy kết nối với khu rừng theo một cách rất đặc biệt. Và chị kể rằng có những hôm nằm trên giường mà nước mắt chảy dài xuống hai hàng mi. Không phải là vì buồn, mà vì chị quá xúc động và hạnh phúc.


Mình thấy dáng vẻ rất tĩnh tại của chị khi đi bộ nên đã quyết định để chị đi một mình ở gần nhà, còn mình cuốc bộ ra xa hơn để mỗi người đều có không gian riêng. Khi về thì mình hái một bó hoa dại về cắm thành hai bó.Một bó là hoa dại vàng tươi để trước cửa nhà và 1 bó là hoa viễn chí màu trắng li ti, với phần rễ thơm ngát. Rồi hai chị em suýt soa :"Trời ơi, đúng là chỉ cần một số chi tiết nhỏ như vậy thôi cũng thổi bừng lên thêm sức sống trong một căn nhà!"

Mặc dù chuyến đi rất ngắn thôi nhưng nó cũng để lại cho mình rất nhiều cảm nghiệm. Rất khó lý giải bằng ngôn từ. Nhưng có một điều mình biết chắc chắn là: Hai chị em mình đều sẽ tiếp tục tìm cách gần gũi với cây, với rừng hơn nữa. Sẽ tiếp tục dạo bước như vậy khi nào còn có thể. Cây cối, thiên nhiên đã trở thành dòng nhựa sống của chính chúng mình rồi.



Và trong podcast này, mình cũng muốn gieo thêm cảm hứng để có nhiều cuộc dạo bộ trong thiên nhiên hơn. Cho dù là may mắn sống ở nơi nào đó có rừng, có đồi núi xanh mát hay ở trong công viên thành thị, hay những con phố nhiều cây nào đó mà bạn có thể tìm được... thì không gì có thể thực sự ngăn cản được chúng ta kết nối với thiên nhiên qua từng bước chân.

Nói đến đây, thì trong mình bắt đầu hiện lên một câu hỏi lớn:

Từ lúc nào chúng ta ngừng dạo bước trong thiên nhiên?

Tổ tiên loài người chúng ta trong hàng triệu năm đã từng đi lại rất nhiều, và dĩ nhiên là đi dạo trong tự nhiên. Toàn bộ nhịp điệu sinh học của chúng ta đến giờ vẫn được điều phối bởi các tín hiệu trong tự nhiên như ánh sáng mặt trời và sự thay đổi nhiệt độ.


Không biết có bao giờ bạn nghĩ đến điều này không: khả năng đứng thẳng và đi thẳng là một trong những điều khiến cho con người độc đáo so với các loài động vật khác. Nó là một phần của chúng ta rồi. Chỉ dịch chuyển như cách chúng ta vẫn làm thôi nghe có vẻ đơn giản, nhưng về mặt sinh học nó đòi hỏi một cơ chế sử dụng não bộ tinh tế chứ không nói chơi đâu!

Thế nhưng dần về sau , chúng ta càng ngày càng ngồi nhiều hơn và đi ít lại. Ngày nay, chúng ta có quá nhiều phương tiện di chuyển: xe máy, ô tô, các phương tiện giao thông công cộng, thậm chí là xe buýt chạy giữa các toà nhà lớn, hay thang cuốn để bạn khỏi phải đi các khoảng cách xa.

Phương còn nhớ là trong khoảng thời gian mình làm việc ở Hàn Quốc một thời gian ngắn, mỗi sáng đi làm đều lên tàu điện ngầm. Và mình quan sát mọi người chung quanh, mình thấy họ thường tranh thủ vừa đi vừa bấm điện thoại, và cứ thế tiếp tục bấm điện thoại ngay cả lúc đứng trên phương tiện di chuyển. Nghĩ lại thì mình thấy thật ngạc nhiên với khả năng multi-task của con người! Họ đã phát triển khả năng vừa đi vừa bấm điện thoại mà không đâm đầu vào cột điện!


Nói thế không có nghĩa là mình phán xét họ đâu nhé. Vì mình phải công nhận rằng thiết kế của nhiều đô thị lớn trên thế giới hiện nay - ít nhất là những quốc gia mình đã đi qua - là không thân thiện cho người đi bộ. Nó khiến cho việc đi bộ khá là khó khăn và mệ mỏi, thậm chí nguy hiểm nữa. Ta đến văn phòng với các phương tiện dịch chuyển riêng, rồi sau đó ngồi 8h/ngày, và khi về đến nhà thì thường cảm thấy mệt đến độ nếu lại đi ra ngoài nữa thì quả là cực nhọc. Hoặc nếu không mệt, thì chúng ta thường có xu hướng giải toả stress thông qua các phương tiện sẵn có, tiện lợi khác. Môi trường thiên nhiên đã lùi xa khỏi thiết kế đô thị - và chính vì thế - cũng lùi xa khỏi những lựa chọn mặc định trong cuộc sống của chúng ta.



Điều này Phương rất là thông cảm vì mình cũng từng trong hoàn cảnh đó rồi. Lúc còn ở Sài Gòn thì mình phải dậy rất sớm để đạp xe ra ngoài ngoại ô một chút rồi đạp về trước khi đến văn phòng. Và trong một lần đạp xe về thì mình đã bị trượt bánh xe vào chỗ 1 đống cát xây dựng rất trơn và té ngã, bây giờ vẫn còn sẹo. Muốn đi bộ trong thiên nhiên thì mình phải đợi đến cuối tuần đến công viên. Hoặc thi thoảng là có 1 chuyến dã ngoại leo núi ngắn chẳng hạn.

Thế nhưng, bạn và mình có thực sự nên đổi lỗi hoàn toàn hết cho việc thiết kế đô thị, cho công việc, hay cho bất cứ sự bất tiện nào của môi trường sống không? Chẳng lẽ chỉ vì thế mà chúng ta ngừng dạo bước, ngừng tìm về với một trong những nguồn nuôi dưỡng & chữa lành tốt nhất?


Chúng ta thực sự nên dạo bước trở lại trong thiên nhiên!


Thực sự thì có kết nối giữa việc đi lại và sử dụng não. Mà cơ thể chúng ta thì vẫn còn được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các cơ chế sinh học từ hàng triệu năm trước, đặc biệt là cơ chế phản ứng & chống chịu với nguy hiểm & rủi ro - ngày nay gọi là cơ chế phản ứng với stress.


Bộ não của ta có hai chế độ: một chế độ tích cực (active mode) và một chế độ mặc định (default mode). Khi bộ não của bạn ở chế độ tích cực, nó đang tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, đòi hỏi sự nhạy bén và tập trung: chẳng hạn như tính toán, phân tích thứ gì đó.

Ở chế độ mặc định, tâm trí của bạn được tự do lang thang, khám phá và xử lý ký ức. Các chứng cứ khoá học đã cho thấy: sự sáng tạo xảy ra khi hai phương thức tư duy này xảy ra đồng thời. Và đi bộ là một cách tuyệt vời để khuyến khích bộ não thực hiện chính xác điều đó. Đi bộ - hay cụ thể hơn là điều hướng không gian - sẽ kích thích phần não xung quanh hồi hải mã, cũng là phần não giúp cho con người xử lý và truy xuất các ký ức. Đi bộ giúp chúng ta giữ vóc dáng thon gọn hơn, thúc đẩy trí tưởng tượng và nâng cao tâm trạng nữa. (1)


Thế nhưng, Phương đang nói đến hình thức đi bộ khác với hình thức đi bộ truyền thống thông thường như một bài tập thể dục. Nếu là một bài tập thể dục mang tính bắt buộc, nó có thể khiến bạn cảm thấy muốn stress thêm. Nó thúc đẩy chúng ta phải đi nhanh, mạnh. Hoặc có thể khiến chúng ta có cảm giác muốn kết hợp với điều gì đó để tránh lãng phí thời giờ: như là đút tai nghe vào để tranh thủ nghe nhạc, hay phải rủ thêm cạ cứng đi cùng và tranh thủ tám chuyện.

Những điều đó cũng không có gì sai, và thậm chí là còn tốt hơn việc chúng ta hoàn toàn không vận động.

Nhưng ở đây Phương đang muốn nói đến hình thức đi bộ hướng tâm đến thiên nhiên, thường là một mình hoặc cùng một nhóm bạn mà có chung mục đích chính là cùng thưởng thức & kết nối thiên nhiên như bạn.


Có nhiều điều khác biệt trong hình thức dạo bộ hướng tâm đến thiên nhiên so với đi bộ thông thường:

  • Thứ nhất, bạn cần đi dạo ở môi trường có nhiều cảnh quan thiên nhiên hơn là cảnh quan đô thị. Lý tưởng nhất là hoàn toàn chìm đắm trong thiên nhiên. Còn nếu không thì một con hẻm với một hàng cây xanh thôi cũng đã tốt rồi.

  • Thứ hai, bạn đi dạo với tốc độ chậm rãi, khoan thai, đặt mục tiêu cảm nhận & tận hưởng lên cao hơn so với mục tiêu phải hoàn thành một bài thể dục. Bạn có thể chẳng cần đích đến, đi chỉ để đi thôi. Ngẫu hứng. Tò mò với thế giới chung quanh. Mở rộng mọi giác quan để cảm nhận. Thích thì có thể dừng lại ngắm nhìn hay nhắm mắt lại để nghe - ngửi - xúc chạm nhiều hơn.

  • Thứ ba, là sự chú tâm khi đi. Bạn không mang theo thiết bị nào nên trải nghiệm của bạn có thể được mở ra trọn vẹn hơn. Một mặt, bạn vẫn có thể tận hưởng cảnh quan tự nhiên bên ngoài. Nhưng mặt khác, bạn cũng bắt đầu nhạy cảm hơn với những gì đang diễn ra bên trong cơ thể mình: các thớ cơ nào đang được hoạt động mạnh mẽ, những phần khớp nào đang chuyển động nhịp nhàng, hay đột nhiên...bạn thấy nhịp thở của mình hiện lên rất rõ rệt!

Với tinh thần dạo bộ đầy khoan thai, nhẹ nhàng, không mong đợi gì, không vội vàng như vậy...thì dù không đặt mục tiêu luyện tập nào nhưng một cách tự nhiên, bạn sẽ đạt được vô số lợi ích.


Các lợi ích sức khoẻ của dạo bộ trong thiên nhiên:


Chúng ta cũng sẽ loại bỏ được cảm giác căng thẳng về mặt thời gian, về mục tiêu tập luyện cần hoàn thành. Mặc dù việc đặt mục tiêu luyện tập cụ thể với từng mốc tăng dần thường được khuyến nghị bởi nhiều chuyên gia thể lực, nhưng Phương cũng nhận thấy nó có thể có tác dụng ngược đối với những người đang có mức stress nặng và rất nặng, hay có các triệu chứng lo âu kéo dài. Nó trở thành một gánh nặng tinh thần như một gạch đầu dòng đầy mệt mỏi, và khi thất bại trong việc hoàn thành một dấu mốc nào đó, nó càng khiến con người ta chán nản và mất lòng tin vào bản thân. Hoặc khi mà đã hoàn thành được mục tiêu đề ra rồi, người ta có thể cảm thấy mệt còn hơn trước khi đi nữa. Bạn có ở trong tình trạng này không? Nếu có, thì bạn cần giải nén tinh thần cho mình một chút bằng cách tự hỏi là hình thức đi bộ nào sẽ phù hợp với bạn trong thời điểm này?

Mặc dù nhẹ nhàng hơn hẳn so với các hình thức như đi bộ nhanh và chạy bộ, nhưng đi dạo nhẹ nhàng trong thiên nhiên đã chứng tỏ được các lợi ích sức khoẻ không kém gì so với các hình thức truyền thống khác. Trong đó, theo vô số nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy các lợi ích như:

Thậm chí, nếu mỗi tháng chỉ cần một chuyến tắm rừng - tức là hoạt động mà bạn có thể vào rừng và hoàn toàn hoà mình vào thiên nhiên thì đã đủ để duy trì cường độ hoạt động mạnh của tế bào NK - Tế bào sát thủ tự nhiên, một loại bạch huyết mà có khả năng tấn công và tiêu diệt những tế bào bất thường, ví dụ như tế bào nhiễm virus hay tế bào khối u. Vì vậy, tăng khả năng phòng chống ung thư cực kỳ cao.

(Trích trong Shinrin Yoku, Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật)

Vì vậy, đừng để cho sự ngại ngần ban đầu hay sức ỳ ngăn trở bạn. Hãy thử nghiệm với việc dạo bộ chú tâm, không mục tiêu, không sức ép.

Phương cũng từng vô số lần cảm thấy mệt mỏi vào cuối ngày, nhưng khi đã bắt đầu dạo bộ trong thiên nhiên mà không bắt mình tuân theo một mục tiêu nào, thì chỉ sau 5 phút mình đã bắt đầu cảm nhận được sự thư giãn trong cả cơ thể và tinh thần của mình. Khi trở về, mình cảm thấy như "cục pin" bên trong mình đã được tái nạp rất đầy!


Một số bài tập kết hợp cho chuyến dạo bộ của bạn


Đến đây thì hẳn là chúng mình có thể cùng đồng ý với nhau về hiệu quả tuyệt vời của việc dạo bộ trong thiên nhiên rồi đúng không nào? Tuy nhiên, nếu như bạn cảm thấy cần có thêm một chút hướng dẫn đi kèm thì sau đây là 3 gợi ý cho bạn:


1. Mở rộng giác quan


Tìm một nơi yên tĩnh và cảm thấy thoải mái khi đứng hoặc ngồi trên mặt đất. Nhắm mắt lại, hít thở sâu vài lần và đợi cho đến khi bạn cảm thấy có cảm giác vững chãi, ý thức về thân thể hiện lên rõ ràng hơn.

Hãy từ tử mở rộng nhận thức về môi trường của bạn bằng cách tập trung vào một giác quan tại một thời điểm. Bạn có thể tạm nhắm mắt để cảm nhận các giác quan khác rõ ràng hơn:

  • Hãy quan sát và cảm nhận không khí trên vùng da tiếp xúc của bạn. Xòe rồi cụp các ngón tay (và ngón chân) và cảm nhận không khí giữa chúng.

  • Điều chỉnh âm thanh và chú ý các âm thanh gần và xa, khoảng lặng giữa các âm thanh và toàn bộ khung cảnh âm thanh.

  • Chú ý đến sự ấm áp và mát mẻ từ mặt trời và bóng râm.

  • Thử ngửi các mùi có trong không khí và nhận thấy các hương thơm khác nhau có thể có là gì

  • Thậm chí là nếm không khí.

  • Nghiêng mình, cảm nhận lực hấp dẫn đang kéo bạn xuống với mẹ đất như thế nào.

  • Nhẹ nhàng lắc lư cơ thể của bạn.

  • Đặt tay lên trái tim và cảm nhận nhịp tim của bạn.

Quay trở lại bất kỳ cảm giác nào bạn thích. Chim đang hót? Cây cối có xào xạc không? Bạn có thể cảm nhận được hơi ấm của ánh nắng mặt trời không?

Khi bạn đã sẵn sàng để mở mắt, hãy mở chúng từ từ và để ý xung quanh bạn.


2. Bài tập Chuyến đi biết ơn


Trên đường mòn đi bộ, trong công viên hoặc một không gian thoáng đãng, hãy đi bộ với tốc độ mà bạn cảm thấy thoải mái trong khoảng 20 phút. Bất kể bạn đi bộ như thế nào, hãy tập trung sự chú ý vào thiên nhiên và nhịp thở của bạn. Bạn có thể muốn xen kẽ giữa đi bộ chậm và hơi nhanh một chút.

Đi bộ chậm giúp nâng cao trạng thái nhận thức, sự bình tĩnh và kết nối với thế giới tự nhiên. Trong không gian mở rộng lớn, chẳng hạn như công viên, bạn hãy thử đi bộ chậm trong các vòng tròn, mở rộng và thu nhỏ kích thước của các vòng tròn của bạn. Đi bộ nhanh hơn giúp giảm căng thẳng và tiếp thêm năng lượng cho cơ thể. Cho dù bạn đi bộ với tốc độ như thế nào, hãy dừng lại trên đường đi để chú ý đến những điều kỳ diệu nhỏ bé của thiên nhiên.


Sau 20 phút: Một bổ sung thú vị cho chuyến đi bộ của bạn là tạo ra cảm giác biết ơn. Bằng cách tập trung sự chú ý vào những điều khiến bạn tràn đầy lòng biết ơn, bạn có thể chuyển tâm trí khỏi mọi suy nghĩ tiêu cực hoặc bi quan. Dưới đây là một danh sách đơn giản các thứ mà bạn có thể tìm để gia tăng lòng biết ơn nhé:

  1. Tìm thứ gì đó khiến bạn cảm thấy hạnh phúc

  2. Thứ gì đó để bạn tặng cho một ai khác và khiến họ cười

  3. Tìm 1 thứ mà bạn thích ngửi

  4. Tìm 1 thứ mà bạn thích ngắm nhìn

  5. Tìm một thứ có màu sắc yêu thích của bạn

  6. Tìm một thứ mà bạn cảm thấy biết ơn trong thiên nhiên

  7. Tìm thứ gì đó mà bạn có thể sử dụng để làm quà tặng ai đó

  8. Tìm một thứ mà có thể hữu ích cho bạn, như là để trang trí hay để tại bàn làm việc chẳng hạn.


3. Mang Phương đi cùng bạn


Mặc dù là về lâu dài bạn có thể đi một mình và cảm nhận một mình trong tĩnh lặng, nhưng nếu như bạn thực sự cảm thấy cần có sự trợ giúp nào đó thì podcast Chầm Chậm Mà Sống ở đây để hỗ trợ. Bạn có thể tải sẵn một hướng dẫn thiền hay một tập nào đó của Chầm Chậm Mà Sống mà bạn cảm thấy phù hợp để nghe giữa thiên nhiên, thì có thể tải sẵn xuống trên spotify, apple podcast hay bất cứ ứng dụng nào mà bạn đã tìm thấy mình.

Sau đó thì đi dạo một lúc, cho đến khi bạn tìm thấy một địa điểm khiến bạn muốn ngồi xuống, thì hãy ngồi và nghe tập podcast đó nhé. Series Đất-nước-lửa-khí đều có hướng dẫn thiền và thở, vì vậy đó sẽ là những tập rất phù hợp để bạn bật lên thực hành giữa thiên nhiên.

Phương sẽ rất vui nếu những nội dung mình làm được đồng hành & kết nối về mặt năng lượng cùng bạn trong một chuyến dạo bộ như vậy.

Và đó là một vài gợi ý trong bài viết này mà Phương dành cho bạn. Giờ thì Phương sẽ chia sẻ với bạn món quà to bự xự lần này.



Xuất phát từ thực tế là có vô số các chiến lược, công cụ và phương pháp đang được đưa ra để Quản lý stress và lo âu. Tuy nhiên, Phương thấy nó như những mảnh ghép rời rạc và có thể trở nên rất lý thuyết, kém hiệu quả nếu không được đặt vào bức tranh tổng thể cuộc sống của con người. Vì vậy, Phương cùng cộng sự đã dày công biên tập một trang tổng hợp về Quản lý stress và xây dựng lối sống lành mạnh với đầy đủ các phần:

  1. Kiến thức cơ bản về stress

  2. Các tác nhân kích hoạt stress trong bối cảnh chúng ta đang có nhiều bước chuyển đổi

  3. Bài trắc nghiệm giúp bạn đo lường mức độ stress thực sự mà bạn hiện có

  4. 4 chiến lược cốt lõi để Quản lý stress:

  • Các kỹ thuật Chú ý - Định tâm (thiền, thở, hình dung)

  • Các bộ môn Biểu đạt - Sáng tạo (viết, vẽ, nhảy, kịch, làm thơ...)

  • Các công cụ Khám phá - Soi rọi (viết nhật ký, truyền thông giữa người và người, các công cụ tự theo dõi...)

  • Các hướng dẫn xây dựng lối sống lành mạnh toàn diện (tất tần tật từ ăn - ngủ, chăm sóc cho cơ thể và tâm trí, nhận các nguồn lực cộng đồng thế nào, thiết kế cuộc sống ra sao, kết nối thiên nhiên nữa!)

Đặc biệt là với bài trắc nghiệm đo mức độ stress, sau khi dành 5 phút để tự đánh giá, bạn sẽ nhận được kết quả được cá nhân hoá dựa trên kết quả đó, và các bước hướng dẫn giải toả stress trong suốt 3 tuần liên tiếp.


XEM TRỌN BỘ HƯỚNG DẪN TẠI ĐÂY


Phương tin rằng việc giải toả stress cần được thực hiện chầm chậm, có hệ thống từng bước như vậy mới tạo nên kết quả bền vững thực sự. Vì vậy, đừng ngần ngại sử dụng trợ giúp này nhé.

Bây giờ thì mình phải gói lại podcast của tuần này rồi. Hy vọng rằng bạn đã có một khoảng thời gian dễ chịu, và sắp tới sẽ còn nhiều khoảnh khắc thật hạnh phúc, thật an tĩnh khi thực hành trong thiên nhiên nữa. Nếu có bất cứ lúc nào bạn dạo bộ trong thiên nhiên, hãy biết rằng đó cũng là lúc chúng ta thực sự gặp nhau & kết nối với nhau về mặt tinh thần.


Chúc cho bạn có ngày thật vui và đêm thật yên.


118 views

Komentarze


bottom of page