Mặc sao cho thân thiện với môi trường?
top of page

Mặc sao cho thân thiện với môi trường?


Vải của bạn "thân thiện với môi trường" đến đâu?


Các bạn quan tâm đến môi trường thì mình để ý thấy sẽ mặc đồ vải có gốc tự nhiên cotton hay linen, có thể phân rã thay vì vải tổng hợp như polyester vì nghĩ là như vậy "thân thiện với môi trường". Thế nên khá ngạc nhiên khi tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy tác động môi sinh của các loại này cũng có thể không thân thiện lắm đâu.


Tác động lên môi trường bao gồm:

  • Nhiên liệu sản xuất: nhiên liệu để trồng, thu hoạch, xử lý sợi vải. Sau đó là nhiên liệu hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và vận chuyển.

  • Hoá chất sử dụng: thuốc trừ sâu, thuốc Bảo vệ thực vật, chất nhuộm, tẩy trắng, chất kết dính sợi...

  • Đất và tài nguyên khác: nhiều loại cây đòi hỏi diện tích trồng lớn, và các loại vải tổng hợp (synthetic) sẽ đòi hỏi dầu mỏ.

Cho nên có những khâu làm tan tành nỗ lực "thân thiện" của khâu còn lại . Đó là chưa nói đến động vật và nhân công được đối đãi ra sao nữa.



Ví dụ 1: Cả polyester và cotton đều được sản xuất trong các nhà máy, xử lý bằng một loạt quy trình hoá chất có đi kèm hoá chất - như chất tẩy rửa, chất làm mềm hoá học, chất tẩy trắng. Chưa kể, sản phẩm được vận chuyển khắp thế giới gây ra ô nhiễm nữa. Trong khi vải polyester tổng hợp có hại vì chúng làm bằng nhiên liệu hóa thạch và các hóa chất khác, và cần khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo được; thì cotton cũng đòi hỏi một lượng lớn đất trồng và nước (2700l nước chỉ để sản xuất 1 chiếc áo thun!),cũng như năng lượng vận hành máy móc khi thu hoạch. Lượng thuốc trừ sâu dùng cho loại cây này cũng thuộc loại vô đối!


Ví dụ 2: Tre được coi là 1 trong những loại chất liệu thân thiện môi sinh nhất vì cây thu hoạch được chủ sau 2-3 năm, cải thiện chất lượng đất và có thể trồng mà không cần phân bón hoặc thuốc trừ sâu. Tuy nhiên ở một vài nơi vẫn sử dụng hoá chất để nấu lá và chồi - ngoài ra còn có keo formaldehyde dùng để se sợi lại. (theo lời 1 nhà sản xuất tại Việt Nam)


Hướng dẫn để có một tủ đồ thân thiện


1. Tái sử dụng:


"Cũ người, mới ta" mà. Như mình giờ chỉ mua ở các cửa hàng đồ cũ thôi, có nhiều cái vừa rẻ vừa đẹp, lại được một số bạn chủ chăm chút cho sạch sẽ. Có những bạn nhuộm thủ công rất dễ thương nữa. Không quan trọng đó là plant-based hay synthetics, cứ xài lại thay vì cho ra bãi rác là đáng ghi nhận rùi!

Trước khi vất đi 1 cái áo thun, hãy nghĩ rằng bạn đang hoang phí 2700l nước!


2. Tìm chứng chỉ:


Bây giờ đã bắt đầu xuất hiện các nhãn eco được kiểm chứng bởi bên thứ 3 rồi nha, như:

  • Eco-cert

  • Demeter

  • ECO-INSTITUT

  • Global organic textile standard (GOTS)

  • Oeko-Tex, Soil Association

  • Fair trade

  • Hoặc chứng nhận địa phương.

Kinh nghiệm là nhãn hiệu, chứng chỉ cũng không nói hết lên được điều gì. Nhưng những hãng đã mắc công làm thủ tục đáp ứng chứng chỉ thì nhiều khả năng là họ cũng có câu chuyện để kể, và cởi mở trong việc trả lời người tiêu dùng.


3. Đặt câu hỏi cho nhà sản xuất:


Nếu không thể tìm được thông tin về quy trình sản xuất trên trang của 1 nhãn hiệu, hãy đặt câu hỏi về quy trình trồng cấy, thu hoạch nguyên liệu, cách nuôi và lấy sản phẩm từ động vật, quy trình sản xuất và vận chuyển, thuốc nhuộm loại gì...qua contact trên website. Cho dù câu trả lời như thế nào, càng nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi thì nhà sản xuất sẽ càng coi đó là tín hiệu đáng lưu tâm hơn.


4. Chọn quần áo dễ "chăm sóc":


Khi mua đồ, hãy chọn những loại có thể giặt tay lẫn giặt máy, và không cần ủi nhiều, tránh những hoá chất đi kèm với quy trình giặt khô.



5. Vẫn ưu tiên chọn các chất liệu tự nhiên, có thể phân huỷ sinh học như:

  • Hemp: làm từ sợi gai dầu, thường ít sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV hơn so với cotton khi trồng quy mô lớn. Tạo được cả các loại vải bền chắc, thậm chí cả dây thừng, lẫn các loại vải mềm mại tinh tế.

  • Organic cotton: làm từ cây bông. Có thân thiện hay không phụ thuộc rất nhiều vào chữ "Organic". Theo lời 1 nhà sản xuất tiết lộ cho mình, thì rất ít organic cotton ở Việt Nam mà thường nhập ở Đài Loan hay Trung Quốc. Nhưng ta cũng hãy ưu tiên chọn các loại màu đúng màu tự nhiên của cotton, như kem, nâu nhạt hoặc xanh lá nhạt để tránh thuốc nhuộm gây hại.

  • Linen: làm từ các sợi cellulose từ cây lanh. Khá bền (độ bền có thể lên đến 20 năm!), rất thoải mái dễ chịu, cũng không tiêu tốn nhiều năng lượng và nước để sản xuất, toàn bộ cây lanh được sử dụng nên không gây lãng phí.

  • Tre: thường được quảng cáo là "chống khuẩn tự nhiên" hay "thoát mùi tự nhiên" - cái này thì mình cũng không chắc, nhưng mình mặc thấy rất dễ chịu. Tuy vẫn còn sử dụng hoá chất để làm se sợi nhưng ít nhất thì việc trồng tre không bao gồm thuốc bvtv.

  • Lyocell: tên gọi chung cho nhãn hiệu Tencel. Làm từ bột mịn của sợi gỗ nên có thể tái chế. Việc sản xuất ít đòi hỏi khí thải, nhiên liệu, nước và cũng không bị tẩy trắng. Thêm nữa là không bị nhăn, cho nên không mất thêm năng lượng ủi.

  • Lụa tơ tằm: như tên gọi- nó làm từ tơ tằm chứ không phải là chế biến tổng hợp dựa trên hóa học. Nhưng các bạn Vegan có thể không thích vì tằm bị ném vào một thùng nước sôi sau khi công việc khó khăn của họ đã hoàn tất. Nghe rất dã man ;(. Tuy nhiên, trên thế giới đang bắt đầu xuất hiện loại Peace silk và Vegan silk - tơ được thu thập sau khi loài này hoá bướm bay đi.

  • Soy: sản phẩm phụ trong quá trình xử lý dầu đậu nành. Tuy nhiên ngành sản xuất đậu nành nói chung thường gắn liền với phun xịt nên tốt nhất là tìm nhãn eco.

  • Cashmere: loại vải này cực kì sang chảnh bởi vì làm từ lông dưới của mấy con dê Kashmir, gần dãy Himalaya, giờ được nuôi khắp thế giới. Về góc độ sinh thái thì khá tốt. Tuy nhiên, để giữ cho giá thấp thì một số nơi cũng dùng hoá chất, thuốc nhuộm có nguy cơ ung thư cao hoặc trộn (blend) tùm lum - cho nên không có tiền thì thôi chứ có tiền mà mua là phải lọc rất kĩ để mua loại xịn hẳn đi nha. Mua xịn thì nhiều khả năng là bạn cũng sẽ giữ nó suốt đời - rút cục làm cho nó trở thành một trong những bộ đồ tủ quần áo thân thiện với môi trường nhất mà bạn sở hữu.

  • Len/wool: có thể hồi phục, chống cháy, và không cần thêm hoá chất. Tuy nhiên cần tìm loại chlorine-free và tìm hiểu xem những con cừu được đối xử như thế nào nữa nhỉ.

  • ...

Cũng cần lưu ý xem nguyên chất hay là BLEND nhen. vì blend (trộn) với mấy cái loại khác thì thường là sợi tổng hợp cả đấy.

Có thể còn nhiều nữa, mình cũng không nắm hết được và rất nhiều thông tin không thể rõ ràng trắng-đen do qua quá nhiều khâu sản xuất của quá nhiều bên. Nhưng điều mấu chốt là bạn quan tâm đến đâu. Nếu thực sự quan tâm, thì làm theo điều 1. Hoặc lựa chọn mua đồ mới chỉ từ các nhà sản xuất có cam kết hạn chế hoá chất, các cửa hàng bán sản phẩm thân thiện với môi trường, các nhãn hiệu không ngại ngần trả lời câu hỏi của bạn 1 cách minh bạch.


Mình không đánh giá người khác qua quần áo họ mặc. Nếu họ dùng chất liệu "không thân thiện", nhưng tái sử dụng nhiều lần thì vẫn tốt hơn là dùng chất liệu "thân thiện", mua rất nhiều và dễ dàng bị quăng đi. Đúng không?


Danh sách Tiêu dùng Xanh (Thực phẩm, may mặc và đồ dùng chăm sóc nhà cửa,...) được team Nam Phương và cộng đồng tổng hợp TẠI ĐÂY. Bạn tham khảo nhé.


180 views
bottom of page