Sáng nay hoa đào vẫn nở rộ. Còn ngoại mình thì vừa trút bỏ thân xác héo tàn. Hơi thở cuối đã hoà về thinh không.
Khác với lần cuối khi nghe tin người thân mất, lần này mình cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Bà đã hoàn thành một vòng đời trọn vẹn. Đang đi vào cuộc chuyển tiếp mới đầy mãn nguyện, hân hoan.
Cách đây nửa tháng, “đàn con nhỏ” của bà cùng lao về khi nghe tin mẹ mình bị bệnh viện trả về. Thế rồi tất cả cùng thở phào nhẹ nhõm khi về đến nơi, thấy bà không những hồi phục lại mà còn tỏ rõ vẻ minh mẫn. Tối đó, mình ngồi trên giường vuốt ve đôi tay bà và trả lời từng câu hỏi về từng đứa con của bà. Đứa này đã có của ăn của để ổn định phải không? Đứa kia từng khó khăn nhưng nay đã bắt đầu khấm khá? Đứa nọ thì luôn luôn tự lo rất tốt!
Bà hỏi từ con đến cháu, chắt. Rồi với vẻ mặt mãn nguyện, bà gật đầu: “Biết thế bà vui mừng quá. Không còn gì để nói nữa.”
Thế rồi những ngày sau, bà dần dần lặng thinh. Không nói gì nữa thật. Mọi người vẫn hồi hộp trông từng thay đổi nhỏ của bà hằng ngày. Còn mình: thầm mãn nguyện hộ bà. Nếu có buồn, hẳn chỉ là kiểu buồn nuối tiếc của người còn sống. Còn tiếc, còn mong được ở cạnh bà-mẹ của mình thêm một mùa xuân nữa. Chính mình cũng có ước mong trong đầu như vậy: Chỉ một mùa xuân nữa thôi!
Ước mà biết là ích kỷ. Vì như vậy đồng nghĩa với việc bà sẽ phải chịu nhọc nhằn thêm. Như trà đã pha bao lần nước rồi mà vẫn cố giữ lại bã, chắt thêm một lần nữa thôi!
Thế mà bà bao dung đáp ứng cho thật. Rồi hết Tết là bà đi. Mình thức dậy, chưa nghe tin cũng biết sẵn từ những nao nao tối hôm trước.
Ôi, ít nhất là mình đã được về với bà trước Tết tận 10 ngày. Đã thụ hưởng cái mát mẻ, ngọt ngào của bà như thụ hưởng bóng mát của một cây đại thụ, với những tán lá xanh dày dặn, cho bóng mát mãi đến ngày chuẩn bị đổ xuống và hoà vào Đất Mẹ.
Tối qua, mình gọi điện và mẹ đã bật loa ngoài cho mình nói với bà. Chỉ mình nói thôi vì bà đã không còn nói nữa.
“Bà ơi, cháu yêu bà”.
Tiếng lòng mình bật ra. Phía đầu dây bên kia im lặng. Rồi mình nghe tiếng mẹ nói với bà: “Bà có nghe thấy tiếng cháu Phương không? Nó là cái đứa bà đã bế trông từ bé đấy”.
Trong vài giây, mình như thấy trước mắt khung cảnh mà mẹ cứ kể đi kể lại hồi mình 2-3 tuổi. Lúc đó bà bán quán tạp hoá ngay trong sân trường trung học mà mẹ dạy- một dạng căng-tin sơ khai. Có lúc bà bận không để ý, mình cứ thế tự bò lổm ngổm khắp sân trường. Chắc cũng tự bốc bao nhiêu đất cát bỏ vào miệng. Rồi là lúc lớn lên 1 chút, thấy bà hay nhóm lửa nướng bánh tráng từ mấy cây củi, mình đã đi lượm mấy quả phượng trong sân trường rồi lẫm chẫm mang về đưa bà. Bà đã chăm sóc mình suốt tuổi ấu thơ. Khi cha mẹ bận bịu thì bà thành người mẹ thứ hai của mình.
Sực tỉnh khỏi những hồi ức sơ khởi, mình đề nghị: “Mẹ, mẹ bảo nếu bà nghe tiếng con bà cứ chớp mắt”. Và mẹ bảo bà đã chớp mắt rất nhiều. Thế rồi, nghẹn ngào quá nên mình chẳng thể nói gì. Mẹ tưởng mình đã thôi cuộc gọi nên cũng cúp máy luôn…
Ôi, ít nhất lần này mình đã kịp nói yêu bà lần cuối! Đã học được thêm một chút cách thể hiện tình thương. So với lần bố mất và nhận ra lời cuối cùng mình nói là lời trách móc dằn dỗi, lòng đã bớt đau nhiều.
——
Mình chợt nhớ đến một bộ phim hoạt hình ngắn từng chiếu cho các em nhỏ xem.
Có đứa bé sung sướng được ngồi dưới bóng cây mát lành suốt mùa hè tuổi thơ. Được cây thả xuống cho bao trái ngọt lành. Được tha hồ mà leo trèo, đu đưa trên những cành cây mà cười nắc nẻ. Rồi lúc mệt thì cũng chỉ việc nằm dưới tán râm mà ngủ ngon, để mặc cho những tán cây rung rinh ru giấc mơ lành. Cũng có lúc, đứa bé trò chuyện với cây, cùng cây ngắm mặt trời lặn huy hoàng.
Nhưng dù tuổi thơ có dịu ngọt đến đâu, đứa bé rồi sẽ lớn lên và bắt đầu có những khao khát. Bóng râm, quả ngọt đến đâu cũng sẽ là không đủ. Đứa bé dần thành “người lớn” và đi đến những phương trời xa, nơi có những điều to lớn nó cần khám phá. Cái háo hức, say sưa và giấc mộng lớn kéo nó đi nhanh đến mức chẳng nhớ mà nói tạm biệt cây. Nó quên bẵng.
Nhiều năm tháng trôi qua, cây vẫn đứng đó vì chẳng thể di chuyển. Bao mùa thay lá, dưới bao lần nắng đổ lưng đồi. Cây chỉ có thể chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi…
Rồi đến ngày “đứa bé” năm nào lưng đã còng, chân đã mỏi. Sau bao cuộc phiêu lưu và đuổi bắt những thèm muốn, có ông lão mệt mỏi trở về và đi tìm một bóng râm. Ông chợt nhớ đến cội cây năm nào, liền nhọc nhằn lê bước lên ngọn đồi xưa để được sống lại những tháng ngày trong trẻo.
Khi đến được chỗ cội cây năm nào, ông chỉ thấy trơ lại một cái gốc to. Ông đứng bần thần, ngơ ngác. Đô thị hoá đã kéo đến quá nhanh. Còn sự khôn ngoan của ông lại không theo kịp tuổi tác. Đã già rồi, ông có được bật khóc như một đứa trẻ?
“Con đã về!”. Ông giật mình khi nghe giọng nói quen thuộc năm nào cất lên. Chỉ còn trơ lại phần gốc, nhưng cây vẫn gượng chút sức sống cuối cùng để chờ “đứa bé” trở về. “Hãy đến đây con của ta! Hãy đến đây và nhận lấy tình thương mà ta vẫn dành cho con!”
Oà lên nức nở. Ông lão hoá lại thành đứa bé, liền chạy đến. “Ôi cây ơi! Sao cây chỉ trơ lại gốc thế này! Cây vẫn trao tình thương cho con được nữa sao? Như thế nào?”
Từ gốc cây vẫn vang lên thâm trầm, ấm áp: “Con hãy đến ngồi trên cái gốc lớn của ta mà nghỉ chân cho đỡ mỏi…”
Và rồi, đứa bé lại một lần nữa ngồi trong tình thương của cây. Cả hai cùng ngắm mặt trời lặn thêm một lần.
——
Đôi khi mình thấy mình là đứa bé. Đôi khi mình lại thấy mình như cái cây. Tất cả đều liên đới lẫn nhau và trong mình có mầm mống của tất cả. Sáng nay, mình vẫn ngồi thiền, nhìn ra cây đào vẫn nở rộ và thầm thì: "Con mời bà thở cùng con. Con và bà cùng thở”.
Trước khi về với đất, cái cây cũng đã kịp trao đi bao hơi thở và gieo bao hạt giống tốt lành. Bao tình thương. Bao dịu ngọt.
Rồi từ sự mục ruỗng của lớp vỏ gỗ cũ, bao sự sống mới lại đâm chồi.
——
THÔNG TIN THÊM: Bà mình đã sống thọ đến gần trăm tuổi, minh mẫn và bao dung cho đến tận những hoàng hôn cuối cùng. Bà chẳng chê ai hay cái gì bao giờ, chỉ nhất mực yêu thương tất cả con cháu dâu rể. Sau tuổi 90, răng bà vẫn khá chắc khoẻ, ăn gì cũng khen ngon. Bà truyền cho mình hạt giống “mọt sách”. Như một đứa trẻ mê say, nhiều khi mẹ mình gọi ăn cơm mãi mà bà vẫn không dừng đọc được, tảng lờ mãi. Năm 94-95 tuổi, bà được chụp lại lúc đọc cuốn “Nửa chừng xuân”. Lúc đau ốm, bà không bao giờ kêu rên. Lúc mọi người hỏi han, bà thường nói: “Có phải làm gì đâu mà mệt?!”
Comments