top of page
Writer's picturePhuong Nguyen

Cách ăn của người tỉnh thức: Tốt cho sức khỏe hành tinh!?

Updated: Oct 27, 2022

Các loại thực phẩm khác nhau có tác động khác nhau tới sức khỏe con người. Tương tự như thế, chúng cũng có tác động khác nhau tới môi trường. Chuyển hướng tới một “chế độ ăn uống cho sức khỏe hành tinh” có thể nuôi dưỡng cả con người và Trái Đất.

Chế độ ăn của con người có mối liên kết mật thiết với sức khỏe và sự bền vững của môi trường. Chế độ ăn tốt có thể nuôi dưỡng cả loài người và Trái Đất. Sản lượng lương thực tăng trong 50 năm qua đã giúp chúng ta cải thiện tuổi thọ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh; trẻ em; giảm đói nghèo trên toàn cầu. Tuy nhiên, những lợi ích này hiện nay đang trở nên lợi bất cập hại bởi sự chuyển hướng sang những chế độ ăn kém lành mạnh. Trên toàn cầu, khi các quốc gia bước vào tiến trình đô thị hóa và thu nhập của người dân tăng lên, chế độ ăn truyền thống (thường là thực phẩm có nguồn gốc thực vật chất lượng cao hơn), đã chuyển sang "mô hình ăn uống kiểu phương Tây", với các đặc trưng: tiêu thụ nhiều calo, thực phẩm chế biến công nghiệp (đường bột (carb) tinh chế , thêm đường, muối và chất béo kém lành mạnh), và nhiều thực phẩm từ động vật. [2,3] Sự chuyển dịch này không chỉ tác động tiêu cực cho sức khỏe con người, mà lối ăn uống này còn không bền vững. Sản xuất lương thực hiện nay đang gây ra biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và biến đổi mạnh mẽ cách chúng ta sử dụng tài nguyên đất và nước.


Ăn uống thì ảnh hưởng gì tới môi trường?


Thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe con người theo cách đa dạng ra sao, thì tác động của chúng tới môi trường cũng có sự khác biệt lớn như vậy. Như biểu đồ dưới đây, quá trình sản xuất thực phẩm nguồn gốc động vật có xu hướng phát thải khí nhà kính (cột màu cam) cao hơn so với sản xuất thực phẩm nguồn gốc thực vật. Bên cạnh đó, sữa và thịt đỏ (đặc biệt là thịt bò) nổi bật về tác động không cân xứng của chúng. Ngoài khí thải, một lưu ý quan trọng nữa là hoạt động sản xuất lương thực tạo ra một nhu cầu khổng lồ với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp là yếu tố góp phần chính gây ra nạn phá rừng, tuyệt chủng các loài, cạn kiệt nguồn nước ngọt và ô nhiễm (trong biểu đồ, những tác động này được thể hiện bằng việc sử dụng đất [ cột màu xanh lá cây] và mức tiêu thụ nước ngọt [cột màu xanh lam])



Chuyển đổi sang chế độ ăn uống lành mạnh hơn với hệ thống thực phẩm bền vững - đặc biệt trong bối cảnh dân số toàn cầu dự kiến đạt 10 tỷ người vào năm 2050 - đặt ra một thách thức lớn chưa từng có. Tuy nhiên, nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho thấy “Cuộc chuyển dịch vĩ đại về thực phẩm” này có thể đạt được thông qua sự kết hợp của việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, những cải tiến chính yếu trong việc sản xuất thực phẩm và chuyển đổi sang chế độ ăn chủ yếu là thực vật.


 

Có thể bạn sẽ quan tâm: Câu chuyện về con đường thực phẩm sạch, bền vững từ góc nhìn trong cuộc của người nông dân sinh thái



Định nghĩa về một chế độ ăn tốt cho sức khỏe hành tinh


Vào năm 2019, Ủy ban EAT-Lancet đã phát triển các mục tiêu khoa học đầu tiên trên thế giới về hệ thống thực phẩm lành mạnh và bền vững, bao gồm “chế độ ăn uống vì sức khỏe hành tinh”, trong đó xác định mức tiêu thụ hàng ngày với từng nhóm thực phẩm. Chế độ ăn uống này có các đặc trưng bao gồm đa dạng các thực phẩm nguồn gốc thực vật chất lượng cao, ăn ít thực phẩm từ động vật, ngũ cốc tinh chế, đường và chất béo kém lành mạnh. Mô hình này được thiết kế linh hoạt để phù hợp với các tình huống, truyền thống và địa phương và cá nhân sở thích cá nhân khác nhau trong ăn uống.


MỤC TIÊU KHOA HỌC CỦA CHẾ ĐỘ ĂN TỐT CHO SỨC KHỎE HÀNH TINH



Được tạo ra để đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe, đồng thời không vượt quá giới hạn của hành tinh, Ủy ban nhận thấy rằng việc áp dụng toàn cầu chế độ như trên (tải xuống để xem tài liệu chi tiết) sẽ mang lại những lợi ích sức khỏe lớn. Các nghiên cứu mô hình hóa cho thấy chế độ này có thể ngăn chặn được từ 10,9 đến 11,6 triệu ca tử vong sớm mỗi năm - giảm từ 19% đến 23,6% so với tỷ lệ tử vong ở người trưởng thành hiện nay. [1]


So với chế độ ăn hiện tại, sự thay đổi này sẽ đòi hỏi lượng tiêu thụ các thực phẩm như thịt đỏ và đường trên toàn cầu giảm 50%, trong khi lượng tiêu thụ trái cây, rau, các loại hạt đậu phải tăng gấp đôi. Ủy ban nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh các mục tiêu này cho phù hợp với tình hình địa phương. Ví dụ, trong khi các nước Bắc Mỹ hiện tiêu thụ lượng thịt đỏ gấp gần 6,5 lần lượng khuyến nghị, thì các nước ở Nam Á chỉ ăn một nửa lượng khuyến nghị. [1]


Không nghi ngờ gì nữa, việc thực hiện một sự thay đổi căn bản như vậy đối với hệ thống lương thực toàn cầu là chưa từng có tiền lệ. Nó đòi hỏi những hành động với phạm vi rộng khắp, đa ngành, đa cấp độ. Cùng với việc cắt giảm mạnh chất thải thực phẩm và những cải tiến lớn trong thực hành sản xuất thực phẩm, báo cáo của Ủy ban kêu gọi “cam kết quốc tế và quốc gia” thông qua một loạt các biện pháp chính sách và hành động cần thiết để cung cấp các loại thực phẩm lành mạnh và bền vững hơn, dễ tiếp cận hơn và giá cả phải chăng. Từ các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách đến các nhà tiếp thị, công nghiệp, truyền thông, các tổ chức giáo dục, nông dân, đầu bếp, bác sĩ và người tiêu dùng — mọi người đều có vai trò quan trọng trong Cuộc chuyển dịch vĩ đại về Thực phẩm này.

 

Có thể bạn quan tâm: Chuyện ăn thịt liên quan gì tới cháy rừng Amazon?



 

Hướng thực vật vì sức khỏe hành tinh


Thuật ngữ “Hướng thực vật" được định nghĩa là “một phong cách nấu và ăn uống nhấn mạnh và tôn vinh, nhưng không giới hạn ở các loại thực phẩm từ nguồn thực vật — trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt, dầu thực vật, các loại thảo mộc và gia vị. Hướng thực vật phản ánh các nguyên tắc được đưa ra trên cơ sở bằng chứng khoa học về sức khỏe và tính bền vững.”


Được tạo ra bởi Menu of Change - Thực đơn cho sự Thay đổi (một sáng kiến chung của Viện Ẩm thực Hoa Kỳ và Khoa Dinh dưỡng của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan), Hướng thực vật mô tả những khuôn mẫu về chế độ ăn và cách tiếp cận để thiết kế thực đơn đảm bảo tốt cho sức khỏe con người và tốt cho Đất mẹ; nhưng vẫn phong phú các sự lựa chọn.


Một đĩa ăn tốt cho sức khỏe hành tinh


Rất rõ ràng, những gì chúng ta đặt lên đĩa ăn hàng ngày có tác động rất lớn tới môi trường. Ăn uống lành mạnh hơn và bền vững hơn đi đôi với nhau, có nghĩa là chúng ta có thể phát triển các phương pháp ăn uống bền vững để cải thiện sức khỏe của chính chúng ta đồng thời tốt cho sức khỏe hành tinh. Nếu bạn quan tâm đến việc thực hành một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe hành tinh, nhưng bị bối rối bởi các mục tiêu cụ thể trong bảng trên, thì đây là một số mẹo có thể hữu ích:

  • Trước hết, hãy lưu ý rằng các chỉ dẫn này dựa trên lượng năng lượng hàng ngày là 2.500 calo cho một người trưởng thành trung bình. Điều đó có nghĩa là lượng tiêu thụ tối ưu của cá nhân bạn sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, kích thước cơ thể và mức độ hoạt động thể chất. (Báo cáo của Ủy ban bao gồm những cân nhắc đặc biệt đối với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai và cho con bú.)

  • Những chế độ ăn cũng hướng tới sự linh hoạt để phù hợp với các tình huống, truyền thống và sở thích của từng cá nhân. Giảm thiểu các sản phẩm từ động vật chứ không loại trừ hoàn toàn, vì vậy có nhiều lựa chọn cho những người ăn mặn cũng như những người theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay.

  • Một số loại thực phẩm được định lượng theo số gram có thể khiến chúng ta cảm thấy lạ lẫm. Ví dụ, làm thế nào để chỉ ăn 13 gam trứng mỗi ngày khi một quả trứng lớn khoảng 50 gam? Bạn có thể bám chắc vào định lượng này nếu bạn làm món trứng khuấy và phục vụ cho nhiều người, nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu nghĩ theo hướng một tuần trung bình lượng trứng tiêu thụ là khoảng 2 trái.

  • Đối với các sản phẩm động vật khác cũng vậy. Tuân thủ giới hạn tối đa 14 gram thịt đỏ một ngày (nhỏ hơn cả 1 phần hamburger nhỏ nhất) có thể không thực tế bằng việc suy nghĩ về việc bù trừ giữa các ngày trong tuần. Cố gắng tiêu thụ không quá 98 gam thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò hoặc thịt cừu), 203 gam thịt gia cầm và 196 gam cá mỗi tuần.

  • Hình tượng hóa các mục tiêu ăn uống thành một đĩa ăn cụ thể cũng rất hữu ích — một nửa dĩa sẽ là trái cây và rau (hạn chế các loại rau giàu tinh bột, như khoai tây), trong khi nửa còn lại chủ yếu bao gồm ngũ cốc nguyên hạt và đạm từ thực vật , với các loại dầu không bão hòa và một lượng khiêm tốn đạm từ động vật.

Tôi có thể làm gì nữa?


Cùng với sự chuyển đổi sang chế độ ăn uống tốt cho Đất mẹ, việc hướng tới một tương lai lương thực bền vững hơn cũng sẽ đòi hỏi những cải tiến lớn trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và hạn chế thất thoát, lãng phí thực phẩm. Rác thải thực phẩm là một vấn đề phức tạp khác đã tồn tại trước cả khi chúng ta mua thực phẩm về nhà, nhưng đây là một số chiến lược (nguồn bài viết bằng tiếng Anh) để mua sắm, lưu trữ và tái sử dụng để giảm thiểu những tác động cá nhân của chính bạn.


Lưu ý:


Nội dung của trang web này dành cho mục đích giáo dục và không nhằm mục đích đưa ra lời khuyên y tế cá nhân. Bạn nên tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế có trình độ chuyên môn khác nếu có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến tình trạng sức khỏe. Đừng bao giờ bỏ qua lời khuyên y tế chuyên nghiệp hoặc trì hoãn việc tìm kiếm nó vì những nội dung bạn đã đọc trên trang web này.


Nguồn tài liệu tham khảo:

  1. Willett W, Rockström J, Loken B, Springmann M, Lang T, Vermeulen S, et al. Food in the Anthropocene: the EAT–Lancet Commission on healthy diets from sustainable food systems. The Lancet. 2019 Jan 16.

  2. Popkin BM, Adair LS, Ng SW. Global nutrition transition and the pandemic of obesity in developing countries. Nutrition reviews. 2012 Jan;70(1):3-21.

  3. Delgado CL. Rising consumption of meat and milk in developing countries has created a new food revolution. The Journal of nutrition. 2003 Nov 1;133(11):3907S-10S.

  4. Ranganathan J, Vennard D, Waite RI, Dumas P, Lipinski B, Searchinger T. Shifting diets for a sustainable food future. World Resources Institute. 2016 Jun.

  5. EAT. Summary Report of the EAT-Lancet Commission. 2019.


409 views

Comments


bottom of page