Đặt câu hỏi trực diện vào bản chất vấn đề (Tết 2022)
top of page

Đặt câu hỏi trực diện vào bản chất vấn đề (Tết 2022)

Với các băn khoăn cuộc sống, việc đặt được câu hỏi đúng còn quan trọng hơn việc có ngay được một câu trả lời. Trong bối cảnh Tết đến, chúng ta thường đi hỏi nhau rất nhiều câu hỏi để giải quyết các vấn đề bề mặt.


Vốn dĩ, việc đón Tết cổ truyền với gia đình thường mang đến nhiều áp lực và căng thẳng. Các bạn sinh viên sẽ được hỏi về định hướng sau khi ra trường và được nghe rất nhiều lời khuyên nhủ hay thậm chí là “tính toán hộ” đường đi nước bước. Các bạn đi làm rồi sẽ được hỏi về công việc hiện tại lương bao nhiêu, thưởng Tết bao nhiêu, khi nào “an bề gia thất”. Còn những người đã làm được vài năm trở lên và/hoặc có gia đình rồi thì cảm thấy bị đè dưới những lớp lo toan về sắm sửa, quà cáp, thăm hỏi, giỗ chạp, cúng bái, lì xì...Và khi đã đến dịp tụ họp rồi, chúng ta sẽ có cảm giác như mình đang được ngồi dưới ánh nhìn của một “Ban Kiểm điểm”, soi xét từ ngoại hình, cách ăn mặc, công việc hiện tại, người yêu/vợ chồng hiện tại cho đến kế hoạch tương lai có đúng lộ trình hay chưa.

Xưa đến nay con người đã luôn mâu thuẫn tư duy và quan điểm. Nhưng với Tết thì những áp lực ấy như được phóng lên cực đại:

  • Áp lực phải “sung túc, đủ đầy” khiến cho chúng ta phải sống trong tâm lý thiếu thốn suốt cả (vài) tháng trước Tết.

  • Áp lực phải “trong ấm ngoài êm” khiến cho chúng ta phải sống trong sự căng thẳng để tính toán sao cho “công bằng”, cân đối cho tất cả.

  • Và áp lực phải “tươm tất” khiến cho chúng ta biến thành con quay trong vòng xoáy lo chuyện nhà cửa, mâm cơm và gia đình nội-ngoại.

Hôm qua trong buổi chia sẻ cuối năm của nhóm ZenCoach, có một chị chia sẻ đã từng gặp áp lực quà cáp đến mức đã từng tiêu mất... 4 tháng lương mỗi dịp Tết về. Chị thì kiệt sức, còn tủ lạnh cũng... sụm vì đã nhét đồ ăn vào nhiều đến mức không khí không thể lưu thông. Rồi là nhiều câu chuyện drama gia đình được chia sẻ và nhận được đồng cảm sâu sắc từ người tham gia. Và dù bàn qua rất nhiều các khía cạnh của việc đón Tết, điểm chung lớn nhất trong khó khăn của chúng ta vẫn chỉ quay về “chuyện con người với nhau”.

Vậy chúng ta đang đặt câu hỏi ra sao và nó sẽ dẫn lối đến các vấn đề sâu xa nào?
  • Câu hỏi “Ăn sao cho không tăng cân dịp Tết?” sẽ đưa ta đến nhu cầu cân bằng giữa mong muốn cải cách chế độ ăn của mình với những ấn tượng sâu đậm không thể phá bỏ về bữa cơm Tết của cả nhà.

  • Câu hỏi “Sống tối giản trong ngày Tết như thế nào?” lại khiến ta phải lần dở lại vấn đề về phong cách sống của chúng ta trong cả năm, về việc chấp nhận sự khác biệt trong cách sống của các thế hệ và thấu hiểu những cảm xúc và kỷ niệm mà ta còn đang gắn cùng đồ vật.

  • Câu hỏi “Xử lý các tranh cãi trong gia đình như thế nào nếu bùng nổ dịp Tết?” lại đòi hỏi ta phải suy ngẫm sâu thêm về cách mà chúng ta đang quan tâm đến nhau trong cả năm, liệu ta có thể thông cảm và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những lời phàn nàn, hay về việc tạo không gian an toàn để không ai cảm thấy bị đe doạ rồi lại phòng thủ/chiến đấu với nhau.

  • Câu hỏi về việc “Làm sao để bớt áp lực biếu xén, lễ nghi với các sếp?” lại dẫn lối cho các vấn đề sâu xa hơn về tính chân thành và minh bạch trong các mối quan hệ tại công sở.

Để trả lời cho các câu hỏi sâu xa hơn thì thường khó khăn, tốn nhiều tâm sức hơn nên thường chúng ta hay muốn né tránh. Thế nhưng, né tránh đến bao giờ? Liệu chúng ta có muốn tiếp tục sử dụng tiền bạc, vật chất để tạm “đền bù”, vá đắp cho sự thiếu nỗ lực thu vén và quan tâm trong suốt cả năm?


Tin tốt là: chúng ta không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm cho việc tìm câu trả lời.


Nếu ta không một mình đẻ con, một mình xây nhà...thì sẽ luôn có thêm ít nhất 1 người nữa cùng chịu trách nhiệm.

Cũng không có câu trả lời đúng cho mọi người mọi nhà. Mà cuối cùng, phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta có thể truyền thông các vấn đề sâu kín với nhau một cách thẳng thắn và chân thành đến đâu.

Chúng ta có thể chọn thảo luận cùng một vài người mà mình cảm thấy có khả năng cùng mình xử lý vấn đề một cách trực diện nhất. Muốn vậy, cần Mở lòng và Mở lời.


Cần Mở lòng mà chấp nhận rằng ta có thể cảm thấy dễ tổn thương.

Ta có thể cảm thấy yếu đuối và chua xót khi phải nói ra những cảm xúc chất chứa trong lòng sau bao nhiêu năm đặt mình ở mức ưu tiên thấp nhất.

Thế nhưng, thà rơi chút nước mắt ngay lúc này còn hơn là tiếp tục sống trong khổ sở trong rất nhiều năm về sau nữa khi sự hy sinh được cho là thông lệ và dĩ nhiên.


Sau đó, cần Mở lời đề nghị thảo luận và chấp nhận có thể sẽ có bất đồng quan điểm hay sự bối rối không kém của người kia.

Ta có thể cảm thấy muốn thoái lui và quay trở về thoả hiệp như lối mòn ban đầu một cách cay đắng, tủi hổ.

Thế nhưng nếu như người đó là người ta thực sự yêu thương ta và ta cũng thực sự yêu thương họ, thì dù có phải dừng ở một mức thoả hiệp khác thì vẫn tốt hơn mức thoả hiệp ban đầu. Ta hiểu nhau sâu thêm và sẽ còn mở rộng tâm trí để tìm kiếm cho những giải pháp tốt hơn và chân thực hơn qua thời gian.


Hôm qua, mình được chia sẻ về chủ đề Sống tối giản. Mình đã nói đến 2 “câu thần chú” về phong cách sống:

"Sống tinh giản cho đời thanh thản”:

Hãy để ý xem việc trưng bày vật chất là biểu hiện cho sự sung túc, dồi dào thực sự hay không? Thực tế là tối giản vật chất có thể giúp tối ưu trải nghiệm. Một không gian có vẻ quá tiện lợi như phòng ăn mà có đủ tivi, máy tính, tạp chí lẫn đồ ăn thức uống thì thường dẫn đến việc chẳng mấy người chú ý đến nhau vì mắt bận theo dõi thứ khác. Ông xem thời sự cháu coi facebook trên smartphone, trong khi các bà các mẹ thì tất bật dọn cho đủ món...đến mức không ai thực sự nghe ai. Không cần phải cố gắng tối giản đến mức cảm thấy thiếu thốn và vô cảm, nhưng chỉ cần thanh lọc sao cho không gian được tối ưu cho việc quây quần kết nối quanh mâm cơm. Quy định cùng nhau là chỉ để Tivi trong phòng khách, hay tất cả mọi người (trừ ông bà cao tuổi) cùng dọn món và cùng ăn một lúc, không để ai phải đóng vai “người phục vụ toàn thời gian”...đều là cách giải thoát rất lớn cho tất cả. Thậm chí, thay vì bỏ tiền cho vật chất tại sao không bỏ tiền cho trải nghiệm? Đi nghỉ thật thư giãn, đi từ thiện, thậm chí đi khoá tu cùng nhau thì sao?


"Mắt không thấy nhưng tim cảm được”

Đây là một câu trích trong chuyện “Hoàng tử bé” và có thể áp dụng cho nhiều trải nghiệm cuộc sống chứ không chỉ là dịp Tết. Ai cũng muốn được ở trong không gian ấm cúng tình thân. Thế nhưng, việc sa đà vào việc làm khách hài lòng khiến chúng ta lướt qua nhiều cơ hội kết nối quý giá với khách và với chính gia đình mình. Những người tinh tế khi đến nhà người khác không chỉ đánh giá mọi thứ qua con mắt nhìn vào vật chất, họ còn cảm nhận được năng lượng của những vấn đề đằng sau đó. Gia đình đó có thực sự đoàn kết, yêu thương nhau? Có ai đang phải căng thẳng để làm vừa lòng người khác? Gia chủ có thảnh thơi an vui hay đầy áp lực căng thẳng giấu sau nụ cười xã giao?

Một lần nữa, các câu hỏi về không gian sống thực chất sẽ đưa ta về nhiều chiều kích của không gian nội tâm con người:

  • Đâu là điểm giao thoa trong không gian tinh thần của bạn và của các thành viên trong gia đình?

  • Điều gì là điều “mắt không thấy nhưng tim cảm được” mà ta có thể cùng nhau tạo nên trong không gian sống?

Với mình, việc đặt ra những câu hỏi này thú vị và quan trọng hơn cả việc có câu trả lời đúng. Mời các bạn cùng chia sẻ quan điểm hay câu hỏi mà mình đang có nhé.

56 views
bottom of page