top of page

3 tư duy để thoát khỏi áp lực đồng trang lứa (peer pressure)

Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) hẳn là một trong những kiểu áp lực thường thấy nhất của người trẻ độ tuổi trên-dưới 30, vì đây là độ tuổi thường được cho là phải tập trung hết tâm lực để gây dựng sự nghiệp hoặc/và an bề gia thất. Năm vừa qua, hẳn là còn nhiều bạn khác cũng có cảm giác như mình đang thụt lùi lại rất xa so với bạn bè đồng trang lứa khi có những quãng mất việc, tạm nghỉ làm hoặc thử “rẽ ngang rẽ dọc” sang hướng khác. Trong khi đọc Mạng xã hội thì thấy bạn bè mình nhiều đứa vẫn “ngon nghẻ”.


Bản thân mình đã từng “rẽ ngang rẽ dọc” nhiều lần nhưng gần như không bao giờ để cho áp lực đồng trang lứa chi phối lên mình. Mình không có bí kíp gì cao siêu, mà đơn thuần là một lối tư duy rằng....


1. Cần dành thật nhiều thời gian cho việc hiểu mình khi còn có thể!


Nghe có xa xỉ không? Nhưng đúng là thế đấy. Vì nếu như trước tuổi 30 mà không dành đủ thời gian cho chính mình, thì ta sẽ không hiểu mình đủ để có những bước đường riêng thực sự dành cho mình. Tính cách của ta sẽ được nhào nặn bởi tổ hợp các định khuôn trong xã hội. Đến khi có gia đình và có con rồi, lại càng dễ để cho con người thật của mình bị lạc mất.


danh-thoi-gian-de-hieu-minh

Hồi năm cuối trước khi ra trường, mình không dành quá nhiều thời gian vào việc tìm các cơ hội việc làm hay tính toán các bước sau khi ra trường. Mình chỉ nghĩ đơn giản thế này:

"Nếu như mình không hiểu mình thực sự muốn gì, thì thế quái nào mà mình có thể chọn ra một công việc để gắn bó?!"

Thế là mình tự cho mình học thêm một môn gọi là “Hiểu mình”, hàng ngày ghi ghi chép chép vào sổ về tất cả những gì mình quan sát và tìm tòi được về đặc điểm tính cách của bản thân, thiên hướng, những dấu hiệu riêng. Đôi khi, còn có những lời nhận xét, khuyên nhủ, góp ý của người khác đối với mình. Mình còn tải cả list dài các câu hỏi tự hỏi và cứ thế ngồi trả lời. Trang đầu tiên sau trang bìa mình ghi tiêu đề nhỏ: “Beautiful struggle!”, vì mình coi đây là một cuộc vật lộn nhưng lại đẹp đẽ.

Sau vài tháng, mình vẫn chưa biết cụ thể mình muốn làm gì nhưng rất rõ về việc mình sẽ KHÔNG muốn làm gì. Điều mình không muốn đó là đi theo chuẩn mực thành công của bạn bè đồng trang lứa lúc đấy là tiếp tục đi du học lấy bằng thạc sĩ, hoặc nếu ở trong nước thì thi được vào các tập đoàn danh giá. Đối với lứa sinh viên lúc đó, tốt nhất là đi vào các chương trình Quản lý Tập sự (Management Trainee) của các tập đoàn đa quốc gia. Những điều này không có gì sai, nhưng rất không đúng với mình.


Khi đã nhất quyết từ chối điều mình biết là mình không muốn, ngay lập tức mình có những cơ hội theo hướng rất khác thường. Mình có duyên làm việc cho một...vài người, thậm chí còn chưa thành lập công ty hay thậm chí là đặt tên dự án. Bố mẹ mình đã rất lo lắng khi thấy mình báo cáo là đang làm việc cùng anh A anh B nào đó chưa rõ là ai. Văn phòng không có mà hàng ngày hoặc tự làm trong phòng trọ chật hẹp hoặc tự ra quán cà phê tự trả tiền mà làm việc. Lương cũng chưa được đề cập đến.


Thế nhưng, có một điều thôi thúc mình mạnh mẽ đến mức mình coi mọi thứ đều không là vấn đề: Đây là một cơ hội học hỏi rất khác biệt! Mình biết những người mà mình làm việc cùng rất giỏi, và họ cũng cho mình rất nhiều niềm tin và cơ hội thử nghiệm ý tưởng. Mình cứ làm với sự say mê mà không hề nghĩ ngợi xem con đường này sẽ dẫn đến đâu? Mình chỉ nhìn vào điểm tích cực của công việc lúc đó: sự tự do không gò bó, sự sáng tạo liên tục, và được giao thiệp với nhiều người thú vị.


Vì không mất thời gian đắn đo so sánh con đường khác thường đó với con đường truyền thống, mình đã đạt được “thành công” trong khi chẳng hề nghĩ đến việc “phải thành công”. Và khi mà rất nhiều bạn đồng trang lứa đang cạnh tranh nhau gay gắt tại các tập đoàn lớn, mình được mời sang một công ty khởi nghiệp khác rồi vào Sài Gòn và mở văn phòng ở tuổi 22. Đến năm 23 tuổi, thì mình bắt đầu được vài nhà đầu tư gọi đến hỏi có muốn làm CEO của một công ty mà họ đang định đầu tư hay không? Rồi là thảo luận các lựa chọn cổ phần. Nhưng điều quan trọng nhất mình học được lúc đó chính là tinh thần “tự bơi”, tự điều hướng liên tục, tái tạo liên tục và cũng phải tự phóng tầm nhìn ra xa nhất có thể.


Viết đến đây mình cũng có chút sợ rằng sẽ bị cho là khoe khoang, không khiêm tốn. Nhưng người khác nghĩ thế nào cũng được. Sẽ có lúc mình kể lại cái chặng mà mình cũng “thụt lùi” trong khi các bạn khác vẫn đang chạy cật lực về phía trước.


Điều mình muốn truyền tải qua câu chuyện của bản thân không phải là việc mình giỏi giang hơn các bạn khác (mình chỉ ở mức trung bình thôi), mà là sự tập trung cho chính mình ngay từ những ngày đầu. Mình dành thời gian cho mình nhiều lắm! Cứ thế mà quan sát rồi làm rõ cho chính mình về việc mình là ai, có đặc tính riêng như thế nào...mỗi ngày một chút một chút. Rồi mình cương quyết không lao theo những “đường đua tiêu chuẩn” với người khác thôi.


2. Dù có đang ở trong một “đường đua” hay không, cần biết rằng không có “tiêu chuẩn” nào sẽ là mãi mãi


Thời ông bà cha mẹ mình, việc có được vị trí ổn định trong một cơ quan nhà nước có vẻ là một tiêu chuẩn đáng phấn đấu. “Ở Bộ” thì càng tốt. Vài thế hệ sau, tiêu chuẩn chuyển dịch sang hướng có một việc làm vừa ổn định vừa lương cao cho các doanh nghiệp. “Tập đoàn đa quốc gia” thì càng tốt. Đến thế hệ sau nữa, những doanh nghiệp khởi nghiệp đầy đột phá trở thành một chuẩn mực mới. Khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ cao thì càng tốt. Nhưng ngay cả chuẩn này cũng sẽ không tồn tại mãi mãi.


khong-co-tieu-chuan-nao-ton-tai-mai-mai

Trong chương đầu tiên của cuốn “21 bài học cho thế kỷ 21”, tác giả Yuval Noah Harari nói về quá trình “liên tục vỡ mộng” của con người và lịch sử cho thấy con người sẽ luôn dự đoán sai tương lai. Các diễn giả lớn nói ngày càng nhiều về AI (trí thông minh nhân tạo) đang và sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống sống của con người ra sao, thị trường việc làm sẽ có những biến động không thể tưởng tượng nổi như thế nào...Con người không chỉ đua với con người mà còn với robot. Tuy nhiên, không ai có thể biết chắc 100% về những “tiêu chuẩn” mới là gì. Chỉ biết rằng nếu như chúng ta vẫn còn đang để mình chịu sự điều hướng theo tiêu chuẩn so đo của những đường đua cũ - bởi những con người có tư duy của nền giáo dục cũ, chúng ta chắc chắn sẽ còn rất đau đớn sau mỗi lần vỡ mộng.


Ngay cả nếu bạn tự thân không có ý so sánh mình với bạn đồng trang lứa, thì có thể bạn vẫn sẽ phải nghe những so sánh, nhắc nhở đến từ gia đình và những người “có ý tốt”. Họ sẽ nói rằng ở tuổi bạn, đứa ABC nào đó đã có sự nghiệp ổn định, gia đình ấm êm...còn bạn tính “lông bông” đến bao giờ? Hoặc nếu bạn đã hoàn thành những danh mục đó rồi, họ sẽ nhắc bạn đừng có mà mất thời gian đi học thêm những thứ “không liên quan” hay theo đuổi mơ ước theo hướng “mơ mộng, không thực tế”.

Những người như vậy mới là những người không hiểu thực tế nhất. Họ cho rằng bạn cứ phải như cũ trong một thế giới luôn đổi mới. Vì vậy, hãy hạn chế ảnh hưởng của họ lên bạn nhiều nhất có thể. Nghe và cười cảm ơn ý tốt, rồi “xả” luôn đừng để đọng lại gì.


3. Tự chọn cho mình một mức áp lực lành mạnh


Áp lực đồng trang lứa ở mức lành mạnh là khi bạn thường xuyên kết nối với những người bạn không ngừng học hỏi để phát triển (chứ không nhất thiết là những người nỗ lực theo hướng làm việc cật lực), cùng dẫn nhau đi lên và làm mọi thứ theo tinh thần các bên đều được lợi ích. Là khi chứng kiến họ đi trên con đường riêng, bạn cảm thấy mình cũng tràn đầy cảm hứng và động lực để đi trên con đường bạn chọn. Là khi bạn và họ không coi nhau là đối thủ trên đường đua mà là những người đồng giá trị, có thể tương trợ và cổ vũ lẫn nhau. Là khi bạn hiểu rằng có lúc chúng ta sẽ là đồng đội đi trên những chặng đường chung, nhưng rồi sau đó chắc chắn sẽ có những chặng riêng chẳng ai giống ai cả. Khi mà còn có thể đi chung, cứ học hỏi từ nhau và tôn vinh sự khác biệt của nhau. Khi rời đi, bạn sẽ rất nhẹ nhõm và vẫn tiếp tục được ủng hộ.



Mình nhìn vào những người có khả năng chịu áp tốt nhất, mình thấy ở họ sự thư thái trước các áp lực - thường có được qua cái hiểu sâu về bản chất của thân-tâm. Mọi áp lực mà chúng ta đặt lên mình và lên nhau đều xuất phát từ những “câu chuyện giả tưởng” mà tâm trí tạo nên. Khi nhìn được càng sâu các khuynh hướng tự tạo ra áp lực, khổ đau và phiền não của tâm trí, ta càng được giải phóng khỏi áp lực tự tạo.


Nếu có một loại áp lực nào có thể được coi là loại áp lực lành mạnh nhất, mình cho rằng đó nên là áp lực về phải hiểu thật sâu về Thân-Tâm của chính mình. Phải nỗ lực thật sự đấy, trước khi các thuật toán hiểu và quyết định mọi thứ hộ chúng ta.


Comentarios


bottom of page