Câu than phiền mình hay được nghe nhiều nhất thường thế này: “Mình rất muốn làm/thực hành...nhưng...”. Sau đó mọi người thường kể lể rất nhiều về hoàn cảnh khó khăn trong môi trường họ sống và những người sống cùng họ. Làm mình nhớ đến người yêu đầu tiên của mình đã từng nói với mình thế này:
“Chữ Nhưng có thể khiến cho mọi lời nói trước đó trở nên vô nghĩa”.
Đúng vậy. Nếu thực sự muốn làm, ta luôn có cách. Nếu không thực sự muốn làm, ta luôn có cớ. Ngay cả chính chúng ta đôi khi còn không nhận ra mình đang tạo cớ, mà thoải mái để cho bản thân mình bị “cuộc sống cuốn đi”. Bản thân mình cũng rất nhiều lần như vậy, nhưng rồi dần dần mình học được cách tự “bắt quả tang” chính mình khi nó bắt đầu tìm cách tạo cớ rất thuyết phục. Như là:
“Tết nhất đến nơi rồi, không ai làm kịp đâu!” (Lười sửa sang một số thứ)
“Mình dịch chuyển nhiều thế này, ngưng viết là đúng rồi!” (Mệt không muốn duy trì viết lách)
Vân vân và mây mây...
Mình cũng nhận thấy rằng cho dù các cớ ban đầu có thuyết phục đến đâu, nếu thực sự hỏi lại mình “Có chắc không?”, thì thường là không có gì chắc cả. Đã nỗ lực 100% đâu mà biết!
Nhưng nhờ tự phản tư liên tục như vậy, nên mình đã dần luyện được lối tư duy :
“Nơi nào cũng là nơi hoàn hảo để thực hành, thời gian nào cũng là thời gian hoàn hảo để thực hành.”
Thực hành cái gì? Những gì mình cho là quan trọng nhất, muốn phát triển nhất. Trong đó có khả năng quan sát, hay biết những gì diễn ra trong thân-tâm mình.
Vừa rồi khi có việc về quê gấp rút do hay tin bà ngoại có thể “không qua khỏi”, mình đã có dịp sống ở một môi trường hoàn toàn khác lạ. Không hề có không gian riêng, sống cùng đông người hoàn toàn khác tư tưởng với mình, gần như luôn luôn bận rộn với ăn uống, giỗ chạp, phải nghe rất nhiều lời cãi cọ... khiến cho kế hoạch ban đầu của mình là “dành 10 ngày tĩnh lặng để thiền tập” đổ bể. Mình bắt đầu thấy phiền não nổi lên ùn ùn, nhìn đâu cũng thấy mọi thứ không được như ý. Thậm chí có những ngày buồn chảy nước mắt, còn hôm sau thì lại thấy văng giữa các cực lo lắng, rồi đến bất lực và tức giận.
Thế nhưng, mình lập tức tự nhủ: “Đây mới là nơi chốn tốt nhất để mình thực hành thiền!”. Dù cho gồi bó chân một chỗ trong không gian tĩnh lặng giữa thiên nhiên cũng rất lý tưởng, nhưng chắc gì đã khơi gợi được những trạng thái tâm như thế kia đi lên để mình nhìn rõ? Nếu như mình luôn có môi trường lý tưởng, thì việc mình thấy bình an là chuyện dễ. Nhưng chẳng phải là đến lúc phải lên trình rồi sao? Đây là chỗ để mình học cách có an ngay cả lúc hỗn độn, mệt mỏi nhất?
Ngay sau khi tự điều chỉnh tư duy, mình thấy bình thản trở lại. Mình bắt đầu nhìn sâu hơn vào nỗi khổ của những người tưởng là “khác mình”. Hoá ra, chẳng ai thực sự khác ai cả. Nếu mình ở trong hoàn cảnh được nuôi dạy và lớn lên như họ, chắc gì mình không cư xử y như vậy?
Nhờ những suy nghĩ đó, 10 ngày ở quê vừa qua đã trở thành một dịp quý giá để mình tháo gỡ được một nút thắt sâu bên trong nội tâm.
Tương tự như vậy, 8 ngày mới nhất với mình cũng là 7 ngày thực hành thiền trên mọi nẻo đường, mọi nơi, mọi lúc. Một tháng đi qua 6 tỉnh thành, gặp hàng trăm người, mà một đứa hướng nội, quen độc cư nơi tĩnh lặng như mình thấy rất an ổn. Ở lễ Tâm Tang Sư Ông ở chùa Từ Hiếu, có lúc mình được tham gia thiền tĩnh. Nhưng có lúc, thiền là nhớ thở đều khi cắt gọt rau củ quả. Thiền là nhớ bước cho vững khi phải bê vác các giỏ trái cây nặng. Thiền là lúc thấy nước mắt ứa ra liền quay về nương tựa vào tuệ giác Thầy đã truyền trao... Nhờ đó, một lần nữa mình tiếp tục đạt mục tiêu thực hành liên tục, bất chấp ở một mình hay ở chốn đông người.
Hôm nay là lễ Trà Tỳ tiễn đưa Thầy, mình theo dõi từ xa và thực hành cùng với các anh chị em khắp nơi trên thế giới. Một mình trong căn Nhà Nhỏ, mình cũng thấy đây là chốn rất lý tưởng để thực hành!
Mỗi lần cần thêm sức mạnh, hình ảnh Thầy lại hiện lên. Thậm chí, mình còn thấy mình ngả đầu vào lòng thầy, được thầy xoa đầu.
Giọng thơ của Thầy vang lên:
“Con đi đâu? Cây mộc già đã nở hoa, thơm nức sáng nay
Thầy trò ta thật chưa bao giờ từng cách biệt
Xuân đã về, các cội thông đã ra chồi óng biếc và bên mé rừng đã nở rộ hoa mai.”
(Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai - Thơ Sư Ông Thích Nhất Hạnh)
Comments