top of page
Writer's picturePhuong Nguyen

Những cách báo hiếu tốt nhất mà có thể bạn chưa nghĩ đến

Updated: Aug 11, 2022

Bạn có hay đau đáu nghĩ về cách báo hiếu không?


Hàng năm cứ sau giỗ bố mình chỉ vài ngày là đại lễ Vu Lan - ngày báo hiếu. Hai dịp này khiến mình không thể không về thắp nén hương cho bố, và về bên mẹ. Một trong những ký ức sâu đậm nhất kể từ ngày bé tẹo là năm nào mình cũng được mẹ đưa lên chùa dự lễ xá tội vong nhân, rồi ngồi ê a đọc kinh Vu Lan với câu chuyện về ngài Mục Kiều Liên cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ (mình thấy rất giống trong phim Tây Du Ký!), sau đó mình ngồi rớt nước mắt khi được cài bông hồng đỏ thể hiện trạng thái “còn mẹ” trong khi có nhiều người khác lặng lẽ cài bông trắng. Nhưng chỉ vài hôm sau đấy, mình trở lại là một đứa trẻ gắt gỏng, cáu bẳn và chống đối bố mẹ mình như cũ. Mãi đến những năm gần đây, mình mới xem đây là dịp quan trọng để soi xét lại nội tâm và cách bản thân sống với chữ “Hiếu”.


Vì bố đã mất trong sự hối hận đã muộn màng của mình, mình xin chia sẻ kinh nghiệm về nỗ lực chăm sóc mẹ. Hy vọng đó cũng là những gợi ý cho bạn hành động ngay từ bây giờ.


1. Cuộc cải cách quà tặng


Qua năm tháng, những giai đoạn thay đổi tư duy của mình được thể hiện qua cách tặng quà cho mẹ. Ngày bé cho đến tận những năm đầu đại học, quà sẽ là một sản phẩm thủ công nào đó: tấm thiệp vẽ tay, hoa làm từ vải hay thuỷ tinh, chữ “Hiếu” thêu tay mà vẫn được đóng khung lồng kính treo tường nhà…Thế rồi khi ra trường và có công việc lương tốt, mình nhớ đến việc mẹ đã luôn thích ngọc trai mà lại chẳng bao giờ dám mua cho mình một chuỗi hạt thật tốt, thế là mình phi đi mua một chuỗi ngọc thật đắt tiền. Rồi sau khi mình nhận ra rằng chuỗi ngọc đắt tiền đeo ở cổ sẽ gây ra sự lo lắng xáo trộn cho một người bình dị như mẹ mình, mình đoán rằng mẹ đã hạnh phúc hơn khi nhận được những bức “kiệt tác” do đôi tay tí hin của mình nguệch ngoạc làm từ bé.


Ngày xưa với trái tim nhỏ bé, mình hay làm ra những kiệt tác như thế này. Credit: Bé Varsha Dhakan Soni, 3 tuổi

Giai đoạn tiếp theo, khi mình bắt đầu tìm hiểu về tiêu dùng lành sạch, mình chuyển sang chiếc lược giúp mẹ thải độc không gian sống với hàng loạt các “cải cách” mặt hàng tiêu dùng: tặng mẹ thực phẩm sạch, mĩ phẩm hữu cơ hay thậm chí là nước rửa chén bát, xà bông giặt đồ sinh học. Điều này nhìn chung là tốt, chỉ có điều lâu lâu lại xảy ra những chuyện dở khóc dở cười như bà ngoại mình, lúc này cũng sống cùng mẹ, trông thấy chai giặt đồ sinh học mình mới mua giống màu của chai gội đầu (mà mình đã vứt đi không thương tiếc vì quá nhiều hoá chất), xém nữa lại mang ra gội đầu luôn nếu như mẹ mình không ngăn kịp. Hoặc có những mặt hàng mình mua về quên hướng dẫn lại, là mẹ chẳng thể hiểu nổi nó là cái gì, để cho đến khi sắp hết đát mới dùng.


Kết luận cuối cùng của mình: mình cần quan sát tinh tế để hiểu nhu cầu thực sự của mẹ và sự chu đáo cả sau khi tặng thì mẹ mới nhận được lợi ích trọn vẹn.


2. 5 cách bày tỏ tình yêu thương


- Tặng quà: chỉ là 1 trong 5 “Ngôn ngữ tình yêu” (Trong cuốn sách cùng tên của Gary Chapman). Và mình thấy đây là cách dễ nhất vì vật chất thì mua được bằng tiền.Bạn có thấy thế không? Cái khó là ở sự tinh tế thấu hiểu, như nói ở trên.


Một giỏ hoa nhân dịp 20.11 Nhà giáo Việt Nam mình tặng cho cô giáo quan trọng nhất của mình. Đúng sở thích, mà không tốn kém.











- Thể hiện qua Lời nói Yêu thương (trìu mến, trân trọng, ngợi ca…). Cái này ban đầu mình tưởng rằng rất dễ với người khác mà lại khó với mình: mình đã là một đứa trẻ nóng nảy, khi bình tĩnh và thấy biết ơn cũng lúng túng không biết thể hiện thành lời. Mãi sau này, khi quan sát những đứa bạn tưởng như “ngoan hiền” nhất, mình mới thấy chúng nó cũng không khá hơn mình là bao. Chúng mình đều có thể rất điềm tĩnh với người khác nhưng lại cực kì mất kiên nhẫn để rồi cực kì cáu bẳn với những người thân nhất.


Tại sao như vậy? Nguyên nhân đầu tiên, có lẽ vì bố mẹ là người yêu thương mình vô điều kiện, cho nên mình không có nhu cầu xã giao, làm vừa lòng họ như mình có xu hướng làm vậy với những mối quan hệ “có điều kiện” khác trong xã hội.


"Mình có gì mà mất? Bố mẹ vẫn sẽ yêu thương mình hay ít nhất là không bỏ được mình" - cái tôi ích kỉ hài lòng nghĩ, và nó cứ thế thoải mái được “là chính mình”, không phải thảo mai hay nguỵ tạo gì cả. Nguyên nhân thứ hai, những căng thẳng cảm xúc bị áp chế trong giao tiếp xã hội được “xả” qua lời nói của mình với bố mẹ. Ví dụ, khi mình có ức chế ở trường/cơ quan thì nguy cơ mình cáu gắt ở nhà sẽ tăng lên gấp đôi. Cuối cùng là, chính vì lòng thương và lo cho con mà nhiều bậc làm cha mẹ áp đặt nhiều điều lên con mình từ nhỏ, khiến cho đứa trẻ ấm ức và tổn thương. Những tổn thương đó tích tụ qua nhiều năm tháng giống như lớp bụi phủ lên trên tấm gương, làm mờ đi cái nhìn của cả hai bên.


Hiện tại, mình chỉ thấy làm tốt ở điểm dùng lời nói ca ngợi mà thôi, ví dụ như khen món canh mẹ làm ngon xuất thần chẳng hạn ^^


- Thể hiện qua Hành động giúp đỡ. Lúc nhỏ thì chăm làm việc nhà cho mẹ, lúc lớn thì đỡ đần những việc lớn hơn. Tuy nhiên, những điều mình làm cho mẹ cũng như một nhúm muối trước biển công ơn của mẹ đã làm cho mình từ lúc mang nặng đẻ đau cho đến tận bây giờ.


- Thể hiện qua Tiếp xúc cơ thể (âu yếm, đụng chạm). Mặc dù hơi khập khiễng, nhưng khi mình nhận nuôi thêm mấy em chó, mèo rồi coi chúng như con, thì mình mới cảm nhận được một phần của tình mẫu tử qua đụng chạm. Như đứa em họ của mình thốt lên rằng nhu cầu âu yếm mèo con của nó “tựa như heroine”, những âu yếm của mẹ dành cho con là cách truyền tải trực tiếp nhất, bản năng nhất và mang theo những xúc cảm yêu thương vô bờ mà người mẹ không thể diễn tả thành lời. Mình không thể quên được cảm giác ấm áp và an toàn khi rúc đầu vào nách mẹ, hay khi còn bé khi còn ngái ngủ, mẹ cầm hai chân mình dựng lên rồi lúc lắc kéo dãn “cho chân dài ra”. Buồn một cái là trong khi nhu cầu của mẹ dường như không đổi, đứa con càng lớn càng tách mình ra khỏi mẹ, thậm chí từ chối đụng chạm vì ngượng hay lúng túng. Khoản này thì mình lại rất thích làm, mình thích ôm, nắm tay, mát xa chân cho mẹ, để mẹ vuốt lưng mình như ngày còn bé. Mình cũng thích vuốt tóc mẹ, mái tóc mà thời còn trẻ như mây như suối còn khi đến tuổi bạc đầu thì vẫn mượt mà, mềm mại. Mình hăng hái nhất ở khoản nhổ tóc sâu, lúc đó hai mẹ con cũng kết hợp nói chuyện dễ dàng hơn.


- Thể hiện qua Thời gian chia sẻ (với sự hiện diện không xao nhãng). Đây là ngôn ngữ yêu thương mà mình thấy hay bị bỏ qua nhất. Mình từng là đứa con bận rộn, nghĩ rằng việc báo hiếu tốt nhất là có tiền có danh cho cha mẹ nở mày nở mặt, rồi dùng tiền mua quà cho cha mẹ, một năm nghỉ được mấy ngày thì “tranh thủ” về nhà, rồi lại thở dài khi thấy bố mẹ tóc đã điểm bạc, ăn chẳng còn ngon, bệnh tật song hành. Thế nhưng, ngay cả những quãng thời gian ngắn ngủi dành cho cha mẹ đó cũng thường bị email, tin nhắn, thông báo MXH…cạnh tranh khốc liệt. Ting ting, mẹ nói gì cơ?, vừa bấm tin nhắn mình vừa hỏi. Thậm chí ngay cả khi tắt điện thoại và ngồi vào bàn ăn cơm, tâm trí của chúng mình vẫn còn bận rộn tìm cánh cửa đóng lại những suy nghĩ về những vấn đề mới xem trên di động. Những năm gần đây, mình cố tình ngắt Internet và làm thải độc điện tử khi về nhà, để dành cho mẹ sự hiện diện trọn vẹn đủ đầy.

Một trong những hối tiếc phổ biến nhất của con người khi sắp lìa đời là đã hy sinh quá nhiều thời gian đáng lẽ dành cho gia đình, bạn bè để dành cho công việc.- Theo sách “Regrets of the dying” (Bronnie Ware)


3. “Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Trong văn hoá Á Đông, việc làm con trở thành “Đạo” (Đạo làm con), nên chữ “Hiếu” cũng đi kèm với những động từ mang nghĩa nặng nề là từ “trả”, từ “đền”: người ta nói “Trả hiếu”, “Đền ơn” các bậc sinh thành. Điều này thực sự tích cực nếu như người con biết sống cuộc đời mình bình an thanh thản, vững vàng trí tuệ và biết giúp đỡ cha mẹ mình đúng cách. Nhưng có mấy người con biết “đúng cách” là làm thế nào? Có ai thực sự trả đền cho “đủ công ơn cha mẹ”? Có mấy người có thể tự hào mà nói “Tôi đã hoàn thành mọi nghĩa vụ cho cha mẹ mình rồi”? Ngược lại, chúng mình thường mang cảm giác của “con nợ” với những câu nói:

  • “Tôi nợ bố mẹ mình nhiều lắm mà không biết bao giờ mới đáp trả được!”

  • “Tôi chưa làm được điều gì cho bố mẹ mình cả.”

  • “Tôi phải…[làm điều gì đó to lớn] để trả hiếu cho bố mẹ.”

  • “Tôi không biết phải làm sao để giúp bố mẹ mình bớt lo lắng cả.”

Bạn có câu nói tương tự không? Mình cũng từng nói đủ các câu trên, và tự đặt lên vai mình rất nhiều áp lực nặng nề để rồi thấy món “nợ” ấy không vơi đi chút nào.


“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công cha?” - chúng ta làm sao có thể đong nước biển, phủ mây trời? Liệu cha mẹ có muốn chúng ta mang gánh nặng như vậy không?


Áp lực xã hội cũng bủa vây: “Con cứ đi xa như thế con không nghĩ cho mẹ con à?”, hay “Lập gia đình sinh con đi cho mẹ có cháu bồng!”, hay đối với những người có anh em thì có thể gặp câu nỏi “Con phải lo cho anh/chị/em con để ba mẹ đỡ khổ với nó!”. Nhưng họ đâu phải người sống cuộc đời mình, gánh những gánh nặng của mình?


Mình đã từng bất lực, hay mặc một tấm áo dày tội lỗi khi nghĩ rằng mình đã ích kỉ khi chọn: Sống cuộc đời mình muốn. Khi đó, mình nghĩ rằng: Sống cha mẹ và Sống cho mình là hai điều kiện triệt tiêu nhau, đã chọn cái này thì phải phủ nhận cái kia, không có điểm giữa.


Sau này, mình nhận ra vài điều:

  • Việc giúp đỡ, đền đáp cha mẹ là cả một hành trình thể hiện sự trưởng thành của bản thân. Và mình không thể “chín ép”, mình cần chấp nhận rằng mình còn nhiều thiếu sót, mình đã có những sai lầm trong quá khứ. Nhưng vô ích nếu như mình phí thời gian và năng lượng trách móc bản thân hay tự dìm bản thân trong hố sâu tội lỗi.

  • Ngược lại, chúng mình hãy cùng tập trung vào hiện tại. Hãy cùng chăm sóc cha mẹ với nhiều kiên nhẫn và linh hoạt. Kiên nhẫn để không ép cha mẹ phải làm theo ý mình hay mong chờ một kết quả tức thì mà mình cho là tốt. Linh hoạt trong cách tiếp cận vấn đề vì cha mẹ rõ ràng sẽ có nhận thức khác hoàn toàn chúng mình - những người sống trong thời đại mà Internet đã giúp mở cửa tư tưởng. Ví dụ, mình có thể muốn giúp cha mẹ thay đổi chế độ ăn lành mạnh hơn. Nhưng cha mẹ mình lại lớn lên trong cảnh chiến tranh, bần hàn, miếng thịt là sang trong bao nhiêu năm. Mình không thể ép cha mẹ theo 1 chế độ ăn mình mới tìm hiểu được, mà chỉ có thể “gieo duyên” ban đầu bằng những tài liệu, videos hay đưa cha mẹ đi nghe một hội thảo, chương trình để được nghe hướng dẫn chẳng hạn. Ngay cả khi mình là nhà chuyên môn, mình vẫn thi thoảng đưa mẹ đi đến nghe các nhà chuyên môn khác, để mẹ mình tham khảo ý kiến thứ 3, tránh tâm lý "bụt chùa nhà không thiêng". Dù bạn giỏi thế nào, bạn vẫn là đứa con bé bỏng cần chăm sóc. Đó là điều in sâu trong tiềm thức cha mẹ rồi, hãy chấp nhận.

Trong retreat 1/2021 này, mình và mẹ sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khoẻ cho nhau.

  • Chuyển đổi tâm thức của chính mình rất quan trọng: mình cần thoát khỏi vai trò “con nợ” và hiểu rằng việc tham trả hiếu cũng là một cái tham mang đến nhiều hậu quả tiêu cực. Chúng mình cần chấp nhận rằng có những điều mình làm được và có những điều mình không thể làm được cho cha mẹ. Giống như câu chuyện Mục Kiền Liên pháp lực cao cường cũng không thể một mình giúp mẹ thoát khỏi nghiệp làm ngạ quỷ. Những điều làm cho cha mẹ cũng không thể dựa trên mọi mong muốn của họ (mà đôi khi chính họ cũng không thực sự hiểu căn nguyên), mà phải dựa trên trí tuệ vững vàng của bản thân và một tình yêu thương sáng suốt. Không thể dựa trên sự đánh đổi niềm tin, lựa chọn sống hay thậm chí là danh tính của bản thân để làm cha mẹ vui lòng vì điều đó chỉ mang lại khổ đau cho cả hai.

  • Làm thế nào để vững vàng và sáng suốt hơn? Mình cho rằng việc cần ưu tiên hàng đầu là rèn luyện cho cân bằng chính thân-tâm của mình. Làm sao mình có thể hiện diện một cách trọn vẹn, có thể lan toả tình yêu thương, có thể ảnh hưởng tích cực lên bố mẹ nếu như mình hoàn toàn bất lực trước những gì diễn ra trong tâm?

  • Nếu tin tưởng vào Nhân Quả, một trong những điều tốt nhất mình có thể làm cho cha mẹ là giúp họ tự gieo nghiệp tốt, để rồi họ gặt được những điều tốt đẹp đã gieo trong kiếp này và những kiếp sau nữa.


  • Cuối cùng, đừng quên thử đối thoại theo các phương pháp như Làm Mới. Đây là phương pháp đã giúp mẹ con mình tháo gỡ những nút thắt rất sâu của cả 2. Như sáng nay, khi mình đến xin lỗi vì cáu với mẹ vì chuyện cỏn con, mẹ nói: "Cần Làm Mới rồi đó!"

Trong ảnh, hai mẹ con được mời minh hoạ lại thực tập Làm Mới trong khoá tu tại Chùa Kim Sơn (2020). Mẹ con mình kết thúc bằng cái ôm thật chặt trước mặt toàn thể đại chúng.

Nếu bạn cũng muốn đưa ba mẹ đến cùng thực tập Làm Mới và tận hưởng thiên nhiên, có thể đăng ký retreat Chạm vào Đất Mẹ (7-10/1/2021) tại >> ĐÂY.

Chỉ còn rất ít suất nên đừng bỏ lỡ.




4. Lời thầy dạy

Một người học trò khác đã viết thư cho thầy mình, băn khoăn về việc làm thế nào để làm tròn chữ Hiếu. Xin trích thư thầy trả lời:


“Cha mẹ cũng mong con mình được như người khác thôi: công việc ổn định, thu nhập cao, nhàn nhã, có gia đình ổn định, thành đạt… loanh quanh chỉ như thế mà thôi. Đó cũng là tiêu chuẩn chung mà xã hội đánh giá người khác, xã hội tạo áp lực cho mình phải đi theo tiêu chuẩn đó cứ như là một tiêu chuẩn duy nhất để trưởng thành và hạnh phúc. Nhưng bao nhiêu người như thế rồi, họ có thực sự trưởng thành và hạnh phúc không? Hay càng giàu có, thành đạt càng nhiều lo toan, càng nhiều stress, có người còn sống ngày càng ích kỷ hơn, có người thì ngoài cái danh hão cho bố mẹ mở mày mở mặt và những tiện nghi vật chất ra, có làm gì được hơn cho bố mẹ?


Bố mẹ nào chẳng muốn con cái hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không có nghĩa là cứ phải giống mọi người, đôi khi vì cứ muốn giống mọi người (để cho cha mẹ bằng lòng, hay để cho chính mình an tâm) thì mình lại đang làm khổ mình rất nhiều. Hạnh phúc là sự thanh thản của tâm mình, là việc sống cuộc đời mình một cách tự tin, trí tuệ và trưởng thành. Biết sử dụng tiền bạc hay vật chất để đem lại lợi ích cho mình và người thân, chứ không để mình và người thân phải khổ sở, lo lắng vì một thứ rất không đáng là tiền bạc.


“Đồng tiền là một người giúp việc tốt, nhưng lại là một ông chủ tồi”, mình là người chủ sử dụng đồng tiền để cho cuộc sống thoải mái thanh thản, hay mình sẽ làm đầy tớ cho đồng tiền, vất vả khổ sở cả cuộc sống của mình để làm sao có được nhiều tiền, xây được nhà cửa ổn định, nhiều tiện nghi?


Tất nhiên cuộc sống càng tiện nghi càng tốt, càng có tiền và biết sử dụng đồng tiền càng tốt, nhưng nếu mình không sáng suốt thì mình sẽ tưởng là mình cần rất nhiều, và vất vả cả cuộc đời để đáp ứng cái “cần” giả tạo ấy. Cuộc sống hiện đại ngày nay làm cho con người ta thấy ngày càng cần nhiều, không có thì chắc ko thể ngẩng đầu lên được, trong khi cái thực sự mình cần cho cuộc sống rất ít ỏi.


Cách đây hai năm, cả thế giới chưa có khái niệm gì về Ipad, chẳng ai có nhu cầu. Bây giờ, văn phòng mỗi người một cái Ipad để thỉnh thoảng hý hoáy lướt web chơi, mình cũng cảm thấy nóng ruột nóng gan, ngày nào còn chưa có được thì ngày đó còn cảm thấy mình thua kém lắm, mình bất an lắm, mình chưa vững vàng lắm… Mấy tháng lương cặm cụi đi làm, đủ mọi lo toan, lo lắng… để đổi lấy cái máy lướt web như vậy có đáng không?? Tâm si mê vẫn nói rằng đáng, việc đáng làm nhất trên đời. Hãy luôn tự hỏi mình khi mình muốn mua một cái gì, muốn làm một việc gì: “Việc này là CẦN hay là MUỐN?”. Đừng vội tin tâm mình, nó luôn nói cần, không có thì chết, hãy nghĩ cho kỹ, và để một thời gian cho cái tâm tham ấy lắng dịu, tự con sẽ biết là cần hay muốn. Nếu cái gì đó con muốn, mà khi không có nó, cuộc sống của con vẫn tiếp tục bình thường - thì đó là điều con Muốn chứ không phải là Cần.


Biết dừng lại không chạy theo cái tâm tham để có được những cái muốn ấy, con sẽ dành được bao nhiêu thời gian và sức lực cho chính mình, bớt đi được bao nhiêu phiền não, mệt mỏi, lo lắng và căng thẳng vô ích. Hãy tự trải nghiệm trong cuộc sống của mình con sẽ thấy rõ điều đó, điều thực sự cần chỉ là 1%, điều mình muốn là 99%. 99% cuộc sống của mình dành cho những điều mình muốn (mà không phải mình thực sự muốn, xã hội, bạn bè, người thân, TV, phim ảnh…bảo mình “muốn”),1% dành cho chính mình. 99% phiền não đau khổ của cuộc đời từ những điều mình muốn, 99% hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời mình bị những cái MUỐN ấy cướp đoạt mất. Sống đơn giản và biết đủ, giản dị từ lối sống cho đến cách suy nghĩ, là nguồn gốc của bình an và hạnh phúc. Người trí tuệ luôn luôn là người sống giản dị, chân thành. Nếu mình sống sáng suốt, thanh thản và hiểu được chính mình, mình sẽ biết đủ với những gì mình đang có.


Những gì mình đang có là mơ ước của bao người khác, nhưng mình không biết đủ mà cứ muốn thêm thì mình sẽ không hưởng thụ trọn vẹn được những cái mình có, không biết sử dụng nó cho cuộc đời mình tốt đẹp hơn, mà chỉ hưởng được sự bất an và lo lắng vô ích triền miên. Cha mẹ cũng luôn lo lắng, nhất là cho con cái, mình đền đáp công ơn cha mẹ, chăm sóc cha mẹ theo khả năng của mình, không có nghĩa rằng mình có thể làm cho cha mẹ hết lo lắng được. Mình không bao giờ làm được điều đó. Bởi vì mỗi người có một cái tâm riêng, một nghiệp lực riêng, không ai có thể gánh đỡ cho ai được cả. Con trai của mẹ con, trong lòng mẹ con rất lo lắng, đau khổ vì anh ấy, và dù con có làm cách nào chăng nữa, con cũng không thể làm thay đổi được ông anh để cho cha mẹ hết lo. Vì sự dính mắc, tình mẹ-con mà mẹ con mới lo, cái đó làm sao con đỡ được. Nhưng đối với con, đó chỉ là anh trai, cuộc sống của anh ấy thế nào thực ra ảnh hưởng rất ít đến con, hoặc thậm chí khi đã có gia đình, con cũng chẳng quan tâm nhiều lắm (trừ trường hợp như bây giờ, anh ấy làm cha mẹ con lo lắng, và vì tình mẹ con, cứ muốn mẹ hết khổ vì con trai, con phải tìm cách thay đổi anh ấy, hay buồn, sân vì anh ấy). Người nào mình dính mắc nhiều, người đó làm khổ mình nhiều. Người nào bị người khác dính mắc và kỳ vọng nhiều, người đó bị gánh nặng nhiều.



Credit: Vanessa Mendez, A Mother’s Love

Dính mắc không thực sự là yêu thương. Người biết yêu thương là người có trí tuệ, biết mình có thể làm được gì cho người mình yêu thương, và biết điều gì không thể làm được. Điều không thể làm được, ta phải chấp nhận và có cái hiểu về nghiệp để lòng mình thanh thản, không bị lây nhiễm cái lo lắng, buồn khổ và áp lực vô hình lên cuộc sống của mình từ chính những người thân ấy. Có như vậy, ta mới biết rõ mình có thể làm được điều gì lợi ích và biết cách làm cho cha mẹ bớt lo lắng, khổ sở hơn, biết cách thu xếp một cuộc sống bình yên cho chính mình, và phần nào cho cha mẹ mình. Đó là điều thực tâm cha mẹ muốn ở con, chứ nhiều tiền thì cũng ngày ăn 3 bữa cơm, tối ngủ trên một chiếc giường chứ hưởng thụ gì được hơn bây giờ! Nhiều tiền mà khổ vì tiền thì cha mẹ nào muốn con mình như vậy.

Nhưng nếu con sống bình an thanh thản, sống vững vàng trí tuệ và biết cách giúp cha mẹ mình đúng cách, thì con đâu cần phải khổ sở biến mình thành một mẫu người “thành đạt, vững vàng” xa lạ với chính con người mình để trả hiếu cho bậc sinh thành. Hãy có trách nhiệm với chính mình, hãy học hỏi từ tâm mình, sống hiểu mình, hiểu cuộc đời, sống tự tin và trí tuệ, con sẽ đem lại hạnh phúc cho chính mình và đủ sáng suốt để giúp người thân của mình mà không phải chịu cái “gánh nặng” trách nhiệm ấy. Làm gì với tấm lòng yêu thương và thanh thản, trí tuệ vẫn tốt hơn là làm với cái tâm nặng nề, lo lắng, hay vì “trách nhiệm, bổn phận” chứ, đúng không? Con cần phải học cách thực hành trong cuộc sống để hiểu được mình hơn.”





2,289 views

Recent Posts

See All

ความคิดเห็น


bottom of page