4 Giai Đoạn Chữa Lành - Như Tôi Biết
top of page

4 Giai Đoạn Chữa Lành - Như Tôi Biết

Updated: Aug 24, 2021

Năm 2018, sau khi tôi dịch bài “Chữa lành đứa trẻ bên trong” của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, tôi bắt đầu nhận được những lá thư, tâm sự…về những vết sẹo tâm lý để lại từ tuổi thơ của mỗi con người. Tôi để ý kĩ càng hơn hết những sự kiện diễn ra trong quá khứ, những ảnh hưởng gia đình khi nói chuyện với một người. Cùng lúc đó, tôi có nhiều năm đồng hành cùng Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên cùng nhiều diễn đàn khác, lại thêm việc lắng nghe sâu về những thương tổn của khách hàng.


Một cách tự nhiên, tôi bắt đầu nhìn mỗi con người trong hiện tại như hệ quả của cả một tiến trình:

Bị thương tổn —> Ý thức về thương tổn—> Chấp nhận/Phản ứng lại thương tổn —> Chữa lành/Không chữa lành. Mỗi giai đoạn trên lại chia chẻ theo nhiều giai đoạn nhỏ khác, đôi khi có sự nhập nhằng không rõ bản thân mình ở giai đoạn nào. Thoạt nghe có vẻ rất bi quan hay tiêu cực. Tại sao tôi không nhìn vào một người qua lăng kính của nghề nghiệp, thu nhập, năng lực, tính cách trong hiện tại cơ chứ? Chẳng phải có những bài hát tình yêu nói rằng “Anh không quan tâm đến quá khứ của em, miễn là em yêu anh” đó sao?! Tôi thì thấy rằng nếu ai không quan tâm đến quá khứ của bạn hẳn không thể yêu bạn sâu sắc. Còn khi tôi nhìn con người với lăng kính “một sinh vật bị thương tổn”, tôi trước hết sẽ thêm đồng cảm và bớt phán xét.

Tôi xin bạn lưu ý: tôi đang tự đúc kết từ kinh nghiệm chật hẹp của bản thân thôi. Không cố gắng đưa ra kết luận chung gì cả. Bạn hãy đọc và suy ngẫm nhé.

Trong kinh nghiệm của mình, tôi thấy một vài đặc điểm cơ bản theo mỗi giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: “Bị thương tổn”:

Phần lớn thương tổn sâu sắc nhất thường diễn ra trong giai đoạn tuổi nhỏ. Một ánh mắt, một câu nói thiếu ý thức…của những người lớn phát ra cũng có thể gây ra tổn thương tâm lý. Vết thương này sẽ bị làm sâu, rộng thêm trong suốt thời gian sống cùng cha, mẹ, người phụ trách chăm sóc mà ta bị lệ thuộc nặng nề, cùng toàn bộ vùng ảnh hưởng của họ. Nói là “lệ thuộc nặng nề” vì con người hầu hết là không tự kiếm sống được trước năm 18 tuổi, khác với con thú đẻ ra vài tháng là đã tự kiếm ăn. Vì vậy ngay cả trong những trường hợp bố mẹ tệ hại nhất (nghiện rượu, bạo lực…) thì đứa con cũng gần như có rất ít lựa chọn khác mà phải tiếp tục chung sống. Sau này, những quyết định quan trọng liên quan đến Tiền và Tình đứa con đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ thái độ, hành vi của bố mẹ mà chúng được chứng kiến.

Giai đoạn 2: “Ý thức về thương tổn”:

Cái này tuỳ thuộc vào mỗi người mà sẽ sớm hay muộn ý thức về thương tổn của mình. Dù mơ hồ hay rõ ràng. Dù sớm hay muộn. Tôi thấy đau lòng cho những ai đi qua sườn dốc của cuộc đời vẫn còn đang chạy trốn hay che đậy thương tổn của mình qua những bận rộn. Lý do có thể rất cao cả như là: lo cho gia đình, con cái ăn học, ổn định. Tuy nhiên họ không hiểu rằng: Gia tài quý giá nhất họ có thể để lại cho con cái của họ là Hạnh phúc của chính họ. Thẳm sâu trong họ sợ rằng chỉ cần dừng lại, bớt bận rộn thì họ sẽ phải đối mặt với nỗi đau khổ quá lớn, cái phần tăm tối của bản thân. Hay sợ phải giải quyết những tổn thương mà họ đã vô tình hay cố ý gây ảnh hưởng lên con cái mình. Nói rằng muốn “bù đắp” cho con thật ra là một sự lấp liếm, bào chữa vi tế cho chính bản thân mình. Nếu may mắn, đứa con có thể sẽ là người ý thức sớm hơn và tự tìm cách chữa lành cho mình. Tôi cũng gặp những đứa con có hiếu tìm cách “chữa” bố mẹ mình. Điều đó thật cảm động, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy là mình phải tự làm cây đời xanh tươi trước và tự năng lượng đó sẽ chữa lành phần nào cho người ở bên. Tôi nói “bố mẹ” và “con cái” thì không có ý phân biệt thế hệ nào với thế hệ nào. Vì hầu hết chúng ta đều có dịp làm bố mẹ lẫn con cái trong cùng một kiếp sống, nên ta thường có thể vừa là người gây ra lẫn nạn nhân của cùng một kiểu thương tổn. Hạnh phúc hay thương tổn đều có thể truyền trao giữa các thế hệ. Đứa con dễ đi vào đúng cái lằn ranh mà bố mẹ trật bánh vào đó, vô thức. Cho nên trước khi quyết định có con hay không, nên nghiên cứu bố mẹ mình thật kỹ. Xem là những “chất liệu” làm ra mình hay-dở ra sao. Rồi ngồi hỏi: liệu rằng mình có muốn sản sinh thêm loại chất liệu đó nữa hay không? Tổn thương thường chồng chất thêm nếu như ta quyết định những chuyện hệ trọng nhất dưới điều khiển của cảm xúc mạnh. Cảm xúc mạnh lại hay đi ra từ gốc rễ của tổn thương cũ. Những người chưa ý thức về thương tổn của mình thì thường có biểu hiện là mua sắm và tiêu thụ nhiều, có nhu cầu vật chất cao. Chắc sẽ có người bảo tôi khùng khi tôi nói: Tôi thương cho những ai sở hữu quá nhiều! À, tôi đã nói tôi học Marketing mà không thể làm trong cùng ngành đó được lâu chưa nhỉ? Đó là vì riêng khái niệm “đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng” là tôi đã không nuốt trôi rồi. Chỉ có điều là ban đầu, tôi không định hình rõ ràng được sự vô lý đó là do đâu. Giờ thì tôi hiểu rằng hầu hết cái gọi là “nhu cầu” đó thật sự là thừa thãi và thậm chí ngăn ta tiếp xúc với những giải pháp thực sự đến từ bên trong.

Tổn thương trầm trọng của Đất Mẹ bị gây ra từ nhu cầu tiêu thụ thừa thãi của chúng ta. Ta tiêu thụ không dứt vì trong ta luôn có nhiều loại thôi thúc, nhiều loại “nhu cầu” cần được đáp ứng. Nhưng ta chỉ đáp ứng cho mình những giải pháp thay thế để tạm khoả lấp hay làm tê liệt đi khao khát thực sự. Khao khát sâu thẳm dưới bề mặt của sự tiêu thụ quá đà là nhu cầu được yêu thương, hạnh phúc cho mình và cho người thân yêu. Hãy kể tên một nhãn hàng thực sự cho bạn yêu thương và hạnh phúc xem? Tiêu thụ vật chất cho ta thoả mãn ngắn hạn và làm những tổn thương thêm trầm trọng trong dài hạn. Giống như cứ hở đau tí là chạy ra hiệu thuốc mua một liều về uống, nhưng chưa bao giờ đặt câu hỏi về tác dụng phụ của nó lên mình. Giờ đây, khi có một người làm tôi giận hay buồn, tôi có thể không vội phản ứng hay trả đũa họ. Tôi thấy rằng: Họ cũng đã bị tổn thương sâu sắc. Họ càng khiến người khác buồn giận, hẳn là bên trong họ cũng có những buồn giận không kém. Chẳng qua vì họ chưa ý thức được điều đó, nên họ vung vãi những năng lượng tiêu cực ra xung quanh. Ngay cả lúc họ bắt đầu có ý thức rồi, thương tổn đó có thể chưa thể nào được chữa lành ngay được vì nó có khả năng đã được trao truyền trong gia đình họ trong nhiều thế hệ. Nói vậy không có nghĩa là tôi miễn nhiễm với những ảnh hưởng của người khác lên mình. Nếu thấy tâm từ của mình còn mỏng quá, tôi đơn thuần là tạm cách ly mình ra khỏi vùng ảnh hưởng của họ.

Vạch rõ ranh giới của mình bằng cách: Nói Không + Làm rõ hệ quả nếu họ vi phạm ranh giới đó.

Giai đoạn 3: “Chấp nhận/Phản ứng lại thương tổn”:

Chỉ cần chấp nhận thương tổn của bản thân mà không phản ứng đã là một bước tiến tốt về hướng chữa lành thực sự rồi. Ở giai đoạn này, đôi khi cảm giác như đã đau càng đau hơn. Thậm chí nghi ngờ rằng bản thân mình có gì đó sai sót khủng khiếp. Nhưng hãy nghĩ xem, nếu như bạn có một không gian chất đầy đồ đạc mà bỏ xó chỉ trong vài tuần thì khi về phải bơi ra dọn dẹp. Còn không gian nội tâm của bạn chưa được dọn trong bao lâu rồi? Ý thức về thương tổn ban đầu như một luồng sáng rọi vào không gian đó khi mới mở cửa ra. Thấy gớm quá! Muốn đóng lại cho rồi! Vậy đó. Nhưng can đảm nào, cứ mở ra rồi dọn dần dần. Cần phải chấp nhận đống bụi đó sẽ làm mình hắt xì hay ngứa ngáy, nhưng kiên nhẫn thì bạn mới có lại một không gian thoáng đã đó!

Các kiểu phản ứng lại thương tổn có hại: -Không muốn chấp nhận -Mong cầu nó khác đi -Tìm cách thay đổi nó ngay lập tức -Chống đối lại nó Hoặc tất cả những kiểu trên! Nhà phê bình trong mỗi người sẽ hoạt động mạnh mẽ. Hắn sẽ dùng đủ các thứ ngôn từ tàn nhẫn để người đó cảm thấy bản thân thật là rác rưởi. Hai zà, giai đoạn này hết sức đau đầu. Những người trong giai đoạn này thường tìm đến tôi và giai đoạn đầu tôi cảm thấy hết sức mệt mỏi như thể bị mang rác đổ vào người. Tuy nhiên sau 1 thời gian học cách lắng nghe trong tỉnh thức thay vì làm cái thùng rác cho người khác, tôi cảm thấy khả năng “cách ly” của mình đã khá hơn. Không phải là cách ly theo hướng vô cảm, nhưng tôi nhắc mình rằng: Suy nghĩ hay Cảm xúc khó khăn đó không phải là họ. Nó chỉ đang chảy qua họ, như nó chảy qua tôi. Tôi tìm cách gieo cho họ chút cảm hứng để thực hành chánh niệm. Để cho năng lượng chánh niệm ôm ấp lấy những cảm xúc kia. Ban đầu thực hành thấy khó quá? Học cách thư giãn trước. Thư giãn rất rất là quan trọng. Nếu không thể thư giãn thì không thể có được sự lắng yên thực sự. Muốn thế thì phải để cho mình thảnh thơi chút, nhất quyết không được ôm việc vào người hay cả nể mà nhận trách nhiệm không cần thiết. Riêng việc để cho mình rảnh thôi tôi sẽ làm rõ thêm vì tôi thấy chuyện này không thể nói sơ sài được.

Giai đoạn 4: “Chữa lành/Không chữa lành”

Giữa bước 3 và bước 4 này có thể có nhiều bước nhỏ, với vô số phương pháp mà một người có thể tìm ra ở nhiều nguồn thông tin khác nhau. Khổ nỗi, nếu như thế hệ trước khốn khổ vì thiếu thông tin hoặc thông tin thường bị chặn lại, thì thế hệ này chúng ta ngập lụt thông tin. Ngập lụt đến mức thần kinh con người có thể tê liệt khi cố gắng phân định, chọn lựa giữa quá nhiều giải pháp và các luồng tranh cãi đối nghịch. Khi tê liệt và hoàn toàn mông lung thì người ta làm gì? Hoặc là thử hết cái này đến cái nọ mà cái nào cũng nửa mùa. Hoặc là buông trôi, chẳng muốn làm gì nữa. Hoặc là chọn ngay cái giải pháp có vẻ tiện lợi nhất, mua được bằng tiền, có người bày sẵn mọi thứ…và thường là lựa chọn dở nhất. Cứ như vào 1 quán ăn có cái menu dài 10 trang, 90% các món chưa thử bao giờ và đọc đến trang thứ 3 thì thần kinh của bạn hoàn toàn tê liệt. Nếu như bắt tôi phải chọn ra hai yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn lao nhất lên quá trình phục hồi và chữa lành thì đó là: 1.Chữa lành từ Mẹ Thiên nhiên, mẹ Đất 2.Thực hành thiền Chánh niệm, Sống chậm và lắng nghe cảm xúc Cái đầu tiên rất dễ hiểu và rất bản năng. Càng mệt mỏi , căng thẳng thì chúng ta thường thấy “tiếng gọi nơi hoang dã” trong mình càng mạnh. Nhưng cẩn thận vì “thiên nhiên” cũng có thể chỉ là giải pháp tạm thời nếu ta keo kiệt với chính mình về mặt thời gian. Tôi thấy vô số người bạn của mình đã vội vã đến Đà Lạt, rồi vội vã đi khỏi Đà Lạt. Giống như những đứa con thành thị lâu ngày về thăm mẹ, nói “con yêu mẹ lắm”, vô tư hưởng thụ sự ôm ấp, săn sóc ngọt ngào của mẹ, được mẹ “gói ghém” mấy món quà rồi lại quay lưng rời nhà đi kiếm tiền. Hoặc cũng có những người ở lại lâu hơn. Nhưng tôi thấy rằng chừng nào mà mình chưa ở đủ vài mùa mưa-nắng, chưa hiểu được mình là 1 phần có tương quan mật thiết với Đất Mẹ…thì chừng đó mình chưa phải là đứa con thực sự về nhà. Chánh niệm (mindfulness) là phương pháp vừa đơn giản nhưng cũng rất khó khăn. Đơn giản ở chỗ là có thể bắt đầu ngay lúc này, ai cũng làm được, thường không tốn kém và có rất nhiều người (hay sách vở lẫn app di động) có thể hướng dẫn căn bản ban đầu. Cho nên lười lắm thì cũng chỉ cần học ngay qua mạng rồi thực hành ngay đúng cái chỗ mình ngồi. Khó khăn là ở chỗ nó không phải là một viên giảm đau có tác dụng cái rẹt. Đó là cả một con đường thực tập cần nhiều kiên trì, đức tin và sự khéo léo ứng dụng trong cuộc sống.

Tôi cũng chỉ là một người mới thực hành, cái hiểu chắc chắn chưa sâu. Tôi chỉ thấy rằng với trình độ thực hành non kém của mình mà rất nhiều thay đổi sâu sắc, lợi ích đã đến với tôi rồi. Trong đó, tôi đã: -Hoà giải được với mình. -Lựa chọn được con đường để dấn thân. -Tiết kiệm được một mớ tiền mua những thứ không cần thiết và huy động được mọi nguồn lực cần thiết khi làm những việc quan trọng. -Tôi từ bi với chính mình, thấy chấp nhận được, hiểu được người khác nhiều hơn. Vì cái Thương đã lớn hơn, một cách tự nhiên tôi có nhu cầu giúp mình lẫn người khác bớt khổ. Sắp tới, tôi sẽ tập trung chia sẻ kĩ hơn về các ý đã nói trên như một lộ trình Chữa lành dài hơi, nhưng có thể tìm thấy nhiều niềm vui trong từng bước nhỏ. Bạn có thể nói chuyện trực tiếp với tôi trong các livestream dành riêng cho Cộng đồng Chầm Chậm Mà Sống cùng Health Coach Nam Phương.


Ấn nút THAM GIA, trả lời đầy đủ câu hỏi là bạn sẽ được tự động xét duyệt. Sau đó, việc của bạn là bắt đầu nhận những giá trị của cộng đồng, và thực hành yêu thương chính mình!


MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM: Mọi khẳng định trên hoàn toàn dựa trên hiểu biết giới hạn của tôi trong thời điểm đăng bài. Tôi không khẳng định dịch vụ của mình có tác dụng thay thế thuốc, phương pháp trị liệu khác bạn đang có. Vì vậy, mọi quyết định là của bạn và rủi ro đi kèm sẽ do bạn chịu trách nhiệm.

 

Bài viết được trích đọc trên kênh radio của Thầy Minh Niệm:


2,778 views
bottom of page