Người ăn chay, hay chú ếch u sầu? 🐸
top of page

Người ăn chay, hay chú ếch u sầu? 🐸

Updated: Oct 27, 2021

Chắc hẳn bạn sẽ không lạ gì chân dung dưới đây: Một người ăn chay gầy gò, thiếu khí sắc, rất nhạy cảm (bạn có thể bị hiểu lầm trầm trọng nếu như lỡ nói ra 1 lời nói quá vô tư) và hay phán xét. Người này cũng có xu hướng tách mình ra khỏi tập thể hiện tại, như thể không ai hiểu được mình. Chà, và mình cũng xin lỗi nếu như mình đang mô tả BẠN. Mình thực ra cũng đang tự miêu tả mình trong 1 giai đoạn nhất định.


Cả hai chúng ta cũng đã từng có giai đoạn vui tươi và vô lo. Mặc dù lúc đó có thể chúng ta hơi béo bụng, chưa để tâm nhiều đến việc mình đang tiêu thụ bao nhiêu cái ống hút nhựa và cốc trà sữa, hay chưa nghĩ nhiều đến việc con bò sẽ chịu bao nhiêu đau khổ cho cốc trà sữa đó. Chúng ta đơn thuần là chưa nghĩ đến. Trời mới biết, có thể là lúc đó chúng ta đơn thuần là bận bịu yêu đương hay học hành thi cử chẳng hạn.



Cho đến khi chúng ta quan tâm và... chuyển qua ăn chay. Bên cạnh lý do sức khoẻ, có thể đó là dấu hiệu trưởng thành thêm 1 bậc khi chúng ta quan tâm đến nhiều thứ hơn bên ngoài bản thân mình: môi trường, động vật, hay người nông dân. Rõ ràng là trải nghiệm của mỗi người sẽ khác nhau ít nhiều. Nhưng phần đông chúng ta trong giai đoạn này sẽ bắt đầu gầy đi trông thấy, da chùng xuống, sắc mặt tối lại. Chúng ta cảm thấy mình như những con ếch hiếm hoi kịp thời nhảy ra khỏi nồi nước sôi trước khi bị luộc chín. Thế mà những con ếch còn lại vẫn hiên ngang ngồi trong nồi nước, chế giễu chúng ta. Chúng ta chạy vòng quanh thuyết phục những con ếch thân thiết nhất với mình, nhưng vô ích. Thậm chí ếch mẹ ếch cha ếch bạn còn làm toáng lên bởi vẻ ngoài yếu ớt đến tội nghiệp của ta. Họ cho rằng ta đã có lựa chọn thật khủng khiếp. Đối với họ, ta mới chính là con ếch ngồi trong chiếc nồi của chính mình, sẽ đến lúc không còn sức mà nhảy nữa.


Và chúng ta cảm thấy bất lực. Đến giai đoạn nhất định, ta chỉ còn nước chơi cùng những con ếch không-ở-trong-nồi khác. Và hiếm hoi có con ếch nào thành công trong việc thuyết phục gia đình, bạn bè chúng ra khỏi nồi. Ta trở nên u sầu trông thấy. Và cộng đồng ếch bắt đầu có những cái tên đặt cho riêng hội ếch ngoài nồi như: Ếch yếu ớt, ếch u sầu.


Bạn hiểu điều tôi muốn nói qua ví dụ không mấy lãng mạn này chứ? Phải, đó chính là hình ảnh tiêu biểu của những người ăn chay ở Việt Nam. Quả thực, sự phân chia và phán xét giữa hai “phe" Ăn chay và Ăn mặn vẫn tiếp tục diễn ra đầy kịch tính như mô tả. Mà khoan đã, tại sao lại là “ở Việt Nam" mà không phải ở đâu khác? Dĩ nhiên mình không dám đưa ra 1 kết luận mang tính tuyệt đối, đó chỉ là chân dung tiêu biểu thôi. Bạn có thể hoàn toàn khác với bức chân dung này. Nhìn chung thì những người ăn chay thực sự khoẻ và cân bằng (thường thấy hơn ở cộng đồng nước ngoài) có 1 số các đặc tính sau mà các bạn ăn chay Việt hay bỏ qua:


1/ Vận động đều đặn:


Nói quá cũng mòn nhưng vẫn cần nói lại. Vận động ít nhất 30p mỗi ngày là điều kiện BẮT BUỘC nếu muốn khoẻ mạnh thực sự. Nếu không thì đừng mơ đến việc khoẻ. Văn hoá giáo dục của người Việt không hề chú trọng vận động. Có chăng thì nó sẽ được ưu tiên sau...các lớp học chính lẫn học thêm.Học xong là hết ngày. Lớn lên rồi, chúng ta lại xoay quanh mưu sinh, gia đình, con cái. Và chúng ta than rằng không đủ thời gian để đi tập thể dục.


2/Tiêu tiền cho trải nghiệm thay vì vật chất:


Chúng ta là thị trường tăng trưởng nhanh nhất cho nhiều món hàng xa xỉ (như iphone), trong khi thu nhập lại luôn lẹt đẹt ở cuối bảng. Chúng ta cũng được khuyên phải hoàn thành các checklist bắt buộc như: học đại học, có gia đình, có con, có nhà lầu xe hơi…Và để hoàn thành những thứ đó, ta thường tiêu tiền cho vật chất. Và vật chất không bao giờ là “đủ".


Còn trải nghiệm mình muốn nói ở đây là những trải nghiệm tích cực và mở mang, phá vỡ tư duy phán xét. Ví dụ như đi du lịch bụi đến 1 nơi không-bị-du-lịch-hoá, trải nghiệm ở nông trại, các trại hè kĩ năng, các lớp học với các chủ đề mới mẻ hay bất cứ đâu bạn gặp được những người khác biệt với mình và bạn bè thường thấy của mình.


Chắc chắn, người ưu tiên tiêu tiền cho trải nghiệm tích cực sẽ hạnh phúc hơn. Nếu phải chọn 1 trải nghiệm phải-trải-qua cho người trẻ, mình sẽ chọn du lịch bụi đến 1 đất nước xa lạ, 1 nền văn hoá xa lạ. Đi lâu, ở cùng cộng đồng, và nhìn thế giới rộng mở hơn. Rất nhiều định kiến tự nó sẽ tan vỡ.Trong đó có chuyện: ăn gì?


3/ Ở bên cạnh những người khoẻ mạnh hạnh phúc:


Hành vi có tính lây lan. Chúng ta không khoẻ nếu như chúng ta có hội bạn thân suốt ngày chỉ thức thâu đêm, uống trà sữa ăn phô mai que. Chúng ta sẽ khoẻ hơn nếu như cũng hội bạn đó cùng rủ nhau đi tập gym/yoga/bơi lội hàng ngày. Và chúng ta sẽ cực kì khoẻ nếu như hội bạn thân của chúng ta khoẻ mạnh, cân bằng. Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn thường xuyên tiếp xúc. Hãy liệt kê ra đó là ai và xem lại những ảnh hưởng của họ lên mình.

Bản thân mình cũng từng trải qua những thời kì nâng cao sức khoẻ lên hẳn nhờ vào việc làm quen và chơi với các nhóm đi leo núi, đi bộ đường dài, nhảy dancesport, hay những cá nhận thực sự yêu công việc và cuộc sống của mình.


4/Nỗ lực vì hạnh phúc của bản thân:


Chúng ta thường xuyên đặt ra các câu hỏi như: Làm sao để tăng/giảm cân? Làm sao để hết mụn? Làm sao để có được công việc lương cao? Làm sao để lấy được vợ/chồng tốt?...Chẳng phải đằng sau tất cả mọi thứ chúng ta muốn thay đổi hay đạt được đều là khao khát được chứng tỏ, được yêu thích, được chấp nhận bởi cộng đồng hay sao?

Chúng ta ít khi nói về hạnh phúc của mình. Như thể đó hành động ích kỉ, “chỉ biết nghĩ cho mình". Chúng ta còn chẳng định nghĩa rõ ràng thế nào là hạnh phúc đối với chính mình. Và tự lúc nào, chúng ta không có nhiều nỗ lực đạt đến hạnh phúc.


5/ Giúp đỡ người khác:

Thế quái nào mà giúp đỡ người khác lại khiến cho bạn khoẻ mạnh?


Mình đã tổng hợp các nghiên cứu về sức khoẻ và hạnh phúc của nhiều đơn vị uy tín như ĐH Harvard, ĐH Northwestern, National Geographics...thì yếu tố cộng đồng tương trợ nhau luôn luôn xuất hiện.Những người thường xuyên giúp đỡ người khác sẽ tăng gấp 10 khả năng tập trung trong công việc, tăng 40% khả năng được thăng chức. Họ cũng có nhiều khả năng hạnh phúc nhất ngay cả trong những thời kì căng thẳng. Miễn là không tự gây ra quá tải với việc cam kết quá mức, việc giúp đỡ người khác luôn tạo ra ảnh hưởng tích cực lên sức khoẻ tinh thần của 1 người.


Và đó có thể là những sự khác biệt tạo nên một làn da khoẻ mạnh, ánh mắt đầy vui tươi và một cơ thể tràn ngập sức sống ^^


Nếu như bạn đang thầm băn khoăn tại sao mình không khoẻ trong khi mình ăn uống hết sức chuẩn chỉnh, thì xem lại và bổ sung mảnh ghép còn thiếu nhen ^^

347 views
bottom of page