Rồi tình thương sẽ đến sau... (Suy ngẫm trên hành trình phụng sự)
top of page

Rồi tình thương sẽ đến sau... (Suy ngẫm trên hành trình phụng sự)

Mình có may mắn được làm bạn với những người đang ở “chế độ di sản” - họ còn trẻ, nhưng đã nghĩ về chuyện di sản của họ cho đời sau sẽ là gì? Họ hay nói đến từ “phụng sự” và thảo luận về việc mỗi người đang chọn phụng sự đối tượng nào.


Hôm qua, cuộc thảo luận đưa đẩy đến việc so sánh giữa các quốc gia, dân tộc. Một người chị kể rằng bạn bè của chị rất ngạc nhiên khi chị về nước vì nghĩ chị hợp với sống ở châu Âu hơn. Chị cũng thừa nhận rằng rất nhiều lần chị nghĩ đến chuyện quay về châu Âu - nơi việc tận hưởng thiên nhiên trở nên dễ hơn và lại có cộng đồng thân thuộc. Nhưng chị thấy thương người Việt và muốn phụng sự họ. Chị bảo: “Ở Châu Âu đã có nhiều nguồn lực rồi, tại sao họ phải cần thêm một đứa như mình?”.


Còn một người bạn khác thì nói rằng bạn có tình thương với dân da trắng Âu Mỹ. Vì qua gần chục năm du học, bạn quan sát thấy vị thế “trên đỉnh thế giới” của họ khiến cho họ chủ quan và bỏ lỡ rất nhiều thứ. Bạn cho rằng nếu họ được tiếp cận nhiều hơn với các quốc gia phương Đông, họ sẽ trở về và trở thành con người tốt đẹp hơn rất nhiều. Điều này tốt cho cả họ, quốc gia của họ và cho cả thế giới. Vì vậy bạn muốn trở thành cầu nối để nhiều người da trắng Âu Mỹ đến với phương Đông.


Rồi lại có một người anh khác có kinh nghiệm du học & làm việc ở cả hai châu lục Á-Âu thì nói rằng điều ngược lại cũng đúng: nếu như người phương Đông có thể tiếp cận được với thế giới phương Tây với tinh thần học hỏi cởi mở, họ cũng có thể trở thành người tốt hơn rất nhiều.

Thế rồi một người quay sang hỏi mình: “Còn em thì sao? Em có bao giờ nghĩ đến chuyện đối tượng phụng sự của em là ai không?”


Mình trả lời rằng mình không cảm thấy tình thương của mình nghiêng hẳn về bất cứ một nhóm đối tượng nào. Mình là người duy nhất không đi du học và không sống ở nước ngoài quá nửa năm trong cuộc nói chuyện. Tuy nhiên từ thời sinh viên, mình luôn tự tạo điều kiện để bản thân được đi, gặp gỡ và làm việc với những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhìn lại, mình thấy cuộc sống đã đưa đẩy đến cho mình tiếp cận với nhiều nhóm đối tượng - không chỉ là khác biệt về địa lý, truyền thống văn hoá mà còn khác biệt về giới tính, độ tuổi, mức sống, giới, ngành làm việc...


Chưa dám nói đến “phụng sự” theo hướng cao cả quên mình , mình nhớ lại thời điểm bắt đầu chọn đối tượng phục vụ khi mới bắt đầu làm nghề Health Coach. Mình được dạy rằng tốt nhất là nên chọn một nhóm “đối tượng ngách” nho nhỏ, cụ thể để phục vụ. Như vậy, quá trình từ marketing, truyền thông, bán dịch vụ sẽ thuận lợi hơn vì có thông điệp rõ ràng. Sản phẩm dịch vụ cũng sẽ trở nên chuyên sâu hơn. Dễ gắn mình với một từ khoá cố định hơn. Mình hoàn toàn hiểu lý do vì sao mọi người thường được dạy như thế này, và cũng không phủ nhận hiệu quả của nó.


Thế nhưng lúc mới bắt đầu, mình không thể hình dung nổi một nhóm đối tượng nào mình sẽ thấy đồng cảm nhất. Bản thân thì luôn thấy mình đứng ở giữa “Đông và Tây”, “già với trẻ”, “nam với nữ”, “chuyên nghiệp và nghiệp dư” ... Cuối cùng, mình quyết định một cách bản năng: Phát thông điệp mà mình thực sự muốn nói trước, kể chuyện của mình rồi từ từ xem ai tìm đến thì đó sẽ là đối tượng của mình.



Và cách nghĩ đơn giản này khiến mình được chân thực là mình mà không cố bóp mình xây dựng hình tượng cho phù hợp với thị hiếu của một nhóm đối tượng nào...Qua nhiều năm, mình nhìn lại thấy không hối hận vì lối tiếp cận này. Dù nó không cho mình hiệu quả tài chính cao nhưng lại cho mình dịp học hỏi liên tục từ rất nhiều nhóm người với đa dạng độ tuổi, giới tính, nhóm ngành, địa lý lẫn tâm lý... Song song với công việc được trả tiền, mình cũng nhiều lần đi theo các lời mời gọi phụng sự phi lợi nhuận cho nhiều nhóm và được khám phá chính mình trong rất nhiều chiều kích.


Mình kể với các bạn: “Thậm chí có rất nhiều nhóm em không muốn phục vụ tý nào, ví dụ như trẻ con...thế nhưng vì hoàn cảnh này kia mà em lại được cần đến. Ban đầu em không thích các em, thấy trẻ con phiền phức kinh khủng. Nhưng các em lại thích em, đi theo em...Thế rồi trong lúc hỗ trợ các em, em bắt đầu lắng nghe và hiểu câu chuyện gia đình của các em ấy,. Nhiều em đã rất thiếu sự chú ý của cha mẹ, hay đã đau khổ vì cha mẹ ly dị...từ đó tình thương tự nhiên nảy sinh.”


Tương tự, dù ban đầu cảm thấy không thoải mái, mình đã học được cách hiểu hơn và thương được các nhóm ngành như doanh nhân, y bác sĩ, bà nội trợ, người làm sáng tạo, văn phòng, freelance, thầy cô giáo, nông dân...Đặc biệt là khi phục vụ y bác sĩ, mình được dịp hiểu hơn về hoàn cảnh làm việc của bố mình. Mình hơi xúc động khi kể đến đoạn này: “Em thấy rằng ngày xưa mình đã tự dựng lên trong đầu những câu chuyện tối tăm tiêu cực về bố, em chỉ thấy bố trong một vai trò là người chồng. Và thấy bố rất tệ. Nhưng sau này khi được nghe các lời chứng thực về bố trong vai trò người bạn, người thầy dạy y, người bác sĩ...em mới biết bố em đã rất tuyệt vời. Chính vì lẽ đó, em thấy chỉ riêng việc dám đi vào ngành y thôi đã rất đáng để cảm phục.”


Nói đến đây, tự nhiên có gì đó trong mình vỡ thêm ra.

Mình nhận ra một bài học từ chính trải nghiệm của mình: Không cần phải lựa ai ta thấy thương rồi mới phục vụ, ta có thể cứ phục vụ rồi tình thương sẽ đến.

Vì sao lại vậy?

Vì ngay cả khi ta cảm thấy miễn cưỡng, nhưng trong quá trình phục vụ ta sẽ có dịp lắng nghe và quan sát. Và nếu cởi mở đủ để lắng nghe & quan sát thêm, ta bắt đầu hiểu họ. Ta sẽ thấy bản chất của họ lớn hơn rất nhiều so với câu chuyện định khuôn ta có về họ lúc ban đầu.

Định kiến hay phán xét với bất cứ ai là vì ta đã không chịu nghe, chịu hiểu. Nhưng một khi đã nghe, đã hiểu thì tình thương nảy sinh một cách tự nhiên.


Hai em bé gửi lời cảm ơn đến mình lên những chiếc lá. Khi trở về, mình còn thấy một em khác đã lén nhét vào túi mình: “Cảm ơn cô đã ngồi với con khi con lạc lõng, không có ai chơi.”

Nó không cần có các bước ta phải thuộc, nhưng nếu có các bước thì chỉ cần đọng lại trong 3 từ khoá “Nghe sâu” -“Hiểu thấu”- “Thương nhiều”. Đối với những người bình thường không “có sẵn” tấm lòng cao cả, tình thương yêu sẽ đến như kết quả của một loạt các hành động.

Mà trước hết là hành động lắng nghe. Rồi tình thương sẽ đến sau.

 

Có thể bạn muốn nghe thêm:

Podcast "Dệt đan di sản cuộc đời từ hôm nay":

Youtube:


Spotify:



42 views

Recent Posts

See All
bottom of page