top of page

Sống tinh giản cho đời thanh thản (Tưởng nhớ Sư ông Thích Nhất Hạnh)

Sống sao mà khi ta đi mọi người tiếc thương nhưng không bi luỵ.

Đó là những suy nghĩ khởi lên trong đầu mình hôm nay, khi tiếp tục hồi tưởng về Thầy. Chỉ có vài ngày ở Huế, mà những gì đọng lại trong mình vẫn rất đầy. Nhìn thấy bông hoa, là nhớ Thầy nói rằng tro cốt Thầy thà đem rải xuống Đất cho cây hoa lên tươi tốt chứ đừng bỏ trong hũ. Nhìn thấy phố phường tấp nập người đi sắm Tết, thì lại nhớ tấm gương thanh bạch giản dị của Thầy thì không còn vội vã.


Buổi sáng trước khi rời Từ Hiếu, một Sư Cô đã cùng mình ngồi bệt xuống bên dưới mái hiên vào khu mộ các vị đã lập ra Tổ Đình. Sư Cô dúi cho mình táo và bánh để đi ăn đường, rồi cười nhẹ nhàng: “Có chuyện này em muốn kể cho chị vì em thấy câu chuyện rất nuôi dưỡng.”


Câu chuyện cô kể thế này: Ngày trước, trong thất của Sư Ông tại Làng Mai Pháp có một kệ sách ọp ẹp. Kệ đựng sách của Thầy mà lại cũ kĩ quá, lại để ở một nơi mà Thầy thường tiếp khách, nên các Sư Cô đi mua cho Thầy một chiếc kệ mới rồi thay vào. Khi Thầy biết, liền nói: “Thay lại cái kệ cũ cho Thầy.”

Khi cái kệ cũ được trở lại, Thầy liền lấy hai hòn gạch và một tấm ván để kê lại cái kệ. Tự sửa xong, Thầy tiếp tục sử dụng. Biết tính Thầy nên không ai nói gì nữa.


Câu chuyện đơn giản là vậy mà nay trở nên rất sống động trong mình. Như hôm nay, mình ra đường có ý muốn tìm mua một vài đồ thờ cơ bản để Tết này có bàn thờ Thầy. Nhưng hầu như đi vào các cửa tiệm đều bán những đồ men, đồ đồng bóng loáng, lại đắt đỏ. Thế là mình tự nhủ rằng thà dùng tạm cái gì đó có sẵn trong nhà rồi đợi đến khi tìm được đồ ưng ý. Còn hơn là trưng di ảnh của Thầy với một đám đồ bóng loáng, rất là không thuận.


Tự nhủ thế xong, là mình lại có ngay những ý tưởng trưng bàn thờ với những gì mộc mạc nhất: khay có thể dùng ngay 2 tấm gỗ thông mà hồi xây nhà mình còn để lại vì thấy có những mắt lỗ tự nhiên rất đẹp, đồ đựng nến có thể dùng ngay chính mảnh vỏ thông rụng ra từ thân cây thông già trước nhà, thậm chí hoa có thể lấy ngay hoa đồng cỏ nội mọc quanh khu nhà. Trên bàn thờ, cũng không cần chi cả ngoài đĩa trái cây, câu thư pháp và có chén trà ngon là được. Tìm ra giải pháp rồi, mình thấy Thầy cười với mình.



Đó là câu chuyện của riêng hôm nay. Cũng là câu chuyện minh hoạ cho quá trình mình liên tục học cách “thiểu dục tri túc”, học cách sống đơn giản cho đời thanh thản. Khi mà cả xã hội cuồng lên trong một vòng quay mua sắm, thì mình phải lui về tự hỏi rằng có cần thiết không?


Nhớ về những năm sau khi mới ra trường, mình may mắn có mức lương cao. Và mặc dầu trước đó là một có ít nhu cầu, mình vẫn như “bị ma ám” khi lập tức dành tháng lương đầu tiên sắm luôn bộ sản phẩm Apple. Đó là kết quả của 3 năm học trường Quốc tế với nhiều bạn khá giả, “đồng phục” không phải là quần áo mà là iPhone iPad và Macbook. Mình đã từng có cảm giác hơi lạc loài khi riêng mình còn chẳng có smartphone chứ đừng nói đến thương hiệu xịn.


Và mình nhận ra một số mặt trái của việc kiếm được nhiều tiền sớm:

1. Mình sẽ có xu hướng giải quyết mọi chuyện dựa trên tiêu chí “tiện lợi, nhanh gọn”. Đúng như câu “Cái khó ló cái khôn”, lúc có nhiều tiền thì mình rất dễ tiêu tiền ngu. Vì chỉ nghĩ đến chuyện sẽ chi trả cho nhu cầu đó, mà ít khi quay đầu ngẫm lại xem nhu cầu thực chất là gì? Tiền có mua được không? Nếu mua được thì có kết quả bền vững không? Ví dụ như những tháng ngày bỡ ngỡ trong cương vị quản lý, mình có một áp lực vô hình là phải tạo mạng lưới quan hệ như một trong những bí kíp thành công kinh điển. Cách mà mình trong những năm tháng non nớt ấy giải quyết đơn thuần là chiêu đãi người khác thật nhiều. Bất cứ lúc nào đi ăn, mình cũng dành quyền được trả tiền. Và vì quá bận rộn, mình cũng không nhận ra rằng thực chất bản thân đang muốn giải quyết nỗi bất an bên trong. Những mối quan hệ được xây dựng dựa trên các buổi chiêu đãi đó bây giờ gần như không còn.

2. Mình cũng chưa học được cách tiêu tiền khôn ngoan. Tiền vào nhiều để làm gì nếu không biết cách tiêu hợp lý? Ngoài câu chuyện mua đồ điện tử, mình vẫn còn hối hận vì những năm đầu 20 đã tiêu tiền vào nhiều thứ mà bây giờ chẳng còn, vì có lẽ đã nằm đâu đó trong bãi rác. Có đi học quản lý tài chính cũng ham hố học những khoá nghe có vẻ đao to búa lớn như “Finance for Leaders” (Học xong không hiểu gì cả, vẫn được trao bằng và chụp ảnh lóng lánh tiện khoe Facebook, để sếp lớn bên Hàn ấn like.


Nhưng thật may cho mình là giai đoạn đó trôi qua sau hơn. Dần dà, mình quay về với bản năng tiết kiệm ban đầu và quan tâm đến ảnh hưởng lên cộng đồng và sinh môi của mỗi sản phẩm. Nói thì đơn giản nhưng ban đầu khi phong trào sống xanh chưa lên cao, chuyện này đồng nghĩa với việc mình mất x3-x5 thời gian và công sức cho việc chọn lựa mua sắm. Hay đồng nghĩa với chuyện sống khác người, thậm chí “cực đoan”, dù chẳng ép ai phải theo mình.

Nhưng qua vài năm, những lá phiếu mình và các bạn yêu thương Đất Mẹ đưa ra đã tạo ra một thị trường mới ngày càng lớn hơn: thị trường của những mặt hàng không gây hại đến Đất Mẹ. Và rồi càng ngày việc sống xanh càng trở nên dễ và tiện hơn khi nhiều đơn vị đã vào cuộc.

Một ví dụ đẹp là khi ở Từ Hiếu, có một bạn học viên đã mang quà đến tặng mình. Trong đó có một bịch bánh ngũ cốc của thương hiệu HueViet Organic có ghi dòng chữ nho nhỏ thế này: “Không dán nhãn dính hộp vì tôn trọng tái sử dụng.” Đọc được dòng chữ này, mình thấy được nuôi dưỡng cả Thân lẫn Tâm. Nhờ đó, ăn vài cái bánh nhỏ mà thấy đủ năng lượng cho suốt cả ngày di chuyển.


Trong băng giảng “Đám mây không bao giờ chết”, Thầy có nói rằng không phải đến lúc chết ta mới luân hồi. Bây giờ những tư tưởng - lời nói - hành động của ta đã ngay lập tức luân hồi trong vũ trụ rồi. Mình nghĩ rằng, cũng đúng như thế với những điều mình chọn bớt nói, bớt làm, bớt tiêu thụ.


Tết thì tâm lý ai cũng muốn đủ đầy. Nhưng ta thực sự muốn “đủ đầy” về cái gì? Những mảnh rác để lại sẽ luân hồi về đâu? Xin để lại khoảng lặng để mỗi người cùng ngẫm.

Ảnh - Áp phích tại Học viện Lộc Uyển nơi mình từng học thiền năm 2019:


Chữ ảnh trên “Hãy ngừng vô minh, hãy sử dụng trí thông minh!”

Chữ ảnh dưới “Hãy tái sinh cho rác thải của bạn”.

64 views

Comments


bottom of page