Họ có ngốc không vậy? Không hề, họ thông minh và có tri thức.
Họ chưa bao giờ cố gắng ư? Cũng như mình, họ đã nỗ lực trong nhiều năm là đằng khác.
Họ có thực sự béo/ gầy đến thế? Có thể! Một số trường hợp chưa đạt đến cân nặng lành mạnh trong khi số khác đơn thuần là tự ám ảnh.
Họ đã thử ăn kiêng và nhanh chóng tăng cân trở lại. Họ trở nên kém thoải mái trong các cuộc tụ tập, bận rộn đấu tranh tư tưởng xem nên/ không nên ăn món trước mặt. Họ sợ rằng nút quần có thể bung ra mất. Họ bắt đầu phải kiểm duyệt lại ảnh chụp rất kĩ lưỡng xem đống mỡ thừa có lộ ra hay không. Họ có thể nhấn chìm bản thân vào tội lỗi sau khi mở tủ lạnh vào lúc 1h sáng. Một mặt, họ rất giỏi thu thập thông tin về việc mình nên ăn uống và tập luyện như thế nào. Nhưng mặt khác, họ dường như không thể nào ép mình làm theo những thông tin đó. Đôi khi họ làm theo trong một thời gian cho đến một ngày thấy mình lao vào đống đồ ăn cũ tự rủa “Kệ chứ, tại sao lại phải hành hạ mình để đua theo tiêu chuẩn của xã hội!”. Rồi sau một ngày không suôn sẻ khác, họ ngồi thở dài và tự hỏi: tại sao mình luôn thất bại?
Mình biết rất rõ tại sao? Vì “họ” bao gồm mình ngày trước. Từ tuổi dậy thì cho đến hết thời đại học, mình luôn đứng trước “khủng hoảng cân nặng”.
Kể từ năm lớp 7, mình bắt đầu kinh hoàng với những vết rạn da trên đùi và mông mình xuất hiện cứ như thể chỉ sau 1 đêm. Mình bắt đầu gia nhập đội ngũ nhận gen di truyền dáng quả lê siêu mạnh từ gia đình. Mặc dù tập aerobic rất đều đặn, mình vẫn không thể nào mua được chiếc quần jeans ưng ý ở những cửa tiệm thông thường. Mình còn nhớ rõ thầy giáo dạy toán năm lớp 12 nhìn mình mà đùa rằng nên tính tiền học trò theo cân nặng mới đúng. Bạn thân cũng đặt biệt danh cho mình là BBKD - “Bà béo không đều”. Nỗi ê chề lên đến đỉnh điểm khi mình phát hiện ra chiếc quần hiếm hoi mình có thể mua về ở siêu thị hoá ra là quần cho bà bầu - sức giãn rất lớn và có vòng thun nới lỏng mỗi khi bụng phình ra thêm một bậc.
Lên đại học mình chạy bộ, tập bơi hùng hục và ăn kiêng Lowcarb. Chưa kịp mừng vì 4kg bay vèo đi chỉ trong vòng một tuần thì cảm giác chán nản và thèm ăn ập đến quá sức chịu đựng ở tuần thứ 2. Ngay ngày kết thúc thời kì ăn kiêng, mình ăn như thể ngày mai là tận thế và ủ ê nhìn cân nặng của mình chạm mốc cũ chỉ sau 1 tháng. Mình không hiểu mình đã làm sai điều gì. Mặc dù tự tin về năng lực của mình, mình đâm ra tự ti về ngoại hình và lo lắng rằng mình chẳng thể nào có được một người yêu tử tế do mình béo. Một người bạn tôi kể lại rằng, mẹ mình từng lo lắng hỏi nó rằng liệu những người phụ trách tuyển dụng trong các công ty có chấp nhận đứa béo như mình không ?
Tua nhanh đến sau khi ra trường, mình thôi lo lắng vấn đề này. Mình bắt đầu nghiên cứu lại cách ăn uống và tập luyện đều đặn. Cũng chẳng phải vì áp lực giảm cân như trước mà mình đơn thuần muốn sống khoẻ mạnh, cân bằng. Sau 6 tháng, mình giảm chỉ 3kg nhưng lại khiến cho tất cả các bà các cô ở phòng tập ghen tị vì tôi trông thon gọn với những đường cong xuất hiện hết sức rõ ràng. Mọi người bắt đầu à ồ ngỡ ngàng và cứ tưởng mình ăn kiêng thành công. Đến mình còn ngạc nhiên vì một ngày nhìn vào gương, đã thấy rõ các góc cạnh ở nơi mà trước đây chỉ đơn thuần là 1 biển mỡ.
Nhưng mình sẽ không đưa ra cho bạn một kế hoạch ăn kiêng hay ép cân giảm mỡ, với những công thức và tỉ lệ chi tiết hay hàng loạt các gạch đầu dòng sản phẩm cần mua. Đó là cách mà nền công nghiệp giảm cân trị giá nhiều tỷ đô rất giỏi thuyết phục bạn. Họ kiếm thêm lợi nhuận từ 95% những người ăn kiêng thất bại và tiếp tục đặt hy vọng vào một phương pháp hay sản phẩm khác của họ. Còn mình sẽ nói cho bạn biết những điều họ không đời nào nói với bạn.
1. Thức ăn Thân không thể thay thế Thức ăn Tâm.
Như mình giải thích trong bài viết riêng về Thức ăn Thân - Tâm, nếu như dạ dày được lấp đầy bởi các thức ăn đưa qua đường miệng thì tâm hồn chúng ta cũng cần được lấp đầy bởi những “thức ăn” mang tính tâm thức. Chúng đến từ những khía cạnh vô hình như mối quan hệ ấm áp, niềm say mê công việc, sự thực hành tâm linh hay niềm vui hàng ngày v.v… Đó là khi vòng tròn cuộc sống được cân bằng. Nhưng khi mất cân bằng ở những lĩnh vực quan trọng, con người ta dễ rơi vào các trạng thái cảm xúc tiêu cực: chán nản, mệt mỏi, stress, cô đơn, buồn bã, lo lắng v.v…và tiêu hao rất nhiều năng lượng. Cơn đói và thèm ăn chỉ là biểu hiện bề mặt của quá trình thất thoát năng lượng này. Theo bản năng, người ta ăn để lấp đầy khoảng trống. Nhưng nếu như nguyên nhân gốc không được giải quyết triệt để, thì ăn cũng giống như cố đổ nước vào cái thùng thủng lỗ với mong muốn lấp đầy nó.
2. Thức ăn nên là lựa chọn của lối sống, không phải của cân nặng
Điều gì thường xảy ra sau thời gian kiêng khem chặt chẽ? Cả mình và bạn đều biết là chúng ta sẽ cảm thấy khổ sở, mệt mỏi và đến một ngày không chịu được nữa sẽ “thả phanh”. Chúng ta chính thức giương cờ trắng đầu hàng, vùi mình trong đống đồ ăn mà tâm trí hằng mơ mộng, bất chấp nỗi ê chề ập đến sau đó. Chúng ta coi như mình đằng nào cũng đã thất bại nên trở lại thói quen ăn uống vô tội vạ như bình thường, cho đến khi đống mỡ ở bụng trở nên không thể lờ đi được và lại lao vào ăn kiêng. Vòng lặp Ăn kiêng - Thả phanh - Ăn kiêng…tưởng như vô tận khi một người coi việc điều chỉnh ăn uống chỉ là chiến lược ngắn hạn để có thể hình mong muốn.
Bạn nghĩ những người có thể hình đẹp sẽ ăn uống vô tội vạ sau khi có thể hình mong muốn ư?
Không đâu, đó là một quá trình được xây dựng và duy trì qua nhiều năm. Cái gì, phải ăn kiêng trong nhiều năm á? Không đâu, nếu như ăn uống lành mạnh trở thành lối sống của bạn. Một lối sống mà mối quan hệ của bạn với đồ ăn không phải chập chờn trong hai trạng thái yêu-ghét mà là tình bạn bền vững, thoải mái. Nếu ăn uống lành mạnh là lối sống, thì một thân hình đẹp sẽ là một kết quả tất yếu chứ không phải mục tiêu trên đường chạy bất tận.
3. Động lực giảm cân nên đi từ tình yêu thay vì sợ hãi
Có 2 kiểu động lực thúc đẩy hành động mạnh mẽ nhất: Sợ hãi và tình yêu. Nhưng 95% người ăn kiêng có tâm lý sợ hãi. Sợ mình sẽ chẳng bao giờ mặc vừa những bộ cánh mình ao ước khi đi ngang qua khung kính các cửa hàng thời trang. Sợ rằng một cô gái khác thon thả hơn sẽ cướp đi sự chú ý của người yêu mình. Sợ sẽ bị loại ngay trong vòng phỏng vấn tuyển dụng. Sợ cái thân hình nặng nề sẽ cản trở mình leo lên ngắm mây trên đỉnh núi….
Nỗi sợ có thể là động lực lớn khiến ta sốt sắng nhảy lên máy tập chạy bộ, nhưng nó cũng làm ta căng thẳng và mất kiên nhẫn. Khi ở trong trạng thái nơm nớp, sốt ruột…chúng ta hay tìm đến những biện pháp cấp tốc gây hại cho sức khoẻ và không bền vững.
Ngược lại, khi yêu thương cơ thể thực sự ta trở nên kiên nhẫn và dịu dàng với nó. Dr. Deepak Chopra, chuyên gia về sức khoẻ toàn diện nói: “Ăn kiêng đi kèm với loại động lực sai trái, và đó là tại sao nó hiếm khi dẫn đến kết quả mong đợi…Nếu bạn mang tín hiệu đói của cơ thể về với cân bằng, động lực thúc đẩy bạn ăn trở thành đồng minh thay vì kẻ thù.”
Năm 2015, mình chuyển qua ăn uống và tập luyện từ động lực muốn dành điều tốt nhất cho bản thân mình. Thay vì nhìn vào những điều mình không thích trên cơ thể, mình bắt đầu ghi nhận những điểm mạnh như làn da không tỳ vết và mái tóc mượt mà của mình. Thay vì coi đám mỡ trên cơ thể là một thứ xấu xa cần tống khứ cắt bỏ, mình chấp nhận nó như một phần hiện diện tạm thời để cảnh báo bản thân về các nguy cơ sức khoẻ. Mình tận hưởng các món ăn lành mạnh và coi việc tập yoga như niềm vui, không hề mong chờ việc giảm cân. Thế mà chẳng biết tự lúc nào, cân nặng của mình giảm đều đặn cứ mỗi tháng 1kg cho đến khi mình thực sự thon thả và có cả cơ bụng.
4. Những lựa chọn mặc định từ môi trường sống
Chúng ta có thể ngừng trách móc mình chỉ một phút để nghĩ về điều này: Giảm cân & Kiểm soát cân nặng là 1 ngành công nghiệp có trị giá nhiều tỷ đô la (Toàn cầu:148.1 TỶ ĐÔ năm 2014 và ước tính đạt 206.4 TỶ ĐÔ vào năm 2019). Tỉ lệ tăng trưởng của ngành này lên đến 6.9%/ năm. Còn ngành công nghiệp thực phẩm chế biến: 4.601 NGHÌN TỈ ĐÔ trong năm 2016 và tăng trường 1.6% hàng năm. Họ đã không thể tăng trưởng như vậy nếu như nỗ lực giảm cân của chúng ta thành công.
Ngoài các chế độ dinh dưỡng xuất phát từ chế độ ăn lâu đời của một nền văn hoá như Thực Dưỡng, chế độ Địa Trung Hải…các chế độ ăn kiêng mới thường đi từ những lập luận khoa học vẫn còn gây tranh cãi và không toàn diện. Ngay từ những thông tin dinh dưỡng, sức khoẻ hàng ngày bạn đọc cũng không thể đảm bảo tính khách quan.
Trong cuốn “Sapiens - Lược sử loài người”, Yuval Noah Harari đã khẳng định: “Hầu hết các nghiên cứu khoa học đều được tài trợ bởi ai đó tin rằng chúng có thể giúp đạt được một số mục tiêu chính trị, kinh tế hay tôn giáo”.
Nói như thế không có nghĩa là “ai đó” luôn là các thế lực xấu: đó có thể là chính phủ, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu độc lập hay trường Đại học, NGOs … Nhưng làm sao bạn phân biệt được ý đồ thực sự của họ là gì, ai đang tài trợ cho họ? Nếu như bạn thường xuyên thấy mình mua một sản phẩm nào đó sau khi đọc một bài báo về tác dụng thần kì của nó, rồi sau đó hoá ra rất nhiều chị em cũng lên “cơn sốt” mua nó về…thì nhiều khả năng bạn đang bị truyền thông chi phối mà thôi.
Chưa kể, hầu hết các thực phẩm chế biến sẵn tràn ngập trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày nay đều chứa 1 lượng đường ẩn giấu mà không mấy người nhận diện được. Tuy nhiên, đây lại là những thức ăn thuận tiện, giá rẻ và được marketing đầy hấp dẫn. Nói không ngoa, một người tiêu dùng không có kiến thức về dinh dưỡng cơ bản, cách đọc bao bì sản phẩm … chắc chắn sẽ rơi vào cái bẫy khổng lồ của ngành công nghiệp thực phẩm.
Còn các bác sĩ? Họ quá bận rộn để cho bạn lời khuyên chi tiết về việc cái gì nên ăn và không nên ăn. Bạn cũng thường chỉ tìm đến họ khi chữa bệnh mà thôi.
Để mình tóm tắt lại nhé: Ta đang bị bủa vây bởi một thế giới toàn những ngành công nghiệp kiếm tiền từ tỉ lệ thất bại lớn của ta, những thông tin khoa học trái chiều, thực phẩm không lành mạnh và rất ít những nhà chuyên môn có thể giúp đỡ.
5. Bao giờ bạn mới thôi so sánh?
Bạn luôn nhìn thấy một phiên bản tốt hơn mình: thon thả hơn, da mịn màng hơn, quyến rũ hơn,.. từ người khác. Đúng, luôn luôn có người “hơn” bạn nếu xét theo chuẩn ngoại hình quốc tế. Như người mẫu hay diễn viên chẳng hạn.
Nhưng bạn có biết những người mẫu là những người bất an nhất thế giới không?
Cameron Russel nói trong TEDx: Điều mà tôi không bao giờ nói trước ống kính: ‘tôi bất an'. Tôi bất an vì tôi phải suy nghĩ về hình ảnh của tôi mỗi ngày. Và các bạn có bao giờ tự hỏi chính mình: ‘Nếu đùi mình thon hơn và tóc mình óng ả hơn, vậy mình sẽ hạnh phúc hơn không?’ Bạn chỉ cần gặp 1 nhóm người mẫu, vì họ có đôi chân thon nhất, bộ tóc óng ả nhất và mặc những bộ đồ đẹp nhất, và họ có thể là những người phụ nữ bất an nhất trên hành tinh này
So sánh ngoại hình của mình với người khác là một trong những điều tệ nhất bạn có thể làm với mình. Mình biết vì mình đã từng làm điều đó rất nhiều lần. Trong nhiều năm, những suy nghĩ ngăn trở mình có được một mối quan hệ tích cực với bản thân. Mà đó lại là nền tảng cơ bản cho những mục tiêu lớn hơn mà mình đã nghĩ sẽ đạt được sau khi có cân nặng hoàn hảo: một tình yêu đẹp, một sự nghiệp rạng ngời, tài chính ổn định, hay sự viên mãn trong cuộc sống v.v… Thực tế, tất cả những điều đó đến với mình sau khi tôi chấp nhận khiếm khuyết của chính mình.
Nếu đọc đến đây, hẳn bạn đã nhận ra những rào cản ngăn trở quá trình giảm cân của mình. Mình tin rằng bất kì cô gái nào cũng sẽ có cân nặng mong muốn nếu tránh được cái bẫy ăn kiêng. Thay vào đó, hãy ưu tiên cải thiện phương diện thức ăn tinh thần, chuẩn bị cho mình một lối sống lành mạnh, một động lực xuất phát từ yêu thương và một tâm lý tích cực. Làm được điều đó, cân nặng mong muốn chỉ là sản phẩm phụ trong quá trình đạt đến điều bạn thật sự ao ước:
Hạnh phúc!
Nếu bạn thấy hữu ích, hãy chia sẻ cho những người bạn quan tâm nhé!
Comments