Trở nên khỏe mạnh thực ra không phức tạp đến thế. Cơ thể chúng ta biết mình nên ăn gì. Chính bộ não đã đưa ra những quyết định sai lầm.
(Nội dung từ cuốn sách Dinh dưỡng Tích hợp của tác giả Joshua Rosenthal - nhà sáng lập và giám đốc Viện Dinh dưỡng tổng hợp IIN, Hoa Kỳ - Đội ngũ Nam Phương chuyển ngữ và Việt hóa)
Dinh dưỡng tích hợp
Chúng ta đang sống trong thời đại của dinh dưỡng phổ thông và dinh dưỡng hiện đại. Để tôi giải thích. Dinh dưỡng phổ thông là loại thông tin chúng ta nhận được từ các tháp thực phẩm và những cơ quan chính phủ. Nó tương tự như chăm sóc sức khỏe phổ thông. Người ta dựa vào calories, đường bột , chất béo, đạm, những điều cần hạn chế, danh sách thực phẩm tốt và xấu theo chỉ dẫn của dinh dưỡng phổ thông. Lời khuyên như: “hãy chọn phần thịt nạc", “chuyển sang sữa ít béo" hoặc “ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt lên",... tới từ dinh dưỡng phổ thông.
Rồi tới dinh dưỡng hiện đại, nơi chúng ta đạt được những khám phá mới mỗi ngày, công bố những lợi ích sức khỏe của một loại thực phẩm nhất định, hay cách nhanh nhất để tiếp thêm năng lượng trong tuần. Đây là cách tiếp cận kiểu “kê đơn", chào bán những công thức áp dụng hàng loạt, như ăn chế độ ít đường bột (low carb), đường bột dạng tiêu hoá chậm, ăn thô, ăn nhiều chất béo, hay tránh tất cả các chế phẩm từ động vật. Dinh dưỡng hiện đại tấn công chúng ta, từ những tấm bìa sặc sỡ của sách ăn kiêng tới những xu hướng ăn uống tràn ngập các trang mạng xã hội, đầy rẫy các ý kiến và hình ảnh bảo ta nên ăn gì.
Cả dinh dưỡng phổ thông và dinh dưỡng hiện đại đều có chung thông điệp: Ăn uống lành mạnh. Nhưng chúng ta hoàn toàn mất kết nối với ý nghĩa thực sự của trạng thái “lành mạnh". Thanh năng lượng nên ăn vào bữa sáng hay bữa ăn vặt buổi chiều? Tôi có thể ăn yến mạch nếu dị ứng với gluten không? Bánh burger với thịt nuôi từ bò ăn cỏ, và rau xà lách là tốt cho tôi chứ, hay nên tránh xa tất cả các loại thịt? Chúng ta có quá nhiều câu hỏi về việc ăn gì, quá nhiều người cảm thấy họ đang liên tục phạm sai lầm, kể cả những người nghiên cứu về dinh dưỡng.
“Nếu người ta còn tiếp tục bối rối không biết một chế độ ăn lành mạnh là gì, bạn có thể tiếp tục bán thêm những cuốn sách ăn kiêng mới. Nền văn hóa của chúng ta đang kiếm bộn tiền từ việc reo rắc những rối loạn, trong khi ngành công nghiệp thực phẩm đang khai các thông điệp của chuyên gia và biến chúng trở thành vô nghĩa" - phát biểu của ông David Katz, giám đốc sáng lập Trung Tâm nghiên cứu và phòng chống Yale-Griffin của đại học Yale.
Cách đây không lâu con người đã tồn tại mà không cần đến phương tiện truyền thông hay chế độ ăn kiêng nơi các vị thầy bảo chúng ta phải ăn gì. Thay vào đó, họ dựa vào trực giác. Mọi người đơn giản là biết mình nên ăn gì và chuẩn bị bữa ăn ra sao. Họ không cần đến phòng gym để tập thể dục, họ đơn giản là vận động thường xuyên. Họ không có sự nghiệp phức tạp, họ đơn giản là làm việc. Họ không có sự diễn giải lý trí cho những nhu cầu cơ bản của con người. Loài người sống hài hòa với các mùa và những gì xung quanh mình một cách tự nhiên. Họ ăn thực phẩm địa phương, truyền thống, sẵn có và cung cấp cho họ đúng chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng đời sống của mình.
Thế giới của dinh dưỡng phổ thông và dinh dưỡng hiện đại cực kỳ phức tạp. Dinh dưỡng là ngành duy nhất mà các nhà khoa học ở 2 trường phái có thể chứng minh 1 cách toàn diện về 2 giả thuyết hoàn toàn đối nghịch nhau. Giới khoa học nhất trí rằng tốc độ ánh sáng là 670 triệu dặm một giờ, trọng lực là một lực hấp dẫn giữa mọi vật chất, và nước được tạo thành từ hai phần hydro và một phần oxy. Vậy mà, bằng cách nào đó, 1 chuyên gia có thể chứng minh các chế phẩm từ sữa là nhân tố cần thiết cho chế độ ăn, trong khi 1 chuyên gia khác lại chỉ ra rằng bơ sữa cực kỳ bất lợi cho sức khỏe. Một chuyên gia này khẳng định thịt là thực phẩm thiết yếu cho con người còn vị chuyên gia kia nói rằng thịt vừa không cần thiết lại vừa kém lành mạnh với chế độ ăn của loài người!?
Ngành công nghiệp xuất bản góp phần lớn đã định hình niềm tin của chúng ta về thực phẩm và sức khỏe. Thôi thúc kiếm tiền từ những cuốn sách bán chạy, chính họ là những người “khám phá” và quảng bá sự thật về dinh dưỡng, chứ không phải ngành y tế. Hãy suy nghĩ về điều đó. Bạn đã đọc cuốn “Ăn cái này, đừng ăn cái kia" chưa? Còn cuốn “Chế độ ăn trẻ em hay chế độ tiết thực?” Chế độ ăn Dukan đã từng nổi lên thành 1 hiện tượng tại Châu Âu. Ở Nhật Bản, một diễn viên đã tạo ra chế độ ăn Hơi Thở Dài (Long Breath Diet), trong đó bao gồm những bài tập thở hàng ngày để giảm cân. Tôi chắc rằng bạn có thể nghĩ ra ít nhất một vài thứ mà bạn đã thử nghiệm hoặc đã bị lôi cuốn. Những cuốn sách về chế độ ăn kiêng phổ biến không phải lúc nào cũng được xem xét kỹ lưỡng để xác định sự thật và bằng chứng khoa học về ăn uống lành mạnh. Chúng đơn giản được ra đời với mục tiêu trở thành những cuốn sách bán chạy. Chúng thu hút sự chú ý bằng cách gây sốc, giải trí và cung cấp các giải pháp mỳ ăn liền. Nhưng các giả thuyết về chế độ ăn trong những cuốn sách này thường không bền vững khi áp dụng trong thời gian dài, thậm chí có thể không lành mạnh. Khi một chế độ không còn hiệu quả, người đọc sẽ tìm tới cuốn sách ăn kiêng khác, cứ như vậy,..., tiếp tục đóng góp thêm cho ngành xuất bản. Trở lại năm 2001, cơn sốt chế độ ăn Atkins đã giáng mạnh xuống thị trường. Cuốn sách Atkins’ New Diet Revolution (Cuộc cách mạng mới trong chế độ ăn uống của Atkins) đã bán ra hơn 10 triệu bản, dù cuốn sách không đưa ra bằng chứng y khoa nào rằng chế độ ăn này hiệu quả. Trên thực tế, nó đã đi ngược lại với lời khuyên dinh dưỡng thông thường là ăn rau và tập thể dục nhiều hơn. Tôi không có ý phản đối những chế độ ăn này. Chế độ ăn Atkins là sự khởi đầu của nhận thức cộng đồng về chỉ số đường huyết của một số loại thực phẩm và những tác động bất lợi của đường bột tinh chế. Mỗi chế độ ăn uống mới có thể tiết lộ ra thêm một mảnh ghép trong câu đố về dinh dưỡng. Nhưng cuối cùng, chúng lại bị biến tướng để trở nên giật gân, hoặc tách biệt hoàn toàn khỏi bức tranh tổng thể. Dinh dưỡng vẫn là một lĩnh vực mới nổi theo nhiều nghĩa, và chúng ta chỉ mới bắt đầu tìm hiểu tất cả các khía cạnh của nó.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng chúng ta cần chế độ ăn uống đa dạng. Nhưng nhiều bất đồng xảy ra ở những vấn đề khác, như là nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày, hay rau củ hữu cơ liệu có bổ dưỡng hơn rau không hữu cơ. Những giả thuyết này đều thiếu sót một phần rất lớn khi xét tới mục đích thực sự của dinh dưỡng: tính cá nhân. Hầu hết các sách dinh dưỡng đưa ra lời khuyên cho việc ăn gì mà không xét tới các tham chiếu về tuổi tác, thể chất, giới tính, văn hóa, lối sống, cân nặng. Hầu hết không làm rõ chế độ ăn họ đưa ra là cho người khỏe mạnh hay đang chống chọi với bệnh tật. Chúng ta cần lưu ý rằng mỗi người có một nhu cầu rất cụ thể cho sức khỏe của chính mình, và mọi người đều có thể được hưởng lợi khi cởi mở khám phá những cách ăn uống khác nhau. Để tránh những mớ hỗn độn vô nghĩa được định hướng bởi truyền thông, tôi tiếp cận dinh dưỡng ở một góc độ khác, mà tôi gọi đơn giản là Dinh dưỡng tích hợp. Một trong những nguyên tắc căn bản là nhận diện tính sinh học cá nhân của bạn. Không có cách ăn uống nào phù hợp với tất cả mọi người. Thực phẩm tốt nhất cho cơ thể, độ tuổi, và phong cách sống độc nhất của bạn, có thể khiến người khác tăng cân hoặc cảm thấy lờ đờ. Tương tự, không cách ăn uống nào sẽ phù hợp với bạn mãi mãi. Bạn có thể nhận ra mình đã ăn những thực phẩm khác nhau khi so sánh giữa những ngày làm việc 8 giờ và những ngày nghỉ ngơi đọc sách. Thực phẩm bạn ăn khi còn là một đứa trẻ có thể không còn phù hợp khi bạn lớn lên. Những gì bạn thèm vào mùa đông có thể hoàn toàn khác so với mùa hè.
Một nguyên tắc lớn khác trong Dinh dưỡng tích hợp là Thực phẩm chủ đạo. Tất cả những gì chúng ta coi là dinh dưỡng hiện nay, đều chỉ là nguồn cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng thứ yếu. Những gì bạn ăn chỉ là thực phẩm phụ so với tất cả những yếu tố khác nuôi dưỡng bạn - mối quan hệ, sự nghiệp, thực hành tâm linh và vận động thể chất. Tôi gọi những yếu tố đó là thực phẩm chủ đạo. Dinh dưỡng tích hợp cũng là cầu nối giữa dinh dưỡng và sự phát triển bản thân. Hai điều này luôn song hành, bạn không thể nhìn vào một khía cạnh mà không có khía cạnh còn lại. Con người thực sự mong muốn trở nên tốt hơn. Chúng ta khao khát sự phát triển. Nhưng chỉ một vài chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bản thân chỉ ra tầm quan trọng của dinh dưỡng. Tương tự như vậy, dinh dưỡng phổ thông và dinh dưỡng hiện đại sẽ đơn giản là đưa cho bạn một danh sách thực phẩm nên ăn và không nên ăn, nhưng lời khuyên của họ sẽ chẳng hữu hiệu tới khi bạn bắt đầu phân định được điều gì trong cuộc sống đang ngăn cản mình lựa chọn những thứ lành mạnh. Hãy nhìn nó theo cách này: Một người mắc kẹt trong một mối quan hệ không lành mạnh có thể ăn tất cả bông cải xanh trên thế giới, nhưng nó sẽ chẳng thay đổi được mối quan hệ của họ. Mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và hạnh phúc của họ. Tương tự, nếu sự nghiệp của bạn đối nghịch với những giá trị tinh thần mà bạn đang theo đuổi, bạn sẽ rất khó khăn để có được bước tiến lớn trong các vấn đề sức khỏe của mình. Nguồn năng lượng tiêu tốn cho một công việc kiệt quệ cuối cùng sẽ lấn át cả lợi ích từ thực phẩm lành mạnh.
Trở nên khỏe mạnh thực ra không phức tạp đến thế. Cơ thể chúng ta biết mình nên ăn gì. Chính bộ não đã đưa ra những quyết định sai lầm. Có thể bạn đã nghe về một chế độ ăn kiêng về lý thuyết thì tuyệt vời, nhưng sau một tuần ứng dụng, bạn bắt đầu cảm thấy yếu ớt hoặc bị đầy hơi. Bạn không cần phải đọc sách dinh dưỡng để biết nên ăn gì. Thay vào đó, bạn có thể thúc đẩy một mối quan hệ sâu sắc với cơ thể mình, và một cách tự nhiên, cơ thể sẽ cho bạn biết những gì nó cần phải hoạt động ở mức tối ưu. Cách tiếp cận tích hợp này sẽ giúp bạn trau dồi khả năng ăn uống bằng trực giác, tin tưởng vào cơ thể — chứ không phải một cuốn sách, đầu bếp hay nghiên cứu nào đó — để hướng dẫn bạn những thực phẩm hỗ trợ tốt nhất cho phép cơ thể và tâm trí của mình hoạt động hết tiềm năng. Khi bạn học cách tin tưởng hơn vào trực giác về những gì mình nên ăn, bạn biết rằng trực giác cũng xứng đáng có được niềm tin của bạn vào tất cả những điều khác trong cuộc sống.
Tính sinh học cá nhân
Thức ăn của một người có thể là chất độc của người khác và đó là lý do tại sao các chế độ ăn kiêng theo mốt không có tác dụng về lâu dài.
Năm 1956, Roger Williams xuất bản cuốn sách Tính sinh hóa cá nhân, khẳng định rằng tính cá nhân thấm vào từng bộ phận của cơ thể con người. Cuốn sách này đã giải thích sự khác biệt của từng cá nhân về giải phẫu, sự trao đổi chất, thành phần của chất lỏng cơ thể, và cấu trúc tế bào ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Williams đã viết: Mỗi người đều có những yêu cầu về dinh dưỡng mang tính cá nhân và được quyết định bởi gene di truyền. Giả thuyết này đã ảnh hưởng tới những người có tư duy độc lập trong thế giới dinh dưỡng, nhưng phần lớn vẫn bị ngó lơ bởi ngành y học chính thống. Hãy xem các chế độ ăn kiêng đã càn quét nước Mỹ, từ chế độ ăn nhiều đường bột trong những năm 70, đến ít chất béo trong những năm 80, đến protein cao và chất béo cao trong thế kỷ 21, tôi tự hỏi làm thế nào mà mỗi chuyên gia dinh dưỡng này có thể khẳng định chế độ ăn của họ phù hợp với tất cả mọi người. Chúng ta là những cá thể quá độc đáo để ăn cùng một loại thức ăn. Bạn có bao giờ để ý rằng đàn ông ăn rất khác với phụ nữ? Trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn đều có sở thích riêng. Nhân viên văn phòng ăn uống khác với những người lao động chân tay. Mọi người cũng ăn uống theo độ tuổi của mình, dù là 25, 55 hay 85 tuổi. Nghiên cứu khoa học đang bắt đầu bắt kịp khái niệm này. Trong một nghiên cứu năm 2008, các nhà khoa học phát hiện ra rằng đàn ông và phụ nữ thực sự ăn uống khác nhau. Khảo sát dân số của Mạng lưới giám sát tích cực dịch bệnh do thực phẩm (FoodNet) đã xem xét thói quen ăn uống của hơn 14.000 người Mỹ trưởng thành và nhận thấy rằng, nói chung, nam giới ăn nhiều thịt, còn phụ nữ có xu hướng ăn nhiều rau củ quả hơn.
Qua nhiều năm, nhiều lần kiểm chứng, tôi nhận ra rằng, phụ nữ cố gắng lôi kéo người bạn đời nam giới của họ ăn giống như một người phụ nữ, nhiều rau củ quả hơn.Nhiều năm sau, họ tự hỏi, người đàn ông của tôi đâu? Bây giờ tôi biết rằng cả nam giới và phụ nữ đều thích nhiều loại thức ăn, nhưng thật là thú vị khi chúng ta nhìn sâu vào những sự khác biệt tinh tế này, phải không?
Một nghiên cứu tháng 11 năm 2015 được công bố trên Tạp chí Cell cho thấy rằng các chỉ dẫn trong chế độ ăn uống phổ biến toàn cầu đơn giản là không hiệu quả. Các nhà nghiên cứu Israel muốn tìm hiểu loại thực phẩm nào khiến lượng đường trong máu của mọi người tăng đột biến, vì vậy họ đã đo lường phản ứng của 800 người trong suốt một tuần, thu thập dữ liệu từ nhiều hơn hơn 46.000 suất ăn. Họ nhận thấy rằng — thật bất ngờ — mỗi người có phản ứng khác nhau đối với các loại thực phẩm tương tự nhau. Trên thực tế, nhiều người trong nghiên cứu có phản ứng glucose thấp với kem — một loại thực phẩm chứa đường được cho là chắc chắn sẽ làm tăng mức đường huyết. Nghiên cứu này đánh bật những ý tưởng truyền thống về thực phẩm tốt và xấu và ý niệm rằng có bất kỳ chế độ ăn nào là phù hợp với tất cả mọi người. Một lần nữa, nó phụ thuộc vào những yếu tố cá nhân.
Làm việc trong lĩnh vực này trong nhiều năm, tôi luôn khẳng định được tính đúng đắn của tính sinh học cá nhân. Từ tận trái tim mình, tôi có thể cảm thấy rằng không có một cách ăn nào có thể phù hợp cho tất cả mọi người, nhưng y học và khoa học không ngừng đi tìm viên đạn ma thuật — một cách ăn uống hoàn hảo sẽ giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến chế độ ăn uống của nhân loại. Nhưng con nước triều đang thay đổi. Một trong những hàng đầu xu hướng sức khỏe năm 2017? Cá nhân hóa.
Đôi khi phải mất hàng triệu đô la tiền tài trợ và nhiều năm nghiên cứu của các nhà khoa học để chứng minh những gì chúng ta đã biết.
Một trong những yếu tố chính hình thành tính sinh học cá nhân là từ tổ tiên của chúng ta. Nếu tổ tiên của bạn là người Nhật Bản, bạn có nhiều khả năng sẽ phát triển mạnh mẽ nhất khi ăn uống kiểu Nhật - nhiều lúa gạo, rong biển và cá. Nếu nguồn gốc của bạn là từ Ấn Độ, hệ tiêu hóa của bạn có lẽ sẽ ưa thích gạo basmati, đậu hầm và cà ri. Nếu nhiều thế hệ tổ tiên của bạn đến từ Scandinavia đã quen với việc ăn các thực phẩm từ sữa hàng ngày, điều tự nhiên là cơ thể bạn sẽ có thể hấp thụ sữa và những chế phẩm từ sữa. Lý thuyết này cũng áp dụng cho các loại thức ăn mà bạn khó tiêu hóa.
Ví dụ, những cộng đồng châu Phi truyền thống có nguồn thức ăn dồi dào gồm đậu, ngũ cốc, protein động vật, khoai lang và rau xanh. Sữa không dễ dàng tiếp cận hoặc lưu trữ ở các vùng nóng và do đó, không phải là một phần của chế độ ăn uống truyền thống. Vì vậy, rất hợp lý khi rất nhiều người gốc Phi không dung nạp lactose. Mẹ tôi, bây giờ đã ngoài tám mươi tuổi, lớn lên ở Hungary, nơi sữa là một phần quan trọng của chế độ ăn uống hàng ngày. Bà uống sữa tươi nguyên còn ấm từ bò mẹ. Khi tôi lần đầu tiên tham gia vào ngành dinh dưỡng và sức khỏe, tôi đã từ chối sữa. Tôi nhận ra rằng không có loài nào khác tiêu thụ sữa một cách tự nhiên sau khi còn nhỏ và rằng sữa bò là thức ăn hoàn hảo để giúp một con bê con phát triển thành một con bò to và nặng nhưng sữa bò hoàn toàn không có chỗ trong chế độ ăn uống của người trưởng thành. Tôi đã ăn gạo lứt và rau, theo chế độ ăn thực dưỡng trong sách. Trong nhiều năm, tôi cảm thấy thực sự khỏe khi ngừng ăn các thực phẩm từ sữa. Tôi đã hết cảm lạnh vào mùa đông và không còn chảy nước mũi. Sau đó tôi đã đi chuyến đi đầu tiên tới Ấn Độ và thăm một số bác sĩ thực hành Ayurveda (ngành dưỡng sinh cổ truyền của Ấn Độ), tất cả những người đồng ý rằng tôi cần nhiều sữa hơn trong chế độ ăn uống của mình. Họ nói rằng tôi thiếu đi sự bình tĩnh, năng lượng nhẹ nhàng, nữ tính mà sữa dung chứa. Tôi nhớ mẹ tôi đã khỏe mạnh như thế nào và bà ấy đã uống bao nhiêu sữa khi lớn lên. Vì vậy, tôi dần buông bỏ thái độ cứng nhắc của mình và bắt đầu thử nghiệm với sữa, phô mai và sữa chua. Một số người không thể dung nạp bất kỳ loại sữa nào. Họ bị viêm, rối loạn tiêu hóa và dị ứng.
Bởi tổ tiên của tôi tiêu thụ sữa một cách thường xuyên, nên tôi hưởng lợi khi ăn một lượng vừa phải các sản phẩm sữa chất lượng tốt trong chế độ ăn uống của mình.
Bên trong cơ thể bạn là những vi khuẩn đóng một vai trò rất lớn trong việc giải mã bí ẩn về tính sinh học cá nhân của bạn. Ngày nay, các chính phủ và các tổ chức độc lập khắp thế giới đang tài trợ hàng triệu đô la cho nghiên cứu để hiểu về nó đầy đủ hơn. Tôi đang nói về hệ vi sinh vật, một bản ghi DNA được tạo thành từ hàng nghìn tỷ vi khuẩn sống trong ruột, da và khắp cơ thể bạn. Những vi sinh vật này đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng miễn dịch và tiêu hóa, nhưng chúng cũng là độc nhất với mỗi người. Sức khỏe của hệ vi sinh vật của bạn có thể ảnh hưởng đến nhiều yếu tố - ví dụ như khả năng hấp thụ năng lượng từ thực phẩm bạn ăn. Những vi khuẩn nhỏ xíu này có thể được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị bệnh trong tương lai, từ rối loạn tự miễn dịch đến ung thư. Một khía cạnh khác tính sinh học cá nhân là sự trao đổi chất, hay nói cách khác là tốc độ mà bạn chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Biết được tốc độ trao đổi chất cá nhân của bạn sẽ hữu ích khi đo lường lượng thức ăn mà hệ tiêu hóa của bạn có thể xử lý. Phụ thuộc vào tốc độ trao đổi chất của bạn, cơ thể có thể nhanh chóng chuyển đổi calo thành năng lượng, hoặc dự trữ lượng calo thừa.
Bạn có thể hồi tưởng rằng, khi còn là một thiếu niên, bạn có thể đánh bay một chiếc bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, sữa lắc và kem tất cả trong một bữa ăn mà không bị khó tiêu hoặc làm chiếc quần jeans chật cứng. Đó là bởi vì những người trẻ vẫn đang phát triển, có tốc độ trao đổi chất nhanh và đốt cháy calo nhanh hơn so với người lớn.
Hãy nhớ rằng tốc độ trao đổi chất và độ nhạy cảm của bạn có thể thay đổi khi bạn già đi hoặc khi mức độ căng thẳng hoặc dinh dưỡng thay đổi trong chế độ ăn uống hay lối sống của bạn. Nếu tất cả điều này có vẻ quá khó hiểu và phức tạp, đừng lo lắng. Chỉ cần quan sát cách cơ thể phản ứng với thức ăn bạn cung cấp cho nó. Mọi người đều khác nhau, và làm quen với cơ thể của chính mình là bước đầu tiên cần thiết để khám phá cách giữ gìn sức khỏe.
Giả thuyết về trao đổi chất chứng minh rằng không có một chế độ ăn kiêng nào phù hợp với tất cả chúng ta. Bạn có thể biết những người có thể ăn đường bột đã qua chế biến, chẳng hạn như bánh mì và mì ống, và vẫn rất gầy, trong khi bạn sẽ tăng cân với chế độ ăn như vậy. Không phải vì đường bột là “xấu xa” hoặc cơ thể của bạn không được khỏe mạnh; nó chỉ cho thấy rằng tất cả mọi người chuyển hóa các loại thực phẩm này theo cách khác nhau. Bạn có thể phù hợp hơn với chế độ giàu protein, nhiều rau củ tươi và ngũ cốc nguyên hạt. Biết những loại thực phẩm bạn trao đổi chất tốt nhất sẽ giúp bạn lựa chọn được đồ ăn khiến mình cảm thấy dễ chịu và hỗ trợ cho cơ thể của riêng mình.
Khẩu vị và sở thích cá nhân của chúng ta, hình dạng và kích thước cơ thể, vi khuẩn đường ruột, tốc độ trao đổi chất và nguồn gốc di truyền ảnh hưởng đến loại thực phẩm nào sẽ nuôi dưỡng chúng ta hoặc không. Vì vậy, khi các chuyên gia nói "cà chua tốt cho bạn" hoặc "thịt đỏ không tốt cho sức khỏe”,... đó là những tuyên bố quá tổng quát. Thức ăn của một người có thể là chất độc của người khác và đó là lý do tại sao các chế độ ăn kiêng theo mốt không có tác dụng về lâu dài. Chúng không dựa trên thực tế rằng tất cả chúng ta có nhu cầu ăn uống khác nhau.
Đôi khi phải mất hàng triệu đô la tiền tài trợ và nhiều năm nghiên cứu của các nhà khoa học để chứng minh những gì chúng ta đã biết. Tôi chắc chắn rằng khoa học sẽ sớm khám phá ra rằng nhu cầu ăn uống dựa trên tính sinh học cá nhân.
Lắng nghe Phương đọc và bình luận về Nguyên tắc Tính sinh học cá nhân tại podcast:
Comments