Một nguy cơ của biến đổi khí hậu có thể bạn chưa từng nghe nói tới.
Chúng ta có thể đói dinh dưỡng trong khi vẫn tăng cân đều đều - bạn có tin không? Thực tế này hoàn toàn có thể xảy ra! Theo một nhóm nghiên cứu mới đây, sự tăng nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đang làm cho thực phẩm của chúng ta trở nên nghèo dinh dưỡng hơn, cướp đi các loại vitamin cần thiết cho sự phát triển của con người.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại cây trồng khác nhau như lúa mì, ngô, đậu tương và đậu Hà Lan sẽ chứa ít protein, kẽm và sắt hơn khi trồng trong điều kiện nồng độ carbon dioxide được dự báo vào năm 2050. Thậm chí nhiều loại cây trồng hiện nay đã chịu sự sụt giảm dinh dưỡng này. Một nghiên cứu đã so sánh các loài thực vật hiện đại với các mẫu cây cỏ trong lịch sử phát hiện ra rằng nồng độ của tất cả các khoáng chất bao gồm: kẽm, sắt và canxi có mối liên hệ mật thiết với nồng độ carbon dioxide theo thời gian.
Bài báo mới nhất về chủ đề này, được xuất bản vào đầu năm nay trên tạp chí Science Advances, cho thấy nồng độ các chất dinh dưỡng thiết yếu giảm trong 18 loại gạo sau khi tiếp xúc với mức độ carbon dioxide tăng lên trong một thí nghiệm. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng các vitamin B như riboflavin, chất giúp cơ thể phân hủy thức ăn để tạo năng lượng và folate, quan trọng cho sự phát triển của thai nhi, đã giảm tới 30%.
Tăng nồng độ carbon dioxide có thể gây hại cho thực vật nghe có vẻ ngược đời, vì nó là một trong những thành phần chính mà thực vật sử dụng để phát triển. Nhưng hóa ra quá nhiều carbon dioxide cũng không tốt cho thực vật tương tự như quá nhiều chất đường bột (carbohydrate) đối với con người. Thêm quá lượng carbon dioxide cho thực vật cũng giống như chúng ta nạp calo rỗng từ thực phẩm rác (junk food). Chúng tự nhồi nhét bản thân để phát triển lớn hơn trong thời gian ngắn hơn. Kết quả là những cây trồng to xác nhưng ít dinh dưỡng hơn. Tương tự vấn nạn thừa cân béo phì ở Mỹ, một phần nguyên do là mọi người tiếp cận với một lượng khổng lồ thực phẩm giàu calo nhưng nghèo dinh dưỡng. Nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn.
Từ lâu, các nhà nông nghiệp học đã biết rằng thực phẩm của chúng ta ngày càng ít dinh dưỡng hơn, nhưng họ cho rằng đó chỉ là do sản phẩm phụ của các phương pháp canh tác hiện đại: sử dụng đất quá mức dẫn đến cạn kiệt khoáng chất, hoặc các đơn vị chăn nuôi ưa chuộng các giống cao sản, ưu tiên kích thước mà hy sinh lợi ích dinh dưỡng. Trong khi đó, các nhà thực vật học nghiên cứu trong vài thập kỷ qua đã phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên: carbon dioxide cao cũng góp phần làm giảm hàm lượng khoáng chất trong thực vật.
Các nhà khoa học về thực vật và nông nghiệp đều nắm giữ những mảnh ghép khác nhau để giải câu đố chung, nhưng không ai xâu chuỗi chúng lại để giải thích đầy đủ về hiện tượng cạn kiệt dinh dưỡng cho đến gần đây.
Vào năm 1998, một nhà khoa học tên là Irakli Loladze đã nhận thấy động vật phù du sẽ chết đói do thiếu chất dinh dưỡng khi ăn những loại tảo được cung cấp thêm ánh sáng và phát triển nhanh hơn. Anh ta nghĩ rằng điều tương tự có thể xảy ra với thực vật do dư thừa carbon dioxide, và trực giác của ông đã được chứng minh là chính xác. Hiện tượng này được mệnh danh là “sự sụp đổ lớn về dinh dưỡng”.
Nhìn sâu vào kết quả nghiên cứu, chúng ta thấy đây là vấn đề chung của tất cả mọi người, nhưng tác động nặng nề hơn tới những người ở các khu vực nghèo đói hoặc kém phát triển trên thế giới. Nơi việc bù đắp sự thiếu hụt chất dinh dưỡng bằng cách bổ sung nhiều protein và vitamin sẽ trở nên khó khăn hơn.
Theo Chỉ số Đói toàn cầu (Gloabl Hunger Index), 2 tỷ người trên toàn thế giới đã phải chịu đựng "nạn đói tiềm ẩn", trong đó mọi người đói do suy dinh dưỡng mặc dù họ đã nạp vào đủ lượng calo. Thiếu sắt là chứng rối loạn dinh dưỡng hàng đầu trên thế giới, cứ ba người thì có chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt lượng kẽm nạp vào, và hàng triệu người bị thiếu canxi, magiê hoặc selen. Chế độ ăn nghèo các chất dinh dưỡng thiết yếu này có thể dẫn đến suy giảm phát triển nhận thức ở trẻ em, tăng tử vong ở bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ, giảm tốc độ tăng trưởng ở trẻ sơ sinh và suy giảm chức năng miễn dịch.
Ở những quốc gia mà phần lớn người dân sống dựa vào một số loại cây trồng chính và không ăn các loại thực phẩm đa dạng giàu khoáng chất, sự suy giảm chất dinh dưỡng có thể gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đến dinh dưỡng. Ví dụ, mỗi 5 calo người dân tại đó nạp vào, có tới 2 calo tới từ gạo và lúa mì. Chỉ riêng gạo đã cung cấp 70% lượng calo tiêu thụ ở Bangladesh, quốc gia đông dân thứ tám trên thế giới, nơi suy dinh dưỡng đã là một vấn đề nhức nhối.
Một nghiên cứu đã lập bản đồ phân bố theo địa lý những người dễ bị tác động của bệnh thiếu máu nhất và phát hiện ra rằng các quốc gia dễ bị tổn thương nhất thường là những nước nghèo nhất và do đó ít có khả năng “giải quyết” vấn đề bằng cách ăn nhiều trái cây, rau và thịt giàu chất sắt.
Mối đe dọa tức thì của suy giảm chất dinh dưỡng đối với sức khỏe con người đã rõ ràng, nhưng các tác động khác ít được nghiên cứu hoặc vẫn còn là ẩn số. Ví dụ, không chỉ thức ăn của con người mới ngày càng trở nên kém dinh dưỡng hơn. Một nghiên cứu cho thấy rằng do mức độ carbon dioxide ngày càng tăng, phấn hoa mà ong ăn như một nguồn thức ăn quan trọng vào cuối mùa hè hiện chứa ít protein hơn so với trước đây. Một phát hiện khác cho thấy thực vật tạo ra ít mật hoa hơn khi tiếp xúc với nhiều carbon dioxide, có thể ảnh hưởng đến các loài thụ phấn như bướm và chim ruồi. Các nhà khoa học thậm chí còn biết ít hơn về những gì sẽ xảy ra với động vật ăn cỏ hoặc điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến động vật ở vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn. Liệu thịt được nuôi từ động vật như bò và lợn có chứa ít chất dinh dưỡng hơn vì những động vật đó đang ăn thực vật ít dinh dưỡng hơn không? Hiện tại, các nhà nghiên cứu chỉ có thể phỏng đoán.
Điều thú vị là các loại cây như ngô và mía, có phương pháp quang hợp ít phổ biến hơn, ít bị suy giảm chất dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, nhóm gọi là “thực vật C4” này chỉ chiếm khoảng 3% tổng số các loài thực vật. Do đó trông chờ vào việc tạo ra nhiều nông sản hơn từ vụ mùa của các loài cây C4 để làm thực phẩm có lẽ sẽ không giải quyết được tình trạng cạn kiệt chất dinh dưỡng.
Tình huống trớ trêu sau cùng là: một nhà nghiên cứu cho biết sự suy giảm chất dinh dưỡng có thể góp phần làm gia tăng bệnh béo phì vì mọi người đang ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu tinh bột hơn và tiêu thụ nhiều thức ăn hơn để bù đắp cho lượng dinh dưỡng bị thấp đi.
Tương tự như cách các loài động vật phù du chết đói trong khi tự nhồi nhét những loại tảo kém chất lượng được cung cấp quá nhiều ánh sáng; tất cả chúng ta đều có thể đang tiến tới một thế giới kỳ lạ. Trong đó chúng ta bị bao quanh bởi thức ăn và không thể ngừng ăn, nhưng trong thực tế, lại luôn bị đói trong khi trở nên béo phì.
Chúng ta có thể giảm thiểu tác động của sự suy giảm chất dinh dưỡng không? Có thể, nhưng nó sẽ không dễ dàng. Dân số thế giới đang gia tăng, làm tăng nhu cầu lương thực toàn cầu. Ngay cả khi chúng ta giảm đáng kể lượng khí thải carbon dioxide bắt đầu từ bây giờ, thì nồng độ carbon dioxide trong khí quyển vẫn sẽ đạt 550 phần triệu trong khoảng 50 năm tới. Các nhà khoa học đã thành công trong việc biến đổi gen cây trồng với các chất dinh dưỡng được tăng cường. Ví dụ, gạo vàng cung cấp cho con người nhiều vitamin A hơn các loại khác, nhưng quá trình này kéo dài, tốn kém và không có khả năng bù đắp cho lượng chất dinh dưỡng và vitamin suy giảm do nồng độ carbon dioxide tăng lên.
Trong khi đó, các nhà khoa học đang nỗ lực để nâng cao hiểu biết của chúng ta về sự suy giảm chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến động vật và con người trên toàn thế giới. Với những cố gắng của họ, chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với thử thách: giữ cho thế giới được đủ ăn và khỏe mạnh dưới mối đe dọa vô hình mới từ sự thay đổi môi trường do con người gây ra.
Đội ngũ Nam Phương dịch.
댓글