Đọc, Đi và Gặp gỡ không ngại ngần
top of page

Đọc, Đi và Gặp gỡ không ngại ngần

Đọc


Đây là vài dòng trong nhật ký của mẹ viết lúc mình còn học tiểu học mà có lúc mẹ đã cho mình đọc: “Hôm nay con gái đã đòi ăn kẹo bông bán trước cổng trường. Mình đã phải đấu tranh tư tưởng vì biết rằng những thứ ấy không bổ béo gì. Thế nhưng con bé thường rất ngoan, nó chẳng đòi hỏi việc gì mà chỉ toàn đọc sách”. Rồi thế là mình đã được ăn kẹo bông.


Cũng nhờ việc gia đình mình ai cũng có thói quen đọc, nên trong nhà lúc nào cũng có sẵn một tủ to đựng đầy sách, báo, tạp chí. Sau này, mình có tủ sách riêng của mình và lấp đầy vào đấy từ truyện tranh cho đến truyện chữ. Đến cấp hai khi mình có máy tính và Internet, mình bắt đầu đọc truyện trên Internet và thậm chí còn tham gia viết truyện, viết báo, rồi đến blog. Và việc làm một con mọt sách trong nhiều năm đã cho mình nhiều hơn cục kẹo bông rất nhiều.



Tuổi thiếu niên thì đứa nào cũng như miếng bọt biển. Được nhúng vào cái gì thì hấp thụ cái đấy, gần như chưa có bộ lọc nào. Mình may mắn vì cái thuở thiếu niên của mình dù Internet đã xuất hiện, nhưng nội dung chưa quá tả pí lù như lúc có mạng xã hội xuất hiện. Vì vậy, dù chưa kịp phát triển bộ lọc thì mình cũng hấp thu được kha khá những thứ hữu ích. Những người viết lúc đó hầu hết là có thói quen đọc, từ vựng giàu đẹp và trí tưởng tượng phong phú. Việc đắm mình trong thế giới đọc-viết lúc đấy đã giúp mình được sống trong một thế giới của riêng mình. Từ đó mình được sống trong một thế giới thứ hai, bên cạnh thế giới thực tế quá thiếu hấp dẫn lúc đấy của một học sinh trường chuyên là học, học và học. Nó cũng cho mình nắm bắt thông tin nhanh và sớm hơn nhiều bạn đồng trang lứa ở tỉnh lẻ lúc đó.


Đến năm lớp 11, quyết liệt không kém gì cái lần đòi ăn kẹo bông hiếm hoi, mình đã xin được một mình ra Hà Nội đi phỏng vấn xin học bổng du học. Nhờ đó, được học cách đối diện thất bại rất sớm. Nhưng thất bại đó cho mình sự hào hứng được thử thách mình ra khỏi biên giới tỉnh thành thêm lần nữa, lần nữa...Lần nào, bố mẹ cũng phải chịu thua với sự ương bướng của mình. Đến cuối năm lớp 12 thì bố mẹ mình bảo: “Tuổi này mà có xu hướng đi nhiều thế chắc nó tính làm hướng dẫn viên du lịch!”


Đi


Việc đọc và đi của mình gắn chặt chẽ với nhau. Mỗi lần đọc được những điều mới mẻ, mình lại được hứa hẹn rằng thế giới rộng lớn ngoài kia đang chờ mình đi để khám phá. Còn mỗi lần đi về, mình lại lượm lặt thêm những kinh nghiệm mới và các mối quan hệ mới...khiến mình lại tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm.

Những chuyện này mình làm rất bản năng, vì lúc đấy chưa được tiếp cận với các dòng sách self-help hay có bậc tiền bối nào chỉ dạy. Đến khi chính thức được đi học xa và tiếp cận với các lựa chọn phong phú hơn nữa, thì mình lại ngày càng say sưa trong hai niềm đam mê lớn đó. Đến năm hai đại học thì mình phải mổ mắt gấp vì đã cận đến 10 độ (để rồi vài năm sau cận lại như bây giờ, dù độ nhẹ). Còn khi ra trường thì đã đi được tầm 10 quốc gia với đủ kiểu lý do từ du lịch với bạn thân, đi theo crush, cho đến tham gia các chương trình quốc tế, làm đại sứ hay đạt giải thưởng.



Trong một tỷ thứ mình đọc, mình đọc về cả các chuyến đi. Và trước khi đi, thì thường đọc về nơi mình sẽ đến. Giờ vẫn còn nhớ đời vì có mấy lần đã ngồi khóc vì đã nhận giấy thông báo bị tước quyền thi cử, hay đe doạ tước học bổng toàn phần vì...chuyên gia nghỉ học để đi đâu đấy. (Chuyện làm sao qua được các kiếp nạn này xin khỏi kể, chỉ cần biết bản chất không khác gì vụ ăn kẹo bông).


Gặp gỡ


Thế rồi như “đứa con” ra đời bởi cuộc hôn phối giữa hai niềm đam mê cháy bỏng này, mình bắt đầu mê những cuộc gặp gỡ. Đi đến đâu, mình cũng ngồi xuống để nghe người địa phương kể về cuộc sống của họ. Những thứ tầm thường vụn vặt nhất của họ như hàng ngày ăn gì, có thói quen ra sao, thích mang về nhà cái gì...cũng trở nên hấp dẫn vì nó là điều mới mẻ, khác biệt so với mình. Mình lắng nghe từ cụ già, đến người lớn và trẻ em. Mình đặt câu hỏi liên tục cho dù mình gặp ai, từ quan chức chính phủ (tại Ấn), thị trưởng thành phố, đại diện trường Đại học (tại Ireland), các doanh nhân (tại Hàn Quốc) cho đến các nhà sư (tại Thái Lan) và đủ mọi thành phần nhân dân.


Mình cũng thích cả việc lâu lâu bắt gặp được một phượt thủ hợp cạ trên đường và chia sẻ với nhau từ miếng bánh, ít nước cầm hơi cho đến những tips tiết kiệm tiền kì quặc, hay review couchsurfing chỗ này chỗ kia có an toàn hay không...Mình thấy cứ mỗi cuộc gặp gỡ và chuyện trò như vậy lại mở ra cho mình cả một bầu trời mới, và cho mình được xác thực lại những ấn tượng ban đầu của mình về quốc gia-dân tộc-tầng lớp ấy thông qua truyền thông. Càng đọc-đi và gặp gỡ thì càng thấy mình phải khiêm tốn hơn, phản tỉnh liên tục, và càng không chắc chắn vào “điều mình biết” nữa.



Khi gặp các bạn trẻ dưới 30, mình thường thấy lạ lùng vì quá ít bạn chịu đọc nhiều, đi nhiều. (Đọc chỉ để giải trí hoặc đi chỉ để du lịch chụp ảnh check in không tính nhé). Khi không đọc & đi nhiều thì thường loanh quanh trong cái khuôn tư duy truyền thống. Rồi đến khi có biến động, thì lại loay hoay không biết ứng phó ra sao.


Có người thì đổ lỗi cho cha mẹ đã không gieo thói quen tốt cho mình hay thầy cô đã bắt học quá nhiều. Có người thì bị sợ hãi ngăn cả, kiểu như: “Ấn Độ nguy hiểm lắm phải không? Nghe nói phụ nữ rất dễ bị cưỡng hiếp...”. Có người thì đã “lỡ” lập gia đình, lập công ty, lập dự án...gì đó quá sớm khiến họ thường có áp lực phải luôn có những lựa chọn “thực tiễn” như đọc sách thì chỉ đọc sách nuôi dạy con, cách làm giàu thành công, cách sống cân bằng trong thế giới đầy drama. Nếu có đi thì là đi thăm gia đình nội ngoại, đi công tác, đi khảo sát thị trường. Gặp gỡ ở đây cũng thường xuyên mang tính xã giao, đối ngoại...


Mình không nói những điều trên là sai. Nhưng có vẻ như việc Đọc - Đi và Gặp gỡ ở đây đã mất đi niềm vui trong trẻo của khám phá thuần tuý. Mất đi những bất ngờ thực sự thú vị trước thế giới muôn màu. Và nó bó hẹp con người ta lại trong những định khuân tính cách khá nhàm chán. Một số người cố gắng làm thật nhiều cả 3 điều này để “phát triển bản thân” dễ bị mệt mỏi, thậm chí thấy kiệt sức. Rồi sau đó lại thất vọng và mất niềm tin với bản thân. Hoặc là có một thế giới quan được hoàn toàn nhào nặn từ các câu chuyện tiêu cực trên truyền thông.

Nhưng ngay cả khi bạn không còn trẻ nữa, chỉ cần bạn không bỏ dù chỉ 1 trong 3 điều trên trên tình thần cởi mở nhất có thể, nó cũng đủ để giúp bạn mở rộng tâm trí và lựa chọn sống. Đọc - Đi và Gặp gỡ sẽ cho bạn vô số các vị thầy, chỉ dẫn, các kỹ năng, kiến thức, khả năng tự xoay sở linh hoạt và quan trọng nhất là tinh thần không ngại ngần học hỏi lại từ đầu.


Để rồi mỗi khi có một thử thách cuộc sống hay đứng trước một khó khăn, những người đã mở rộng tâm trí đó thường sẽ nhớ đến một thông điệp thông tuệ trong sách, một quan điểm sống khác biệt ở một vùng đất đã đi qua, hay lựa chọn chân thật của một ai đó đã gặp.

Và rồi rất có thể, họ can đảm lựa chọn điều mà trái tim mình thực sự khao khát.
 

Series Ấn Độ du ký, nơi mình kể về một trong rất nhiều Hành trình của mình:


bottom of page