top of page

Khí ở trong mình

Chào bạn thương,


Chào mừng các bạn đến với series Podcast Lắng nghe những mầm xanh. Đây sẽ là một hành trình tái khám phá thiên nhiên cả trong và ngoài mình. Là hành trình quay về lắng nghe những hạt mầm đang cựa quậy nơi lòng đất tâm thức, chầm chậm trải qua những mong manh và tăm tối để chờ ngày mở vỏ, đội đất vươn lên, hướng về phía mặt trời. Và cũng là hành trình hiểu & thương toàn bộ mạng lưới sự sống mà mình là một phần không thể tách biệt trong đó.


Bạn có thể lắng nghe bản audio của nội dung này trên các kênh Podcast của Phương vào mỗi thứ Ba hàng tuần:

 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nói đến yếu tố cuối trong tứ đại Đất - Nước - Lửa - Khí . Hôm nay mình sẽ tìm hiểu xem khí trong mình là gì, có biểu hiện trên cơ thể ra sao, ta kết nối và chăm sóc cho khí trong mình như thế nào.

Như thường lệ, cuối bài sẽ đính kèm một thực tập ngắn cùng Phương. Hôm nay sẽ không phải là một bài thiền dẫn mà là bài tập thở ngắn mà hiệu quả, giúp chúng ta nuôi dưỡng Khí ở trong mình.


Click để nhảy đến phần bạn quan tâm, hoặc kéo xuống đọc theo thứ tự của từng mục:


Khí trong mình là gì?


Khí! Khí là yếu tố tinh tế, luôn có mặt ở đó nhưng chẳng mấy khi ta để ý đến. Khí trong mình chính là hơi thở tự động vào - ra.

Chỉ 10 giây sau khi chào đời, cú sốc của thế giới mới đầy thách thức khiến lồng ngực bạn bất ngờ và bắt đầu hoạt động với việc bạn cố hít thở lần đầu tiên.

Phổi sẽ không ngừng làm việc kể từ đó cho đến lúc chết. Một người trưởng thành trong trạng thái nghỉ ngơi thở đến 23.000 nhịp thở mỗi ngày. Đến khi 30 tuổi, bạn đã hít vào thở ra chừng 250 triệu lần.

người trưởng thành thở 23000 nhịp thở mỗi ngày

Khi thở vào, không khí đi vào qua ngã mũi, qua đường hầu họng (cổ họng) và thanh quản và sau đó xuống khí quản.

Khí quản sau đó lại phân ra hai phần gọi là phế quản chính, cung cấp khí đến hai lá phổi. Các phế quản chính này lại tiếp tục phân chia thành các nhánh nhỏ hơn. Cuối cùng, phế quản phân chia thành các tiểu phế quản (là các ống dẫn khí nhỏ nhất trong phổi). Ở phần tận cùng của các tiểu phế quản là các phế nang. Phế nang là những túi khí nhỏ xíu được lót bởi một lớp tế bào rất mỏng. Tuy nhiên chúng lại được cung cấp lượng máu rất nhiều. Và tại những phế nang nhỏ này là nơi mà khí oxy được hấp thụ vào máu còn khí carbonic (CO2) được thải ra ngoài khỏi máu.

đường đi của không khí qua hệ hô hấp

Để cho dễ hình dùng thì các bạn hãy tưởng tượng hệ thống ống dẫn khí này giống như hình ảnh một cái cây lật ngược lại vậy. Trong đó khí quản là thân cây, còn các cuống phổi, tiểu phế quản là các cành, nhánh. Các phế nang trao đổi khí oxy và carbonic thì giống như những lá cây. Và thực ra, các nhà khoa học cũng gọi hệ thống này là hệ thống cây khí quản.


Không biết là hồi học phổ thông trong giờ sinh học, các bạn có thấy hứng thú với hình ảnh cái cây lật ngược này không? Bản thân Phương thì không có một chút ấn tượng nào hết, cho đến mãi sau này khi nhìn lại thì...wow, thật bất ngờ! Không, thậm chí là có chút chấn động nhẹ khi thấy rằng bên trong mình có một cái cây. Và Phương không coi đó là một hình ảnh ngẫu nhiên đâu. Nó giống như một lời nhắc nhở về mối quan hệ trao đổi khí - trao đổi sự sống - của mình và những cái cây xung quanh vậy.

Nếu như cây ở bên ngoài hấp thu khí carbonic và trả lại khí oxy, thì cái cây bên trong mình hấp thu khí oxy đó và trả lại khí carbonic. Đó là một mối quan hệ trao đổi đẹp đẽ giữa cái cây bên trong mình và những cái cây bên ngoài mình. Mỗi lần trao đổi đó là một món quà của sự sống mà mẹ thiên nhiên đưa đến cho mình. Thật đẹp, phải không?


Biểu hiện của Khí ở trong mình


Vì tự bản thân khí không có hình dạng cố định, không màu, không mùi... nên chúng ta thường chỉ quan sát được khí thông qua lực đẩy của nó lên những yếu tố khác, thường là tạo ra sự chuyển động, và từ chuyển động khiến vật được tác động thay đổi hướng, nhiệt độ và âm thanh. Tức là sao ha?


Này nhé, bạn có nhìn thấy gió không? Không, bạn chỉ biết gió đến và chiều của luồng gió bởi bạn thấy các hàng cây rung lắc và ngả về một hướng đúng không nào? Từ hướng đó bạn biết là gió Tây hay gió Đông, Đông Bắc,... Hoặc do bạn thấy sóng trên mặt hồ chạy theo 1 hướng , thấy lành lạnh trên da, hay nghe tiếng lá xào xạc, tiếng chuông gió kêu leng keng...và bạn biết là có gió.


Tương tự như vậy, bạn biết hướng đi của khí trong cơ thể của mình thông qua những chuyển động của các phần cơ thể mà khí đi qua. Từ sự nở ra-thu vào của lỗ mũi, rồi đến sự nâng lên-hạ xuống của lồng ngực. Và nếu như thở sâu thì bạn cảm thấy sự phồng - xẹp của thành bụng nữa. Nếu bạn đưa một ngón tay lên sát mũi, bạn cũng cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ nho nhỏ - vào thì lạnh, ra thì nóng. Bạn thử xem!

cảm nhận Khí trong mình qua hơi thở

Tuy nhiên cảm nhận của chúng ta đối với khí không dừng lại ở đó. Đối với những người có luyện tập chú tâm hay các bộ môn như khí công, thái cực quyền, yoga, thì sẽ dần dần cảm nhận được sự dịch chuyển của các luồng khí huyết khắp toàn thân.

Trong cơ thể chúng mình, khí chỉ chiếm cỡ 6% thôi , ít hơn rất nhiều so với hơn 70% của nước. Thế nhưng nhờ có khí tạo lực đẩy mà khớp có thể chuyển động, máu lưu thông, đưa oxy và dưỡng chất phân bố khắp cơ thể. Khí cũng biểu hiện trong những cú lướt qua cực kỳ nhanh của xung thần kinh, tạo ra những luồng suy nghĩ và cảm xúc.


Và bạn biết đấy, một con người bình thường có thể không ăn hàng tuần, không uống vài ngày, nhưng không thể nào không thở quá 5p mà không gặp nguy hiểm được. Trong Đông y học cổ truyền, các bệnh đều quy về chữ Khí. Và các phương pháp chữa bệnh là để điều hoà lại khí.

Khi ta tiến dần đến cái chết, khí trong hơi thở cũng là điều cuối cùng rời bỏ thân xác của ta.

Những sự thực này cho thấy những điều hiển nhiên, sẵn có nhất thực ra lại là những điều quan trọng nhất. Bạn đừng bao giờ quên nhé.


Hơi thở là cầu nối Thân - Tâm, điều hoà cảm xúc


Và bạn biết không? Bên cạnh tầm quan trọng của hơi thở đối với sức khoẻ thể chất, khí trong hơi thở còn được coi là cầu nối của Thân-Tâm, giữa vật chất và năng lượng.

Bây giờ, ngay lúc này, bạn đang thở ra sao?

Bạn có thấy rằng: Tính chất của hơi thở mà bạn đang có là một biểu hiện phản ánh tâm trạng, cảm xúc của bạn không?

Khi bạn đang bồn chồn, lo lắng thì hơi thở thường nông và nhanh. Còn khi bạn đang tĩnh lặng, bình an thì hơi thở thường sâu và chậm hơn.

Ẩn bên dưới hai trạng thái nói trên là hai chế độ của hệ thần kinh tự chủ, điều hoà các quá trình sinh lý trong bạn.

Khi bạn lo lắng, sợ hãi thì đó là khi hệ thần kinh giao cảm kích hoạt phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy. Còn khi bạn bình tĩnh, thư giãn thì hệ thần kinh đối giao cảm sẽ hỗ trợ cho các chức năng mang tính duy trì, tái tạo, hồi phục. Nếu như cơ thể chúng ta như một chiếc xe máy, thì hai cơ thế này một cái là giúp rồ ga, còn một cái là giúp thắng lại vậy.


hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm

Và ta cần cả hai! Tuy nhiên, khi mà cơ thể ta bị nhầm lẫn hệ thống nào nên được bật lên do quá nhiều kích hoạt stress trong môi trường khiến nó bị báo động giả, cứ tưởng lúc nào cũng cần cảnh giác...thì sẽ rất nguy hại. Bởi vì khi cứ ở trong trạng thái chiến đấu/bỏ chạy, nhiều chức năng khác như tiêu hoá, miễn dịch, sinh sản bị thoả hiệp. Từ đó gây ra vô số tật bệnh.


Và hẳn là bạn đoán được cách đơn giản nhất để trở về với chế độ của thư giãn và phục hồi rồi chứ? Đó chính là hơi thở!


Tất cả những gì bạn cần làm là cho mình vài phút thơi, đâu đó trong tầm 10-20 hơi thở sâu chậm, đưa dưỡng khí xuống dưới vùng bụng. Cảm nhận luồng khí bên trong đang đưa bụng phồng lên/xẹp xuống. Những hơi thở này chính là "công tắc" giúp bạn thoát khỏi sự bùng nổ của tâm trạng căng thẳng, tránh stress cấp tính lẫn mãn tính, và cả các nguy cơ về sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần như lo lắng, trầm cảm và cao huyết áp.

Câu hỏi cuối cùng đặt ra là...


Chăm sóc Khí trong mình ra sao?


1/Chọn nơi có khí hậu trong lành mà sinh sống nếu có thể.


Điều này nghe có quá hiển nhiên không? Hay rất là lý thuyết và không thể làm được do hoàn cảnh của bạn?

Phương thì Phương tin là điều đó tuỳ thuộc phần nhiều vào định hướng sống lâu dài và quyết tâm của bạn nữa. Mình có những người bạn vẫn đang ở thành thị, nhưng họ có hướng về ngoại ô hoặc vùng quê nào đó sinh sống. Và họ lên kế hoạch dài hạn cho nó: từ việc dành dụm tiền cho bước chuyển đổi lớn đó, mua đất đai, hay thậm chí quan trọng hơn là truyền thông với người đang sống cùng mình.Nhưng nói như thế không có nghĩa là Phương xúi giục bạn bắt buộc phải chuyển nhà.


2/Tập hàng ngày một bộ môn có tác dụng điều hoà khí huyết

  • Luyện khí công, yoga, taichi

  • Tập thở bụng

  • Thở điều khí trong yoga (pranayama), tập nhịn thở

Hay là kết hợp tất cả những điều đó, tại sao không? Thường thì các bộ môn này có tính hệ thống, có triết lý sau xa và đã cho thấy hiệu quả từ cả ngàn năm rồi. Mình mà không biết kế thừa những minh triết được để lại thì chẳng phải là mình quá ngốc sao?

Khi Phương còn học giáo viên yoga ở Ấn Độ, bộ môn pranayama còn được chú trọng hơn cả việc luyện tập tư thế (asana) nữa đấy!


Một cách tự nhiên, các môn nói trên thường gắn với thiền định. Trong thiền, hơi thở cũng được coi là phương tiện hàng đầu để đạt được định tâm, giúp nuôi dưỡng và trị liệu. Chính vì thế có thể nói rằng việc nắm kỹ được các bài tập thở cơ bản và luyện tập nó nhuần nhuyễn là một kỹ năng sống thiết yếu đấy.


3/ Tập ngồi thẳng lưng và nằm thẳng lưng


Khi chúng mình làm việc nhiều bên máy tính, chúng mình thường đợi đến khi đầu cổ vai gáy đau mỏi lắm mới tìm cách điều chỉnh. Thế nên, hãy tìm cách nhớ để thường xuyên điều chỉnh lại lưng, cổ, và có thể thông qua một vài dụng cụ hỗ trợ như giá để máy tính , bàn phím rời...Khi các đốt sống lưng thẳng hàng với đầu, cổ thì khí lưu thông trong cơ thể thuận lợi, tránh bị tắc nghẽn.


4/Trồng cây

trồng cây để chăm sóc Khí ở trong mình

Trồng ngoài trời hay ở trong nhà, bất cứ đâu bạn có thể! Mình cũng có nhiều người bạn khác sống ở thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội đã tự mua giàn, đất trồng cây về và trồng rau trên sân thượng hay ở ban công. Nhiều chị em học viên của mình cũng thường xuyên khoe cây cối quanh nhà, trồng trong chậu nhỏ, trong thùng xốp, hay trên những giàn leo nho nhỏ. Cây nội thất cũng có rất nhiều loại có tác dụng lọc không khí, ví dụ như trầu bà và lưỡi hổ. Hãy phủ xanh nơi mình sống!

Trồng và chăm cây chính là một cách chủ động để dành tặng cho lá phổi luồng dưỡng khí tươi mát, và cho cả hệ thần kinh được xoa dịu.

Hơn nữa, nó cũng là cách mà chúng ta đền bù cho mẹ Trái Đất vì những thiệt hại ta đã gây ra. Để đáp ứng đủ tiện nghi cho cuộc sống của 1 người bình thường, có vô số sản phẩm phải được làm ra từ gỗ, từ các phần khác khai thác từ rừng cây. Từ giường tủ bàn ghế gỗ, cho đến giấy báo, sách vở, thậm chí cả các viên thực phẩm bổ sung chúng ta dùng cũng có thành phần thảo dược của rừng, hay thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng có được là do người ta chặt rừng để làm các khu chăn nuôi lấy thịt & sữa. Tốc độ rừng bị chặt đang quá khủng khiếp! Nói cách khác, chúng ta đang đốt chính lá phổi của mình. Với tư cách một nhân loại thì ta đang tự sát.

Vì vậy, việc trồng cây - càng nhiều càng tốt - là một trong những điều lành nhất mà ta có thể làm. Bạn có đồng ý không?


Giờ thì đã đến lúc cho phần thực tập cùng nhau rồi. Mình sẽ hướng dẫn các bạn tập bài tập thở sâu tác ý. Tức là kết hợp giữa kỹ thuật thở bụng cơ bản và tác động lên quá trình hồi phục, chữa lành bằng một chủ ý mạnh mẽ đi kèm hơi thở. Đây là bài tập sẽ rất hữu dụng cho bạn đặc biệt khi mệt mỏi, đau ốm hay muốn đẩy nhanh quá trình chữa lành.

Để làm theo hướng dẫn đúng cách thì bạn cần tập trung lắng nghe và làm theo. Cho nên nếu như bạn đang trong một môi trường ồn ào, dễ xao nhãng thì cứ ngừng lại giây lát, rồi tìm một nơi phù hợp hơn nhé. Chúng mình có thể hẹn nhau tiếp tục bất cứ lúc nào!


Bây giờ thì, bật video dưới đây và theo dấu thời gian tới phần cuối để thực hành cùng Phương nhé.


88 views

Recent Posts

See All

Commentaires


bottom of page