Hôm nay có người hỏi mình Tết có đi đâu không? Mình bảo: “Dạ ngoài chỗ thân thiết nhất gần như không đi đâu. Vì nhà con đang có hai cây đào cùng bung nở rất đẹp. Cho nên con chỉ muốn ngồi ở nhà tận hưởng.”
Thật vậy, sáng nay đào nở rộ hơn và Tiền Hạnh Phúc cùng những lời cảm ơn lại tiếp tục đến trong tài khoản. Thế nhưng điều khiến mình hạnh phúc nhất là mình nhận ra bản thân đã thực sự tận hưởng niềm sung sướng, hân hoan này thật lâu. Ngày trước mình đâu có biết! Hoặc mình cho là những điều được hưởng là đương nhiên, hoặc cho là phải cố gắng hơn nữa để còn được nhiều hơn nữa.
Đôi khi mình nhận ra tàn dư của thói quen cũ vẫn còn khá nhiều. Như khi ngắm hoa mình cũng quan sát tâm, thấy đi theo tâm trạng sung sướng lại có ngay một suy nghĩ len lỏi: “Không biết hoa sẽ nở được bao lâu thì tàn?”. Buồn cười thế đấy.
Cũng như vậy, một bài học đơn giản mình học được trong những năm gần đây là: Không phải mình đang có những gì, mà là mình có thể thực sự tận hưởng được bao nhiêu với những điều có sẵn.
Không thiếu hoa để ngắm. Vấn đề là ta có tận hưởng được hoa đang nở mà không sợ hoa tàn hay không?
Không thiếu người ở bên. Vấn đề là ta có mặt với họ trọn vẹn thân-tâm mà không lo lắng đến những điều sắp đến hay không?
Không thiếu tiền của có sẵn. Vấn đề là lòng có thanh thản để tận hưởng được những gì tiền mang lại hay không?
Những ám ảnh thiếu thốn từ sâu trong tiềm thức thường ngăn ta không tận hưởng được trọn vẹn những gì đang có mặt. Giống như thực chất, dòng nước mát đổ xuống rất nhiều nhưng ta có thể như một cái cây không có bộ rễ khoẻ để thấm hút tốt, rất nhanh khô héo.
Điều này đặc biệt đúng với vấn đề Tiền bạc.
Dịp Tết, có nhiều bạn trẻ mới ra trường khá sợ về quê vì kiểu gì cũng bị hỏi đến vấn đề nhạy cảm là ra trường đi làm rồi lương bao nhiêu một tháng? Chắc chẳng ai hỏi: Cháu dành dụm được bao nhiêu sau khi trừ đi hết các khoản chi phí? Hay: Cháu tận hưởng được tiền kiếm được đến mức nào?
Mặc dù bạn sẽ không được hỏi đến, hãy biết rằng việc bạn thực sự dành dụm lại được bao nhiêu, và bạn tận hưởng được hay không những gì Tiền mang đến là hai tiêu chí khá quan trọng với hạnh phúc của bạn. Đừng sa vào cái bẫy “nhiều hơn thì tốt hơn.” Nếu không, bạn sẽ có cuộc sống như Lê Cát Trọng Lý đã hát “Thế hệ tôi nghèo tất cả trừ tiền ra...”
Trong cuốn “Tuần làm việc 4h”, Tim Ferris đề cập đến cặp khái niệm rất hữu ích là Thu nhập tuyệt đối vs Thu nhập tương đối.
Thu nhập tuyệt đối được đo bằng biến không đổi: số tiền bạn kiếm được (trong một tháng hay một năm chẳng hạn). Đơn vị đo lường là số tiền (đô la, VNĐ...)
Thu nhập tương đối được đo bằng cách lấy Tổng số tiền bạn kiếm được chia cho tổng thời gian bạn phải dành ra để kiếm nó. Đơn vị là số usd/giờ hay số vnd/giờ.
Chuyện này nghe đơn giản như một bài toán tiểu học, nhưng khi ta thực sự ngồi xuống và nhìn vào thu nhập tương đối của chính mình, ta sẽ thấy một thang đo có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Ví dụ:
-Về thu nhập tuyệt đối: Anh A kiếm được 100,000 USD/năm, anh B kiếm được 50,000 USD/năm. Vậy nếu cả hai cùng về ăn Tết, hẳn là anh A sẽ nhận được con mắt ngưỡng mộ hơn hẳn anh B.
-Về thu nhập tương đối: Anh A phải “cày” mất 80h/tuần để kiếm được số tiền đó. Như vậy, thu nhập tương đối là 25 USD/giờ. Anh B chỉ làm việc đúng 10h/tuần, vậy thu nhập tương đối của anh là 100 USD/giờ. Gấp 4 lần anh A! (Thế nhưng mọi người có thể chê rằng anh B sao mà lông bông quá, không chăm chỉ làm ăn như anh A).
Bỏ ý kiến của mọi người sang một bên, anh B có rất nhiều tự do trong việc làm gì ngoài công việc, gặp gỡ hẹn hò với những ai, theo đuổi sở thích, tập luyện thể thao...Anh B có điều mà mình nói là “sự giàu có phi tiền tệ” như sự tự do làm điều mình thích, sự thanh thản, sức khoẻ...
Nghe đơn giản đến mức đáng ngạc nhiên. Thế nhưng khi còn trẻ, chúng ta thường không nghĩ đến vấn đề này. Thường chúng ta lại mắc kẹt trong một niềm tin hạn hẹp rằng: Số tiền kiếm được thường tỷ lệ thuận với thời giờ bỏ ra cho công việc. Vì vậy, cứ chăm chỉ cày cuốc để đến khi nào về già thì tận hưởng. Giờ mà dành nhiều thời gian nghĩ đến chuyện tận hưởng là lười nhác hay quá an phận, không chí tiến thủ.
Bản thân mình từng có tư duy kiểu như thế, nên dành rất nhiều thời gian để làm việc, làm việc và làm việc. Mình không cho phép mình dừng lại và có cảm giác “xa xỉ” là tận hưởng.
Thế nhưng, mình cũng không có ý nói bài học về sự tận hưởng là phải bớt kiếm tiền lại, phải “an phận”, phải bớt phấn đấu...Mình muốn nói đến cái khả năng của việc phát triển khả năng tận hưởng cuộc sống với tất cả các chiều kích của nó. Có cái mua được bằng tiền, có cái không. Nhưng hầu hết sẽ trôi qua rất mau nếu như ta không biết tận hưởng.
Dù kiếm được bao nhiêu hay đang có những gì, ta càng biết tận hưởng, càng cảm thấy thoả mãn. Càng thoả mãn, càng cảm thấy bớt áp lực phải có thêm. Càng bớt áp lực phải có thêm, càng đỡ phải làm những việc chỉ vì tiền. Càng đỡ phải làm chỉ vì tiền, càng dễ có tự do và hạnh phúc.
Riêng đối với mình, thu nhập tuyệt đối có giảm nhưng thu nhập tương đối ngày một tăng lên. Thế nên, mình mới có thời gian viết bài, làm podcast như vầy nè.
Với Tiền là vậy, với các mối quan hệ thì sao?
29 năm trôi qua với đủ cung bậc cảm xúc trong các mối quan hệ, nhưng mình thấy trải nghiệm mất mát là trải nghiệm chạm đến mình sâu nhất. Cảm giác “mất mát” liên quan chặt chẽ đến việc thiếu vắng khả năng thụ hưởng.
Nỗi xót thương khi mất người thân thực chất là nỗi xót thương cho chính mình vì đã không thực sự tận hưởng được họ khi họ còn sống. Nỗi buồn khi chia tay người yêu thực chất là nỗi buồn khi nhận ra mình đã không hưởng thụ trọn vẹn những ngọt ngào khi người đó còn ở bên. Và nỗi luyến tiếc một mùa hoa đào thực chất là nỗi luyến tiếc của những giây phút không có mặt trọn vẹn cùng sự sống.
Lắng nghe Podcast: Bạn chẳng bao giờ hài lòng với cuộc sống?
Trên youtube:
Hoặc Spotify:
Comentarios