top of page
Writer's picturePhuong Nguyen

Vượt lên trên cả "Đồng tiền hạnh phúc"

Sáng nay khi thức dậy, mình có hai niềm vui sâu sắc: Nhành đào trước nhà bung ra những bông hoa hồng phấn đẹp tinh khôi, và những đồng tiền tri ân được gửi đến từ một thính giả của Chầm Chậm Mà Sống, cũng là học viên khoá học Thân Khoẻ Tâm An năm qua. Kèm với lời nhắn “Mình đã nghe chùa podcast và rất biết ơn những sản phẩm của team Nam Phương”.


Hai niềm vui này nối nhau khiến mình một lần nữa được dịp ngẫm lại một năm vừa qua: một năm mà mình đã đưa khái niệm "Money EQ - Tiền Hạnh Phúc” vào thực hành cho bản thân mình lẫn gieo duyên khắp mọi nơi. Ban đầu, nó là một loạt các “kỹ thuật” gần giống với các kỹ thuật NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy). Ví dụ như: Nói cảm ơn với tiền mỗi khi gửi đi hay nhận lại, dù lúc đó có thực sự cảm thấy biết ơn hay không. Mục đích của nó là thay thế các năng lượng kém lành mạnh trước đây (như tội lỗi, lo lắng...) bằng những năng lượng lành mạnh như biết ơn, hạnh phúc khi sử dụng Tiền.


Tuy nhiên, các bài tập này là khởi đầu cho những điều vượt lên trên cái đích của việc đạt đến các trạng thái đẹp như “Biết ơn” và “Hạnh phúc”. Nó cho mình một nền tảng tỉnh thức khi sử dụng tiền, từ đó mở đường đến với nhiều sự thật sâu sắc bên trong bản chất con người mình.

Một trong những sự thật sâu sắc mình đã nghiệm được là:

Tất cả các đối tượng bên ngoài mình đều bị “phủ màu” bởi các trạng thái tâm trí bên trong mình.

Giống như các lớp “filter” (lớp lọc) trong Instagram, mỗi trạng thái tâm trí sẽ có một lớp “phủ màu” riêng khiến cho con người bình thường chúng ta rất khó tiếp xúc khách quan được với các đối tượng bên ngoài. Ví dụ cùng một cảnh mưa phùn lất phất chiều cuối đông, có người thì chê “cảnh buồn” còn có người thì lại nói cảnh rất bình yên. Đó là vì trong lòng mỗi người đang có những suy tưởng, cảm xúc rất khác nhau và chính những trạng thái đó đã nhuộm lên cảnh trí các lớp màu khác nhau. Chuyện này dẫn đến việc chúng ta luôn có cái nhìn chủ quan, thiếu chân thực về hầu hết mọi thứ trong cuộc sống. Y như việc chúng ta cứ phải chỉnh màu sắc ảnh theo ý muốn trước khi post lên mạng. Rồi người khác có lúc ồ à với bức ảnh đẹp, nhưng có lúc lại thấy nó “fake fake”, sai sai. Họ biết thừa là người kia đã cố tình bóp méo thực tại.


Tương tự với đối tượng phức tạp hơn là “Tiền”, cảm nhận của chúng ta với đồng tiền có thể chủ quan ở mức độ đáng ngạc nhiên. Như hôm nọ, mình và một người bạn chia sẻ cảm nhận về những đồng tiền đã kiếm được trong năm vừa qua. Bạn mình kể rằng chỉ mới năm 2020, bỏ ra hai tháng để làm bục mặt ra rồi khi đếm lại “được mỗi 30 triệu, thấy chả đáng với đầu tư công sức lẫn cảm xúc!”. Thế nhưng qua năm 2021, cũng phải bỏ ra tầm đó mà thu về được đúng... 2 triệu, lại thấy rất ok. Bạn mình kết luận: Rõ ràng trải nghiệm với đồng tiền rất là chủ quan! Vậy thì chính việc trải nghiệm chủ quan đó mới quan trọng.


Mình gật gù đồng ý, vì bản thân mình cũng có trải nghiệm tương tự hết lần này đến lần khác: Có những lúc tiền đổ đến rất nhiều nhưng vẫn thấy “khô cằn” thiếu thốn, nhưng có lúc tiền đến rất ít mà như thể bên trong có một mảnh đất khô cằn được đón một cơn mưa mát mẻ.

May mắn là năm vừa rồi, mình đã cởi được những nút thắt sâu với đồng tiền và việc biết ơn tiền trở thành bản năng của mình. Đến mức khi bạn mình kể về một cuộc tụ tập mà ở đó mọi người hỏi nhau về trải nghiệm tiêu tiền lúc nào thì thấy biết ơn nhất, lúc nào thì thấy hối hận nhất..., mình tự soi lại và nói: “Mình không nhớ nổi năm vừa rồi có lúc nào mình tiêu tiền mà không thấy hạnh phúc!”



Nhưng như mình đã nói ở đầu bài, ngay cả cái đích “hạnh phúc khi sử dụng tiền” cũng không phải là đích cuối cùng. Cái đích xa hơn là đạt đến một cái nhìn sáng rõ về thực tại, khi rũ bỏ được các lớp phủ màu, dù chúng có vẻ đẹp đến đâu. Việc tạm dừng lại chút xíu để nói “cảm ơn” tiền thực chất đã tạo tiền để để mở rộng vùng quan sát-hay biết những gì thực sự đang diễn ra. Là không bị cuốn đi hoàn toàn theo chuỗi kích thích - phản ứng, của các lối mòn hành vi đã bị điều kiện hoá lâu năm. Khi tỉnh thức, chúng ta sẽ thấy mình có nhiều tự do lựa chọn hơn rất nhiều.


Một ví dụ đơn giản thế này: Thông thường, lựa chọn bị điều kiện hoá khi đi chợ là không để mình chịu thiệt, kì kèo mặc cả hoặc lựa thời điểm mọi thứ trở nên rẻ rúng. Nhưng chúng ta có thể chọn cho mình một cái giá mà không ai - dù mình hay người khác - phải là người chịu thiệt. Như hôm qua mình hỏi giá mấy nhành tuyết mai ở chợ, thấy giá cao nên mình đang hơi ngần ngừ. Một người mua đứng gần đó liền nhấm nháy: “Để chiều nay giá sẽ rẻ hơn nhiều”. Ai cũng biết chuyện Tết năm nào cũng có những người canh đến khi hoa ế ẩm, thậm chí bị đổ bỏ mới đến nhặt để tiết kiệm tiền.


Lúc đầu, mình xém nữa cũng đi theo lối cũ là làm theo lời khuyên của người đó. Thế nhưng ngay sau đó thấy lòng không thuận. Mình liền lựa chọn theo hướng ngược lại: Cứ mua, không mặc cả. Mua hoa với giá cao mà ngay sau đó thấy lòng rất yên vui. Yên vui vì không những có hoa đẹp ngay, mà còn vì mình đã không chọn cách trả rẻ cho công sức của người làm hoa lẫn vẻ đẹp thanh tao không gì sánh được của những nhành hoa đó.


Cũng có lúc tỉnh thức là khi mình đơn thuần chấp nhận rằng trong mình chưa có những trạng thái tâm đẹp ngay lúc sử dụng Tiền. Nhiều lúc mình quan sát được bên trong có khó chịu hay bực mình khi sử dụng Tiền. Như việc khi đến thăm một ai đó trong họ hàng, mình được nhắc hãy biếu tiền cho họ. Thật ra nếu để một cách tự nhiên thì mình cũng rất thích biếu, vì mình có lòng biết ơn thực sự. Thế nhưng, đôi khi cách thức được đề nghị khiến mình cảm thấy đó là “trách nhiệm và nghĩa vụ”, thậm chí mang tính “thủ tục”. Chính tinh thần này khiến mình cảm thấy trong mình nổi lên chống đối hay thậm chí là tức giận.


Tuy nhiên, mình không nghĩ bài học ở đây là tìm cách ép mình phải cảm thấy biết ơn, hạnh phúc. Mình cố gắng quan sát ngay lúc các trạng thái tâm trí này nảy sinh, cho phép nó ở đó. Thở với nó, chấp nhận nó. Cái hay là chỉ cần không cố gắng thay đổi, đè nén hay chạy trốn, thì trạng thái nào cũng chẳng ở lại quá lâu. Nó sẽ đến và đi, lại nhường chỗ cho các trạng thái khác. Nói thì dễ nhưng lắm lúc chuyện này cực kỳ khó khăn. Trong nhiều dịp, mình phải vận hết nội công để có thể chân thành thừa nhận những gì đang thực sự diễn ra bên trong, hay để ngừng lại kịp trước khi “phản công” với những lời nói, hành động sát thương. Khi nó đi rồi hay khi nó không còn quá mạnh và gây khó chịu, mình bắt đầu soi sâu hơn vào những điều kiện khiến cho những trạng thái đó nảy sinh.

Khi hiểu sâu rồi, mình thấy tâm trí vắng lặng. Và như một mặt hồ khi vắng lặng sẽ giúp ta soi rõ cảnh trí chung quanh, mình bắt đầu thấy các lớp phủ màu của tâm trí đang mất dần hiệu ứng.

Mặt hồ sẽ không bao giờ nói: “Ta sẽ chỉ phản chiếu những gì đẹp nhất”. Nó sẽ đơn thuần phản chiếu tất cả.

Dần dần khi quan sát đủ nhiều và đủ lâu, mình cũng dần biết được những điều kiện nào mình có thể tự tạo để những trạng thái lành mạnh dễ nảy sinh hơn. Giống như là việc làm đất trước khi trồng cây: Ta có thể không hoàn toàn chủ động được cuối cùng sẽ gặt hái được cái gì và bao nhiêu, nhưng việc của ta là làm đất tơi xốp trước khi gieo hạt và chăm sóc cây trồng tốt nhất trong khả năng của mình.

Ở đây, “làm đất” chính là chăm sóc cho mảnh đất tâm thức - “Tâm địa” trở nên màu mỡ. Trên một mảnh đất màu mỡ, cây trồng sẽ dễ phát triển hơn rất nhiều. Nó là một tập hợp của rất nhiều thực hành mang tính nuôi dưỡng & trị liệu trong cuộc sống, mà khi đi dần dần chúng ta sẽ ngày một thấy rõ hơn.

Mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn về các thực tập cụ thể của việc làm đất Tâm trong các bài học tới. Còn hôm nay, mình đơn thuần muốn nhắn gửi đến các bạn tầm quan trọng của việc đơn thuần hay biết & chấp nhận những lớp phủ màu của Tâm trí. Tết - với những phong bao lì xì trao nhau - là lúc chúng ta sẽ có dịp sử dụng Tiền rất nhiều. Vì vậy, một lần nữa ta có dịp hoàn hảo để thực hành quan sát.


Nghe Podcast của Phương về Money EQ:


Recent Posts

See All

תגובות


bottom of page