top of page

Vì sao cứ cái gì không tốt thì lại ngon?

Updated: May 4, 2020

Trích từ nội dung tài liệu cung cấp cho học viênĂn Lành Sống Chậm - Duy nhất trong năm tại Đà Nẵng:


Tiêu đề là câu hỏi của mình khi còn bé xíu, khi bị mẹ hạn chế ăn rất nhiều “món ngon" bao gồm đồ nướng, kem que và đồ ăn nhanh. Hồi đấy mình chả hiểu gì cả. Tại sao ít có món nào gây nghiện mà không bị cho là không tốt nhỉ:(. Biết là không tốt cho sức khoẻ mà nếu như có dịp đi với bạn bè là mình lại “ăn ngập mặt". Sau đó nhiều lúc về nhà vẫn ráng nhét thêm bát cơm rau với mẹ vì không muốn bị mắng. Thế là tuổi teen của mình là thời kì dạ dày phải hoạt động hết công suất, mỡ tích đầy đùi đầy mông và béo thôi rồi.


Thậm chí mãi 1 thời gian sau khi biết những thứ đó nguy hại như hế nào, mình thỉnh thoảng vẫn không kiềm chế được. Chả biết nên khóc hay nên cười nữa. Chắc chắn không chỉ mình là nạn nhân.


Forks over knives - 1 bộ phim tài liệu về Plant-based diet (chế độ ăn lấy thực vật làm trọng tâm) có giải thích vấn đề của chúng ta 1 cách trực quan và đơn giản nhất. Chọn lọc tự nhiên (Nature selection) đã cài vào gene của tất cả chúng ta Bộ Ba Động Lực (Motivational triad) bao gồm:

1.Tìm kiếm sự thụ hưởng

2. Lẩn tránh đau đớn

3. Bảo tồn năng lượng

Tất cả những điều này là cơ chế cơ bản và quan trọng nhất để đảm bảo gene của các loài được lưu truyền qua các thế hệ.



🍕1. Về cơ bản, chúng ta cũng chả khác lắm mấy con cá mập. Hoạt động được thúc đẩy mạnh mẽ nhất của “Tìm kiếm sự thụ hưởng” là:Tình dục và Thức ăn. Tất nhiên do rất nhiều yếu tố văn hoá, tôn giáo, lễ nghi...mà chúng ta kìm chế mình khỏi sự suồng sã. Nhưng so với Tình dục thì Thức ăn đôi khi lại “nguy hiểm" hơn ở chỗ ta có thể làm nơi công cộng và thiếu nó ta sẽ chết nhanh hơn là thiếu tình dục.


🍕2. Lẩn tránh đau đớn được thể hiện qua nhiều “công cụ" tuỳ theo nấc thang tiến hoá của chúng ta, trong đó có Vị giác. Vị đắng là vị thường báo hiệu chất độc, dù không phải lúc nào cũng thế. Nên nhiều phụ nữ mang thai đặc biệt nhạy cảm với vị đắng, như bản năng thích nghi để tránh cho bào thai non nớt khỏi các chất độc dù nhẹ của thực phẩm. Sự ghê tởm mang tính bản năng cũng là công cụ khác, khiến cho chúng ta “cảm thấy mắc ói" trước những dấu hiệu mùi, màu của thịt thối rữa, dịch và chất bài tiết…


Steven Pinker (Harvard): “Ghê tởm là sự nhận biết vi trùng thông qua trực giác".


🍕3.Bảo tồn năng lượng là bản năng khiến con người chúng ta luôn tìm cách làm 1 việc gì đó với ít mức năng lượng nhất có thể. Cùng với thời gian và sự tiến hoá của bộ óc, chúng ta nghĩ ra bao nhiêu thứ để tiết kiệm sức vóc, đến mức nhiều người chỉ có ngón tay là vất vả nhất do bận bấm bấm gõ gõ trên bàn phím. Còn sau vài cú click hay touch thì cả thế giới dịch vụ dâng tận miệng. Mình từng quản lý 1 số dự án làm app di động nhỏ. Lúc đấy, quy ước phải là: Không được yêu cầu khách quá 3 lần bấm để thực hiện 1 hành động - đặc biệt là hành động Mua hàng hay ấn nút Share thì chỉ nên 1 lần!

“Don't make me think" - kim chỉ nam của nhiều nhà thiết kế ứng dụng bây giờ là đừng có bắt người dùng phải động não nhiều! chứ đừng nói là vận động chân tay.


🍕Quay lại việc ăn fastfood nói chung: nó chính xác là sự kết hợp hoàn hảo giữa 1. và 3. Khi ta cắn vào 1 miếng pizza hay uống 1 lon Coca, bộ não ta được báo hiệu rằng ta đang ăn một món ăn với mức năng lượng cao nhất mà đòi hỏi một mức năng lượng ít nhất.


🍕Những thức ăn nhanh này đã được loại bỏ gần hết các chất xơ và khoáng và có rất nhiều thịt, muối, dầu. Cùng 1 mức là 500 calories chẳng hạn, nếu ăn rau ta sẽ no rất nhanh nhưng với các chất trên thì không. Đường trong 1 lon Coca 330ml là 35g! Hãy so sánh: tổng lượng đường tiêu thụ trong 1 ngày được WHO khuyến cáo cho người lớn chỉ 25g mà thôi! (5) Đường nhiều như thế để làm gì? Rõ ràng là để gây nghiện. Một số nghiên cứu thực hiện trong năm 2012 đã kết luận: ăn quá nhiều đường dạng fructose có thể phá huỷ khả năng tư duy, xử lý cảm xúc rõ ràng bởi vì các tín hiệu tế bào não bị suy thoá. Khả năng học và ghi nhớ thông tin cũng biến đối. Nói toẹt ra là nếu cứ vượt mức thì sẽ càng ngày càng ngu đi (4).


🍕À lại còn có 32mg-42mg caffeine trong 1 lon Coca 330ml nữa. (Họ sẽ nói nó chỉ bằng trà thôi mà, ừ, nhưng có ai bỏ những thành phần còn lại vào trà đâu?). Thật là những bộ tam, bộ tứ "hoàn hảo", bảo sao chúng ta khó thể cưỡng lại!


🍕Với đủ các thành phần khiến ta không bao giờ thoả mãn mà lại có hưng phấn tạm thời như vậy, ta luôn ăn quá đà chỉ để có cảm giác thoả mãn. Ta lâm vào cái bẫy khoái cảm, nơi tiếng nói của bản năng tự nhiên sáng suốt bị mờ nhoè đi cùng với những kích thích nhân tạo, hiện tại của cả trăm hợp chất tạo ngọt và điều vị ẩn giấu dưới những cái tên chung chung như "hương vị tự nhiên". Chưa kể là đối với Coca hay các loại tương tự, nó có tính axit khá cao (nó chứa axit phosphoric!) nên khiến cho các miếng thịt đi kèm được tiêu hoá nhanh chóng, tạo cảm giác "dễ tiêu". Nhưng đó cũng là môi trường hoàn hảo cho các vi sinh vật bất lợi phát triển.



🍕Còn nhiều lời giải thích hơn cho khoái cảm tội lỗi này của chúng ta, trong đó bạn có thể tham khảo Michael Pollan viết trong cuốn "tối nay ăn gì? ".Ông cho rằng chúng ta cũng thường ăn thật nhanh (và nhiều) để cố gắng bắt kịp ý tưởng nguyên bản của những chiếc hamburger ban đầu mình có, nhưng không thể thoả mãn.


🍕Ngày xưa khi các hàng thức ăn nhanh mới vào VN, nhiều người bạn mình chua chát nói rằng nước mình nghèo nên cái đồ rẻ tiền ở bển lại trở thành đồ xa xỉ của mình. Có nhiều gia đình trung lưu cứ cuối tuần là đưa con vào KFC như 1 cách tưởng thưởng vào cuối tuần. Ngày nay ư? Những hàng fastfood là nơi tổ chức sinh nhật cho trẻ!


🍕Khi đồ ăn nhanh = đồ ăn rẻ? Người nghèo sẽ nghèo trên mọi phương diện bao gồm lựa chọn thực phẩm và sức khoẻ.


🍕Nếu chuyện Tây bị coi là xa xôi thì nói chuyện Tàu. Ngày xưa Chu Ân Lai (Thủ tưởng CHND Trung Hoa 1949-1976) bị ung thư bàng quang nên đã yêu cầu 650,000 nghiên cứu viên ghi chép lại những mẫu số chung của những người tử vong vì ung thư trong giai đoạn 1973-1975 với hơn 880 triệu người. Mặc dù ổng chết trước khi cuốn Tập bản đồ tử vong ung thư (The atlas of cancer motarlity in China) được in năm 1981, những sự khác biệt kinh hoàng được ghi nhận: Với hầu hết các loại ung thư, vùng đất có tỉ lệ người chết cao nhất có sự khác biệt lên đến vài trăm lần vùng đất có tỉ lệ người chết thấp nhất. Thế là người Mỹ (đại diện là Dr.Colin Campbell) nhảy vào nghiên cứu thêm cùng người Trung Quốc (đại diện là Dr. Chen Junshi) và thực hiện 1 trong những nghiên cứu sâu rộng nhất từng được ghi nhận. Bạn nào quan tâm sâu có thể click vào các link bên dưới. Ở đây chúng ta chỉ cần biết kết luận sau cùng, ngắn gọn nhất được nhắn nhủ bởi các nhà nghiên cứu như sau:


-Những người có chế độ ăn nhiều protein động vật (chỉ cần 10% khẩu phần) sẽ dễ dàng mắc phải các bệnh mãn tính như ung thư, béo phì, tim mạch...gấp hàng chục đến hàng trăm lần những người có chế độ ăn nhiều protein từ thực vật.

-Chế độ ăn của những dân tộc khoẻ và trường thọ nhất trên thế giới luôn đặt thực vật làm trọng tâm, bao gồm rau-đậu-trái cây, ngũ cốc và 1 phần rất nhỏ thịt động vật.


Vâng, không có cái phương trình là:[Protein = Protein trong thịt] đâu ạ. Còn protein thực vật cụ thể nó nằm ở đâu thì ai quan tâm sẽ tự biết cách tìm kiếm nhé.


Mình cũng chỉ muốn chứng minh tình trạng khoái cảm gần như vô tội của mình khi lâu lâu ăn vài món bít tết hoặc miếng pizza mà thôi (Dù bây giờ đã biết làm và pizza thuần chay rồi). Ta cũng tạm nói đến kiểu nghiện đồ ăn nhanh với rất nhiều thịt chăn nuôi công nghiệp đã. Còn kiểu nghiện khác xin hẹn đợt sau:)


NGUỒN THAM KHẢO:

(1)Tường thuật kết quả nghiên cứu từ NY Times:https://goo.gl/yF20AH

(2)Film Forks over knives:https://goo.gl/ICc4VA

(3)Sách của Michael Polland:https://goo.gl/W4Ivk9

(4)Các nhà khoa học khuyến cáo ăn quá nhiều đường sẽ khiến bạn ngốc:http://geti.in/1kp8V6C

(6)Dẫn chứng cho các yên bố trong hình minh hoạ:








353 views

1 Comment


Vũ Mạnh Tùng
Vũ Mạnh Tùng
Sep 01, 2021

Hay lắm, bài viết rất chi tiết và tuyệt vời

Like
bottom of page