top of page

3 điểm tái kết nối: giải pháp chống trầm cảm & lo âu

Trong cuốn sách gây kinh ngạc về bản chất của trầm cảm mang tên “Mất kết nối", tác giả Johann Hari đã chỉ ra 9 nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng được xem là đại dịch tinh thần của thế kỷ 21. Trong đó, 6/9 là nguyên nhân đến từ sự mất kết nối:

  • Với công việc và ý nghĩa của nó

  • Với những người xung quanh

  • Với những giá trị có ý nghĩa

  • Với vị trí xã hội và sự tôn trọng

  • Với thế giới tự nhiên

  • Với một tương lai chắc chắn hoặc đầy hứa hẹn.

Tin tốt là, chỉ cần chúng ta xác định được đúng nguyên nhân nằm ở đâu, thì ngay chỗ đó sẽ hiện lên giải pháp. Gói gọn lại từ chín điểm nói trên, chúng ta sẽ nhìn thấy được ba điểm lớn cần được cấp thiết tái kết nối: Quan hệ với con người chung quanh, thế giới tự nhiên và những giá trị tốt đẹp sâu thẳm bên trong mỗi người (sau đó nó sẽ biểu hiện ý nghĩa công việc, vị trí xã hội, cảm giác vững chắc về tương lai của bản thân…). Hãy thử cùng nhau suy ngẫm thêm về ba điểm kết nối này.


1. Tái kết nối với thiên nhiên


Nếu không tĩnh lặng, thiên nhiên đối với ta đơn giản là “view đẹp", cảnh sắc bên ngoài, một giải pháp “sơ cứu cảm xúc" trong lúc quá bức bách, khổ đau.

Thiên nhiên luôn là điểm nương tựa mà con người thường mong muốn tìm đến mỗi khi gặp khổ đau lớn. Như những đứa con sống ở thành thị tách biệt mỗi lần quá mệt mỏi sẽ về quê thăm bố mẹ, để được tận hưởng sự chăm sóc ngọt ngào, khoan dung hiếm có. Tương tự như vậy với những người con của Đất Mẹ: bản năng ai cũng muốn tìm về với người mẹ chung mỗi khi cần vỗ về, nuôi dưỡng. Thế nhưng sau một số chuyến đi, nhiều người tự chất vấn bản thân rằng: mình có đang “tìm về thiên nhiên" như một giải pháp để chạy trốn tạm thời vấn đề của mình không? Hay thực sự, ta đang đi để nhận nuôi dưỡng và yêu thương của người mẹ chung - Đất Mẹ? Có hay không, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố mà trong đó quan trọng nhất là những nút dừng tĩnh lặng để ta có thể nghe được tiếng gọi yêu thương của Đất Mẹ. Nếu không tĩnh lặng, thiên nhiên đối với ta đơn giản là “view đẹp", cảnh sắc bên ngoài, một giải pháp “sơ cứu cảm xúc" trong lúc quá bức bách, khổ đau. Người ta dễ có xu hướng đi, nói chuyện và hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Dù vui vẻ trong thoáng chốc, điểm tái kết nối với thế giới tự nhiên đã bị chuyển sang trọng tâm kết giao với người khác. Đó là mức độ trải nghiệm của phần đông hiện nay.


Những bài học sâu sắc nhất về mối liên hệ với thiên nhiên đến từ những truyền thống trí tuệ cổ xưa: Thiên nhiên không phải là những gì “bên ngoài” ta mà còn ở ngay “bên trong” ta. Ta là con của Cha Trời Mẹ Đất như bao sinh vật khác. Ta không nằm trong trung tâm của thế giới tự nhiên, mà là một phần không thể tách rời với mạng lưới sự sống chung quanh.



Trong xã hội hiện đại, chúng ta tách mình ra quá xa khỏi tự nhiên đến mức việc chạm chân xuống đất - vốn chỉ mới vài thế hệ trước còn là điều tự nhiên - thì nay trở thành một điều gì đó xa lạ, thậm chí thiếu an toàn với nhiều người. Thế nhưng cùng lúc đó, những người thử nghiệm các liệu pháp tự nhiên như: Tắm từng, Chạm Đất và các xúc chạm tự nhiên đơn luôn cảm nhận được sự hồi phục đáng kinh ngạc của sự sống bên trong mình. Đó đơn giản là vì, ta được “nối mạch” trở lại với ngọn nguồn sự sống vô biên mà vốn dĩ ta là một phần trong đó. Đây là một sự thật đã được khoa học chứng minh.


Bản thân mình luôn chú trọng việc tạo ra những khoảng trống cho mỗi người và cho cả nhóm thông qua những bài tập được hướng dẫn cụ thể. Từ đó, mỗi người hay mỗi nhóm nhỏ có thể chuyển dịch từ việc: LÀM theo hướng dẫn → CẢM NHẬN tự thân → Tái KẾT NỐI thông qua TRẢI NGHIỆM trực tiếp. Mối dây liên hệ sâu sắc của mỗi người với mẹ thiên nhiên không nhất thiết phải được diễn đạt qua ngôn từ.


2. Tái kết nối với con người chung quanh


“Hạnh phúc là gì?” - ai trong chúng ta có lẽ cũng từng đặt câu hỏi này cho chính mình. Thế nhưng, không phải ai cũng chiêm nghiệm đủ sâu để tự đưa ra định nghĩa cho riêng mình. Mà nếu như không làm rõ định nghĩa của riêng mình, 99% khả năng là chúng ta sẽ bị cuốn theo cuộc truy đuổi hạnh phúc theo chuẩn mực của nền văn hóa trọng vật chất. Trong hàng loạt các nghiên cứu khoa học xã hội quy mô về vấn đề này, luôn có một khía cạnh nổi bật được nhắc đến - khía cạnh của những gắn kết trong xã hội, cộng đồng. Định nghĩa sức khỏe của WHO cũng bao hàm sự thoả mãn về kết nối xã hội, bên cạnh sức khoẻ của riêng mỗi người. Sức khoẻ của chúng ta đơn giản là không hề tách rời nhau.


Như nhà KHXH Brett Ford tóm tắt những kết luận chung: “Bạn càng nghĩ hạnh phúc là một điều có tính xã hội thì bạn càng trở nên tốt hơn.” Hàm nghĩa của điều này rất rộng. Ở phạm vi gia đình và bạn bè thân thiết, bạn đơn giản là sẽ có những thói quen và thái độ mang tính “trung bình cộng" của những người bạn hay tiếp xúc. Ở mức độ cao hơn, điều đó có nghĩa là bạn sẽ gia tăng khả năng hạnh phúc nếu vượt lên trên việc theo đuổi những mục tiêu chỉ phục vụ cá nhân mình, thay vào đó nỗ lực hướng đến đóng góp những lợi ích lớn hơn cho toàn bộ cộng đồng và xã hội.


Lý thuyết rõ ràng là vậy, nhưng thực tế có thể không dễ dàng đối với những người đang trên hành trình học cách đóng góp, phụng sự. Một trong những nguyên nhân chúng ta có xu hướng tư duy theo hướng quan hệ nhân-quả tuyến tính: Phụng sự xã hội ĐỂ một ngày nào đó sau này, bạn đạt được gì đó cho bản thân (dù là được thừa nhận, được tôn trọng, “có phước" hay phát triển tâm linh v.v…). Những mong đợi đó có thể đạt được hoặc không. Năng lực thực thi có thể theo kịp những hoạch định hoặc không. Một khi còn có mong đợi về kết quả, thì còn dẫn đến thất vọng, so sánh và ức chế của những người cố gắng đóng vai “người tốt" hơn mức nội lực sẵn có.

  • Nếu như chúng ta có thể cho đi đơn giản vì chính hành động đó cho ta niềm vui và cảm giác trọn vẹn?

  • Nếu như không còn sợ hãi và lo âu đi kèm, ta có thể làm gì để góp phần vào việc chữa lành thế giới này?

  • Nếu như ta không phải giải quyết các nỗi lo một mình mà có thể chung tay cùng tập thể, cách thức ta đang hành động sẽ thay đổi ra sao?


Đó là một vài trong những câu hỏi chiêm nghiệm mà các Vòng tròn kết nối có thể cùng nhau tìm câu trả lời. Ít nhất thì khi được lắng nghe với sự hiện diện và thấu cảm sâu sắc, những thu hoạch tập thể luôn giúp từng người mở rộng góc nhìn của riêng mình. Hành động tốt đẹp và hiệu quả luôn đến từ sự mở rộng trong góc nhìn và trường năng lượng yêu thương.


3. Tái kết nối với những giá trị tốt đẹp bên trong mỗi người


Trong một buổi cà phê với cô bạn cũ, mình được hỏi một câu thế này: “Nếu như trong các mảng Tiền bạc, Sự nghiệp, Sức khoẻ, Tình yêu, các mối quan hệ xã hội…bắt buộc có một mảng phải hy sinh để những mảng kia được giữ vững, cô sẵn sàng hy sinh điều gì?”. Mình trả lời đó là “Tiền bạc - hiển nhiên rồi!”. Bạn mình đặt nghi vấn: “Tôi đã hỏi rất nhiều người và ai cũng nói sẵn sàng hy sinh tiền bạc. Thế nhưng, vì sao thời gian hầu hết chúng ta dành cho việc kiếm tiền lại đang nhiều nhất?”. Câu hỏi này khiến cả hai đều ngồi trầm ngâm trước mâu thuẫn phũ phàng của con người hiện đại…


Mình tin rằng, thẳm sâu bên trong mỗi người đều hiểu rằng ta không thể truy cầu hạnh phúc bền vững thông qua tích cóp vật chất và thành tựu bên ngoài. Mỗi người đều có một vài việc nào đó mà có thể mang lại hạnh phúc nội tại cho họ ngay trong lúc làm, thay vì phải đợi đến một kết quả sau cùng.


Nhưng tâm trí của chúng ta chứa quá nhiều “phần mềm chạy ngầm" - những niềm tin được hình thành và củng cố từ hàng ngàn thông điệp của chủ nghĩa tiêu thụ. Những niềm tin đó khiến chúng ta không bao giờ thấy mình đủ tốt, và giải pháp để tốt hơn lên là làm việc nhiều hơn để có nhiều tích cóp hơn, và tích cóp rồi thì ra ngoài kia và mua sắm những giải pháp hứa hẹn sẽ giải quyết các vấn đề nảy sinh từ chính quá trình tích cóp đó. Những niềm tin đó nói rằng ta sẽ có “tự do" thông qua một lượng tài sản nào đó gom cho mình, thay vì giá trị mà ta trao tặng lại cho mọi người và cho thế giới…Những điều được lặp đi lặp lại, cho dù đúng hay sai, đều trở thành “thực tế" của một người, điều khiển cách họ sống.


Đức Phật có dạy về 4 loại “thức ăn":

  • Thức ăn qua đường miệng (Đoạn thực)

  • Thức ăn qua các giác quan (Xúc thực)

  • Những mong ước & chí nguyện sâu sắc nhất trong mỗi người (Tư niệm thực)

  • Tâm thức cộng đồng và của môi trường ta đang sống lên tâm thức của ta (Thức thực)

Rất nhiều người chúng ta đã mất kết nối đối với dưỡng chất của loại thức ăn thứ 3. Trong khi, lịch sử ghi nhận rằng các thánh nhân, hiền triết, những con người lỗi lạc…đã nuôi dưỡng mình chủ yếu bằng loại thức ăn thứ ba. Nó có sức nuôi dưỡng lớn đến mức loại thứ nhất và thứ hai trở nên cực kỳ đạm bạc, đến mức tối thiểu. Nó thúc đẩy những con người tưởng như nhỏ bé nhất, có xuất phát điểm thấp nhất vươn lên không ngừng và để lại những di sản tinh thần cho lớn cho nhân loại. Với bản thân mình, đây là điểm nương tựa để quay về mỗi lần nhận ra bản thân đang chán chường, ỳ trệ, không còn cảm thấy cuộc sống nhiều ý nghĩa.

Để nguồn dinh dưỡng này hiện lên rõ ràng và có sức mạnh chuyển hoá nội tâm thực thụ, mỗi người chúng ta hãy hỏi lòng thật kỹ:

….

Chưa thấy câu trả lời ngay cũng không sao. Đặt được câu hỏi đúng đã giúp ta mở rộng góc nhìn và liên tục quan sát, liên tục mở lòng đón nhận. Sống với những câu hỏi như vậy là sống với một công án thiền. Câu trả lời rồi sẽ đến thông qua thời gian và trải nghiệm.


Còn một khi câu trả lời đã đến, đó sẽ là một món quà to lớn. Mỗi sáng thức dậy, nhớ đến điều đó thì tự khắc cơ thể ta ngập tràn sức sống. Ta liền mỉm cười với 24h sắp tới.

99 views

Comments


bottom of page