Một cách sống mới
Hình ảnh ta có về một con người giác ngộ là một người có tự do và sức mạnh tâm linh, người không làm nạn nhân cho môi trường của họ.
Một người giác ngộ thấy được chính mình sáng rõ, biết họ là ai, và có một hiểu biết rõ ràng về thực tế - về bản chất của riêng họ lẫn thực tại của xã hội. Hiểu biết này là món quà quý giá nhất mà Thiền tông có thể trao tặng.
Cách hiện diện của một con người tỉnh thức là sự đóng góp tích cực căn bản nhất mà Thiền tông có thể tạo nên cho thế giới. Thiền tông là một truyền thống sống động, trong đó huấn luyện con người trong sự hiểu biết này và trong cách sống sao cho lành mạnh, dẻo dai và cân bằng. Nghệ thuật và suy nghĩ nảy mầm từ những tuệ giác sâu sắc của Thiền tông cũng có những phẩm chất của sức sống, sự vững chãi và bình an.
Liệu chúng ta có thể vun trồng những phẩm chất của thảnh thơi và tự do này hay không là một câu hỏi của sự tỉnh thức. Thế giới này không cần thêm một hệ tư tưởng hay một học thuyết mà cần một kiểu thức tỉnh có khả năng tái lập lại sức mạnh tâm linh của chúng ta. Với sự thức tỉnh thực sự chúng ta có thể thấy tình huống một cách rõ ràng và lấy lại chủ quyền của mình như những con người, từ những hệ thống kinh tế và xã hội mà chính chúng ta tạo dựng. Lối ra chính là tham gia vào một cách sống mới mà có khả năng tái lập chủ quyền và nhân tính của chúng ta.
Hành động trong tỉnh thức
Hành động nên dựa trên nền tảng của bản thể. Nếu bạn không có đủ bình an, hiểu biết và khoan dung, hay nếu bạn đang bị đè nặng bởi giận dữ và lo lắng, hành động của bạn sẽ có ít giá trị. vì thế, phẩm chất của hành động phụ thuộc vào phẩm chất của bản thể. Trong Thiền tông, chúng tôi nói đến hành động của phi-hành-động. Có những người dường như không làm gì nhiều lắm, nhưng sự hiện diện nơi họ lại tối quan trọng cho an sinh của thế giới này. Và có những người khác cứ cố gắng làm, nhưng chúng ta càng làm, xã hội lại càng gặp vấn đề bởi vì nền tảng của bản thể nơi ta không đủ tốt. Thi thoảng bạn không cần làm gì, nhưng bạn lại làm được rất nhiều. Và thi thoảng bạn làm rất nhiều, nhưng bạn lại không làm được gì; chẳng giúp được gì. Thậm chí có những người thiền rất nhiều, nhưng cơn giận và ghen tuông nơi họ vẫn như cũ.
Trong chiều kích lịch sử, đúng là có những thứ chúng ta cần phải làm, những hành động ta cần phải có để có thể bảo tồn, để nuôi dưỡng, để chữa lành và để hoà giải. Nhưng, trong chiều kích tối hậu, bạn có thể làm mọi thứ thật thư giãn và thật hân hoan, mà không cần phải lo lắng gì cả. Đó chính là hàm nghĩa của việc “thi hành cái hành động phi-hành-động". (acting the non-acting action). Bạn rất năng động, nhưng bạn thư giãn đến mức độ dường như bạn đang chẳng làm gì cả. Bạn tận hưởng mọi khoảnh khắc bởi vì bạn hành động từ một nền tảng của sự phi-hành-động, mà không cần ráng sức hoặc vội vàng.
Trong cách hành động này, những hành động của bạn trở thành một biểu hiện thực sự của tình yêu, quan tâm và tỉnh thức. Không phải là chúng ta cứ phải hành động. Nếu chúng ta tỉnh thức, hành động sẽ tự nhiên đưa ta đi, chúng ta không thể né tránh nó.
Trong truyền thống thiền chúng ta nói đến hình mẫu của một người không còn vướng bận (“businessless" person): người đã tự do, thảnh thơi, và không còn phải nỗ lực hay tìm cầu. Từ tiếng Việt là người vô sự. Một người tự do, vô sự rất tích cực trong việc giúp đỡ thế giới này và trong việc hỗ trợ xoa dịu khổ đau, nhưng không bao giờ bị cuốn đi bởi môi trường xung quanh họ hay theo công việc mà họ đang làm. Họ không đánh mất mình trong những lý tưởng hoặc dự án của họ. Điều này rất quan trọng. Chúng ta không nên làm gì để có khen ngợi, danh tiếng hoặc lợi nhuận tài chính. Chúng ta không nên làm để chạy trốn hoặc tránh né một ai đó. Chúng ta hành động từ tình yêu.
Khi chúng ta hành động từ tình yêu, chúng ta có thể cảm nhận hạnh phúc mà nó mang lại cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta làm gì đó mà thiếu vắng tình yêu, chúng ta đau khổ. Chúng ta thấy mình nói, “Tại sao tôi phải tự làm điều này? Tại sao những người khác chẳng giúp tôi?”. Điều quan trọng là không đánh mất mình trong hành động. Chúng ta giữ được chủ quyền trong mọi tình huống. Chúng ta thảnh thơi trong chính con người mình, và chúng ta tự do.
Thiền giả, Nghệ sĩ và Chiến binh
Thiền giả, nghệ sĩ và chiến binh không phải là ba con người tách biệt; mà là ba khía cạnh trong cùng con người bạn.
Trong tất cả mỗi người chúng ta có một thiền giả, một vị du già (yogi). Đó chính là mong ước được thiền, được thực tập, được trở thành một người tốt hơn, để có thể mang ra phần tốt nhất nơi mình, để có thể giác ngộ. Người thiền giả trong nội tâm mang đến cho ta sự minh mẫn, bình tĩnh và trí tuệ sâu sắc. Đó là Phật tính bên trong chúng ta. Chúng ta có thể muốn trở thành những con người tốt hơn, nhưng có những lúc chúng ta không thực tập, chúng ta không huấn luyện, không phải vì chúng ta không muốn mà bởi vì ta chưa tạo được những điều kiện đúng.
Trong mỗi chúng ta cũng có một người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ rất quan trọng. Người nghệ sĩ có thể mang đến sự tươi mới, niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống. Bạn cần phải cho phép người nghệ sĩ trong bạn được sáng tạo để mà bạn có thể luôn cảm nhận và tận hưởng dưỡng chất của sự thực tập chánh niệm của bạn. Nhiều người chúng ta không thể chịu nổi sự đơn điệu. Nếu chúng ta có quá nhiều một thứ gì đó, chúng ta muốn thay đổi nó, ngay cả khi chúng ta biết nó tốt. Điều này chỉ là tự nhiên thôi.
Bạn có thể hỏi, “Làm thế nào chúng ta có thể cứ đi trên một con đường mà chúng ta muốn tiếp tục, và cứ đi cho đến cuối đường?” Dĩ nhiên là, bạn cần kiên nhẫn. Nhưng bạn cũng cần một thứ khác: con đường nên trở nên hân hoan, nuôi dưỡng và có tính chữa lành. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra một cách để tạo nên niềm vui đó mỗi ngày.
Chúng ta cần sắp xếp cuộc sống hàng ngày của mình để nó không bị lặp lại và mỗi giây phút là một giây phút mới. Chúng ta cần tạo ra những cách thức sáng tạo để giữ cho tâm bồ đề của chúng ta (bodhicitta), tâm của người mới bắt đầu, được sống động và nuôi dưỡng.
Cho dù bạn đang ăn trong chánh niệm, lái xe trong chánh niệm, hay đang thực tập thiền hành và thiền toạ, bạn cần tạo ra những cách làm mới, để mà việc thở, đi và ngồi luôn luôn mang đến cho bạn niềm hân hoan, mà không phải bởi vì tôi siêng năng hay có kỷ luật nữa, mà bởi tôi cho phép người nghệ sĩ trong tôi được hoạt động và biến việc thực tập thành mới mẻ, thú vị, nuôi dưỡng và trị liệu.
Việc thực tập chánh niệm có thể luôn luôn có tính trị liệu và nuôi dưỡng, nếu như chúng ta biết cách sáng tạo. Chúng ta không nên thực tập như một cái máy mà như một sinh linh. Theo Tổ sư Lâm Tế, nếu như, khi đang đi hoặc ăn hoặc đi qua ngày của mình, bạn có thể tạo ra cho dù chỉ một chớp nhoáng của chánh niệm, điều đó đã đủ tốt. Chỉ 1% thành công là đủ tốt rồi bởi vì 1% đó có thể là nền tảng cho nhiều % khác.
Trong mỗi người chúng ta cũng có một chiến binh. Người chính binh mang đến sự quyết tâm tiến lên phía trước. Bạn từ chối bỏ cuộc. Bạn muốn chiến thắng. Và, như một người thực hành, bạn phải để cho người đấu sĩ bên trong này được trở nên tích cực. Bạn không muốn trở thành nạn nhân của bất cứ điều gì. Bạn chiến đấu để có thể làm mới lại thực tập thiền của bạn. Bạn chiến đấu để không cho phép mọi thứ trở nên nhàm chán. Vì vậy, thiền giả đi cùng với chiến binh. Chúng ta không nên sợ hãi những chướng ngại trên đường mình đi. Thực ra, có rất nhiều thứ có thể khiến bạn nản lòng. Nhưng, nếu như năng lượng của bồ đề tâm mạnh mẽ, nếu người chiến binh của bạn mạnh mẽ, bạn có thể vượt qua những chướng ngại này, và mỗi khi bạn vượt qua chúng, bồ đề tâm của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Theo cách này, những chướng ngại không thực sự là chướng ngại. Chúng là một bàn đạp tăng tốc cho trí tuệ và khát vọng.
Thiền giả, nghệ sĩ và chiến binh không phải là ba con người tách biệt; mà là ba khía cạnh trong cùng con người bạn. Và bạn nên cho phép cả ba khía cạnh này được hoạt động cùng lúc để có thể có được cân bằng. Chúng ta cần huy động tất cả các khía cạnh và không bao giờ để cho một trong số đó chết đi hoặc trở nên quá yếu ớt. Nếu bạn là một nhà hoạt động, một lãnh đạo chính trị, hay một lãnh đạo trong cộng đồng của mình, bạn cần phải biết cách làm thế nào để vun trồng ba khía cạnh này bên trong mình để bạn có thể trao tặng sự cân bằng, ổn định, sức mạnh và tươi mới cho những người quanh mình.
Nguồn: Nam Phương dịch từ nguyên tác tiếng Anh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Comentários